Văn nghệ thế giới
Chinatown ở Pháp
08:10 | 18/03/2009
Trò chuyện với nhà văn Thuận nhân dịp tiểu thuyết Chinatown vừa ra mắt tại Pháp.

* Xin chúc mừng chị với sự kiện Chinatown ra mắt độc giả Pháp. Xin hỏi điều này có nằm trong kế hoạch của chị khi hoàn tất Chinatown - bản tiếng Việt?


- Chinatown viết xong, tôi không biết cách gì để xuất bản ở VN. Xuất bản ở Pháp còn nằm ngoài tầm tay hơn nữa. Thế nên cách đây bốn năm, tôi đã vui mừng thế nào khi Chinatown được Nhà xuất bản Ðà Nẵng cấp giấy phép thì giờ đây tôi cũng hạnh phúc như vậy: sau một hành trình tìm kiếm không dễ dàng, nó đã được dừng chân tại Nhà xuất bản Seuil, không cần giấy phép mà cần quyết định của một bộ phận chuyên môn vô cùng khó tính. So sánh thường hay khập khiễng nhưng phải công nhận cả Ðà Nẵng và Seuil đều dũng cảm. Dũng cảm ở chỗ đã dám tin tưởng vào một tác giả trước đó vẫn còn vô danh. Tôi cũng không quên nhà sách Kiến Thức đã hết sức tận tình giới thiệu Chinatown với độc giả VN.

* Trong loạt sách của chị, việc chọn Chinatown - câu chuyện về người phụ nữ tha hương - để chuyển ngữ là lựa chọn của chị hay của dịch giả Ðoàn Cầm Thi? Lý do Chinatown được lựa chọn là gì, thưa chị?

- Dịch Chinatown là do Thi và tôi cùng quyết định. Lý do duy nhất là cả hai chúng tôi đều thấy thích, bây giờ đọc lại vẫn phải phá lên cười. 

* Tôi hỏi điều này bởi xét về góc độ nào đó, việc chuyển ngữ tác phẩm Paris 11 tháng 8 sẽ thuận hơn cho việc PR cũng như tiếp cận với công chúng Pháp, vì đây là cuốn đã được giải thưởng Hội Nhà văn VN 2006 và lấy bối cảnh Paris... 

- Tôi cho rằng văn chương nào có độc giả nấy. Ðộc giả nào mà đặt niềm tin vào quảng cáo thì sẽ chọn sách giống như chọn sữa chua hay chọn giày thể  thao, rất dễ cuống trước những lời có cánh. Ðộc giả nào mà có chủ kiến riêng  thường mất thời gian tự tìm kiếm và tự quyết định, vì vậy lại cảnh giác  trước những từ hoa mỹ.

Nếu Paris 11 tháng 8 được xuất bản ở Pháp thì bởi giá trị tự tại của nó chứ không phải vì nó lấy bối cảnh nước Pháp (nước Pháp đã từng xuất hiện trong nhiều tiểu thuyết nước ngoài khác), cũng không phải vì nó được tặng giải thưởng Hội Nhà văn (với công chúng Pháp thì giải Man Booker có lẽ cũng còn không biết nữa là giải văn học VN).

Ngoài những lý do ấy, rất khó có thể quảng cáo cho Paris 11 tháng 8 bởi đó là câu chuyện đau thương có thật, là cái chết tập thể của mấy chục nghìn công dân cao tuổi, mà người Pháp chỉ muốn vùi vào quá khứ chứ không muốn khơi lại, càng không muốn một tác giả nước ngoài khơi lại. Paris 11 tháng 8 hay T mất tích sẽ được dịch tiếp theo Chinatown , là do tôi và Thi quyết định, không quảng cáo nào có quyền can thiệp.

* Tại sao người đồng hành văn chương với chị dường như luôn là Ðoàn Cầm Thi mà không phải ai khác, thưa chị ?

- Ðây là câu hỏi mà hầu như trong buổi phỏng vấn nào người ta cũng đặt cho tôi, khi tôi cho họ biết dịch giả của tôi không ai khác là chị ruột của tôi và còn hơn cả chị ruột, Thi là chị em song sinh của tôi, chúng tôi ra đời cách nhau năm phút. 

Chúng tôi hợp nhau, không phải giống nhau mà hợp nhau vì bổ sung được cho nhau: Thi viết phê bình - tôi viết văn, Thi rất kiên quyết - tôi hay ngập ngừng, Thi đối đáp thông minh - tôi sợ phát biểu miệng, Thi nổi giữa đám đông - tôi thấy ai không quen là ngại...

Chúng tôi có thể tranh luận về văn chương cả ngày không chán. Có lẽ vì hiểu tôi quá rõ nên Thi dịch văn tôi rất chính xác. Ðó cũng có thể là lý do mà Thi mất nhiều thời gian trong việc chuyển ngữ Chinatown . Tôi luôn được nghe những lời khen về bản Chinatown tiếng Pháp. Họ bảo họ chưa kịp rút mùi xoa ra lau nước mắt thì đã phải ngoác miệng ra cười. Họ bảo hóa ra bố mẹ Hà Nội cũng bị hai chữ “tương lai” ám ảnh không khác gì bố mẹ Pháp cách đây vài chục năm...

Tôi nghĩ tôi thật sự may mắn vì có được Thi là bạn đồng hành.

* Tại các buổi tiếp xúc với độc giả Pháp, phản hồi nào từ họ khiến chị ngạc nhiên, bất ngờ?

- Ðộc giả Pháp không có gì đặc biệt, nhưng khi tiếp xúc với tác giả, độc giả Pháp không nói chuyện riêng, không ngủ gật, không gác chân lên ghế, không cao giọng dạy đời.

* Chị có khi nào nghĩ tới điều này: thay bằng việc tìm người chuyển ngữ tác phẩm của mình, chị sẽ song song viết bằng hai thứ tiếng như một số nhà văn đã làm?

- Tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu âm thanh, hình ảnh, đa nghĩa và rất gần với thơ. Tiếng Pháp là ngôn ngữ của triết học, khoa học, phân tích, đòi hỏi chính xác gần như tuyệt đối.

Cả hai đều là những ngôn ngữ đẹp và bổ sung cho nhau. Nhưng có lẽ ngôn ngữ nào cũng đẹp khi đó là ngôn ngữ ta dùng để suy nghĩ. Một ngày nào khi có thể suy nghĩ hoàn toàn bằng tiếng Pháp, tôi sẽ sử dụng nó làm ngôn ngữ sáng tạo. Còn bây giờ tôi tin tưởng vào khả năng chuyển ngữ của Thi. 

* Các nhà văn VN đều mong muốn những cơ hội giống như hiện nay chị đang có: đó là việc tác phẩm của họ được chuyển ngữ và xuất bản ở nước ngoài. Ðồng thời với điều này, văn chương VN cũng được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên từ mong muốn đến hiện thực là chuyện hoàn toàn khác. Chị có thể gợi ý điều gì đó chăng - từ sự quan sát và phân tích của bản thân?

- Có lẽ nên nhìn việc này một cách giản dị thôi. Mỗi cuốn sách đều có số phận của riêng nó. Viết xong, thành hay bại trước công chúng vẫn là chuyện khó lý giải, ít phụ thuộc tác giả. Chinatown được nhà xuất bản hàng đầu chăm sóc, với tôi là may mắn, nhưng đó mới chỉ là may mắn bước đầu.

Tôi cũng chưa có kinh nghiệm gì đủ để trao đổi với đồng nghiệp trong nước. Trước Chinatown, đã có không ít tác giả VN được giới thiệu ở Pháp. Có khác chăng chỉ ở chỗ Seuil là một thương hiệu mà độc giả tới là để mua văn chương chứ không phải mua châu Á hay mua VN. 

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

                                                                                                              Theo TTO

Các bài mới
Các bài đã đăng