Văn nghệ thế giới
“Nàng vũ công” - Nét đẹp nơi đất khách
09:17 | 26/01/2021

Là tuyển tập bộ ba truyện ngắn đầu tay của văn hào Mori Ogai, một trong ba trụ cột của văn học Nhật Bản hiện đại, "Nàng vũ công" kể về tình yêu thật đẹp nhưng cũng đầy nỗi buồn của các chàng trai Nhật xa quê gửi tới những người con gái đẹp nơi bản xứ. Và ở đó, cũng lưu dấu tâm hồn Nhật Bản của một nhà văn nơi xứ người trong những năm giao thời giữa hai thế kỉ.

“Nàng vũ công” - Nét đẹp nơi đất khách

Những mối tình viễn xứ

Được viết vào khoảng thời gian văn hào Mori Ogai du học tại Đức, tập truyện ngắn Nàng vũ công, bao gồm ba tác phẩm: Nàng vũ công, Truyện người phù du, Người đưa thư, dẫu có khác nhau về tình tiết, sự kiện, không gian, thời gian, ngôi kể… thì tất cả đều viết về chủ đề: những câu chuyện tình yêu, cảm xúc của các chàng trai du học nơi đất khách với những cô gái đẹp bản xứ.

Nàng vũ công được kể lại qua lời tự thuật của nhân vật “tôi”, một chàng người Nhật tên Toyotaro học tập và sinh sống ở Đức. Khoảng thởi gian đó, anh đã quen biết rồi nên duyên với nàng vũ công Elise. Câu chuyện tái hiện đủ thăng trầm cuộc sống cùng những mâu thuẫn, ngã rẽ đau đớn buộc người đàn ông phải đứng giữa các lựa chọn. Hay như cuộc hạnh ngộ đầy duyên nợ giữa chàng sinh viên mỹ thuật Kose cùng cô người mẫu xinh đẹp Marie, từ đó, mở ra cả đoạn tình cảm mang tính truyền đời kéo dài từ quá khứ tới hiện tại của cô gái nhỏ Marie ở tác phẩm Truyện người phù du. Và câu chuyện về cuộc gặp gỡ dầu ngắn ngủi nhưng mang tính quyết định tới số phận giữa sĩ quan trẻ tuổi Kobayashi với nàng tiểu thư Ida trong truyện ngắn Người đưa thư. Những mối tình đó có thể sâu dậm kéo dài theo năm tháng, cũng có thể chỉ là cảm xúc đẹp thoáng qua hay cuộc gặp gỡ vội vàng như một mối duyên nợ nhưng đều mang những nỗi sầu bi tha thiết.

Bởi thế, Nàng vũ công dù mang hình thức một tập truyện ngắn nhưng cấu trúc lại tựa cuốn tiểu thuyết với sự nhất quán ở chủ đề lẫn hình tượng tác phẩm. Qua đó, tác giả vừa tái hiện hình ảnh phương Tây từ bóng hình nước Đức hoa lệ vừa khắc họa hình ảnh những con người xa xứ nói chung và chính bản thân tác giả nói riêng. Những kẻ mang mối giao cảm với cố hương và mối giao hòa với bản xứ nơi họ sinh sống.
 

Cái đẹp và bi kịch

Ba truyện ngắn trong Nàng vũ công đều viết và thể hiện cái đẹp. Đó là vẻ đẹp của con người, cảnh vật, tình cảm, cảm xúc và vẻ đẹp trong chính ngôn từ của Mori Ogai. Cái đẹp ở Nàng vũ công còn đi liền với chất bi nơi trang viết.

Trước hết, khi viết về cái đẹp, Mori tái hiện lại nét đẹp miền viễn xứ xa xôi. Nước Đức và châu Âu đẹp từ cảnh vật: dòng nước, con sông, những nếp nhà, những cơn mưa tuyết và cơn giông…, là nơi giàu truyền thống văn hóa, nghệ thuật: những tòa lâu đài, bảo tàng danh giá cùng những “người khổng lồ” đã làm nên lịch sử. Có lẽ, mảnh đất đẹp đẽ, giàu truyền thống văn hóa lịch sử là cái nôi tạo nên những con người nghệ sĩ, hay chính những con người nghệ sĩ đã cùng nhau làm nên mảnh đất văn hóa lâu đời.

Cùng với vẻ đẹp đến từ cảnh vật, là vẻ đẹp của con người. Vẻ đẹp của các cô gái bản xứ: nàng Elise mong manh yếu đuối, nàng Marie với đôi mắt buồn bảng lảng nhưng hoang dại, cuồng si; nàng Ida quý tộc mà kiên cường, mạnh mẽ. Vẻ đẹp của các chàng trai du học sinh tài hoa đã phần nào khẳng định tài năng nơi đất khách.

Nhưng nét đẹp con người, dưới ngòi bút Mori Ogai không đơn thuần chỉ là vẻ đẹp đến từ ngoại hình mà còn đến từ vẻ đẹp nội tâm. Mỗi người, mang một nét đẹp nhân dạng khác nhau tựa tấm gương phản chiếu chính tính cách, số phận họ. Và từ việc khắc họa dáng hình nhân vật, tác giả như ngầm tiên đoán trước với độc giả về số phận cùng những bi kịch trong cuộc đời từng người. Đó là bi kịch tình yêu bị chia cắt như của Elise với Toyotaro, là bi kịch sinh li từ biệt giữa Kose với Marie. Rộng hơn, đó còn là bi kịch thế hệ, bi kịch con người.

Và xuyên suốt cả ba truyện ngắn Nàng vũ công, Truyện người phù du, Người đưa thư, dù viết về cái đẹp hay cái bi, giọng văn của Mori Ogai vẫn giữ được chất thơ thấm từng câu chữ. “Trong cái lạnh tê buốt, những mảnh băng sắc nhọn tạo nên bởi tuyết phản chiếu ánh sáng từ bầu trời hửng nắng và lấp lánh lung linh.” Nhưng chính bởi tính thơ, tính nhạc, tính họa quyện hòa nơi con chữ kể cả khi Mori Ogai viết về những cái chết cứ mãi trở đi trở lại trong ba truyện ngắn mà nét buồn trong tập truyện Nàng vũ công lại càng thêm thấm thía, ám ảnh và nhức nhối.

Hồn Nhật nơi xứ người

Tuyển truyện ngắn Nàng vũ công gồm ba truyện ngắn Nàng vũ công, Truyện người phù du, Người đưa thư có bối cảnh ra đời khá đặc biệt. Dù đều là các sáng tác đầu tay của Mori Ogai nhưng được viết khi nhà văn đã gần 30, không còn quá trẻ và trong thời gian du học tại Đức. Hoàn cảnh, bối cảnh, người viết có nét đặc biệt đã làm nên một bộ ba truyện ngắn “mang tính khai sáng khuynh hướng lãng mạn phương tây trong văn học Nhật Bản cận đại.” Tính khai sáng ở đây không chỉ ở khía cạnh những câu chuyện trữ tình đầy cởi mở mà nằm trong hồn cốt con người gửi gắm trên trang viết, một tâm hồn Nhật Bản, lang bạt nơi đất khách.

Cả tập truyện như có một dòng chảy nối tiếp, phát triển qua từng truyện ngắn. Nàng vũ công là bóng hình người thanh niên trẻ tuổi lần đầu bước ra thế giới, trái tim còn nhiều chênh vênh, vô định. Người ta dần hoài nghi những giá trị được tiếp thu trước đó, hoài nghi chính bản thân. Sự hoài nghi, chênh vênh ấy cứ kéo dài và như một vết sẹo nhức nhối trong vô thức làm con người mãi dằn vặt giữa một bên là phương Tây phồn hoa với một bên là quê nhà xa ngái; một bên là tình cảm cá nhân với một bên là ý thức cộng đồng; một bên là hiện đại, tự do với một bên là truyền thống…

Rồi tới Truyện người phù du, sự hoài nghi đấy như đằm lại ở tầng sâu câu chữ. Con người ở đây, đã dần thích nghi và muốn gầy dựng sự nghiệp tại xứ sở xa lạ. Nhưng biểu tượng về quê hương hay thậm chí xa hơn, biểu tượng về tính bi kịch truyền đời buộc người ta lần nữa phải đối diện với bản ngã, đối diện với lăng kính tâm hồn của bản thân. Đời người, từng trải rất nhiều, có lẽ, tận cùng vẫn mãi chỉ là kiếp “phù du” trôi dạt.

Cuối cùng, ở Người đưa thư, tâm hồn Nhật Bản đã thật sự lắng lại trong một ngôn ngữ trần thuật đầy trung dung. Chủ thể tự coi mình như một bưu tá, hay chính như đôi mắt của thời đại. Cứ vậy lặng nhìn con người, sự việc trong sự chảy trôi của thời gian, cuộc đời.

Và phải chăng những chàng trai ở ba truyện ngắn đó, là phân thân của chính Mori Ogai trong tháng ngày ông sống ở nước Đức xa xôi. Một Mori Ogai mang tâm hồn rất Nhật nơi đất khách, dần hé mở cõi lòng đón nhận từng nhịp đập cuộc sống tại mảnh đất xa lạ. Một Mori Ogai, tới giây phút cuối, sau tất cả ngờ vực, hoài nghi, đam mê, say đắm, cũng phần nào lắng lại vào thẳm sâu cảm xúc.

Ba truyện ngắn, như ba lát cắt cuộc đời mang ý nghĩa tựa dấu gạch nối, không chỉ nối kết chặng đường sáng tác của Mori Ogai mà còn như nối kết hai tiến trình lịch sử văn học Nhật Bản; rộng hơn, nối kết hai bờ thế kỉ.

Theo Mọt Mọt - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng