Văn nghệ thế giới
'Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ' - cái nhìn nhân bản về lịch sử
09:33 | 15/07/2016

Tác phẩm của chủ nhân Nobel Văn học 2015 - Svetlana Alexievich - giống như một bộ phim tài liệu xúc động về cuộc sống chiến trường của phụ nữ Liên Xô.

'Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ' - cái nhìn nhân bản về lịch sử

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ là một trong nhiều cuốn sách về chiến tranh của Svetlana Alexievich. Tác phẩm xuất bản lần đầu tại Nga năm 1983, được nhà văn Nguyên Ngọc dịch và xuất bản ở Việt Nam cuối thập niên 1980. Tới năm 2013, Svetlana Alexievich viết lại hoàn toàn cuốn sách. Bản mới lại được nhà văn Nguyên Ngọc dịch và ra mắt độc giả Việt đầu tháng 7.

Gần đây, bộ phim tài liệu Công binh, đêm dài Đông Dương (phát hành năm 2012) của đạo diễn Lê Lâm công chiếu ở Việt Nam. Những ai đã xem phim có thể cảm nhận sự tương đồng trong cách dựng tác phẩm của đạo diễn và nhà văn Svetlana Alexievich. Nếu Lê Lâm làm phim tài liệu bằng ngôn ngữ điện ảnh thì tác giả Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ viết cuốn sách phi hư cấu với ngôn ngữ văn chương. Độc giả đọc sách về chiến tranh nhưng cảm thấy giống một tiểu thuyết nhiều giọng kể hơn là việc ghi lại những sự kiện lịch sử qua lời nhân chứng.

Trong Công binh, đêm dài Đông Dương, xen giữa những trường đoạn dẫn chuyện mang tính điện ảnh, nhân chứng lần lượt kể câu chuyện của họ để dựng lại bức tranh sống động về số phận hơn 20.000 người Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp làm lính thợ ở Thế chiến II. Với Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, người đọc cũng hình dung thủ pháp tương tự. Svetlana Alexievich là người dẫn chuyện, xách ba lô đi về những địa phương trong hành trình tìm kiếm ký ức về một cuộc chiến tranh khác - cuộc chiến tranh của những người phụ nữ.

Trong thập niên 1970, tác giả đã đi qua hơn 100 thành phố, thị trấn và các khu dân cư làng mạc, chuyện trò với hàng nghìn phụ nữ Liên Xô - những người đã tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Nga. Trên mỗi chặng hành trình ấy, hàng trăm gương mặt phụ nữ lần lượt hiện ra. Họ kể cho người khác nhưng cũng là nhìn thẳng vào quá khứ của bản thân. Họ là một xạ thủ bắn tỉa, một y tá, chiến sĩ cáng thương, phi công, xạ thủ phòng không, lái xe, lính bộ binh...

Chuyện người nọ nối tiếp chuyện người kia, ký ức người này gối ký ức người khác, không ai giống ai nhưng kỳ lạ, chúng liền mạch và như là một câu chuyện không của riêng người nào. Tác giả có đề tên, chức vụ, công việc của từng nhân chứng nhưng rõ ràng khi đọc tác phẩm, người đọc cũng không còn quan tâm lắm đến danh tính bởi họ đã được định danh chung - phụ nữ. Như Svetlana Alexievich chia sẻ, sau khi nghe từng ấy câu chuyện, gặp gỡ từng ấy người, bà không còn nhớ cụ thể một gương mặt nào mà chỉ nghe thấy giọng nói của họ cất lên với sự trầm buồn khi nhớ về quá khứ.

Chiến tranh khi mang khuôn mặt phụ nữ sẽ không chỉ là sự bỡ ngỡ với mùi thuốc súng, là nỗi lo sợ khi đối diện chết chóc mà còn là những chuyện bản năng đàn bà. Phần con gái của họ bị dẹp bỏ từ những điều sơ đẳng nhất, để khoác lên mình những bộ quân phục đàn ông, mang súng, cắt đi bím tóc dài, không được làm điệu, thậm chí thiếu cả đồ lót. Đó còn là những nỗi thèm sống, thèm yêu, thèm được yên bình tận hưởng tiếng chim hót hay tiếng đồng lúa mì rì rào trong gió thay vì tiếng súng. Và cả nỗi thèm khát quê nhà.

Bản mới của cuốn sách đăng cả những phần đã bị cắt bỏ trước đó và những đoạn đối thoại giữa tác giả với người kiểm duyệt. Trong đó, có đoạn Svetlana Alexievich ghi lại lời của một phụ nữ, khi họ hành quân giữa những ngày "đèn đỏ" mà không có một vật dụng gì bảo vệ. Có người đã bị bắn chết khi đang gột mình ở một con sông vì không muốn để mọi người nhìn thấy "chuyện xấu hổ".

Lại có người rơi vào tình huống oái oăm khi nhận được lời đề nghị từ một thương binh nam được cởi áo cho ngắm đôi ngực đàn bà, chỉ bởi anh ta đã lâu không nhìn thấy vợ. Nỗi xấu hổ sau đó trở thành nỗi day dứt khi một giờ sau trở lại, người thương binh đã chết.

Trong khi người kiểm duyệt phản bác việc đưa những chi tiết sinh lý học vào tác phẩm và đòi hỏi phải kể những phụ nữ anh hùng với hào quang tỏa sáng, Svetlana Alexievich cho rằng chính cái sinh lý học đó là điều con người nhất, nhân bản nhất. Bà muốn viết về một lịch sử nhân bản hóa thay vì một chủ nghĩa anh hùng cứng nhắc.

Trong tác phẩm, ngoài những nhân chứng kể chuyện, người dẫn chuyện luôn đặt mình vào bối cảnh một cách cảm xúc, kết nối phụ nữ với nhau để họ chung một ký ức lớn về chiến tranh đầy đau đớn và đáng kinh sợ. Tác phẩm hoàn toàn có thể làm thành một bộ phim lay động người xem bằng sự thật và những xúc cảm con người nhất, về số phận của những người phụ nữ đi qua cuộc chiến.

Svetlana Alexievich (31/5/1948) là một nhà báo điều tra và nhà văn thể loại văn xuôi hiện thực. Bà là người Belarus nhưng viết báo, viết văn bằng tiếng Nga. Năm 2015, bà được trao giải Nobel Văn học vì “lối viết phức điệu, một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta”. 

Ngoài Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Svetlana Alexievich còn viết nhiều sách về đề tài chiến tranh như Những nhân chứng cuối cùng (1985), Quan tài kẽm (1989), Tiếng vọng từ Chernobyl (1997)...

Ngoài Nobel Văn chương, Svetlana Alexievich nhận nhiều giải thưởng khác như giải Leninsky Komsomol ở Nga, PEN Award, Peace Prize of the German Book Trade, Giải Médicis Essai (Pháp), giải National Book Critics Circle (Mỹ)…

Theo Di Ca - vnexpress

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng