Nghiên Cứu & Bình Luận
Vài mẹo về tiểu thuyết dài (tiếp theo)
13:59 | 02/02/2024


PHAN NGỌC

Tặng các nhà tiểu thuyết trẻ

Vài mẹo về tiểu thuyết dài (tiếp theo)
Ảnh: tư liệu

MẸO 4: VAI TRÒ CỦA NGẪU NHIÊN

Nếu ai hỏi tôi lý do gì khiến cho tiểu thuyết Trung Quốc được lưu hành rộng rãi khắp Đông Nam Á, đến mức góp phần vào sự hình thành các nền văn học các nước này thì tôi sẽ trả lời: Nguyên nhân chỉ có một chữ "khéo tận dụng sự ngẫu nhiên". Cả tiểu thuyết cổ cũng như loại sách mà người ta coi khinh như kiếm hiệp, chưởng. Tôi không đi tìm động cơ, tôi tìm mánh khóe, mẹo. Mẹo nào có lợi cho các tác giả của nước tôi thì tôi giới thiệu. Cái mẹo tự nó không có liên quan tất yếu gì tới động cơ, đạo đức cả, cũng như khẩu súng, tự nó có thể giúp ta chống địch, nhưng cũng có thể là công cụ địch dùng để nô dịch nước ta. Tội lỗi không ở khẩu súng, mà ở chỗ ta chưa biết tạo nên khẩu súng, sử dụng nó thành thạo.

Tiểu thuyết Việt Nam rất yếu về mặt ngẫu nhiên. Hình như ngay trong lòng các tác giả có sự ngần ngại: đưa ngẫu nhiên vào thì cái ta muốn chứng minh là sự tất yếu sẽ bị vi phạm. Đó là một cách suy luận siêu hình. Tất yếu là cái chỉ biểu lộ qua vô số sự ngẫu nhiên. Không có ngẫu nhiên không cách nào biểu lộ sự tất yếu một cách sinh động và trọn vẹn được. Vậy có hai cách: cách sử dụng ngẫu nhiên vì bản thân nó. Cách sử dụng ngẫu nhiên vì chính yêu cầu của tất yếu. Dĩ nhiên, tôi chỉ nói đến cách thứ hai. Bởi vì mục đích của tôi trước sau chỉ để phục vụ một nền văn học cách mạng, nhưng vẫn làm đất nước giàu có vì có sức lôi cuốn mạnh mẽ.

Khi chúng ta loại trừ ngẫu nhiên ra khỏi tiểu thuyết, thì các nhân vật của ta chỉ còn là những nhân vật của "Nhị thập tứ hiếu", của truyện cổ tích, thần thoại và vân vân. Để đối phó với tình trạng này, nói chung tiểu thuyết hiện đại sử dụng những biện pháp của tiểu thuyết châu Âu. Hồi ức, đấu tranh nội tâm, sự cô lập hóa nhân vật vân vân. Điều này sẽ bàn ở một mục khác. Những mẹo ấy rất có hiệu lực ở một xã hội trong đó con người đối diện với chính bản thân, và những biểu hiện khác nhau của bản thân như nội tâm, Thượng đế. Dĩ nhiên chúng vẫn có ích đối với con người hiện đại. Nhưng với người Việt Nam, câu chuyện chính không phải là "Đi tìm thời gian đã mất", ngẫm nghĩ về cái phi lý... mà là hành động. Vậy hành động có quyền của nó trong sự diễn biến của hành động.

Theo tôi, không nền văn học nào giỏi tận dụng ngẫu nhiên bằng văn học Trung Quốc cổ. Sở dĩ như vậy là có lý do. Những chuyện như Tam Quốc Chí, Thủy Hử... trước khi in thành sách, đã có một truyền thống kể chuyện miệng ở các quán trà, do những người chuyên nghề này làm. Có những trường phái riêng, được đào tạo công phu. Một câu chuyện nhỏ như chuyện Chu Du ốm, Gia Cát đến thăm chữa bệnh cho Chu Du, người ta kể suốt ba tiếng đồng hồ. Nghệ thuật kể chuyện chung quy là kéo dài câu chuyện mà người nghe vẫn bị thu hút. Muốn thế, phải tạo ra những điều ngẫu nhiên làm trì hoãn câu chuyện. Một câu chuyện thẳng đuồn đuột thì làm cách nào thu hút người ta được, nhất là muốn đưa lên màn truyền hình thì đòi hỏi quá nhiều ở diễn viên, đạo diễn, nghệ thuật trang trí, quay... Trái lại, một câu chuyện có nhiều ngẫu nhiên thì dễ lôi cuốn, khi diễn xuất không đòi hỏi quá nhiều ở cách thể hiện nội tâm, ở tài diễn xuất. Việt Nam xưa không có truyền thống kể chuyện văn xuôi để lấy tiền, mà chỉ có truyền thống kể chuyện bằng thơ. Loại chuyện này ít điều ngẫu nhiên mà chủ yếu tập trung vào những cảnh ngộ. Cho nên nếu như chúng ta có kém đôi chút về mặt mẹo sử dụng ngẫu nhiên là chuyện dễ hiểu.

Dưới đây, tôi thử khảo sát các mẹo đã được tiểu thuyết, phim ảnh sử dụng để bổ sung chỗ yếu này.

Điều ngẫu nhiên thứ nhất là những mưu mô do các đối thủ đưa ra để cản trở hành động của nhau. Những mưu mô này là có chủ ý từ phía đối phương, nhưng đối với nhân vật chính có thể xem là những điều ngẫu nhiên. Một ví dụ: trận Xích Bích trong Tam quốc chí diễn nghĩa. Nếu ta lấy Gia Cát Lượng làm nhân vật chính thì Gia Cát Lượng gặp rất nhiều điều trở lực từ phía Chu Du, Tào Tháo và các mưu sĩ của họ. Gia Cát phải đối phó và nghĩ ra những mưu mô mới. Mục đích của Gia Cát là giúp Lưu Bị, nhưng muốn Lưu Bị phải giúp Chu Du đánh bại Tào Tháo, mượn sức Chu Du để giành lấy vùng đất Kinh Châu. Còn Chu Du, Tào Tháo lại có mục đích riêng. Kết quả mọi việc đan chéo vào nhau tạo nên một câu chuyện đầy hấp dẫn. Loại mẹo này, trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc có thể nói cực kỳ phong phú ở Việt Nam. Người khai thác nó giỏi nhất là tác giả Con đường thiên lý hay Ván bài lật ngửa. Nhưng chỉ mới thấy mánh khóe từ phía Mỹ, từ phía ta. Còn những mánh khóe từ phía Ngụy thì còn yếu. Đặc biệt sự mâu thuẫn giữa các tập đoàn đế quốc, giữa các nhóm chống lại cách mạng và ngay những mâu thuẫn trong phía ta còn chưa được tận dụng. Thực tình loại đề tài này thu hút thế giới chẳng khó khăn gì.

Thứ hai, những điều ngẫu nhiên xẩy đến do kết quả của một sai lầm của nhân vật chính. Một tình yêu vụng trộm làm nẩy sinh vô số hậu quả. Một thành kiến về gia thế, thành phần, dòng họ, lối sống tự do... Một chuyện như vậy có thể tạo nên vô số cản trở, đau khổ, hối hận kéo dài suốt một cuộc đời. Chỉ riêng một câu chuyện một đứa con không giá thú ra đời thì chắc chắn nó sẽ gặp phải vô số cản trở khiến cho cuộc đời của nó sẽ không bình thường, và nó có những mặc cảm riêng, những suy nghĩ riêng mà nó không tài nào từ bỏ được, nhất là trong một xã hội trong đó dư luận gia đình, dòng họ, xã hội còn rất mạnh. Một đứa con bị mẹ nó bỏ lạc cũng đủ là đề tài của vài chục tập. Một chuyện tình dang dở sẽ kéo theo bao chuyện dang dở khác. Con người suốt đời sống trong sạch, trong một hoàn cảnh nào đó phạm một hành động trái với lương tâm. Một chuyện không hay mình muốn che giấu có thể dẫn đến tới nhiều việc làm không hay khác khi có người muốn lợi dụng nó. Điều này rất dễ xẩy ra trong xã hội hôm nay. Ngày xưa, đời sống cái gì cũng được quy định sẵn. Con người sống khép kín. Đó là tình hình của hàng trăm năm. Cách mạng đã phá vỡ các khuôn khổ. Con người Việt Nam rời khỏi quê hương, gia đình để theo đuổi những công việc mà lịch sử chưa có tiền lệ. Làm sao anh ta khỏi sai sót? Trong lúc đó anh ta luôn luôn phải cố sức vượt lên chính mình. Nói chung, anh ta thành công. Nhưng đâu phải lúc nào cũng thành công? Đừng nghĩ rằng những sai lầm sẽ làm mất giá trị của anh ta. Có những sai lầm rất tội nghiệp, rất đáng yêu làm cho ta càng quý anh ta, bởi vì anh ta biết lỗi. Câu chuyện không ở bản thân sự việc mà ở trái tim người viết.

Thứ ba, những điều ngẫu nhiên do hiểu lầm. Hiểu lầm là một phạm trù cơ bản của nghệ thuật tự sự. Có sự hiểu lầm vì trình độ học vấn, vì thói quen (một người nông dân quen nhìn sự việc theo góc độ của người nông dân), vì bị lừa bịp, vì bị những thành kiến có sẵn chi phối. So với thế giới, về mặt này Việt Nam có nhiều khả năng bậc nhất. Nhân dân vốn quen với những tập tục ngàn đời đột nhiên gặp hết thay đổi này đến thay đổi khác, hết cuộc vận động này đến cuộc vận động khác. Trong cuộc đời chúng ta có trên chục sự thay đổi to lớn, tác động đến cả nước. Ai cũng phải thích nghi, mà trong sự thích nghi ấy, không thiếu những điều ngẫu nhiên phải giải quyết. Đường lối của Đảng chỉ nói đến cái chung, còn vô số cái riêng ta chỉ có thể làm dựa vào quan niệm cá nhân mình. Từng cách giải quyết ấy sẽ có những hậu quả. Thú thực, không thiếu sự kiện để tạo nên những tác phẩm sinh động. Đặc biệt người Việt Nam không phải người phương Tây trong đó cá nhân làm chỉ cần quan tâm tới pháp luật, hành động theo pháp luật. Còn với chúng ta, con người sống bị phân tán trong nhiều quan hệ: gia đình, bạn bè, họ hàng... cho nên nẩy sinh vô số cách thích ứng có vấn đề, tức là có hai cách giải quyết khác nhau.

Loại ngẫu nhiên thứ tư là loại liên quan tới cá nhân: một người có thể có những may mắn riêng, những rủi ro riêng. Trong gia đình, tài sản, học vấn, sức khỏe, bệnh tật, giáo dục, tín ngưỡng trong tình yêu, tình bạn, trong công việc... Những câu chuyện ấy trong xã hội hiện nay lại kết hợp với những ba động cho xã hội cho nên càng thêm phức tạp. Ý thức cá nhân, sự độc lập suy nghĩ, những giá trị tiếp thu từ phương Tây gặp những ngẫu nhiên bắt cá nhân phải loay hoay, tính toán, thậm chí bị dồn nén. Con người Việt Nam như đã trình bày ở trên bắt buộc phải suy nghĩ, đối phó. Chỉ cần một cuộc họp bị lỡ hẹn đủ gây nên nhiều sóng gió trong một cuộc đời. Đã thế, trong cái thế giới hiện tại trong đó mọi thông tin đến ồ ạt, vội vàng, hiện ra rồi mất đi. Khi nước Việt Nam mở cửa thì tất yếu có những lay chuyển ở nhiều lĩnh vực. Những điều mới đầu tưởng là ngẫu nhiên sẽ trở thành những xu hướng chung của một tình trạng tất yếu.

Tóm lại, để trình bày sự tất yếu cần phải quan tâm tới các điều ngẫu nhiên. Không có ngẫu nhiên thì sự tất yếu sẽ trở thành cái tất yếu của ý niệm, ý niệm tự nó chuyển thành thực tế. Lúc đó tác phẩm không tài nào thoát khỏi xu hướng minh họa. Có một thời kỳ các tác phẩm được đọc như một quyển sách chỉ có chức năng giáo dục mà thôi. Cách nhìn như vậy thực tế chỉ làm giảm giá trị giáo dục. Bằng chứng: Chế độ quân chủ ở Trung Quốc và ở Việt Nam đã tạo không ít những tác phẩm như vậy. Thiên chúa giáo cũng không thua kém về mặt này. Cái gì còn lại sau những cố gắng kéo dài hàng trăm năm? Trái lại một quyển Tam quốc chí diễn nghĩa với tất cả tính chất rối rắm, nhiều chỗ không làm người ta thích mà làm tức anh ách, lại giáo dục không chỉ Trung Hoa mà cả Đông Nam Á. Ông Quan Công ngang ngược, bướng bỉnh, phạm nhiều sai lầm lại được thờ khắp nơi. Các nhân vật Tống Giang, Lâm Xung đâu phải những người thánh thiện? Nghệ thuật chỉ giáo dục thực sự khi nó là nghệ thuật.

MẸO 5: CHUYỂN TỪ CHÊ SANG TRÁCH

Có một thời gian văn học có mục đích trình bày một cảnh trái ngược: Mọi cái trước cách mạng đều bị phê phán, mọi cái từ cách mạng trở đi đều được ca ngợi. Đây là một xu hướng chung của cả thế giới: xu hướng lãng mạn cách mạng. Sự tha hóa của con người là xuất phát từ chế độ tư hữu. Xóa bỏ chế độ tư hữu, thiết lập chế độ công hữu, sự tha hóa sẽ biến mất. Người ta không thể hình dung trong chế độ công hữu có thể có sự tha hóa.

Nhưng con người dưới chế độ công hữu trước đây cũng vẫn bị tha hóa. Vậy cái gì đảm bảo rằng dưới chế độ công hữu mới sẽ vĩnh viễn thoát khỏi sự tha hóa? Những khuyết điểm mà Mác phân tích rất hùng hồn trong "Tư bản" cho là do kết quả của chế độ tư hữu có thể biến mất chăng? Hay dưới chế độ công hữu, thực tình chỉ có hình thức thay đổi còn tham ô, lãng phí, những việc làm trái nhân đạo vẫn được duy trì, dù có khác đi?

Câu trả lời không thể tìm trong tác phẩm của Mác được. Mà phải tìm trong thực tế của thế giới xã hội chủ nghĩa. Câu trả lời đã được các nghị quyết của Đảng xác nhận: Có sự tham ô, lãng phí, có sự vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp ấy, một nền văn học phục vụ nhân dân không thể nào tránh né những sự thực làm nhân dân đau lòng. Vậy nên trình bày mặt trái của thực tế như thế nào để góp phần sửa chữa được những thiếu sót, tạo nên một dư luận ủng hộ công cuộc đổi mới của Đảng, đồng thời làm cơ sở cho công cuộc xây dựng một chủ nghĩa xã hội chấp nhận thị trường, mở cửa, tức là về thực chất khác hình ảnh trước đây của chủ nghĩa xã hội.

Cách làm tôi vẫn gặp là chê. Tôi đã gặp một vài bạn trẻ thiên về mặt này. Kết quả như thế nào?

Thực tình mà nói, trong số các nhà văn trẻ có những người đầy triển vọng. Phải nói đã diễn ra tình trạng chuyển giao. Những nhân vật nổi bật trên văn đàn trước cách mạng và trong cuộc chiến tranh chống Pháp đã nhường bước cho một thế hệ mới, trong đó ý thức phê phán là nét nổi bật. Tôi không giấu giếm là đứng về phía các bạn ấy. Nghệ thuật, khoa học không mang tính phê bình, hay chỉ phê bình một chiều, tự thân nó rất yếu ớt cả về khoa học lẫn nghệ thuật.

Tôi nói những điều dưới đây với kinh nghiệm một người có hiểu biết đôi chút về chuyện chê hay trách. Đối với tôi, cái quan trọng không phải là ở chỗ người phê bình được hay mất cái gì, mà ở chỗ nhân dân lao động được hay mất cái gì. Người đổi mới cuộc đời của nhân dân lao động không phải là nhà văn mà là Đảng. Vậy văn học phải làm chỗ dựa cho Đảng trong công cuộc đổi mới này. Chỗ dựa ấy được tạo nên bằng cách nào? Bằng việc tạo nên một dư luận lành mạnh đứng về phía đổi mới. Không thể sốt ruột được.

Con đường chê là con đường quen thuộc từ thời hiện thực phê phán. Các nhà văn ấy chỉ biết chê. Nhưng làm thế nào để khiến cho cái có lợi cho nhân dân lao động chiến thắng, thì họ chịu. Họ chỉ giỏi trong khoản tạo nên sự bất mãn. Sự bất mãn ấy sẽ được những người khác lợi dụng, những người chỉ muốn nhân đục nước béo cò. Họ chẳng nghĩ gì đến nhân dân lao động đâu, mà nghĩ đến những mánh khóe đàn áp, kiếm ăn của họ. Ai không tin thì nhìn thử ngay cuộc đời của họ có phút nào lo cho nhân dân lao động không.

Trong hoàn cảnh thế giới hiện nay, chính Đảng chủ trương đổi mới, chống quan liêu, tham ô, lãng phí, chủ trương thực hiện pháp chế dân chủ, mở cửa, quan hệ với cả thế giới, không phân biệt chế độ chính trị. Đó là điều không có cách đây ba mươi năm. Trong hoàn cảnh ấy, Đảng gặp vô số khó khăn. Những người như chúng ta đã bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ cuộc sống dễ dãi để lo cho dân tộc đất nước, bây giờ lại gây khó khăn cho Đảng ư? Tôi chỉ nhắc đến một kinh nghiệm cũ. Vào năm 1956, chính Đảng có nói đến pháp chế dân chủ. Nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được điều này. Trái lại, sau đó chế độ quan liêu mạnh lên gấp bội. Vì sao? Xét về mặt trách nhiệm, tôi đau xót nhận thấy thái độ chê của anh em chúng tôi đã gây nên tình trạng hoảng sợ ở một số người lãnh đạo. Tình trạng này được một số người khai thác để đòi vứt bỏ tất cả những thành tựu dân chủ đã giành được trong cách mạng trước đó. Kết quả như thế nào, chúng tôi hiểu hơn ai hết và đau khổ hơn ai hết.

Một nền văn học chỉ lôi cuốn được nhân dân khi con người nó xây dựng lên có những quá trình riêng, những đặc điểm riêng tiêu biểu cho chính họ. Tôi lấy một cán bộ tham ô làm thí dụ. Chẳng phải ngay từ đâu anh ta đã như thế đâu. Đảng không hề dạy cho anh ta tham ô, mê gái, bỏ vợ bỏ con, chạy theo đồng tiền, quên nhân dân lao động. Đảng dạy khác. Và chính anh ta đã có những lúc thực sự đáng khen, thậm chí đáng phục. Anh ta đã từng chiến thắng những cám dỗ to lớn hơn nhiều, nhân dân đã từng tin yêu anh ta đến mức vui vẻ hy sinh đời mình cứu anh ta. Đó đều là những điều anh ta thể nghiệm hơn ai

hết. Có một thời nhân dân gặp khó khăn thì chờ đợi câu trả lời anh cán bộ, anh bộ đội. Trong câu trả lời này, người ta thấy rõ ràng anh ta đứng về phía quyền lợi của người dân, do đó dân tin và theo. Không phải chuyện cổ tích đâu. Chuyện thật cả đấy. Vậy cái quá trình gì đã làm anh ta sa đọa? Anh ta sa đọa như thế có sướng không? Anh ta chẳng sướng đâu. Anh ta xấu hổ, tự biết mình nói như vô sản nhưng sống như vua chúa, tư sản; tự biết những con người tử tế duy trì khí tiết cách mạng vẫn còn, toàn là bạn cũ hết. Anh ta chuyển hóa dần dần; tha hóa dần dần. Vạch ra quá trình tha hóa này là sứ mạng của những Tônxtôi mới. Quá trình này xứng đáng cho hàng ngàn tác phẩm bất tử, thế giới chưa biết đến, do đó hấp dẫn vô cùng. Một nỗi cô đơn mới: rời bỏ những lý tưởng mà anh ta đã tin và đã có lúc dám chết cho nó. Lý do gì có thể khiến cho một con người từ bỏ cái lý tưởng mà chính mình theo đuổi, nhờ đó tìm được hạnh phúc thực sự, đến nỗi nay bỏ nó để thấy cô đơn? Một sự lôi cuốn mới của vật chất: lý do gì có thể làm anh ta chạy theo những thèm muốn mà chính anh ta đã phê phán, có khi còn khắc nghiệt hơn bất cứ ai? Đâu phải anh ta không biết cái xấu của nó? Rồi tội lỗi nữa: anh ta phạm những sai lầm: móc ngoặc, bè phái, và mọi thứ mà chính Đảng và Quốc hội đã nói, chứ không phải là tay chân của bọn tư sản phản động. Tấn bị kịch.

Anh ta có thể quên quá khứ được không? Không thể nào. Nhất là vì anh ta biết cái quá khứ ấy đẹp. Anh ta có hối hận không? Chắc chắn là có. Anh ta có hối tiếc đã đi theo cách mạng không? Chắc chắn là không. Vậy anh ta trải qua một cuộc khủng hoảng tâm trạng đang chờ đợi những thiên tài.

Chúng ta không nên chê anh ta. Chê, tức là chúng ta gạt anh ta ra ngoài, và người đọc thấy hình như mục đích của ta không phải là phục vụ đổi mới, mà phục vụ cái ham muốn thấp hèn của những kẻ chống lại nhân dân. Chúng ta kéo anh ta về với cách mạng. Chúng ta trình bày một nhân dân, một Đảng quyết tâm cứu vớt anh ta. Cái đẹp của đất nước này không bao giờ có thể chết được. Không sự lôi cuốn nào có thể đánh gục được những người dân Việt Nam. Ta phải nói thẳng với đế quốc: đừng hòng bắt nhân dân này quỳ xuống.

Ta phải vạch ra cái quá trình khách quan của sự tha hóa. Quá trình này có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là ngay trong học thuyết Mác. Sự đổi mới một xã hội là cực kỳ phức tạp. Không công hữu hóa xóa được sự tha hóa. Vậy phải xây dựng một chế độ trong đó pháp luật, dư luận, văn học bắt buộc con người sống trong sạch, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Không phải nắm được chính quyền thì mọi cái khác đi.

Có những quá trình thực tế làm người ta hư hỏng: Cái xã hội trước đây đâu phải chết đi khi chính quyền thay đổi. Nó vẫn sống dưới hình thức lén lút, và lúc nào cũng sẵn sàng phản công. Xã hội nông nghiệp phân tán ngày xưa, xã hội hậu công nghiệp ngày nay. Nếu anh ta tách mình ra khỏi đồng đội thì nhất định là gục. Rồi lại có những lôi cuốn về phía gia đình: một bà vợ thích ăn diện, những đứa con sinh ra chưa biết hy sinh là gì, cách mạng là gì, chỉ đòi hỏi hưởng thụ. Nhất là cái cảnh làm sai rất dễ được che chở, chung quanh người ta đều thế cả. Đó là không nói đến những hoàn cảnh người muốn sống trong sạch gặp khó khăn đến đời sống, bị một số người gọi là Bôn-sệt, là Khốt-ta-bit... và dĩ nhiên có sự lôi cuốn của những tổ chức rởm, những thứ văn hóa rởm... Anh ta chỉ cần sa ngã một lần là lọt vào vòng tay con bạch tuộc. Rồi những ham muốn thấp hèn của con người... Tônxtôi không khoái trá trước những sai lầm của người khác. Trong sai lầm của anh có sai lầm của tôi. Tôi chẳng dám dạy ai. Chúng ta đều thấp hèn như nhau cả. Nhưng vì có những nhiệm vụ mà chế độ mới yêu cầu, vậy chúng ta phải cố gắng.

Đảng cho phép làm đến đâu, chúng ta làm đến đó. Tránh thái độ tối đa luận, đòi một tấc đến trời. Một nền văn học trong một giai đoạn chỉ làm được một số việc rất ít mà thôi.

Nhưng trong phạm vi nhỏ bé ấy phải làm kỳ xong, phải tạo nên một dư luận lành mạnh bênh vực cái đúng của Đảng. Làm như vậy, uy tín của Đảng tăng lên, công việc đổi mới nhẹ bớt. Trong tình hình hiện nay đứng trước nhiệm vụ mới có vô số chuyện mới, chẳng ai có thể làm đúng được cả đâu. Những con người trẻ tuổi dễ tưởng mình là những hiệp sĩ mới, chiến thắng tất cả dễ dàng. Không đâu. Phải kiên nhẫn.

Làm như thế, dần dần cái đúng sẽ thắng. Uy tín văn học sẽ nâng lên. Mà những người muốn tìm chỗ hở để kéo lùi lại thời kỳ bao cấp cũng khó lòng thi thố được. Những con người ấy chưa đầu hàng đâu. Một sơ suất dù nhỏ có thể làm hỏng một việc lớn. Các bạn đừng phạm khuyết điểm mà thế hệ chúng tôi đã phạm.

Tôi nói thực lòng, không phải để kiếm ăn đâu. Tất cả vì quyền lợi của người lao động. Văn học không làm được gì hết nếu nó đóng vai những anh chàng Đôn Kisốt.

Các bạn đang đứng trước những nhiệm vụ to lớn mà không một quyển sách nào cung cấp cách giải quyết. Thời đại mới đang phải đối phó với những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn mà Mác, Lê-nin chưa dự kiến. Giờ sách vở bàn chuyện kinh viện thực là vô bổ. Con đường phải đi là đi sâu vào kỹ thuật khoa học của thế kỷ, làm chủ nó để phục vụ chủ nghĩa xã hội. Lúc đầu chắc chắn có sai lầm vấp váp. Nhưng con người Việt Nam tự nó phi thường. Ai cũng biết lúc mới bắt đầu kháng chiến sự hiểu biết về quân sự của chúng ta còn kém xa thực dân. Nhưng sau một thời gian, ai thắng ai thì thế giới đã thấy, về kinh tế kỹ thuật cũng thế. Chúng ta biết cái kém của mình, thì chúng ta sẽ làm chủ. Một số Việt kiều, chưa phải là toàn bộ tinh hoa của đất nước này đã làm chủ kỹ thuật khoa học. Vậy những đứa con mà đất nước đặt mọi hy vọng có thể chịu thua không?

Do đó, việc trách phải gắn liền với việc ca ngợi những thành tựu, những cố gắng, dù nhỏ, đã giúp chúng ta thoát khỏi một phần khó khăn. Đảng biết giành chính quyền, thì biết giữ chính quyền. Do đó, đối với nhà tiểu thuyết vấn đề là phải đi hẳn vào cái mới, làm chủ nó, giới thiệu kinh nghiệm mà từng người một đã làm được, tạo nên một dư luận lành mạnh, đứng về phía đổi mới của Đảng. Bác Hồ đã ra đi, đi khắp bốn châu để tìm con đường cứu nước. Những con cháu của Bác phải làm như thế. Không có con đường nào nữa. Phải biết chịu đựng, phải biết nhẫn nại. Con đường giải phóng dân tộc đã mở ra triển vọng và xây dựng được một nhân dân biết làm chủ đất nước. Đánh giá con người thì phải xét không chỉ lời nói mà cả lối sống. Xây dựng một lối sống cách mạng để cô lập hóa những người nói năng cách mạng mà không dám sống như người cách mạng. Văn học có thể làm điều này tốt nhất.

Việc chống chủ nghĩa quan liêu là cực khó. Chủ nghĩa này đã thắng suốt cả lịch sử phương Đông, vậy không phải nó chịu thua đâu, phải chiến thắng ở từng người một. Đi con đường chê bai là tạo nên chỗ hở cho những kẻ chống chủ nghĩa xã hội lợi dụng và cả những người quan liêu lợi dụng.

MẸO 6: PHÁT HUY TÍNH HIỆN ĐẠI

Chúng ta đang bước vào một thời đại khác hẳn mọi thời đại trước đây. Mác đã dạy khi kỹ thuật thay đổi thì dần dần mọi cái thay đổi. Ở đây tôi chỉ thu hẹp vào những thay đổi của tiểu thuyết dài.

Nền văn minh tin học đã xóa bỏ mọi sự phân chia về thời gian, khu vực, đất nước. Trước kia một buổi hát chỉ thu hẹp trong số thính giả của một phòng. Ngày nay với phương tiện nghe nhìn, buổi hát ấy có thể truyền khắp hành tinh, lưu lại đời sau, cho mọi người nghe lúc nào cũng được. Trong trường hợp ấy, văn hóa Việt Nam dù muốn hay không cũng đứng trước thử thách; tồn tại hay không tồn tại. Muốn tồn tại được chỉ có một cách: tiếp

thu mọi thành quả của kỹ thuật mới, đổi mới bằng cách tiếp nhận các thành tựu của các nền văn hóa, đồng thời giữ vững bản sắc của mình. Nếu không tiếp thu các thành tựu của mọi nền văn hóa thì chẳng bao lâu chẳng ai thèm chú ý đến văn hóa của anh. Không chỉ nhân dân nước ngoài, vốn đã theo xu hướng khác. Mà cả nhân dân nước anh vì dù muốn hay không nhân dân ấy cũng đã bị lôi cuốn vào nền văn hóa của kỹ thuật nghe nhìn. Như vậy là văn hóa và riêng nhà tiểu thuyết Việt Nam phải chấp nhận một cuộc đọ sức. Mạnh thì thắng, yếu thì chết. Để tồn tại và phát huy với thế kẻ mạnh, câu chuyện không phải là than tiếc, mẹ hát con khen. Câu chuyện là bồi bổ bản sắc văn hóa của mình bằng những đóng góp mới, sử dụng các kỹ thuật nghe nhìn để phát huy nền văn hóa ấy, chinh phục thế giới, chiến thắng trong cuộc chạy đua.

Một nhà lý luận quân sự đã nói "Biết mình, biết người trăm trận đánh, trăm trận thắng". Biết mình là biết chỗ mạnh, chỗ yếu của mình. Biết người cũng thế. Thắng là dùng chỗ mạnh của mình đánh vào chỗ yếu của đối phương, sử dụng những chỗ mạnh của đối phương để kịp thời bổ sung, sửa chữa những chỗ yếu của mình. Đây là chuyện thao tác, không phải chuyện trà dư tửu hậu, nói cho vui.

Nền văn hóa hiện đại là nền văn hóa thông tin. Một quyển tiểu thuyết Việt Nam không có thông tin gì mới, thì chỉ thu hút nhất thời, sau đó bị quên đi. Cái thời nhà tiểu thuyết xem văn học như là một bộ phận giúp các cô, các anh tiêu khiển đã qua rồi.

Ở đây tôi chỉ nói đến chỗ mạnh. Bởi vì chỗ yếu đã trình bày ở những mẹo khác. Cái thế mạnh của Việt Nam là cực kỳ to lớn. Lẽ ra ta đã có thể làm ăn lớn về mặt này nếu không bị một lý luận giáo điều cản trở. Để cho tiết kiệm, tôi sẽ chỉ bó hẹp vào những thế mạnh hiện đại.

Nước Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới và trong lịch sử đã đánh bại đế quốc Mỹ. Chúng ta làm những chuyện kỳ diệu, chứa đựng một hàm lượng thông tin cực kỳ to lớn và có sức thu hút mạnh mẽ cả thế giới ngày nay, nhưng viết phải nói là xoàng. Người đọc chỉ thấy có những nghị quyết đúng và cách thực hiện tài giỏi. Nhưng một nghị quyết đúng đâu phải rút ra từ óc của một con người dù con người ấy có vĩ đại, sáng suốt đến đâu. Phải có quá trình hình thành nghị quyết. Chính quá trình ấy mới thú vị. Nó xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn của người lãnh đạo, của từng chiến sĩ, từ sự am hiểu đối phương và nhân dân. Không phải nó hình thành ngay lập tức, mà nhất định trải qua những va chạm, những mâu thuẫn nhiều khi cũng xuất phát từ thiện chí nhưng về mặt này mặt nọ không tính đến một yếu tố nào đó có tính quyết định. Vậy trước hết là sự hình thành nghị quyết qua bao nhiêu khó khăn, thí nghiệm kiểm tra, tranh cãi cả trong nước lẫn ngoài nước. Rồi khi nghị quyết đưa ra, đâu phải là đã xong ngay. Còn trải qua sự đấu tranh cho đến khi đưa ra áp dụng. Và trong việc áp dụng, bao nhiêu là trở ngại, bao nhiêu là khó khăn. Cho đến khi nhân dân tin và quyết tâm làm theo. Đi con đường ấy là con đường thao tác. Tiểu thuyết Việt Nam về mặt này chỉ mới cung cấp một hiểu biết hời hợt. Người này thiên về mặt anh hùng, người khác thiên về mặt gian khổ. Nhưng cái quan trọng là thông tin thì hết sức yếu.

Lẽ nào chúng ta có thể yên tâm khi bao nhiêu sáng kiến tuyệt vời của dân tộc này sẽ bị quên đi? Nước Việt Nam đã bị cái thói thơ phú làm hại. Đến nỗi bao nhiêu chiến công hiển hách trôi qua chỉ còn để lại một vài bài thơ, một vài bài phú, nói chung chung. Không thể như thế được. Quá trình hình thành chiếc xe đạp vạn năng, dép lốp Bình - Trị - Thiên cũng đủ là đề tài cho một chuyện dài bất tử. Đường mòn Hồ Chí Minh, phương pháp đào hầm, cách bắn máy bay, cách chống trực thăng, cách kết hợp đánh và đàm, cách vận động đạo quân tóc dài, hoạt động nội thành, ngay trong lòng địch, công tác vận động sinh viên, trí thức... Có hàng ngàn chuyện mà không chỉ nhân dân ta phải biết mà thế giới phải biết. Mà những người tạo nên những kỳ tích ấy còn sống cả. Lẽ nào chúng ta để cái thế hệ ấy chết đi, rồi để làm thơ... Tinh thần trách nhiệm là như vậy sao? Vả lại, từng người một, trong đó có các nhà văn đều biết và đều sống. Mỗi người đều có cái mầm mống tạo nên một Sếch-xpia. Tôi kêu gọi các bạn dũng cảm lên. Sự thực thế nào thì cứ nói toạc ra. Không tránh né gì hết. Đừng run. Con người chiến thắng càng nói nhược điểm của mình càng là kẻ chiến thắng chân chính. Nếu như người ta có thể viết một quyển sách dày chỉ về vụ nhảy dù Sơn Tây để cứu phi công Mỹ, mà kết quả là thất bại thì những chuyện đồ sộ mà cuộc đời từng người một đã trải qua, có tác dụng thế giới lại để cho người ta quên đi sao? Ngồi than phiền về những mối tình dở dang, về những đòi hỏi thể xác không được thỏa mãn, về nỗi cô đơn có tiền đầy túi mà không biết hạnh phúc ở đâu là chuyện của người ta. Chúng ta có việc làm của chính chúng ta, của trái tim Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng bằng chính trái tim ấy.

Lại còn những khó khăn, thử thách mà chúng ta đang trải qua trên con đường thích nghi với thế giới hiện đại. Có một thực tế Việt Nam rất mới, khác mọi nước trên con đường thích nghi và hòa nhập này. Có thành kiến, có hiểu lầm, có sự chống đối. Nhưng vẫn có quyết tâm, có ý chí cách mạng không chịu lùi bước trước mọi khó khăn. Có cái tài bricolage mà Việt Nam là vô địch. Có con người Việt Nam. Phải làm cho nhân dân thấy chúng ta sẽ làm được điều mà Bác Hồ thiết tha nhất, bởi vì mục tiêu của cách mạng không phải là ở thay đổi cái này cái nọ, mà thay đổi cuộc sống của nhân dân, làm nhân dân có cơm ăn, áo mặc, dân chủ và tự do. Vô số thông tin mới.

Để đi con đường này, nhà văn không thể là một người viết mọi đề tài, mà chủ yếu là nhà văn của một đề tài. Từ thế kỷ 19, Đic-kens đã là nhà văn của thành phố Luân-đôn nhưng có phải vì thế mà kém vĩ đại đâu. Nhà văn không phải xây dựng tác phẩm bằng ý niệm mà bằng thông tin do chính mình rút ra qua cuộc đời, đối chiếu với nội tâm mình. Thông tin mà nhà văn đem đến nhiều khi rất có giá trị với khoa học. Trường hợp Ban-dăc quan trọng như thế nào với Mác là chuyện chính Mác thừa nhận. Một thông tin xuất phát từ chính trái tim con người là một lời kêu gọi. Lời kêu gọi của Việt Nam với cả loài người trong thế kỷ sắp đến.

Nói phát huy tính hiện đại không phải là nói chỉ bó hẹp vào chuyện hiện đại. Ngay những chuyện cổ cũng phải mang tính hiện đại, cũng phải được nhìn với con mắt hiện đại. Chúng ta không bao giờ có thể là con người thế kỷ trước. Mà làm thế để làm gì? Do đó khi viết chuyện cổ chúng ta không thể nào đi lại con đường của Lan Khai.

Trước hết, cần phải nắm chắc tâm lý của người xưa. Tâm lý ấy tìm ở đâu? Tôi giới thiệu một mẹo, mà nếu bạn sử dụng bạn sẽ thấy ngay hiệu quả của nó.

Tâm lý của người xưa là đã được liệt kê đầy đủ trong các sách bói tướng. Qua những cách nói năng đầy màu sắc huyền bí, bạn sẽ thấy đây là quyển bách khoa tâm lý, thái độ, các giá trị, cách ứng xử, cách sống được kết tinh qua nhiều thế hệ và có giá trị. Nắm lấy nó để tìm hiểu tâm lý người xưa, bạn sẽ có một công cụ đắc lực. Bây giờ chỉ cần một người biết làm công tác tâm lý học, liệt kê phân loại, tìm hiểu các quan hệ (tất cả đều đã có sẵn) là ta có một công cụ hết sức bổ ích. Tôi là người duy lý, không tin tướng số, nhưng với tư cách người nghiên cứu văn hóa tinh thần tôi hiểu giá trị những công trình ấy sẽ cho phép tôi tiết kiệm được vài chục năm mò mẫm.

Trong một tiểu thuyết lịch sử, phải có chỗ dựa. Rất tiếc là chỗ dựa ấy rất nghèo nàn. Chúng ta không thể sánh với Trung Quốc được, ở Trung Quốc sách lịch sử, dã sử nhiều không kể xiết. Chính nhờ vậy mà về mặt này, không và sẽ không có nước nào đuổi kịp Trung Quốc được. Ở ta trước đây có quyển Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Nếu bạn suy nghĩ một chút thì sẽ thấy phần lớn tiểu thuyết lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc là dựa vào đấy. Gần đây có những tác phẩm đã được dịch của các tác giả ở Thừa Thiên xưa. Đặc biệt quyển "Chuyện các bà trong cung Nguyễn" của Nguyễn Đắc Xuân là rất có ích cho công việc này. Viết tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, khó nhất là xây dựng nhân vật nữ. Người đàn bà Việt Nam xưa ít tiếp xúc với bên ngoài cho nên xây dựng tính cách họ khó hơn xây dựng tính cách nam giới. Trong tác phẩm của Nguyễn Đắc Xuân ta bắt gặp những tính cách nữ rõ rệt. Vả lại đối với triều Nguyễn thì sách vở có sẵn lại có bộ "Đô thành hiếu cổ" công việc xây dựng lịch sử là thuận tiện.

Nhà phê bình thao tác luận không tự đặt cho mình nhiệm vụ giáo dục ai cả, mà có nhiệm vụ phục vụ, làm cho công việc nhà văn có kết quả hơn. Anh ta không coi thường bất kỳ tác phẩm nào bán chạy, mà phải tìm lý do. Chẳng hạn loại chưởng Kim Dung, ngó bên ngoài rất huyền hoặc nhưng xét về mặt văn hóa học thì lại còn chuẩn hơn nhiều công trình tiểu thuyết lịch sử phương Tây. Bởi vì ở đấy những điều nói về phong tục, đất đai, đường sá, áo quần, rượu, cây cối... theo tôi kiểm tra lại khá chuẩn.

Điều nói về lịch sử cũng áp dụng cho các mặt khác. Thời đại này không phải là thời đại có thể nằm trên bàn đèn viết chuyện đường rừng. Kỹ thuật đã thâm nhập vào cuộc sống thì đồng thời cũng hoán cải cảm xúc thẩm mỹ. Người Việt Nam đầu tiên hiểu được nhu cầu này là anh Nguyễn Tuân của chúng ta. Anh Nguyễn viết có vẻ như tùy hứng nhưng chính anh đã bắc được cái cầu từ nghệ thuật sang khoa học. Nghệ thuật phải đẩy độc giả vào kỹ thuật để chiếm lĩnh cái trận địa còn nằm ngoài dải đất chữ S. Nói giáo dục tư tưởng là rất hay nhưng không thể giáo dục theo con đường của Nho, Phật, Lão chỉ biết kiềm chế bản thân, thụ động trước ngoại cảnh. Con người là cây sậy, nhưng cây sậy ấy biết tư duy và chính nhờ sức mạnh của tư duy mà nó sẽ làm chủ thế giới. Thực tình mà nói, Việt Nam không đến nỗi không có những con người tận tụy vì khoa học, nhưng chưa có cuốn tiểu thuyết nào viết về những con người tội nghiệp ấy cả. Bất cứ xã hội nào, người lao động trí óc chân chính cũng đau khổ cái đau khổ chung của nhân dân. Họ vắng mặt trong tiểu thuyết. Hình ảnh tôi thấy là những con người bấp bênh, hay cãi bướng nhưng chẳng có một chút hiểu biết thực tế nào.

Nhân loại tiến lên không chỉ bằng lao động mà còn bằng sự cố gắng của trí tuệ để biến đổi công cụ lao động, cách thức lao động. Tự thân lao động không thay đổi được xã hội. Chúng ta đã bước vào giai đoạn nền văn minh trí tuệ. Những cố gắng, những thành tích của trí tuệ Việt Nam trong sản xuất, trong chiến đấu, nghiên cứu... vẫn còn chưa được biết đến. Cố nhiên một vài báo cáo thành tích có nói đến. Nhưng điều quan trọng là quá trình thì không được nói đến, cần có những nhà văn chuyên về mặt này. Bởi vì tương lai của Việt Nam là ở chỗ trí tuệ Việt Nam có làm chủ được khoa học kỹ thuật hiện đại, có bricoler được một khoa học kỹ thuật vừa hiện đại lại vừa Việt Nam hay không.

(Còn tiếp)

P.N.
(TCSH56/07&8-1993)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng