Nghiên Cứu & Bình Luận
Hình tượng Nguyễn Ánh - Gia Long trong tiểu thuyết lịch sử của Trường An
10:16 | 09/05/2025

THÁI PHAN VÀNG ANH

Nguồn cảm hứng từ nhân vật lịch sử Nguyễn Ánh không chỉ mãnh liệt ở tiểu thuyết Thiên hạ chi vương mà còn tràn trề trong hai tiểu thuyết khác nữa của Trường An là Vũ tịchHồ Dương.

Hình tượng Nguyễn Ánh - Gia Long trong tiểu thuyết lịch sử của Trường An
Bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Trường An

Qua ba cuốn tiểu thuyết, hình tượng Nguyễn Ánh - Gia Long được nhìn từ điểm nhìn bên ngoài của các nhân vật lịch sử cùng thời. Một chân dung đa diện của vị vua đầu triều Nguyễn được dựng lên qua vô số cái nhìn dị biệt. Một lịch sử của một giai đoạn phức tạp trong những tranh đoạt, soán đổi vương triều được nhìn lại từ những góc khuất, những câu chuyện đã có và có thể có. Bằng những nhạy cảm nữ giới, Trường An đã góp thêm vào văn chương Việt một cái nhìn về nhân vật Nguyễn Ánh - Gia Long, không chỉ làm rõ hơn chân dung một nhân vật lịch sử đang còn nhiều tranh cãi, mà còn làm phong phú thêm dáng hình của một nhân vật tiểu thuyết, qua những hình dung thú vị của tác giả.

1. Noãn - đứa trẻ không được chuẩn bị để làm đế vương

Nguyễn Phúc tộc phả hệ chép rằng “Thế Tổ Cao Hoàng Đế húy là Nguyễn Phúc Anh ngoài ra còn có tên Chủng và Noãn, là con thứ ba của đức Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế Nguyễn Phúc Côn và Hoàng Hậu Nguyễn Thị Hoàn. Ngài sinh ngày 15 tháng giêng năm Nhâm Ngọ (8/2/1762)”1.

Các tài liệu lịch sử hầu như cũng chỉ ghi chép ngắn gọn về tên của Nguyễn Phúc Ánh, lý giải chiết tự của chữ Ánh, vốn là Anh, gồm bên trái là chữ Nhật, bên phải là chữ Anh (hoặc chữ Uông), và không bàn luận nhiều về cái tên Noãn. Lý giải về cái tên thuở nhỏ, trong tiểu thuyết Thiên hạ chi vương, Trường An đã có những luận bàn thú vị; theo đó, Noãn là một cái tên đẹp mà Định vương Nguyễn Phúc Thuần đã đặt cho cậu bé Nguyễn Phúc Ánh, khác với phong tục đặt tên của người Việt, thường chọn những cái tên xấu xí để dễ nuôi.

Bốn tuổi, cha vốn được di chiếu truyền ngôi, nhưng sau cùng đã bị bắt giam và chết trong ngục, cậu bé Nguyễn Phúc Ánh được đưa đến cho một người họ hàng xa nuôi, khởi đầu một cuộc đời lưu lạc và tìm kiếm sự sống từ chính những hủy hoại, đổ nát. Trường An, thông qua 3 cuốn tiểu thuyết Thiên hạ chi vương, Vũ tịchHồ Dương đã gợi nên một chân dung lạ về vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, khi ngài ấy chỉ là một đứa trẻ. Ở cả ba tiểu thuyết, “đứa trẻ” này hầu như không hề nói về chính nó; song nhờ được chiếu sáng từ mối quan hệ với nhiều yếu nhân khác, những mảnh ghép về chân dung của “vị chúa Nam Hà còn đầy vẻ trẻ con này” vẫn được hiện ra rõ nét.

Nhà văn nữ Trường An đã có một lựa chọn đặc biệt khi không để nhân vật Nguyễn Ánh - Gia Long là nhân vật trung tâm ở cả ba tiểu thuyết Thiên hạ chi vương hay Vũ tịchHồ Dương. Nhân vật trung tâm của Thiên hạ chi vương là vị Phật vương Xiêm La, của Vũ tịch là công chúa Ngọc Bình, của Hồ Dương là Ngọc Du - chị gái chúa Nguyễn. Nguyễn Ánh chỉ là nhân vật can dự lớn vào cuộc đời họ và được/bị phán xét bởi điểm nhìn của thiên hạ, ngay khi ngài chỉ là một cậu bé. Đứa trẻ không được chuẩn bị để làm đế vương này đặc biệt được khắc họa đậm nét trong tiểu thuyết Thiên hạ chi vương, qua cái nhìn của vị Phật vương Xiêm La, người từng vừa giam lỏng, vừa cho Nguyễn Ánh tá túc khi vị chúa Nam Hà bị truy đuổi; người vừa là bạn, vừa là kẻ thù trong những tranh đoạt lãnh thổ hòng làm bá chủ Đông Dương.

2. Nguyễn Ánh - người canh tân trong kiến thiết đất nước

Nguyễn Phúc Ánh theo người chú Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Gia Định, khởi đầu cho một chuỗi ngày dài đau thương để có ngày về lại Phú Xuân. Họ Nguyễn gần như tuyệt diệt cùng những nỗi đau tiếp tục xảy đến với người nhà Nguyễn Ánh, cho tới ngày ông chính thức lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân. Phải chăng, những đổ nát và hủy hoại này đã hun đúc nên một vị chúa trẻ Nam Hà, và một vị vua Gia Long nhiều tham vọng với những “khoảng trống lịch sử” đã trở thành cảm hứng của nhiều nhà văn, trong đó có tác giả Trường An.

Năm 1778, mười sáu tuổi, Nguyễn Ánh được suy tôn làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính, sau khi Định vương Nguyễn Phúc Thuần, cùng nhiều người trong Gia tộc họ Nguyễn đã bị giết chết. Hai năm sau đó, Nguyễn Ánh xưng vương, không chỉ củng cố Gia Định và Nam Bộ mà còn mở rộng quan hệ bang giao với các nước lân cận, tìm kiếm đồng minh cho những dự định và tham vọng lớn của mình. Sau hai mươi lăm năm vừa gây dựng Gia Định, vừa từng bước tiến về Phú Xuân, thu phục Bắc Hà, năm 1802, cậu bé Noãn vốn không được chuẩn bị để làm vương, đã trở thành hoàng đế của một đất nước Việt Nam thống nhất, với lãnh thổ trải rộng nhất trong lịch sử lập quốc của người Việt. Cậu bé Nguyễn Phúc Ánh trong những ngày lưu lạc theo chúa Nguyễn Phúc Thuần có thể không hình dung được kết cục ấy. Song, đó lại là kết quả tất yếu của lịch sử Việt giai đoạn 1771 - 1802.

Ngay từ những ngày bị giam lỏng ở Vọng Các, Nguyễn Ánh đã tiếp thu tất cả những gì cần thiết để tạo lập một vương triều, học cách nắm giữ quyền lực bằng những chân thành ngây thơ của mình. Chân dung Nguyễn Ánh qua những mô tả của Trường An, thật ra, khá thống nhất với những ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn. Không hư cấu lịch sử theo hướng hạ bệ, giải thiêng, hay chiêu tuyết cho nhân vật dựa vào những giả định lịch sử, Trường An, trước sau luôn tôn trọng và bám sát lịch sử nhất có thể. Sự sáng tạo của nhà văn là ở chỗ đã cho nhân vật lịch sử một tâm lý, một chân dung tư tưởng, dựa trên những ghi chép khô khan của sử liệu. Tiểu thuyết lịch sử của Trường An, vì thế, không làm thay đổi bản chất của các sự kiện, các nhân vật lịch sử, mà chỉ là làm đầy hơn, sống động hơn qua những hình dung thêm của tác giả, nhất là ở những phần mờ.

Vua Nguyễn Ánh - Gia Long trong những trang văn của Trường An còn hiện lên như một nhà canh tân trong kiến thiết đất nước. Khi cần thu nhận nhân sĩ Gia Định, trong những ngày đầu tạo dựng thanh thế, Nguyễn Ánh có thể bất chấp thi cử miễn sao dụng được người tài: “Ta trước nay chỉ nhìn người chứ không nhìn nhà. Thi cử chẳng qua chỉ là cái lệ để khuyến khích người đi học, để cho kẻ có tài nơi thi thố tuyển nhân tài cho đất nước”, “Nhân tài trước mắt mà không lưu dụng lại viện đến cớ khoa thi cử thật là cố chấp phù phiếm” (Hồ Dương, tập 1, tr.251). Song để tạo lập uy tín của Gia Định đối với Bắc Hà, vua Nguyễn cũng đã mở khoa thi Hội ở Gia Định cho chỉ tiêu chấm đậu cả vài trăm người, bất chấp sự lo ngại của Võ Tánh “e rằng vét cả Gia Định cũng chỉ được chừng ấy”. Và đây là lời của vua Nguyễn tâm sự với Võ Tánh: “Phải, ta muốn vét Nho sĩ khắp Gia Định này”, “Khanh có thấy những kẻ Bắc Hà đó không? Hằng trăm năm nay, họ đã khinh khi người Nam Hà là ít học, thô lậu. Nay muốn hòa hợp được cả hai vùng thì phải rút bớt khoảng cách lại, cũng là để người dân ở đây quen với tập tục người Kinh. Để Bắc khinh nhờn Nam, Nam bất phục Bắc, chẳng mấy chốc lại có bất hòa, sao mà sống chung với nhau được” (Hồ Dương, tập 1, tr.655). Một vua Nguyễn thực dụng trong cả việc sử dụng kẻ sĩ đã được Trường An khắc họa đậm nét trong tiểu thuyết Hồ Dương, thông qua chi tiết vua Nguyễn cho quan văn coi việc cày ruộng, yêu cầu họ trực tiếp ra ruộng, chăm lo đốc suất dân cày, liệu mà dùng tài học của mình quản lý cho hiệu quả, sử dụng ba tấc lưỡi mà thuyết phục quảng đại chúng dân, không phải nói thánh nói tướng trong phòng kín” (Hồ Dương, tập 1, tr.330). Có thể nói, thực dụng và luôn sẵn sàng vực dậy mọi chuyện từ những đổ nát, từ những con số không, đó là hình ảnh của Nguyễn Ánh được thể hiện nhất quán trong tiểu thuyết của nhà văn nữ Trường An thông qua cả ba tác phẩm Thiên hạ chi vương, Vũ tịch, Hồ Dương. Điều thú vị là tác giả Trường An không có ý bênh vực vị vua đầu triều của nhà Nguyễn này bằng cách lờ đi những sai lầm, những thất bại của ngài ta. Những trận chiến làm hao binh tổn tướng, những quyết định sai lầm phải trả giá bằng mạng người, những việc làm bất chấp thần Phật, trời đất của vị vua Nam Hà… vẫn được kể lại như những gì đã diễn ra trong lịch sử. Trong các tiểu thuyết lịch sử của Trường An, không phải vua Nguyễn không từng một lần muốn bỏ cuộc sau nhiều lần thua trận, khi gia tộc, tướng lĩnh, binh lính lần lượt chết. Nhưng, sau rốt, những thất bại, nản lòng ấy vẫn là những sự thật lịch sử góp phần làm nên một chân dung sáng rõ hơn về vị hoàng đế đầu tiên của một nước Việt Nam thống nhất - Gia Long: “Sau này, ta lại nghĩ tất cả đều có cái tốt của nó. Ta cho rằng mọi người đều nên một lần biết thất trận, biết ngoái nhìn. Có thế thì người ta mới biết mình đã phải trả cái giá như thế nào, và không phí phạm sinh mệnh. Chẳng có gì đáng vui mừng với trận thắng nhiều thương vong, không một chút nào” (Hồ Dương, tập 1, tr.602). Có thể nói, thay vì bênh vực hay buộc tội, Trường An đã luôn thử lý giải, từ điểm nhìn của người trong cuộc, và từ điểm nhìn của hậu thế khi đã có một độ lùi lịch sử để đánh giá những thành bại, được mất của Nguyễn Ánh.

3. Gia Long - vị vua của tham vọng và thách thức

Ngay từ khi chỉ là một chàng trai trẻ, Nguyễn Ánh đã bộc lộ rõ những tư tưởng khác số đông. Nghĩ về chiến tranh, nghĩ về những tranh đoạt, bất chấp tình thế đang bị giam lỏng, vị nguyên soái của Nguyễn tộc vẫn hoài nghi về những thắng thua vô nghĩa: “Nếu chỉ dựa vào sức mạnh của sinh tồn thì khi yếu đi sẽ chết”; “đánh nhau để rồi kẻ bên ngoài nhảy vào tàn phá. Thật là ngốc nghếch” (Thiên hạ chi vương, tr.111 - 112). Kể cả về sau, khi đã đủ tư cách để đối thoại ngang hàng với quốc vương láng giềng, Nguyễn Ánh vẫn không giấu giếm cái nhìn của một người vốn chỉ quan tâm tới đại cuộc: “Ta đã được đi xa để hiểu rằng thế giới này quá rộng. Trong một thế giới rộng lớn đến thế, chúng ta vì những tranh chấp nhỏ mà đánh nhau, chẳng phải là ngốc nghếch quá sao?” (Thiên hạ chi vương, tr.148). Phải chăng, luôn mang mối hoài nghi và ngạc nhiên với cuộc đời, vị hoàng đế Gia Long đã hiếm khi biết “sợ” trong suốt quãng đời của mình, sẵn sàng gạt bỏ những lý lẽ thông thường để đạt được các tham vọng đế vương, và trở thành nhân vật lịch sử gây ra nhiều tranh cãi trong giới sử học cũng như trong sự đón nhận của hậu thế.

Chỉ vừa lấy lại được Nam Hà từ hai bàn tay trắng, Nguyễn Ánh đã gửi thư cho Phật vương Xiêm La, với danh nghĩa của vị vua Nam Hà - báo tin chiến thắng và đề nghị kết giao, bất chấp những xung đột và thù địch trong quá khứ. Tuy ở “thế yếu”, song, bằng tham vọng lớn mạnh nhờ vào sự hợp tác, Nguyễn Ánh đã khiến quốc vương Xiêm La, từng chút một, nhận ra rằng “sự sống còn của Nam Hà và Xiêm La là một, là sự sống còn của toàn Đông Dương” (Thiên hạ chi vương, tr.129), khiến Xiêm La sẽ phải đứng cạnh, sẽ sống chết cùng Nam Hà. Với một loạt những biện pháp thức thời như cho các tù trưởng Cao Miên tự quản vùng đất của họ, liên kết tất cả những tù trưởng Cao Miên trong vùng bằng những cuộc thương thuyết, những chính sách tự trị và chia sẻ quyền lợi, hay đưa quân đến sát biên giới Luông Pha Băng, biến những vùng đất tranh chấp với Chân Lạp thành nơi sinh sống của dân Việt, xây kênh đào ngay trên vùng biên giới với Chân Lạp, chia cách hẳn vùng biên giới, tạo ra biên giới…, Nguyễn Ánh đã biến những vùng đất hoang vu thành ruộng đồng, biến đất đai thành của An Nam, từng bước xác lập vị thế bá chủ Đông Dương. Bởi, nói như Phật vương Xiêm La, “kẻ đang cai trị An Nam là một người họ Nguyễn - những kẻ chinh phục. Những kẻ không biết dừng lại” (Thiên hạ chi vương, tr.146). Kể về sự kiện Nguyễn Ánh giành lại giang sơn, đổi tên đất nước, Trường An khéo léo thể hiện một chân dung Nguyễn Ánh, một hoàng đế Gia Long dám thách thức với tất cả: “Nếu không cho đổi tên, thì nó không nhận sắc phong - y nghe cách nó nói với vua Thanh, và thầm nghĩ, thật là hợp với tính cách nó” (Thiên hạ chi vương, tr.144). Từ điểm nhìn của Phật vương Xiêm La, một Nguyễn Ánh của những ngày non trẻ ở Xiêm La và một nhà vua của một nước Việt Nam thống nhất dường như không khác nhau là mấy ở tham vọng và sự thách thức với tất cả. Tham vọng và sự tự tin từng giúp Nguyễn Ánh khởi xây thành Gia Định vào tháng 2 năm Canh Tuất, trên nền đất cũ của đồn lũy tại làng Tân Khai, theo tinh thần: “Chúng ta có nền kiến trúc của riêng chúng ta, nên chắt lọc những gì tốt của nước ngoài, bỏ đi những cái lạc hậu của ta để có kết quả tốt nhất chứ không nên sao chép hoàn toàn”, căn cứ vào cả hình thể đất đai. “Những gì chúng ta muốn, tự tay chúng ta sẽ xây dựng nên chúng ta sẽ làm được” (Hồ Dương, tập 1, tr.393). Tham vọng và lòng ham hiểu biết, cũng đã giúp Nguyễn Ánh từ chỗ phải rã một chiếc thuyền Tây dương cũ để nghiên cứu, lập xưởng thuyền với đủ loại người từ người Tàu, người Tây Dương, cả dân Ấn Độ, song về sau đã trở thành người sở hữu đội thuyền chiến gây kinh sợ ở Đông Dương. Bởi, thực dụng và giàu tham vọng, Nguyễn Ánh từ khi là một cậu bé phải trốn chạy, đến khi là một vị vua của nước Việt Nam thống nhất vẫn luôn suy nghĩ vượt lên tầm thời đại: “Người Tây dương, với hàng ngàn năm đi trên biển, đã tạo ra đủ loại thuyền thiện chiến đến đáng sợ. Nếu không học hỏi họ, ta sẽ bị họ nuốt chửng. Đừng có lầm lẫn, ta có thể ghét người Tây dương tùy ý, cấm họ vào đất nước này cũng được, nhưng không thể không lưu tâm học lấy cái hay của họ” (Hồ Dương, tập 1, tr.492). Cứ như thế, tham vọng và đầy thách thức, một vua Nguyễn thật “lạ lùng” trong mắt dân chúng đã được thể hiện vô cùng sống động trong tiểu thuyết của Trường An: “Họ đang có một vị chúa bắn súng giỏi hơn dùng gươm, bơi lội giỏi hơn cưỡi ngựa, lăn lộn cả ngày trong xưởng thuyền, xưởng thợ, tham gia vào “trò phù thủy” của các linh mục,…, xung quanh ngài ta toàn là người Tây!” (Hồ Dương, tập 1, tr.491).

Nguyễn Ánh là người không gì không dám làm, kể cả thách thức lại các niềm tin tôn giáo của người thân, của dân chúng. Để chiến thắng, ngài sẵn sàng tấn công vào dịp Tết Đoan Ngọ, vốn rất được đề cao vào thời Quang Trung. Ngài ta cũng không ngại “Đánh người đem tượng Phật vào phòng vợ, đánh người đến làm lễ cầu kinh trong nhà, không chịu ở cùng một chỗ với người tu hành...”, nhưng khi cần vẫn “cho trùng tu lại chùa chiền, miếu mạo, thỉnh thoảng còn đến dự lễ với các trụ trì”, bởi “những chuyến đi này vừa đủ ít để các Nho sĩ trong triều vốn ghét Phật, Lão không lấy làm phật lòng, vừa đủ để các giáo sĩ phải kinh ngạc, nhốn nháo, vừa đủ cho “bên ngoài” biết rằng vị chúa vốn chẳng theo “đạo của Tây dương” (Hồ Dương, tập 1, tr.680). Không tin thần Phật, và sẵn sàng đả kích khi người thân dồn hết niềm tin vào thần Phật, song là người đứng đầu thiên hạ, Nguyễn Ánh - Gia Long rất biết ý nghĩa của tôn giáo và cách ứng xử với niềm tin tôn giáo của dân chúng. Hơn một lần, Trường An đã để Nguyễn Ánh - Gia Long, tranh luận và đối thoại về tôn giáo khi nói với hoàng tử Cảnh, nói với quần thần: “Thiên Chúa không xấu, nhưng kẻ lợi dụng đạo giáo đều xấu. Phật, Lão không xấu, nhưng kẻ lợi dụng Phật, Lão thì xấu”; “Ta không ghét Thiên Chúa ta không ghét Phật, Lão, nhưng ta ghét bọn đồng bóng, ghét đám sư sãi chỉ dựa vào cái miệng cầu mấy câu kinh mà vơ vét của dân. Ta không ghét các giáo sĩ, nhưng con nghĩ sao nếu bên cạnh chúng ta có sự quản lý của một đám người từ bên kia bờ biển đến, không hiểu gì về chúng ta?”; hay “Hầu như không có đạo nào xấu, nhưng còn phải xem nó vào tay ai. Không có thứ lý thuyết nào tồi tệ, nếu không nó đã không thể tồn tại, nhưng phải xem người ta sử dụng nó thế nào” (Hồ Dương, tập 1, tr.493).

Vua Gia Long còn dám thách thức triều đình, thách thức cả hậu thế và sử sách khi lập Ngọc Bình, vợ của Quang Toản làm Đức phi, sau khi đã trả thù nhà Tây Sơn một cách tàn bạo và khốc liệt. Vị tướng tâm phúc Lê Văn Duyệt đã bàng hoàng đến không thể tin được khi nhà vua dám có một quyết định liều lĩnh, nạp Ngọc Bình làm phi tử. Cái lý của Lê Văn Duyệt phải chăng là cái lý của số đông: Thê thiếp của kẻ thù chỉ là chiến lợi phẩm, là thứ tiêu khiển rồi loại bỏ, huống hồ ngài ta, vị vương luôn nói đến lễ nghĩa, phong hóa, đã ban lệnh cấm ngặt binh lính phạm đến người bại trận này. Việc làm bại hoại đến phẩm cách, ngay giữa lúc trận chiến còn chưa định cuộc, Phú Xuân vẫn còn đang bị đe dọa bởi Trần Quang Diệu ở Quy Nhơn, lúc lòng người còn phân tán là không thể chấp nhận được (Vũ tịch, tr.215). Lê Văn Duyệt, quần thần, cũng như hậu thế có lẽ khó hiểu được sự toan tính thực dụng của Nguyễn Ánh - Gia Long. Mượn điểm nhìn của người trong cuộc, người kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ tịch đã biện minh cho quyết định này: “Nàng cần thiết cho sự chuẩn bị này của ông, và sau này nữa. Nàng ta cần thiết cho con đường bình định và đế nghiệp của ông. Ông đã nghĩ ngay điều đó từ khi đọc thấy tên công chúa Ngọc Bình trong danh sách những người bị bắt. Trước khi biết nàng là ai” (Vũ tịch, tr.217).

Khác với nhà văn Trần Thùy Mai, xem việc cưới Ngọc Bình là hành động trả thù tàn bạo của vua Gia Long khi không chỉ quật mộ người chết, mà ngài ta còn quật lên thân xác sống của hoàng hậu triều Tây Sơn hằng đêm (Từ Dụ thái hậu); hay khác với Sương Nguyệt Minh (Dị hương) khi mô tả Gia Long đầy dục vọng chiếm hữu; với Trường An, cưới Ngọc Bình là một toan tính thực dụng của vua Gia Long. Ngài ta không thể để công chúa cuối cùng triều Lê, người đã rơi vào tay Tây Sơn, hạt giống cuối cùng của nhà Lê bị Tây Sơn tiếp tục triệt tiêu. Ngài muốn cứu nàng, người con gái bơ vơ giữa những sụp đổ và chôn vùi, dù biết rằng đó cũng là việc làm hủy hoại linh hồn nàng, bởi có đế nghiệp nào mà không dựa vào sự hủy diệt. Ngọc Bình, qua các trang văn của nhà văn Trường An không phải là một nữ nhi yếu đuối bạc mệnh như những miêu tả của các nhà văn khác. Trong mắt nàng, Nguyễn Ánh là một hoàng đế và “cũng là một kẻ không có gì mà không dám làm. Tất cả đều được tính toán thật hoàn hảo, cả ở trong tính chất vô lương, vô đạo, không thể chấp nhận được của nó”. Nàng nhận ra sự thiếu hụt cảm xúc trong con người Nguyễn Ánh: “Ông sẵn sàng hy sinh ngay cả bản thân mình để đạt được điều mình muốn. Nàng là một trong số đó. Nàng là một trong những nguyên nhân đẩy Tây Sơn tự sát trước lũy Trấn Ninh. Nàng cũng là lý do mà ông có thể dựa vào đó để kêu gọi nhân tâm trong nước” (Hồ Dương, tập 1, tr.322). Ngọc Bình không oán hận. Nàng biết rõ “Phải gánh lấy gánh nặng của tiền nhân là một chuyện đáng thương”. Chọn một góc nhìn khác khi xây dựng mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh và Ngọc Bình, Trường An đã khắc họa nổi bật một chân dung hoàng đế Gia Long vừa tham vọng, vừa sẵn sàng thách thức tất cả; hay vì tham vọng mà không ngại thách thức trời đất và cả lòng người. Và bằng những độc thoại hay đối thoại của vua Gia Long với Ngọc Bình, Trường An đã lý giải những tham vọng, thách thức ấy của ngài ta từ những niềm tin sâu thẳm: “Giá trị của một đất nước không dựa vào chiến tranh mà chính ở nội lực của nó”, “Ta chỉ có thể làm chủ đất nước này khi ta thực sự mạnh. Điều đó không lực lượng nào khác có thể giúp được, ngoại trừ chính bản thân ta” (Hồ Dương, tập 1, tr.318- 319); “Thống nhất một đất nước còn dễ hơn cai quản nó, giữ vững nó thành một khối. Cách duy nhất để giữ một đất nước là làm cho nó giàu mạnh, không phải chỉ đơn giản dựa vào quân đội hay chiến tranh… Ta, hoàng đế đầu tiên của nước Nam Việt thống nhất, sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này. Đó là tham vọng của ta. Đó là những gì ta có thể đền đáp cho những người đã chết. Đó là giá trị duy nhất, sự khẳng định duy nhất về chiến thắng của ta. Chỉ làm được điều đó, chiến thắng của ta mới có giá trị” (Hồ Dương, tập 1, tr.321). Để hoàng đế Gia Long hứa với Ngọc Bình: “Ta sẽ giữ gìn đất nước này bằng bất cứ giá nào. Tất nhiên ta không biết những gì sẽ xảy ra sau đó, ta chỉ có thể làm hết sức mình. Đó là điều duy nhất ta có thể làm để mạng sống của những người đã chết có một giá trị nào đó. Những người ta yêu thương, cuộc đời của ta, thuộc hạ của ta và cả kẻ thù của ta” (Hồ Dương, tập 1, tr.318-319); Trường An cũng đã phần nào bênh vực cho những tham vọng và thách thức của ngài ta, nhìn từ mối quan hệ “vô luân” mà sử sách và hậu thế đến nay cũng chưa dễ gì chấp nhận.

*

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Trường An cho biết: “Sử thời Nguyễn viết rất chi tiết. […] Nếu nói hư cấu, thì mình chỉ cần hư cấu theo mạch của họ thôi thì nhân vật đã hiện ra rất rõ rồi. Nhưng nhân vật đó trong hoàn cảnh đó sống như nào, dân tình ra sao… thì mình phải thêm da thêm thịt vào cho họ. Rồi ghi chép lịch sử rất lạnh lùng, mình phải tưởng tượng ra nhân vật này nói như này, nhân vật kia nói như khác… theo tính tình của họ thì họ sẽ phản ứng ra sao”2. Với quan niệm chỉ hư cấu thêm trên những sự thật lịch sử nhằm lý giải, khai thác thế giới nội tâm nhân vật, thay vì “viết lại” lịch sử, với ba tiểu thuyết Thiên hạ chi vương, Vũ tịchHồ Dương, nhà văn Trường An đã khắc họa một hình tượng Nguyễn Ánh - Gia Long vừa là một nhân vật lịch sử thống nhất với sử sách, vừa là một nhân vật văn học sinh động, thú vị và gợi cảm hứng đối thoại hay đồng sáng tạo ở độc giả. Không chọn hạ bệ, giải thiêng hay hoài nghi lịch sử; cũng không chọn kể lại lịch sử từ điểm nhìn của sử gia, Trường An đã chọn lối viết đi trên dây khi kể lịch sử từ góc nhìn ngôn tình, từ các bi kịch tình yêu, từ điểm nhìn của nữ giới. Một lịch sử vừa xác tín lại vừa cảm tính hiện rõ qua các tác phẩm của Trường An. Và nhờ đó, nhân vật Nguyễn Ánh - Gia Long đã được tái hiện lại từ cái nhìn nhân văn của một nhà văn nữ qua cả ba tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu là Thiên hạ chi vương, Vũ tịchHồ Dương. Ba tiểu thuyết gắn với ba chặng đường quan trọng trong cuộc đời của Nguyễn Ánh - Gia Long. Và như thế, Trường An đã giúp độc giả lần đầu tiên được hình dung trọn vẹn về một chân dung văn học của Nguyễn Ánh - Gia Long, trong mối tương quan với một Nguyễn Ánh - Gia Long của sử sách. Từ một đứa trẻ không được làm đế vương, đến vị chúa trẻ Nam Hà - từ một hạt giống còn sót lại của Nguyễn tộc đến một hoàng đế Việt Nam thống nhất - vị vua của tham vọng và thách thức, nhân vật văn học của nhà văn Trường An đã góp phần làm đầy hơn nhân vật của sử sách mà không phải độc giả nào cũng đã có dịp tỏ tường.

T.P.V.A
(TCSH434/04-2025)

------------------
1 Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc. (1995). Nguyễn Phước tộc thế phả. Nxb. Thuận Hóa.
2 Thu Hiền (2017), Tác giả Trường An: ‘Lịch sử ghi chép rất lạnh lùng’, https://znews.vn/tac-gia-truong-an-lichsu-ghi-chep-rat-lanh-lung-post795730.html

 

Các bài đã đăng