Nghiên Cứu & Bình Luận
Nguyễn Việt Chiến và loại hình thơ giao cảm
14:44 | 23/06/2023

NGUYỄN THANH TÂM

Đến thời điểm hiện tại (3/2023), Nguyễn Việt Chiến đã xuất bản 8 tập thơ, 2 tập tiểu luận - phê bình và 1 tiểu thuyết.

Nguyễn Việt Chiến và loại hình thơ giao cảm
Ảnh: tư liệu

Qua hơn 30 năm cầm bút, vừa là nhà thơ, nhà báo, lượng tác phẩm như vậy, theo tôi không nhiều. Thế nhưng, Nguyễn Việt Chiến lại là cái tên không thể không nhắc trong đời sống thơ ca Việt Nam đương đại. Điểm không thể không nhắc ấy (ngoài việc anh phổ biến mình quá rộng rãi) nằm ở tính chất đa dạng của thơ Nguyễn Việt Chiến. Bắt đầu từ Mưa lúc không giờ (1992), qua những Ngọn sóng thời gian (1998), Cỏ trên đất (2000), Những con ngựa đêm (2003), Trăng và thơ đọc chậm (2012), Hoa hồng không vỡ (2015), Tổ quốc nhìn từ biển (2015), Trường ca Biển (2015) đến Thơ và Trường ca (tuyển, 2023), người đọc có thể nhận ra, trong thế giới trữ tình của Nguyễn Việt Chiến, có sự đồng hiện của nhiều ngôi - vai trữ tình gắn với cái tôi đa diện: cái tôi luyến ái, cái tôi công dân, cái tôi trí thức - nghệ sĩ. Điểm này, xét rộng ra cũng chẳng phải là điều riêng khác của Nguyễn Việt Chiến. Cái khác là ở cấp độ - mức độ. Nguyễn Việt Chiến thể hiện những trạng thái tinh thần - mĩ cảm ấy khá mạnh mẽ, có hệ thống, tạo thành những dòng mạch rõ rệt. Dù trong tư cách nào, những cái tôi ấy đều tỏ bày một cách say sưa, dào dạt, tâm huyết, ẩn chứa nhiệt hứng của thi sĩ. Chính cấp độ và mức độ cùng khả năng vẫy gọi - giao cảm, hô ứng ấy đã đưa Nguyễn Việt Chiến vào vị trí là một trong những tên tuổi nổi bật của loại hình thơ giao cảm.

1. Thế nào là loại hình thơ giao cảm?

Giao cảm vốn là đặc tính trong hành trình của nghệ thuật. Tuy nhiên, khi nhấn mạnh vào khía cạnh loại hình (typology), tôi chú trọng đến những điểm tương đồng mang tính quy luật, xuất hiện ở nhiều tác giả, tác phẩm, thậm chí là ở những giai đoạn thơ. Đó là loại hình thơ hướng đến việc phô bày cảm xúc, vẫy gọi sự đồng cảm từ phía người đọc như là ý hướng đầu tiên, chủ đạo (cảm trước -nghĩ sau). Nói đến loại hình thơ giao cảm cũng là nói đến sự phân loại tương đối (NTT nhấn mạnh) giữa nó với loại hình thơ khác như thơ triết luận (nghĩ trước -cảm sau). Sự chồng lấn của hai loại hình này là điều không tránh khỏi, nằm trong bản chất của việc tiếp nhận. Mặc dù vậy, ngay khi tiếp cận văn bản thơ, loại hình thơ giao cảm kích hoạt mạnh mẽ cảm xúc (trái tim) còn loại hình thơ triết luận lại đánh thức suy tư (trí não) người đọc. Như vậy, có thể cùng một điểm đến, nhưng hành trình của hai loại hình này là khác nhau. Chẳng hạn, khi Tố Hữu viết: Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi/ Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt/ Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát/ Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca (Ta đi tới), đó là những dòng thơ thể hiện niềm say mê với vẻ đẹp của quê hương đất nước, làm người đọc thêm yêu Tổ quốc mình. Khi Hoàng Nhuận Cầm viết: Em đã yêu anh, anh đã xa rồi/ Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi/ Anh nhớ quá mà chỉ lo ngoảnh lại/ Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên (Chiếc lá đầu tiên) người đọc chưa cần nghĩ nhiều mà chỉ thấy dâng lên trong lòng mình cảm xúc chia xa, tiếc nuối về những năm tháng thương yêu, tươi trẻ. Trong khi đó, đứng trước những dòng thơ của Thanh Thảo, suy tưởng chợt kéo đến, chất vấn chúng ta về thái độ, trách nhiệm làm người của mình: máu đỏ thật không ồn ào/ máu lặng lẽ ướt đầm ngực áo/ hạnh phúc nào cho tôi/ hạnh phúc nào cho anh/ hạnh phúc nào cho chúng ta/ hạnh phúc nào cho đất nước (Thử nói về hạnh phúc). Với thơ Trương Đăng Dung, phần trí não của người đọc sẽ phải làm việc cật lực để thông hiểu sau đó cảm xúc mới được định hình một cách rõ rệt: Một người nói: Hôm nay là thứ Bảy/ Đám đông nói: Ngày cuối năm/ Thời gian nói: Tôi luôn là hiện tại (Đối thoại). Nếu chẳng có ý niệm gì về triết học hiện sinh (phương Tây) và cảm quan “sống đời” (minh triết phương Đông, dân gian) e chừng sự đọc đã để rụng rơi nhiều ý nghĩa trong những dòng thơ ấy.

Nói đến loại hình thơ nghĩa là phải có các tiêu chí đặc trưng để cố kết nó trong một cấu trúc nhất định. Xếp chồng những tác phẩm thuộc loại hình thơ giao cảm, có thể thấy, cái lõi của nó là kiểu tư duy biểu cảm, phương thức nổi bật là sự lôi cuốn của vần - nhịp điệu và nhạc tính, phương tiện chủ đạo là ngôn từ, hình ảnh gợi cảm - trực quan.

Trở lên, cơ sở của việc định dạng một loại hình thơ chính là thực tiễn sáng tác, tiếp nhận của các tác giả - tác phẩm. Với loại hình thơ giao cảm, Nguyễn Việt Chiến là một trường hợp rất tiêu biểu (tiêu biểu cho đặc tính giao cảm sâu dày trong thơ trữ tình Việt Nam, từ truyền thống đến hiện tại). Tiểu luận này tập trung vào ba trọng điểm: kiểu tư duy thơ - phương thức nổi bật - phương tiện chủ đạo trong thơ Nguyễn Việt Chiến, nhằm hình dung rõ hơn về các giả thuyết nêu trên.

2. Kiểu tư duy biểu cảm trong thơ Nguyễn Việt Chiến

Thế giới nghệ thuật là kết quả của tư duy nghệ thuật. Như vậy, tư duy nghệ thuật là lĩnh vực động, có tính quá trình, được vận hành thông qua các thao tác tưởng tượng, liên tưởng, suy tưởng… cả trong ý thức và vô thức. Xem xét thơ Nguyễn Việt Chiến có thể nhận ra cảm xúc là yếu tố đầu tiên khơi mở ý tình, dẫn dắt tư duy, tạo lập thế giới nghệ thuật. Nói cách khác, những yêu - thương - nhớ - quên - vui - buồn - hờn - giận - oán - sầu - khinh - ghét - căm thù - phẫn nộ… là động cơ chính trên hành trình tư duy thơ. Tám tập thơ đã xuất bản của Nguyễn Việt Chiến, nếu có thể khoanh vùng một cách tương đối, đã định hình theo những mạch cảm xúc như thế, hình thành mảng thơ tình yêu, thơ trữ tình chính trị - công dân, thơ trí thức - nghệ sĩ… Trong thơ tình, cái tôi dâng đầy xúc cảm đã dựng nên không gian - thời gian của tình yêu, cùng tình nhân và các sắc thái của luyến ái: Ta xa miền thơ ấu/ Ta xa mùa yêu thương/ Ta qua miền tưởng tượng/ Ngỡ còn em… đâu còn (Mùa này sông cạn nước). Thơ ấu, yêu thương, em là những hội tụ làm nên “vùng nhiễu động” tâm tư của anh. Em của ngày xưa, em của hôm nay, anh của quá khứ, anh trong hiện tại, vùng trăng yên bình và vùng trời nhiễu động, cái dở dang đã phong nguyên trong hoài niệm, cái còn đắp đổi, lở bồi,… là những đối cực trong dòng mơ tưởng của Nguyễn Việt Chiến: Cô đơn xuống một đò đầy/ Tôi chờ em phía bên này mùa đông/ Cát còn bay trắng bến sông/ Người còn đi trắng mùa mong ước này/ Tôi cầm hạt cát trên tay/ Đêm không còn ấm như ngày có em (Cát đợi); ở bên kia thành phố có sương mù/ ai hát đấy: ta buồn như cỏ dại/ dậy thôi em, mùa thu không trở lại/ giấc mơ nào trên cỏ hãy còn xanh… (Mùa thu không trở lại). Người đọc chưa cần huy động trí lực, cứ để dòng cảm xúc lan thấm vào tâm can; đồng cảm với nỗi buồn, sự cô đơn, lạnh lẽo của cái tôi trữ tình trong thơ. Ở đây, ta cũng không gặp những “nút thắt”, những “vấp ngã” của tình huống ngôn ngữ buộc trí não phải làm việc. Sẽ không có sự chất vấn, truy tìm, hoài nghi, lưỡng lự cân nhắc đúng sai phải trái trong những ví dụ thơ như vậy. Chỉ có cảm xúc, vẫy gọi ngôn từ, hình ảnh, cố gắng chuyển tải tới người đọc trạng trái tình cảm của chủ thể một cách trọn vẹn nhất. Tư duy biểu cảm lấn át tư duy nghị luận - triết luận, dâng lên và bao phủ thành khí quyển của thơ Nguyễn Việt Chiến. Điều này sẽ thể hiện rõ hơn ở mảng thơ thế sự - “trữ tình công dân - trữ tình chính trị”: Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/ Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi (Tổ quốc nhìn từ biển); Có nơi nào như Đất nước chúng ta/ viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ/ khi giặc đến vạn người con quyết tử/ cho một lần Tổ quốc được sinh ra (Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra)… Mạch nguồn cảm hứng sử thi vốn đã sôi trào mạnh mẽ trong truyền thống thơ cách mạng Việt Nam tiếp tục được Nguyễn Việt Chiến khai thác. Không thể nói là chúng ta không nghĩ, nhưng cái nghĩ ấy được thôi thúc từ trái tim đang rung lên trước lịch sử - vận mệnh -dáng hình đất nước. Người đọc có thể nghĩ gì/ nghĩ gì khác nữa, trong những bài thơ này của Nguyễn Việt Chiến? Sự đồng thuận là điều dễ nhận ra bởi cảm xúc tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào tâm hồn ta. Tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc cùng những lo âu trước bao hiểm họa đến từ nhiều phía đã hòa dòng máu của chúng ta làm một, cuộn sôi trong huyết quản, cuốn phăng đi những toan tính nghĩ suy, những đắn đo hơn thiệt, những thu vén riêng tư. Điều đó là kết quả của kiểu tư duy biểu cảm dựa trên mạch sử thi mà Nguyễn Việt Chiến đã luôn gìn giữ trong trái tim mình.

3. Vần - nhịp điệu và nhạc tính: chất men của cảm xúc

Kiểu tư duy biểu cảm sẽ chi phối toàn bộ quá trình tạo lập thế giới nghệ thuật. Ở phương thức biểu đạt chúng ta nhận ra sự ưu trội của vần - điệu và nhạc tính, như là chất men của cảm xúc. Trong cơ chế tâm lý thông thường, cảm xúc cần nhiều hơn sự liên minh từ vần - điệu và nhạc tính, bởi sự du dương, dào dạt, nhịp nhàng mà nó tạo nên. Nguyễn Việt Chiến không tránh khỏi cơ chế này, và thực tế, sẽ cần trưng dụng cơ chế này để tối ưu hóa hiệu quả biểu đạt.

Vần, xét trong cơ chế là sự lặp lại của một từ hay bộ phận, thành tố của từ theo một quy luật nhất định hướng tới việc tạo nên những cấu trúc cộng hưởng và vang vọng - vốn là dấu hiệu hình thức đặc trưng của thơ truyền thống. Nhờ có vần mà cảm xúc được dẫn dắt và lan tỏa: Tháng giêng mưa ngoài phố/ Mưa như là sương thôi/ Những bóng cây dáng khói/ Như mộng du bên trời (Mưa tháng giêng); Ta lặn xuống chiếc bình đêm day dứt/ Những thân hoa còn tươi vết cắt này/ Môi ta chạm vào ngực hoa đau nhức/ Một mùi hương dĩ vãng chẳng lưu đày (Ta nặn lại chiếc bình đêm tan vỡ); Đất quặn đỏ ngàn năm trận mạc/ Bao lớp người như sóng trùm lên/ Trên dải đất ba ngàn cây số biển/ Mong tháng ngày đất nước được bình yên (Tổ quốc bên bờ biển cả)… Nguyễn Việt Chiến tỏ ra là người làm chủ một cách rất linh hoạt yếu tố vần trong thơ mình. Đọc những bài thơ có vần của anh, ta thấy lưu loát, tự nhiên, với khí lực dày dặn. Khí lực ấy là kết quả của cảm xúc luôn dâng đầy trong thơ Nguyễn Việt Chiến. Đó chẳng phải là cơ sở để thi sĩ giao cảm cùng tha nhân hay sao?

Vần (và không chỉ vần) tạo nên nhịp điệu. Nhịp điệu là cấu trúc lớn hơn, hình thành bởi tất cả thành tố hữu hình và vô hình trong không gian thơ. Cái hữu hình (hiểu như là cái có thể quan sát bằng thị giác) là ngôn ngữ, hình thức văn bản. Cái vô hình là chất thơ, là điệu tâm hồn, hơi thở và sức sống tiềm tàng của chữ - nghĩa, hình tượng, cấu trúc… Trong loại hình thơ giao cảm, những yếu tố này vận hoạt theo biểu đồ cảm xúc của chủ thể trữ tình.

Xem xét thơ Nguyễn Việt Chiến, ta thấy nhịp điệu khi miên man, khi dào dạt, khi cuộn trào, nhưng tính liên tục vẫn được duy trì bởi mạch cảm xúc: Chiều cuối năm sông vắng/ Gặp sông bỗng nhớ về/ Mùa cỏ may năm ấy/ Em xa rồi như quê (Làng bên kia Trung Hà); Chúng đừng mong thôn tính/ một dải biên cương này/ máu thiêng bao người lính/ vẫn sục sôi đâu đây/ Vị Xuyên ngày giỗ trận/ bao lớp người lên đây/ màu áo xanh lính trận/ điệp trùng dưới ngàn mây (Ngày giỗ trận). Trong cơ chế sáng tạo, việc giữ được tính liên tục của cảm xúc rất quan trọng, nó làm nên chỉnh thể thống nhất của ý tình trong thơ (có một thực tế, ở nhiều người khác, mạch cảm xúc bị ngắt quãng, hụt hơi, tán lạc, dẫn đến không duy trì được tính chỉnh thể vẹn nguyên. Nỗ lực khơi đào trở lại mạch cảm xúc này chỉ làm cho bài thơ hiện ra vẻ chắp vá đáng thương của nó). Có thể nói, với Nguyễn Việt Chiến, anh làm khá tốt điều này, cảm xúc trở thành “vốn tượng trưng” (Pierre Bourdieu) để thi sĩ giao cảm với người đọc. Phải mạnh mẽ, miên man, dào dạt và liên tục mới có thể lay động tâm hồn kẻ khác, đó là điều mà loại hình thơ giao cảm này hướng đến. Mạnh ở bình diện này, thế nên, ở những sáng tác giai đoạn sau, Nguyễn Việt Chiến chủ động thêm dấu chấm vào các câu - dòng thơ, điều chỉnh nhịp điệu, tạo thành thứ thơ “đọc chậm” như là một phương thức tiết chế tính liên tục của cảm xúc. Bản thân tôi chưa ghi nhận hiệu quả thẩm mĩ thực sự của lối thơ “đọc chậm” này.

Vần, nhịp điệu tạo nên nhạc tính. Nhạc tính là kết quả của việc tổ chức âm thanh, vần, nhịp điệu trong thời gian (Âm nhạc là loại hình nghệ thuật thời gian). Sự cộng hưởng của các thành tố trong một văn bản thơ mang lại tiết tấu - nhạc tính, biểu đạt điệu thức của tâm hồn thi sĩ. Cầm giữ và tổ chức nhạc tính trong thơ Nguyễn Việt Chiến vẫn là cảm xúc khi nó chủ động vẫy gọi các ký hiệu giàu tính nhạc. Đây là thế mạnh của loại hình thơ giao cảm (điều ta ít khi nhận ra một cách rõ rệt trong thơ triết luận): Phố trong mưa khuấy động màu sơn/ Giai điệu trắng cầm ca giữ nhịp/ Đây bè trầm giọng ngói xô nghiêng/ Cùng tiếng gió bè cao xoáy tít (a phố vào tranh); Em có nghe trên cát/ Tiếng chim hồn nhiên bay/ Em có nghe dưới cát/ Buồn sông không lấp đầy// Mùa tương tư ủ chín/ Nhạc tương tư ngất ngây/ Màu tương tư phơ phất/ Men tương tư nồng say (Mùa này sông cạn nước); Suốt ngàn năm không cúi đầu nô lệ/ Chim Lạc bay trên khát vọng trống đồng/ Mẹ vẫn ngóng nơi đầu non cuối bể/ Tan giặc rồi con mẹ có về không? (Tổ quốc bên bờ biển cả). Nhạc tính cuốn người đọc vào cảm xúc, làm đầy thêm cảm xúc để đồng vọng cùng thi sĩ. Chất men ấy làm say lòng người và hiệu quả biểu đạt đã được thực hiện. Ta cảm nhận được vũ khúc của mưa, hân hoan mê đắm theo gót chân thiếu nữ qua phố. Ta cảm nhận được điệu tương tư da diết trên nhịp lở bồi của dòng sông, của thời gian. Ta cảm nhận được âm hưởng trầm hùng bi tráng trong lời thơ cất lên bên bờ biển cả. Cảm xúc đưa ta đi chạm vào miền mơ tưởng của thi sĩ, để nhân lên nguồn mạch của yêu thương và gắn bó.

4. Ngôn từ, hình ảnh gợi cảm - trực quan, rút ngắn khoảng cách đồng cảm

Cảm xúc vốn là thứ vô hình, nhờ có ngôn từ, hình ảnh (ký hiệu) mà hiện hữu. Giao tiếp nghệ thuật bắt đầu bằng/ từ hình thức. Chính vì thế, đối với loại hình thơ giao cảm, để tăng hiệu quả biểu đạt, tối ưu hóa việc đồng điệu giữa thơ và người đọc, lớp ngôn từ và hình ảnh gợi cảm được sử dụng triệt để. Nguyễn Việt Chiến tỏ ra nắm rất vững cơ chế này: Tiếng gì trên cỏ vừa rơi/ Hình như phía ấy có người bỏ đi/ Đạp lên cả ánh trăng khuya/ Tiếng trăng như lá vỡ nghe thật buồn (Tiếng trăng); đèn vàng lầy lội ngõ khuya/ mưa trên phố cổ còn nghe ngậm ngùi (Phố); Ta về chín cõi yêu thương/ gặp chia ly ở mười phương hẹn hò/ Trưa nay ta bỗng sững sờ/ gặp mùi lúa chín như vừa chiêm bao/ Em đi tự cõi sống nào/ về trần gian cũ gặp bao đóa người (Chiêm bao); Nếu quê mẹ thân yêu xa vắng biển/ Mây Trường Sơn u uất sẽ thôi bay/ Sóng sông Hồng cuộn sôi mùa lũ đỏ/ Đồng Cửu Long bóng lúa mãi hao gầy (Tổ quốc bên bờ biển cả)… Trong các dẫn chứng này (và cả ở trên), tôi đều có ý bao quát các quãng thời gian khác nhau trong hơn 30 năm cầm bút của Nguyễn Việt Chiến (từ cuối những năm 80 - thế kỷ XX đến nay) cả ở mảng thơ tình và thơ thế sự, nhằm thấy được sự phổ quát của đặc tính loại hình thơ giao cảm. Ở khía cạnh ngôn từ, Nguyễn Việt Chiến sử dụng nhiều các từ có chức năng biểu cảm: buồn, ngậm ngùi, yêu thương, sững sờ, thân yêu, u uất, cuộn sôi, hao gầy… Đây là cơ chế lựa chọn tất yếu bởi trường văn hóa, trường thẩm mĩ của người đọc và tác giả vốn có những điểm gặp gỡ khi cùng sở hữu một thứ ngôn ngữ. Có lẽ, nếu làm một thống kê chi tiết, chúng ta sẽ nhặt ra được khá nhiều các từ ngữ biểu đạt trực tiếp cảm xúc của người viết, của chủ thể trữ tình trong thơ Nguyễn Việt Chiến. Ở bình diện thi ảnh, người đọc sẽ bắt gặp lớp hình ảnh gợi cảm - trực quan. Nghĩa là, gợi cảm và có thể nhận biết ngay được. Khi yêu thương nhung nhớ, thi sĩ gọi về làn hương, mái tóc, vạt áo, bàn tay, dòng sông, bờ đê, bãi mía, con đò… Khi tủi buồn trong thân phận, thi sĩ chạnh nghĩ về cỏ, về cát, về bùn, về rong rêu, lá rụng. Khi phẫn uất, căm giận hay nghẹn ngào trước các vấn đề thế sự, thời cuộc, dân tộc, đất nước, Nguyễn Việt Chiến triệu hồi các hình ảnh đậm màu sắc sử thi như Bạch Đằng Giang, Sông Hồng, Cửu Long, Trường Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Tiên Rồng, Trống Đồng, ngàn năm, sử đỏ, máu huyết, sóng, đá, biên thùy… Có thể nói, hình ảnh trong thơ Nguyễn Việt Chiến luôn đựng đầy cảm xúc, dội vào lòng người đọc ở “cự li” ngắn, thế nên những rung ngân tức khắc được cộng hưởng. Suy tưởng nhường phần cho tưởng tượng, liên tưởng, kết nối cảm xúc của thi sĩ với người đọc, tạo nên hiệu ứng thấm thía và lan tỏa.

5. Tạm kết

Những khu biệt loại hình luôn gợi lên vẻ gì đó khó chịu khi “lăm le” dán nhãn cho các thực tại. Đó là điều tôi đã luôn ý thức khi viết về Nguyễn Việt Chiến và loại hình thơ giao cảm. Sự thật, còn những bình diện, những mảng miếng khác nằm ngoài loại hình mà tôi nhận ra, thể hiện sự đa dạng trong sáng tạo của Nguyễn Việt Chiến. Chẳng hạn, phần thơ tự do với những nỗ lực cách tân cả về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Dẫu vậy, như một căn nhà lớn, chúng ta chỉ có thể quan sát từng phần, bài viết này tập trung vào mặt tiền của thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Việt Chiến. Mặt tiền này phô bày phần lớn tâm ý, cảm xúc, thái độ của chủ thể nhằm hiện diện trong bản đồ thi ca đương đại Việt Nam. Những góc khuất hay những ẩn giấu sẽ còn mời gọi chúng ta trên hành trình giao cảm và ngẫm ngợi về thi ca.

N.T.T
(TCSH411/05-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng