Văn nghệ thế giới
"Những bà mẹ tệ nhất" trong văn học
14:38 | 23/04/2020

Khoảng thời gian gần tới những ngày lễ của Mẹ, xung quanh chúng ta đâu đâu cũng tràn ngập những hình ảnh đẹp đẽ, thần thánh về những người phụ nữ đức hạnh, hoàn hảo của gia đình. Vậy còn bộ phận những bà mẹ không hoàn hảo, thậm chí xấu xa, tồi tệ: họ ở đâu trong tiểu thuyết?

"Những bà mẹ tệ nhất" trong văn học
Hình ảnh trong phim "Kiêu hãnh và định kiến" (bản 2005).

Nếu chỉ nhìn vào những chiếc giá treo đang chăng đầy những tấm thiệp dành cho những ngày của mẹ, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều dễ trào dâng lên một tình cảm kiểu “tình mẫu tử”: đương nhiên là chúng ta đều yêu mẹ của mình, nhưng thực tế thì ta có thực sự thể hiện tình cảm của mình theo cách như vậy, cách của những tấm thiệp? Và một nỗi băn khoăn được đặt ra: liệu những tấm thiệp với những cảm xúc và thông điệp bị làm quá và màu mè lên như vậy có cơ may nào bán được cho những đứa con mà mối quan hệ của chúng với mẹ mình thực ra không mấy tốt đẹp như người ta nói? Hãy thử nhìn khác đi và dạo một vòng để tìm gặp những ông bố bà mẹ chẳng hề hoàn hảo trong tiểu thuyết và cùng điểm lại ngay dưới đây: danh sách những bà mẹ tệ nhất trong văn học.

Đứng đầu danh sách chắc hẳn sẽ là bà Bennet trong tác phẩm kinh điển Kiêu hãnh và Định kiến. Tội lỗi lớn nhất ở bà B có lẽ là việc đã nói những lời xúc phạm tới chính những cô con gái bé nhỏ của mình và khiến chúng phải cảm thấy hổ thẹn. Nếu đọc tiểu thuyết của Jane Austen khi còn là một thiếu niên, chắc hẳn ai cũng từng rất bức bối, khó chịu khi chứng kiến tình cảnh của Lizzie và Jane đáng thương và nghĩ lại về những điều tồi tệ tương tự mà mẹ mình cũng từng nói. Với những người đọc lớn tuổi hơn, những người đã trưởng thành và trở thành cha mẹ, có thể họ lại cho rằng việc mắng chửi, thậm chí nhục mạ con mình lần này qua lần khác là hành vi có thể thông cảm được vì hình như, đó là bổn phận, là trách nhiệm của một bà mẹ trong việc dạy dỗ con mình khỏi thói “ngựa non háu đá”. Và các vị này sẽ tiếp tục biện hộ cho bị cáo B rằng, ít nhất thì bà ta cũng đã cố gắng làm gì đó trong lúc gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn: bà ý thức rất rõ được sự đói nghèo và khốn khổ chắc chắn sẽ ập đến căn nhà của mình nếu những thương vụ hôn nhân không được sắp đặt. Và sự hiện diện của ông B, người cha hoàn hảo, đáng yêu và dí dỏm, đặc biệt trong những chuyện chi tiêu của gia đình, thực ra lại chẳng can hệ gì tới tương lai sẽ xảy đến với những cô con gái.

Hình ảnh trong truyện David Copperfield.

Charles Dickens có một mối quan hệ hết sức khó khăn với cha mẹ mình – họ là những kẻ nhu nhược, bất tài và thường xuyên khiến ông mệt mỏi, thất vọng. Và vì thế, những bà mẹ trong tiểu thuyết của ông thường là những hình tượng khiếm khuyết. Bức chân dung Charles phác họa mẹ ruột của chính mình rất nghiệt ngã, ta có thể tìm thấy bà trong hình ảnh của bà Nickleby, mẹ của Nicholas và Kate trong Nicholas Nickleby. Đó là một người đàn bà bất tài, ngu ngốc, ngay cả với việc chăm con ốm thì bà cũng hoàn toàn vô dụng– “bà bước vào phòng với một sự cẩn trọng cao độ, tính toán để không làm xáo động tới dây thần kinh của người ốm còn kĩ lưỡng hơn cả cách một tay kỵ mã đang phi nước đại tính đường đi của mình” – tất cả thực ra chẳng có nghĩa lí gì hết trong một phòng bệnh. Một vài trường hợp khác tệ hại hơn, bà Copperfield trong cuốn David Copperfield thậm chí đã không thể bảo vệ con trai mình khỏi người cha dượng, còn bà Jellyby của Ngôi nhà lạnh lẽo thì bỏ mặc những đứa trẻ khiến chúng té ngã cầu thang và đầu thi bị kẹt ở những thanh ngang của lan can trong khi mình thì mải mê bận rộn với công việc từ thiện khắp nơi.

Trong Housekeeping của Marilynne Robinson, người mẹ của Lucille và Ruth đã tự tử và để lại cho những đứa con tài sản là một tương lai vô định. Trong About a Boy của Nick Hornby, nhân vật người mẹ cũng đã nghĩ đến việc tự tử nếu như cậu con trai Marcus của bà phát hiện chính kiểu tóc bà nhất định cắt cho cậu là một nguyên nhân chính khiến cậu không thể được hòa hợp khi ở trường học.

Người mẹ trong tác phẩm kinh điển dành cho thiếu nhi của Arthur Ransome, Chim Én và Amazon,thì lại giống như một dạng máy móc được mã hóa, bà dường như không có khả năng đưa ra những quyết định cơ bản nhất trước những đứa trẻ, bởi công việc của bà chỉ đơn giản là nhận những bước điện tín từ người chồng của mình. Khi những đứa trẻ xin phép rằng liệu chúng có thể tiến hành một cuộc phiêu lưu cắm trại và bơi thuyền trên hòn đảo không, thì người cha giấu mặt đã thẳng thừng trả lời trong thư rằng: “Thà chết chìm còn hơn làm thằng ngốc, nếu không ngốc thì đâu có chìm”.

Những cuốn sách dành cho thiếu nhi thời kì này (cuốn sách của Ransom xuất bản năm 1930), thường xuyên ghi lại sự vắng mặt của cha mẹ hoặc cái chết của họ như một cú hích dẫn dắt những đứa trẻ vào những cuộc phiêu lưu kì thú, một số cuốn sách viết cho người lớn cũng có những lối kể tương tự. Cây viết lãng mạn xuất chúng người Anh, Ruby M Ayres đã đem đến cho chúng ta một bà mẹ cực kì tệ hại trong cuốn Ribbons and Lace xuất bản năm 1924 của mình. Nữ chính, người đã đổi tên mình thành Linda Lovelace, bị bỏ lại và phải tự chăm sóc mình và bà ngoại trong một tình cảnh khố rách áo ôm sau khi cha cô qua đời. Nhân vật bà mẹ là kẻ đã rời bỏ con mình để đi kiếm tìm một cuộc sống tốt hơn và quay lại khi đánh hơi ngay lúc Linda bắt đầu kiếm được tiền. Đó là một người đàn bà xấu xa và trụy lạc.

Trong những cuốn sách thiếu nhi hiện đại, hình tượng những bà mẹ thường rất khó chấp nhận. Bà mẹ minh họa của Jacqueline Wilson là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất với những hình xăm và chứng rối loạn lưỡng cực, trong khi cha mẹ của Matilda trong tác phẩm của Roald Dahl thì đúng là những kẻ nực cười, ngu dốt bậc nhất. Lẽ sống của bà Wormwood là “không có sách vở gì hết”. Dahl ý thức rất rõ về những gì ông viết trong tác phẩm của mình: ở những bậc cha mẹ ở tầng lớp trung lưu, cấm cản việc đọc là hành vi ngược đãi tồi tệ nhất với những đứa trẻ, điều đó còn tệ hơn cả việc không cho phép chúng đòi búp bê Barbie hay ăn đồ ngọt.

Minh họa nhân vật cho bộ phim Gone Baby Gone.

Có những bà mẹ thờ ơ, dửng dưng với con cái một cách ngoạn mục như trongKing of the Badgers của Philip Hensher xuất bản năm 2011, hay trong siêu phẩm kinh dị Gone Baby Gone (Đứa bé mất tích, 1998) của Dennis Lehane, - cái kết của Lehane với một quyết định liên quan đến nhân vật người mẹ khiến cho mọi độc giả và cả những khán giả của bộ phim chuyển thể năm 2007 rơi vào cuộc tranh luận nảy lửa thế nào mới là đúng-sai. Cả hai nhân vật bà mẹ trong hai tác phẩm đều là những người đàn bà của tầng lớp lao động, nhưng sự hời hợt, vô trách nhiệm thì không chia giai tầng và chẳng bao giờ chừa một ai. Bà Montdore trong Love in a Cold Climate đã đón chào đứa con gái duy nhất còn lại của mình sau cái chết của đứa con đầu bằng câu nói: “Tội nghiệp cho đứa trẻ đáng thương đã mất, ta cũng chỉ hi vọng có như vậy, con cái thực sự là một khoản chi phí đắt đỏ kinh khủng”. Những người mẹ khác nhau xuất hiện trong The Edwardians của Vita Sackville-West (tác phẩm xuất bản năm 1930 viết về những ngày đầu của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất), đều quá vô tâm và không bao giờ chịu hiểu con gái của mình, sẵn sàng gả họ cho kẻ nào trả giá cao nhất. Một trong những cô con gái trong cuốn sách đã đem lòng say mê một anh chàng nghệ sĩ nghèo kiết xác, không một xu dính túi và cô được một người bạn của mẹ mình gợi ý về việc kết hôn với một vị lãnh chúa cũng đang có mặt lúc đó. Và, cùng với một cái nháy mắt đáng ghê tởm, bà ta nói: "Rồi chúng ta sẽ tận mắt thấy được những gì có thể làm với một người nghệ sĩ sau này”.

Tiếp theo, nhân vật Breely Last của Evelyn Waugh (trong tiểu thuyết Handful of Dust xuất bản năm 1934) chắc chắn phải nhận được một vài đề cử trong danh sách: người tình và con của bà ta đều được gọi là John, và khi nhận được một lời thông báo "John chết rồi", bà đã thực sự cảm thấy nhẹ nhõm khi hay: John đó là John đứa trẻ. Từ đây, chúng ta buộc phải nảy ra một câu hỏi rằng: "Waugh đã ghét người vợ đầu của mình đến nhường nào để có thể viết được một phiên bản hư cấu về bà ta như vậy?". Nhưng kẻ tồi tệ nhất trong danh sách có lẽ phải là bà mẹ trong The Manchurian Candidate – bà ta đã điều khiển đứa con trai bị tẩy não của mình trở thành một kẻ ám sát theo lệnh từ KGB.

Ngay lúc này, chúng ta có thể sẽ nghĩ ngay đến trường hợp của Adrian Mole của Sue Townsend, cậu chàng có lẽ đã sẵn sàng để đưa mẹ của mình, bà Pauline lên một vị trí trong bảng xếp hạng - nhưng tôi thì lại hoàn toàn bác bỏ điều này. Bà ấy thực ra là hình mẫu một bà mẹ quả cảm của thời đại này khi chỉ ra được cho con mình những ích lợi có thể có được từ rượu và thuốc hay từ đám bạn trai với số lượng không giới hạn – đó là một bà mẹ hư cấu mà tất cả những bà mẹ ngoài đời thực đều nên nhìn vào.

Hình ảnh bà Pauline trong loạt phim truyền hình Adrian Mole.

Các bà mẹ không thể thắng được - họ tệ bạc với con cái của mình, họ thất bại trong việc bảo vệ con ruột mình khỏi những người cha ruột lẫn cha dượng hoặc thậm chí là những gã người tình chớp nhoáng. Họ, hoặc là quá chăm chút, bao bọc, hoặc là quá cẩu thả, thờ ơ. Nhìn vào văn học về những bà mẹ trong hơn 200 năm qua, điều đáng chú ý là phần lớn trong số đó được viết từ cái nhìn của một đứa con (mặc dù giờ chúng đã là một người trưởng thành) chứ không phải quan điểm của một bậc cha mẹ - đó là một khoảng cách đủ công bằng với đủ những hận thù và nợ nần để những đứa trẻ lên tiếng. Và chỉ trong những năm gần đây, với một tốc độ hơi chậm chạp, giọng nói của những người mẹ mới được phát ra trong những cuốn tiểu thuyết kỳ lạ của EM Delafield hoặc Dorothy Whoop, và gần hơn là trong các tác phẩm của Margaret Drabble, Julie Myerson hay Rachel Muffk.

Tuy nhiên, tôi có thể cá là sẽ không có nhiều thay đổi trong tỉ lệ xuất hiện những bà mẹ tệ trong tiểu thuyết. Mặt đất này thực sự quá màu mỡ và trù phú. Vậy đâu là bà mẹ đáng ghét nhất mà bạn yêu thích nhất trong văn học?

Theo Kiều Chinh - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng