Nghiên Cứu & Bình Luận
Vài mẹo về tiểu thuyết dài (tiếp theo và hết)
14:35 | 04/03/2024


PHAN NGỌC

Tặng các nhà tiểu thuyết trẻ

Vài mẹo về tiểu thuyết dài (tiếp theo và hết)
Ảnh: tư liệu

Mẹo thứ bảy: Giới thiệu văn hóa Việt Nam

Tiểu thuyết Việt Nam muốn lôi cuốn thế giới phải nói lên được cái thế giới cần biết: con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Các mẹo trên đã đề cập đến con người Việt Nam. Giờ tôi bàn đến mẹo giới thiệu văn hóa Việt Nam.

Tôi nhắc lại quan điểm của tôi: Văn học Việt Nam không thể đi con đường quen thuộc của văn hóa Châu Âu mà chiến thắng được. Tiểu thuyết dài phản ảnh sâu sắc nền văn hóa của từng nước. Trong mọi nền nghệ thuật, không thể loại nào gắn bó với toàn bộ văn hóa bằng tiểu thuyết dài. Đây là một mối liên hệ có tính bản chất. Một nhà tiểu thuyết lớn phải biết tận dụng lợi thế này. Tôn-xTôi, Sô-lô-khốp ở Nga, Tào Tuyết Cần ở Trung Quốc, phần nào Nguyễn Tuân ở Việt Nam (tuy anh Nguyễn chỉ viết tùy bút) đều tạo nên được sự nghiệp bằng con đường này. Đây là con đường thênh thang trong đó các nhà tiểu thuyết Việt Nam có vô số điều để biểu hiện.

Trước hết cho phép tôi đưa ra định nghĩa của mình về văn hóa. Văn hóa không phải là một vật, mà là một quan hệ. Nó là cái quan hệ nối liền hai thế giới: thế giới các biểu tượng, tức là các mô hình có sẵn trong đầu óc của một con người và, do đó, của một xã hội; thế giới thực tại đã bị con người mô hình hóa. Nghiên cứu các mô hình của thế giới biểu tượng là chuyện của triết học, văn học, tâm lý học, xã hội học... Nghiên cứu các mô hình của thế giới thực tại là chuyện của chính trị, kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp. Nói lên mối quan hệ giữa hai loại mô hình này là chuyện của văn hóa. Và công cụ giúp người ta hiểu văn hóa tốt nhất là tiểu thuyết dài. Tôi nói tiểu thuyết dài, chứ không phải bất kỳ hình thức nghệ thuật nào khác dựa trên chữ viết. Bởi vì chỉ có tiểu thuyết dài mới nói lên được toàn bộ tính phức tạp, trình độ sâu sắc của những liên hệ này giữa hai lĩnh vực.

Tiểu thuyết dài của ta đã nói lên được vai trò của tinh thần yêu nước, sự gắn bó với Đảng. Tức là phần nào đã làm được nhiệm vụ này. Nhưng vì cách viết của ta mang tính chất của tiểu thuyết luận đề, cho nên bỏ qua hầu hết các mặt khác. Chính vì vậy mà giá trị tư tưởng chưa sâu. Nếu cách trình bày của ta kết hợp được cả sự giới thiệu một vài mặt khác của văn hóa Việt Nam thì kết quả sẽ lớn hơn nhiều.

Con người là con người trước khi là da đen hay da trắng, vô sản hay tư bản. Người vô sản không có một tế bào nào khác người tư bản, người da đen không có một bộ phận nào của cơ thể mà người da trắng không có. Cái quan hệ giữa hai thế giới nói trên là chung cho kiếp người. Đã là người thì cứ như thế và sẽ cứ như thế. Có bao nhiêu giác quan thì có bấy nhiêu nhu cầu. Sự khác nhau chỉ là ở các cách thoả mãn nhu cầu, còn nhu cầu thì cứ còn đó. Cốt cách biểu hiện khác nhau là vì thông qua một quá trình lịch sử khác nhau. Nhưng sự giống nhau là bản chất, sự khác nhau là hiện tượng. Nhà tiểu thuyết trình bày sự khác nhau ở hiện tượng để người đọc rút ra cái bản chất như nhau. Sức thuyết phục của tiểu thuyết dài chính là ở đó. Chủ nghĩa nhân văn của nó cũng là ở đó.

Nói đến con người phải nói đến sự hạn chế của anh ta. Người nào thì cũng bị đóng đinh vào hiện tại. Tôi là người Việt Nam tức là tôi không phải người Pháp. Tôi là đàn ông tức là không phải đàn bà. Tôi sống thế kỷ 20 tức là không thể sống thế kỷ 30 hay thế kỷ 17. Tôi già tức là không thể nào trẻ được, để hưởng được những khát vọng của tuổi trẻ vân vân. Nhưng từ cái ngày tôi đẽo được hòn đá đầu tiên thì tôi đã ôm một cuồng vọng là khắc phục mọi sự hạn chế. Tôi muốn là chim, là trăng là mọi thứ, tôi muốn sống mãi. Tôi không thể nào thực hiện điều này trong thế giới thực tế. Nhưng tôi không chấp nhận sự hạn chế. Vậy tôi sẽ tìm mọi cách khắc phục sự hạn chế trong thế giới biểu tượng. Và tôi sẽ tạo nên những mối liên hệ giữa hai thế giới góp phần khắc phục - dĩ nhiên là trong tư tưởng mà thôi - sự hạn chế ấy. Văn hoá chính là sự biểu hiện này: cái con người tạo ra trong thế giới thực tế để thỏa mãn nhu cầu không thể thiếu được của chính tôi, nhu cầu đã có trong thế giới biểu tượng. Tôi sẽ đưa những sáng tạo của tôi nguyên là sản phẩm của thế giới biểu tượng vào thế giới thực tế để sống, dù giây lát, một cuộc sống phi thực tế ngay giữa thế giới thực tế.

Chủ nghĩa Mác không nói đến vô thức hay tiềm thức. Tại sao? Bởi vì những kiến thức về vô thức, tiềm thức ra đời sau khi Mác chết. Vậy không thể căn cứ vào chỗ Mác không nói đến những cái này để khẳng định rằng nói đến vô thức hay tiềm thức là chống lại chủ nghĩa Mác. Làm thế khác gì bảo nói đến sức mạnh của tin học là chống lại chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác còn không nói đến nhiều điều khác nữa, nhưng không phải chuyện bàn ở đây.

Một khi bỏ qua vô thức, dĩ nhiên là mọi vấn đề văn hóa đều được giải quyết đơn giản, nhưng xem tình hình thế giới hiện nay thì thấy vấn đề giải quyết đơn giản không phải là giải quyết được triệt để. Có một thời kỳ người ta cho khoa học sẽ giải quyết mọi vấn đề, và do đó, mọi vấn đề xã hội cũ nêu lên đều phải xóa cho thực hết. Đó là quan điểm chung của thế kỷ 19, ta bắt gặp nó ở các nhà khoa học luận, không chỉ ở những người Mác-xit. Nhưng con người là con người. Khoa học có giới hạn của nó. Khoa học giải quyết được chuyện này thì lập tức nêu lên mười chuyện khác chưa giải quyết được. Bản chất khoa học là thế. Còn sự đòi hỏi thỏa mãn những nhu cầu của tôi là ngay bây giờ, không thể chờ đợi: chẳng có cuộc cách mạng nào có thể làm một người mắc bệnh phải chết sống lại được, cứu được một người thân của tôi chết, một tình yêu tan vỡ, thực hiện được mơ ước được sống muôn đời... Vậy tôi phải tìm cách giải quyết cho tôi. Cách giải quyết ấy mỗi tộc người một khác, mỗi cá nhân một khác. Nhưng tôi không cách nào sống yên ổn được nếu chưa có cách giải quyết này. Ai không tin thì hãy xem những vấn đề dân tộc, tôn giáo vào cuối thế kỷ này có còn không, hay là càng nổi dậy, mà nổi dậy mạnh nhất lại chính ở những nơi chủ trương vô thần.

Câu chuyện mà cách mạng, chủ nghĩa xã hội đòi hỏi ở anh, không phải là anh phải vô thần, phải vào Đảng, phải tuân theo chế độ công hữu, phải chấp nhận một hình thức nghệ thuật duy nhất. Nếu anh làm tất cả mọi yêu cầu này mà anh vẫn sống như tư sản, vẫn tham ô lãng phí, coi dân như tôi tớ, không làm cho kinh tế phát triển thì hỏi có ích lợi gì. Anh theo tôn giáo nào, thích loại nghệ thuật nào, là việc của anh. Điều cần là anh phải tuân theo pháp luật xã hội chủ nghĩa, phục vụ chế độ, lo công bằng và cuộc sống no đủ, tự do cho những người lao động, bảo vệ đất nước chống mọi mưu toan nô dịch nó về tinh thần, vật chất. Thế là được. Còn nếu anh muốn có uy tín với nhân dân thì xin anh nhớ cho phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Anh muốn thu lợi nhuận bằng con đường khác thì đó là việc của anh, ở ngoài chính quyền. Chính quyền này cho phép, trong phạm vi luật pháp của nó. Nhưng đã đứng về phía chính quyền thì: một là chí công vô tư, hai là tự nguyện ra khỏi chính quyền.

Đó là yêu cầu của thời đại, để đổi mới Đảng, duy trì chủ nghĩa xã hội.

Làm nhà văn hóa học của dân tộc, đó là nhiệm vụ vinh quang của nhà tiểu thuyết dài. Nghiên cứu Nho giáo ở bản thân nó là nhiệm vụ của triết học. Nhưng nêu rõ ảnh hưởng của Nho giáo vào gia đình, làng xóm, tâm tư, sinh hoạt... cho mọi người thấy chỗ mạnh, chỗ yếu của nó thì ai làm hơn các bạn? Nhà văn hóa học cũng thua bởi vì anh ta phải xét Nho giáo theo khuôn mẫu của một ngành khoa học. Còn các bạn thì tự do, chỉ có các bạn mới đi vào nơi sâu nhất, xét một tư tưởng ở mọi khía cạnh, về các mặt khác cũng thế. Là người nghiên cứu văn hóa Trung Hoa tôi chưa thấy ai có công với văn hóa này bằng Tào Tuyết Cần. Văn hóa Việt Nam có bao nhiêu điều đáng nói: ngôn ngữ, phong tục, cách ăn mặc, cách xử thế, quan hệ gia đình. Các bạn sẽ giận tôi nếu tôi bảo các bạn bỏ quên sở trường của mình, theo đuổi sở trường của phương Tây. Nhưng bổn phận nhà khoa học là gây nên những điều tức anh ách. Tôi không chống lại những tác phẩm nói về những trắc trở của tình yêu. Nhưng những trắc trở ấy ở miếng đất Việt Nam chắc chắn phải khác ở phương Tây, chỉ cái cạnh khía đó mới lôi cuốn thế giới. Chúng ta đã bước vào giai đoạn mới, giai đoạn thế giới hóa văn hóa Việt Nam. Làm sao có thể chấp nhận tình trạng một cuộc cách mạng vĩ đại thế này với bao hy sinh, mất mát lại không được trình bày trên bối cảnh của văn hóa Việt Nam để qua đó thế giới hoá những thành quả của nó? Như vậy, câu chuyện không phải là minh họa, mà là tái hiện. Điều đó đòi hỏi hai việc. Một là chuyên ngành. Bạn chỉ có thể viết một tiểu thuyết dài trong phạm vi cái môi trường và cuộc đời đã dành cho bạn. Tôi, người Phật giáo, dĩ nhiên là tôi am hiểu ảnh hưởng của Phật giáo tới gia đình tôi, tâm trạng tôi, tôi quen biết cái văn hóa ấy ở Việt Nam hơn nhiều người khác và, do đó, tôi có khả năng nối những thông tin mới về điều này. Tôi bắt gặp trong cái môi trường ấy một đề tài lôi cuốn tôi. Tôi sẽ viết về đề tài ấy, chủ yếu trong môi trường ấy. Tôi là quân nhân, là người lăn lộn với cuộc sống đồng bào miền núi vân vân... Tôi là chuyên gia. Vậy tôi sẽ viết tiểu thuyết kiểu mới, kiểu chuyên gia. Dĩ nhiên, câu chuyện của tôi nêu lên những vấn đề không những liên quan tới số phận đất nước tôi mà của cả loài người. Nhưng tôi không được rời bỏ cái môi trường của tôi. Chỉ có thu hẹp mới đào sâu, và chỉ có đào sâu mới toả rộng. Bởi vì như tôi đã trình bầy, con người như nhau. Cái khác nhau là bên ngoài. Cũng như tất yếu chỉ có thể thành tất yếu thông qua ngẫu nhiên. Cũng vậy cái toàn nhân loại chỉ có thể trở thành toàn nhân loại thông qua cái cá biệt được đào đến tận đáy. Hai là bạn phải bồi bổ không ngừng hiểu biết của mình trong phạm vi loại tiểu thuyết bạn đã chọn. Bạn phải đọc đủ mọi thứ sách, điều tra, tìm hiểu xây dựng chính bản thân cho khớp với yêu cầu của thể loại nghệ thuật. Chuyện này cực khó. Nhưng tôi hiểu bạn. Cũng như mọi người Việt Nam, chúng ta sinh ra là để phá công lệ. Cha ông ta đã phá công lệ khi lôi đồng bằng từ đáy biển lên, khi bảo vệ đất nước thần thánh này. Vậy chúng ta cũng sẽ phá công lệ. Chẳng phải chính cuộc đời của chúng ta tuy rất khiêm tốn nhưng tự nó cũng đã là một sự phá công lệ đó sao?

Nền văn hóa Việt Nam đang đứng trước một sự tiếp nhận mới, đang có những sự thay đổi. Đây là một đề tài rất lớn mang tính toàn hành tinh. Kinh nghiệm Việt Nam, những thành công và thất bại, những sáng tạo của nó. Tôi không mảy may lo về khoản các bạn lo sợ. Hồ Chủ tịch dạy: ‘Người yêu nước không sợ cái gì hết’. Chưa có cái gì có thể làm chúng ta lo sợ cả. Vậy việc gì mà phải hoảng hốt run run sợ sợ trước thế giới mới? Nền văn minh ấy cao hơn văn minh chúng ta về mặt kỹ thuật khoa học, tổ chức xã hội, kinh tế. Đúng thế. Nhưng từng người một, chưa biết mèo nào cắn mĩu nào. Ta có những chỗ mạnh rất cơ bản. Họ mạnh nhưng lại có những chỗ yếu cũng rất cơ bản. Ta có thể thua trong vài hiệp đầu. Nhưng rồi chúng ta sẽ thắng, vì chúng ta bất khuất, chịu khó học hỏi không ai bằng. Trong chiến tranh, nói chung lúc đầu chúng ta thua. Chúng ta phòng ngự. Rồi sau đó cầm cự. Rồi phản công. Trong vận hội mới cũng thế. Chúng ta cũng sẽ làm được điều này.

Tôi thú nhận với các bạn: khoa học nhân văn Việt Nam chưa giúp được nhiều cho các bạn. Tôi có lỗi với các bạn. Nhưng về mặt điều tra, tìm hiểu thực tế nó đã có những thành tích. Các bạn nên chú ý tới nó. Và người thúc đẩy khoa học nhân văn, khoa học xã hội Việt Nam là ai? Là các bạn đấy. Văn hóa là một mặt trận. Một mặt trận do trái tim yêu nước lãnh đạo.

Mẹo thứ tám: Xây dựng một nền tiểu thuyết tầm cỡ thế giới.

Một nền văn hóa trong tiếp xúc thường trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn tiếp thu cái mới phần nào máy móc, do đó không khỏi phạm những điều lố lăng vì cái mới tiếp thu hãy còn hời hợt, hình thức, đồng thời lại chưa khắc phục được những mâu thuẫn giữa nền văn hóa cố hữu với nền văn hóa mới; giai đoạn chuyển hoá sang một văn hóa vừa dân tộc lại vừa hiện đại. Theo tôi, văn hóa Việt Nam, đặc biệt là tiểu thuyết đã ở giai đoạn này. Giai đoạn thứ ba là phát huy ra ngoài, ảnh hưởng tới thế giới. Điều này là cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay của một thế giới chuyển từ đối đầu sang đối thoại, với kinh tế thị trường, trong đó chính văn hóa là trung tâm phát triển. Đây là một tình hình chỉ xuất hiện vào cuối thập kỷ tám mươi và sẽ kéo dài. Nếu thực hiện được điều này thì không những uy tín Việt Nam lớn lên mà cả kinh tế Việt Nam cũng sẽ phát triển mạnh mẽ. Bởi vì vào thế kỷ tới, sự chi tiêu về văn hóa sẽ ngày càng vượt xa sự chi tiêu để tồn tại.

Nói giọng thao tác, muốn cho người ta chấp nhận cách diễn đạt của mình thì cũng như đấu võ. Mình phải có công lực mạnh, về mặt này có thể yên tâm. Như tôi đã nói ở mẹo thứ nhất, công lực các nhà tiểu thuyết Việt Nam có thua chỗ này chỗ nọ, nhưng nhìn chung có những chỗ mạnh hết sức cơ bản mà nhiều nền tiểu thuyết chưa có. Chỗ yếu của chúng ta là về chiêu thức. Dù mình có mạnh đến đâu, nhưng nếu các đòn đưa ra đều là đòn gió thì làm sao người ta chịu thua. Phê bình theo lối thao tác luận không phải là bình, là khen hay là chê. Mà tìm mánh khoé làm việc, về điểm này, phải công bằng nhận thấy thiếu sót cơ bản của văn hóa Việt Nam.

Thiếu sót cơ bản của văn hóa Việt Nam là ở điểm nó nhìn mọi việc chỉ qua quyền lợi của đất nước, về điểm này, chúng tôi đã nói qua khi nhắc đến sự khúc xạ của đạo Khổng ở Việt Nam. Một tư tưởng hay một tình cảm muốn lôi cuốn toàn nhân loại phải phần nào mang tính trực tiếp giữa cá nhân với cá nhân. Không phải ngẫu nhiên mà trước cách mạng không một tư tưởng, biểu hiện văn hóa nào của Việt Nam vượt ra ngoài chữ S. Một người Pháp hay một người Đức xét bất kỳ vấn đề gì cũng ở cái thang toàn nhân loại. Trong quá khứ ta tiếp nhận và Việt Nam hóa mọi ảnh hưởng, về chính trị, ta đã khắc phục được nhược điểm này cho nên cách mạng Việt Nam có tác dụng to lớn. Nhưng văn học ta chưa làm được điều mà chính cách mạng yêu cầu đối với thế giới. Sở dĩ thế là vì cái nhìn cũ, thu hẹp vào đất nước của chúng ta chưa được khắc phục.

Tôi nói những điều dưới đây không phải để chống lại nền văn học đã qua. Tôi đứng về phía Marketing. Ta có món hàng đẹp và tốt. Nhưng người ta chỉ mua hàng của mình khi nó hợp với họ. Tức là muốn có ảnh hưởng phải xuất phát từ cái chung, cùng cảm nhận được. Sau đó mới đưa ra cái riêng khiến người ta chấp nhận cái riêng trên cơ sở cái chung. Châu Âu cũng có văn học yêu nước, cách mạng. Cách họ làm khác. Prô-mê-tê là một thí dụ của hình tượng con người cách mạng phương Tây. Nhưng Prô-mê-tê khác những hình tượng anh hùng của Việt Nam. Chàng làm những hành động anh hùng, chịu đựng mọi hy sinh với ý thức đầy đủ về giá trị cá nhân của mình. Người phương Tây không thể chấp nhận con người anh hùng vì lý tưởng đơn thuần, không vì ý thức giá trị cá nhân. Cho nên các nhân vật anh hùng của ta có thể làm họ phục, nhưng không làm họ say mê. Nguyên nhân là vì có một thời gian dài chúng ta quan niệm mọi cái gì cá nhân là xấu, và phải hủy diệt cá nhân, thậm chí tránh nói đến ý thức cá nhân vì điều đó là tư sản. Theo tôi, Mác, Lê-Nin không thể quan niệm như vậy được. Đây là một cách nhìn phương Đông.

Thiếu sót thứ hai của ta là con người Việt Nam sao mà làm những hành động anh hùng một cách đơn giản đến thế. Nhìn trong thực tế, ta thấy đúng là chúng ta khá đơn giản, nhưng cái đơn giản ấy không phải tự nhiên mà có. Có hai nguyên nhân. Một là chúng ta sinh ra trong một đất nước có truyền thống hy sinh quên mình. Hai là chúng ta không còn sự lựa chọn nào nữa. Nếu như hai mặt này được đào thực sâu thì các thơ văn, tiểu thuyết ta sẽ lôi cuốn thế giới biết bao nhiêu. Như Bác dạy, chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng làm sao có thể nhân nhượng cả quyền lợi dân tộc được? Kết quả ta anh hùng vì bất đắc dĩ. Mà chính vì bất đắc dĩ cho nên đơn giản. Điểm này văn học chúng ta chưa làm nổi bật. Cách nhìn giản dị ấy còn kết hợp với lối minh họa giản đơn, thiếu thông tin và thao tác. Cho nên có một cuộc đấu tranh dân tộc dài nhất và oanh liệt nhất thế kỷ nhưng chưa có một nền văn học lôi cuốn thế giới ngang tầm với nó.

Vào tháng 11 năm 1988 tôi có được dự cuộc triển lãm tranh Bùi Xuân Phái ở Pari. Tôi có nghe một số người Châu Âu cho biết tại sao anh Phái được người Châu Âu thích. Có ba lý do. Một là, Việt Nam không phải quê hương của tranh sơn dầu. Mà Phái vẽ tranh sơn dầu. Vậy Châu Âu chỉ mua tranh sơn dầu khi kỹ thuật sơn dầu ngang với Châu Âu. Phái đã đạt được điểm này. Hai là Phái vẽ lên được một cái gì hết sức Việt Nam, những phố Hà Nội cũ. Nhưng nếu cái Việt Nam ấy chỉ Việt Nam thôi thì người phương Tây không hiểu được. Vậy cái hết sức Việt Nam này lại phải gần với phương Tây. Có một nỗi buồn thầm lặng toát ra từ những góc phố, nỗi buồn ấy chung cho mọi người trước bao thay đổi. Thứ ba hiểu được nhưng phải là của riêng Phái, người phương Tây không làm được. Tức là cái hiếm, cái cá nhân ở nhà hoạ sĩ lớn này. Tiếc là anh Phái chúng ta đã chết, nếu anh biết được điều này chắc anh sẽ yên lòng.

Tôi tìm mẹo cho nên điều này đối với tôi là một bài học. Bài học chung về khoa học, nghệ thuật và kỹ thuật. Người ta nói người Việt Nam giỏi bắt chước. Nhưng đó là chưa hiểu người Việt Nam. Người Việt Nam giỏi kết hợp để tạo nên cái độc đáo. Tôi hy vọng với giai đoạn mới, giai đoạn chưa hề có trong lịch sử dân tộc, cái tài kết hợp của Việt Nam sẽ được phát huy để làm rạng rỡ đất nước này.

Khái niệm toàn nhân loại là một khái niệm động, mang tính lịch sử, không phải lúc nào cũng như nhau. Lúc này chính là lúc khái niệm ấy không còn là một lời nói đẹp, mà là một yêu cầu thực tế, liên quan tới sự sống còn của từng người. Có những tổ chức lo đến nó, Liên Hiệp Quốc là một ví dụ. Mọi vấn đề đều phải nhìn lại.

Một thí dụ nhỏ. Ngày xưa người Việt thích đông con. Ngày nay vấn đề kế hoạch hóa sinh đẻ là một vấn đề toàn nhân loại, vấn đề quan tâm tới trẻ em là vấn đề toàn nhân loại. Trong hoàn cảnh ấy nhà văn cần phải nhìn câu chuyện tình yêu một cách khác. Làm thế nào lo đến hạnh phúc của con em trong một gia đình cha mẹ mỗi người mỗi nơi, sống ly thân hay ly dị? Điều có thể chấp nhận được ở một xã hội trong đó con em được Chính phủ chăm sóc thì lại thành chuyện nhức nhối ở một xã hội nghèo đói, trong đó phải cả cha mẹ làm kiệt lực mới nuôi nổi con. Đây là một vấn đề rất Việt Nam nhưng cũng rất toàn nhân loại. Văn học Việt Nam, nghệ thuật Việt Nam chưa tạo nên được một hình tượng thiếu nhi thực sinh động. Có nhiều vấn đề toàn nhân loại chưa được xét đến trên cơ sở Việt Nam. Chuyện sống dựa trên pháp luật, xây dựng một pháp chế dân chủ không biết đến chức vụ, thành phần, lý lịch... là chuyện toàn nhân loại. Pháp luật không còn là chuyện của một người, một nước mà là chuyện chung của loài người. Tức là trong giai đoạn mới của lịch sử thế giới, vấn đề toàn nhân loại không còn là một yêu cầu của chỉ con tim, mà chính là yêu cầu đã được cụ thể hoá thành văn kiện, tổ chức, cơ quan và việc chấp nhận nó, nhìn sự vật ngay trong cách tiếp cận của nó là then chốt để tạo nên một nền tiểu thuyết có tầm thế giới.

Vào giai đoạn này vấn đề cá nhân, thị trường, lao động trí óc đều là những vấn đề phải chấp nhận. Phương Đông đói khổ vì chống lại nó. Phương Tây không phải tự nhiên mà mạnh hơn ta về kinh tế. Nó có những giá trị toàn nhân loại, mới, của thời đại mà dù ta không thích, ta cũng phải chấp nhận. Câu chuyện thành phần, lý lịch, con ông cháu cha là chuyện của phương Tây trước cách mạng tư sản và là của phương Đông hiện nay. Những điều đó cản trở sự cất cánh của văn học nghệ thuật. Óc phê phán là điều không thể vắng mặt ở văn học phương Tây. Tôi chưa thấy một nhà văn phương Tây nào lớn mà lại thiếu cái nhìn độc lập. Quyền Tư bản trước hết là một công trình phê phán. Nhưng trong một thời gian dài, trách nhiệm cá nhân trong phê bình hình như vắng mặt. Chế độ quan liêu đã làm chế độ nô lệ, chế độ phong kiến Châu Âu sụp đổ. Nó đã làm chế độ quân chủ phương Đông ngưng trệ, và lũng đoạn cả chế độ xã hội chủ nghĩa. Đấu tranh chống lại chế độ quan liêu, nạn tham ô lãng phí là đấu tranh cách mạng. Chủ nghĩa xã hội muốn tồn tại phải thắng được nó. Đây cũng là một vấn đề thế giới. Tôi khao khát được đọc một bài, hay nếu không một câu của những nhà phê bình viết hàng chục bài dài dằng dặc chống lại nào là xét lại, nào là tư sản, nào là bảo vệ chuyên chính vô sản... nhưng không hiểu vì sao các nhà phê bình ấy không nói đến chống tham ô, lãng phí, móc ngoặc... Chắc là ở Việt Nam không có tình trạng này?

Tóm lại, các nhà tiểu thuyết dài không thiếu đề tài, không thiếu những chuyện cực kỳ quan trọng để nói. Và khi nói như vậy không sợ bỏ mất chủ nghĩa hiện thực. Chủ nghĩa hiện thực cũng là một khái niệm lịch sử. Có chủ nghĩa hiện thực thời xưa, và có chủ nghĩa hiện thực vào giai đoạn trong đó cả hành tinh cùng chung số phận, cùng sống hay cùng chết, cùng chống lại những nạn đe doạ to lớn: ma túy, si đa, phá hủy môi trường, nạn nghèo đói, thất học.

Tôi trở lại quan điểm xuất phát: Cái sâu chỉ xuất hiện trên cơ sở cái rộng, và cái rộng bộc lộ giá trị của nó chính nhờ cái sâu đào đến tận đáy. Ngay trong lòng chúng ta có tất cả khi chúng ta thực sự quên mình cho lý tưởng vì nó Bác bôn ba cả một cuộc đời. Cái sâu trong lòng người Việt Nam. Câu trả lời cho một nền văn học có ý nghĩa thế giới là ở trong trái tim chúng ta. Trái tim ấy đòi hỏi một cuộc sống riêng, không thể nào là cuộc sống của những người bóc lột.

P.N
(TCSH57/09&10-1993)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng