Văn nghệ thế giới
“A Dutiful Boy" - Một tự sự điển hình về vấn đề căn tính
16:07 | 16/07/2021

Câu chuyện về hành trình đấu tranh để được chấp nhận của một chàng trai đồng tính thuộc cộng đồng người Hồi giáo ở Anh đã đưa ra những kịch bản rập khuôn về đời sống của những gia đình nhập cư và truyền đi thông điệp về một sự tương đồng phổ quát giữa tất cả chúng ta. Tác phẩm của Zaidi hoàn toàn đủ hấp dẫn để có thể được coi là một tự sự điển hình về vấn đề căn tính cho thế kỉ 21.

“A Dutiful Boy" - Một tự sự điển hình về vấn đề căn tính
Chân dung tác giả Mohsin Zaidi. (Ảnh: Jahied Ahmed)

Có một tự sự phổ biến về vấn đề căn tính của những người Anh gốc Á từng được tái hiện khéo léo, chân thực nhiều lần trong nhiều cuốn sách như tiểu thuyết bất hủ Buddha of Suburbia (tạm dịch: Đức Phật ở ngoại ô) của Hanif Kureishi, Brick Lane (tạm dịch: Con hẻm gạch) của Monica Ali hay East is East (tạm dịch: Phía Đông là phía Đông) của Ayub Khan-Din. Tôi năm nay 40 tuổi và hầu hết thế hệ chúng tôi - những người Anh gốc Á đều ám ảnh và sợ hãi nó - một “truyền thống” về những người nhập cư thế hệ thứ hai luôn sống một cách nhạt nhòa và bị kìm hãm bởi sự thiếu hiểu biết từ chính cha mẹ mình và từ một cộng đồng, hoặc là phi lí tới nực cười, hoặc là đầy rặt những kẻ tôn sùng chủ nghĩa cơ yếu một cách thô bạo. Trong bối cảnh này, những người hùng của thế hệ thứ hai chỉ có thể xuất hiện một khi họ tìm thấy được sức mạnh để bước ra khỏi phần quá khứ đã bắt rễ đầy khó chịu này để hòa nhập thực sự vào dòng chảy của một đời sống Anh đúng nghĩa.

Đây không phải một câu chuyện mới, chúng ta đã sống trong nó đủ lâu nhưng vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh về nó, bởi vì thông qua nó, chúng ta tự phi nhân hóa chính mình và hạ bệ tất cả quá trình đã làm nên con người của chúng ta. Đây cũng là một lời nói dối, vì không một chiến dịch đồng hóa người nhập cư nào có đủ quy mô để lật đổ được chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã tồn tại một cách có hệ thống trong cuộc sống của người Anh và rằng nền văn hóa chính thống của chúng ta lại có đặc tính thủ cựu và một truyền thống “ngại thay đổi”.

Đối với tôi, ngay từ những dòng ghi tiểu sử đầu tiên trên tấm bìa ngoài cuốn sách của Mohsin Zaidi với phụ đề: A Memoir of a Gay Muslim’s Journey to Acceptance (tạm dịch: Hồi ức về một hành trình đi tìm sự chấp nhận của chàng trai đồng tính người Hồi giáo) đủ để khơi gợi ở tôi dự cảm về những gì quen thuộc sẽ xảy ra ở đây. Những gì chúng ta đọc được ở đây, tác giả là một người lớn lên trong một “cộng đồng người Hồi giáo sùng đạo”, “người đầu tiên trong ngôi trường của mình đặt chân được vào Đại học Oxford” trước khi trở thành một luật sư hình sự tài giỏi, thành viên trong hội đồng quản trị của Stonewall, tổ chức từ thiện về quyền LGBT lớn nhất Vương quốc Anh và là một đại sứ tại trường cũ của anh ấy ở phía Đông London. Tất cả trông có vẻ là những lời tung hô, nhưng có một cái khung của chủ nghĩa bài Hồi giáo được đặt tinh vi ở đây, cố gắng đẩy lí lịch "một người Hồi giáo sùng đạo" của Zaidi trong thế tương phản, đối lập với toàn bộ quá trình đạt được tiến bộ trong cuộc đời và sự nghiệp của anh.

Những trang đầu tiên của cuốn sách tiếp tục khiến tôi phải đọc trong cẩn trọng, chúng đưa ta vào góc nhìn của một đứa trẻ, hoặc là khiếp sợ, hoặc là mê hoặc, say đắm bởi thế giới Hồi giáo Shia đã khai sinh ra mình - một thế giới của “sự khắc kỉ” và những ám ảnh về sự hiện hữu của djinn (những linh hồn thống trị từ trong thần thoại Hồi giáo). Một cảm giác xuyên suốt cuốn hồi kí được tạo ra, rằng “nhà” là một thế giới mà chính tác giả của cuốn sách có thể đã xây dựng như một khái niệm bị lạ hóa ngay từ đầu.

Nhưng may thay, tác giả của cuốn sách đã làm mọi thứ trừ việc thuật lại những câu chuyện thuộc đề tài phân biệt chủng tộc đã sớm trở nên rập khuôn, sáo mòn đến mỏi mệt. Ngay từ khi bắt đầu, nhân vật chính của cuốn sách - một người trẻ - bị buộc phải tìm cách xoay xở, hòa giải tất cả những yếu tố diễn ra trong cuộc sống của mình - ý thức về cộng đồng sinh ra mình, những cơ hội anh có được nhờ sở hữu một trí tuệ tuyệt vời, bí mật đau đớn về giới tính thứ ba. Tất cả khiến người đọc phải ngồi xuống và nghĩ ngợi về thứ sức mạnh của trái tim đã giúp con người vượt qua toàn bộ những mâu thuẫn văn hóa này để tạo ra một điều gì đó mới.

Tác phẩm của Zaidi hoàn toàn đủ hấp dẫn để có thể được coi là một tự sự điển hình về vấn đề căn tính cho thế kỉ 21. Tôi không thể đặt cuốn sách xuống, nó khiến tôi đôi khi bật cười thành tiếng. Và khóc.

Cuốn hồi kí này sẽ, và nên được đọc như một lời thách thức đối với nạn kì thị đồng tính đang phổ biến trong cộng đồng người Hồi giáo ở Anh, cũng như trong rất nhiều cộng đồng khác. Rất nhiều những phân đoạn thú vị có thể tìm thấy trong cuốn sách như câu chuyện về Zaidi - cựu sinh viên Oxford đang trên bước đường đi đến một công việc béo bở tại một công ti luật với mô hình Magic Circle "vòng tròn ma thuật" có tiếng - đã “xử đẹp” một tay bác sĩ phù thủy được mời đến gia đình để "chữa trị" căn bệnh về xu hướng tính dục của anh.

Sức mạnh của câu chuyện không nằm ở tính giật gân mà ở sự cân bằng mà nó mang lại. Đối với gia đình, Zaidi viết, “sự tiết lộ về giới tính của tôi giống như một trận động đất đã xé toạc mặt đất mà chúng tôi đang đứng, họ ở bên này và bên kia là tôi”, phản ứng thù địch ban đầu đối với việc công khai của Zaidi đã khiến anh phải nghĩ tới “một cuộc sống không còn gia đình, không bị phán xét và không còn cảm giác có tội lỗi”.

Tuy nhiên, khi đối mặt với cảm giác này, Zaidi đã là người chiến thắng, không chỉ vì mong muốn được hòa nhập mà còn vì tình yêu và sự cam kết: “Tôi biết tôi không thể cứ thể mặc họ ra đi,” anh nói, “ngay cả khi đó là những gì họ muốn." Zaidi, với khả năng “sống trong vô định” (cách dùng từ của Keats), đã khóa chặt chúng ta vào bài toán phức tạp của cuộc đời anh và dẫn chúng ta lên một con đường đầy chông chênh để tìm lời giải.

Trên hành trình tìm kiếm sự giải phóng và một cộng đồng mới cho mình trong thế giới người đồng tính ở London, anh còn phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc hiển hiện rõ ràng, khi trên các trang web hẹn hò, rất nhiều hồ sơ công khai tuyên bố: “Nói không với dân châu Á” và thậm chí cụ thể hơn, “Nói không với dân Pakis".

Sự phân biệt đối xử siết chặt căn tính của chúng ta từ nhiều phía, nhưng “hành trình đi tìm sự chấp nhận” của Zaidi là hành trình đi tìm tình yêu trong mọi ngóc ngách của cuộc đời anh; và chính điều này chứng tỏ rằng, theo thời gian, sức mạnh cảm hóa sẽ làm thay đổi ngay cả những trái tim sắt đá nhất.

Thành tựu tuyệt vời của cuốn sách này là đã cắt nghĩa và lí giải cho người đọc về tình yêu này, một tình yêu được xây dựng từ lòng kiên nhẫn, sự tôn trọng và chấp nhận bản thân của mỗi người trong tất cả những hỗn độn, phức tạp của nó. Một tình yêu như thế, theo cách của Zaidi, là hành động thách thức trong cuộc chạm mặt với những thế giới đối lập, bảo thủ và cố chấp từ chối thừa nhận sự tồn tại của cái khác. Nó trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi, một bài học về sự chấp nhận cho tất cả chúng ta, cho tương lai của một xã hội đa dạng văn hóa.

Theo Kiều Chinh - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng