SỐ ĐẶC BIỆT
Âm nhạc Việt Nam và riêng ở Huế giai đoạn 1930-1975
15:22 | 16/04/2012

BỬU Ý
(Tham luận tham gia Hội thảo "Vai trò của văn học nghệ thuật Huế trong dòng chảy văn hóa Huế - nhìn lại và phát triển")

Nói đến âm nhạc của vùng đất Huế, tôi muốn đặt nó vào phạm vi cả nước, mà trong đó Huế có những đóng góp riêng.

Âm nhạc Việt Nam và riêng ở Huế giai đoạn 1930-1975
Một số ấn phẩm của NXB Tinh Hoa - Huế

Như vậy cái riêng vẫn không lọt ra ngoài tiến hóa chung của cả nước. Tôi muốn bắt đầu từ năm 1930, xem đó như thập niên khởi phát phong trào âm nhạc mới của cả nước. Vì vậy, bài viết này sẽ nhắm đến ÂM NHẠC VIỆT NAM VÀ RIÊNG Ở HUẾ GIAI ĐOẠN 1930-1975.

Tôi không nhắm viết lại lịch sử của một giai đoạn bao gồm các khuynh hướng, các chủ đề trong sáng tác, tôi cũng sẽ không liệt kê một danh mục đầy đủ các tác giả và tác phẩm.

Tôi chú ý nhiều hơn ở những đặc điểm của giai đoạn đã qua, những con người và những nét đặc sắc, những gì ta đã đánh mất, để từ đó có thể suy nghĩ thực hiện cho tương lai một chương trình âm nhạc đúng theo đường hướng bảo tồn và phát triển.

Tân nhạc VN manh nha từ những năm 1930.

Những nhạc hứng đầu tiên, nơi này nơi kia trên đất nước, phát sinh từ nhạc nước ngoài, từ các máy hát đĩa hát du nhập, từ các đội kèn đồng của quân đội viễn chinh.

Thế hệ ông thân sinh của tôi không biết bài hát tiếng Việt. Bản thân tôi, khi còn nhỏ, được nghe  ông hát nhiều bài tiếng Pháp: J’ai deux amours, La Madelon, Serenata… Ca sĩ của ta cũng một thời trình diễn những bài hát tiếng Pháp. Đó là trường hợp của Trần Văn Trạch, Cao Thái, Lê Mộng Hoàng.

Ở Huế có một địa điểm chuyên trình tấu những bài hát nước ngoài. Đó là “Nhà Kèn” nằm ở công viên trước Tòa Khâm sứ, nay là Đại học Sư Phạm. Nó ở rất gần nhà tôi và tôi được dắt tới đây hàng tuần khi tôi còn rất nhỏ.

Một trong những bài ca đầu tiên của nước ta là bài “Kìa núi vàng bể bạc” của Bửu Bác được dùng làm quốc ca đầu tiên. Tuy nhiên, bài này không được dư luận xem là tân nhạc, vì nó theo điệu “Đăng đàn cung” của nhạc phủ : “Kìa núi vàng bể bạc / Sách trên trời định phần/… ” Bửu Bác còn là tác giả của bài: “Mừng Phật đản” cũng theo điệu “Đăng đàn cung”: “Trông vòi vọi tòa sen / Cùng hương sắc / Tỏa ngát huy hoàng /…”

Những nhạc sĩ phần lớn mưu sinh bằng cách mở lớp tại nhà dạy đàn và dạy hát. Họ thường dạy tây ban cầm, hạ uy cầm, mandoline, banjo. Như Đoàn Chuẩn học tây ban cầm với Nguyễn Thiện Tơ nhưng học hạ uy cầm với William Chấn. La Hối, ở Hội An, dạy đàn và lập hội yêu âm nhạc, hướng dẫn cho các nhạc sĩ Dương Minh Ninh, Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài. Ở Huế, Văn Giảng và Ưng Lang cũng dạy đàn. Dương Thiệu Tước, sau thời gian ở Huế, vào Sài gòn mở lớp dạy tây ban cầm cổ điển đầu những năm 1960.

Âm nhạc hiện đại của Việt Nam đầu tiên được gọi tên là “nhạc cải cách”, một thời gian sau được đổi tên thành “tân nhạc”. Tân nhạc ra đời vào những năm cuối của 1930. Theo Phạm Duy, người đi đầu của tân nhạc Việt Nam là Nguyễn Văn Tuyên, tác giả của bài “Kiếp hoa”, người Huế, sinh năm 1909, mất năm 2009, thọ một trăm tuổi.

Tiếp theo Nguyễn Văn Tuyên là một lớp nhạc sĩ tiên phong: Thẩm Oánh, Nguyễn Xuân Khoát, Dzoãn Mẫn, Văn Chung.

Các nhóm nhạc sĩ bắt đầu thành hình. Đó là những nhóm người sáng tác nhạc, hoặc là sự gặp gỡ của những người sử dụng nhạc cụ, hoặc kèm theo những giọng hát.

Những nhóm ở miền bắc như nhóm Đồng Vọng, trong đó nổi bậc nhất là Hoàng Quý; nhóm Myosotis của Thẩm Oánh; nhóm Mang Hưng quy tụ những cầm thủ hạ uy cầm đầu tiên của Việt Nam mà đa số là người Việt gốc Hoa. Đoàn Hồng Thu do Châu Thị Minh (chị của Châu Kỳ) sáng lập và lưu diễn ở Lào. Châu Kỳ rời Huế vào Saigon cũng lập ra ban nhạc Tiếng Thùy Dương vào những năm 1960 và đây là một ban nhạc được gọi là “cổ kim hòa điệu”. Ban nhạc này là hậu thân của ban Thần Kinh do Mạnh Phát điều khiển.

Một sự kiện quan trọng hàng đầu trong hoạt động âm nhạc VN là sự ra đời của nhà xuất bản Tinh Hoa giữa những năm 40 tại Huế. Nhà xuất bản này cho ra đời những bản nhạc rời trên bốn trang giấy cứng và khởi đầu bằng những bài hát được ưa chuộng. Đó là nhà xuất bản duy nhất trong cả nước gánh lãnh nhiệm vụ này, một thời gian sau mở thêm các chi nhánh ở miền Nam rồi mở rộng đến Campuchia. Từ nay những người yêu nhạc không còn hát chuyền miệng cho nhau hoặc không cần chép nhạc lên giấy chuyền tay cho nhau nữa.

Sự kiện này góp phần phát triển âm nhạc VN rất mạnh theo nhiều hướng, phụ họa vào trào lưu đang lên, phục vụ nhiều lớp đối tượng khác nhau, khơi nguồn cảm hứng phong phú thêm cho các nhạc sĩ.

Nhạc “hướng đạo sinh”, vốn khởi phát từ 1940, ra đời để giúp phong trào thanh thiếu niên trong những hoạt động vui chơi lành mạnh. Một bài hát Tây phương rất thịnh hành thời bấy giờ là bài “Clémentine”. Bài ấy được chuyển sang lời việt : “Một cây tiêu điều | Hai cây tiêu điều...”. Linh mục Nguyễn Văn Thích, ở Huế, cũng đặt ra lời Việt riêng: “Vui ca lên nào anh em ơi…” Nhạc sĩ Văn Cao cũng có đóng góp vào dòng nhạc này, như bài “Gió núi”, 1942, hay bài “Anh em khá cầm tay”.

Nhạc thiếu nhi vang dội ở Huế trong những năm 1950, từ học đường ra đến các sinh hoạt của thanh thiếu niên và ở Đài Phát thanh. Đến nay lớp những người lớn tuổi vẫn thuộc một số bài của linh mục Nguyễn Văn Thích, Ngô Ganh, Lê Cao Phan.

Những ca sĩ nổi tiếng trong thời kỳ 1950 khá đông đảo. Họ hát với tư thế là những giọng ca độc lập nhưng mỗi người có nét độc đáo riêng, hoặc ho gia nhập vào các ban nhạc có chương trình hàng tuần ở Đài Phát thanh.

Trần Văn Trạch, ở trong Nam, là một giọng ca độc nhất vô nhị, được dư luận phong tặng là một “quái kiệt”, hát tiếng pháp rất hay, xứng danh với danh hiệu “chanteur de charme” (giọng ca mê hồn), và nhất là rất độc đáo trong những màn tấu hài của ông.

Huế cũng sản xuất nhiều giọng ca vô cùng đặc sắc: Tôn Thất Niệm với giọng ca trầm, sang trọng và chỉ hát một số ít bài mà mình yêu thích của Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Anh Việt, Lâm Tuyền, Nguyễn Văn Khánh. Bên cạnh đó còn có giọng ca của Hoàng Vĩnh Lộc, với giọng ca cực thấp, thường chỉ đi đôi với tiếng đàn contrebasse. Ngoài ra còn có Lê Mộng Hoàng (anh của Lê Mộng Nguyên) của nhạc viện Paris với giọng ca rùng rùng dũng mãnh. Phía nữ thì có Hà Thanh, giọng hát luôn trẻ trung, lấp láy, cho đến tận ngày hôm nay đã ngoài 70 tuổi. Ngoài ra thế hệ những người lớn tuổi ở Huế cũng không quên được những đôi song ca nổi tiếng thường trình diễn với nhau: đó là Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết nổi tiếng qua những ca khúc dân dã, Minh Trang và Tôn Thất Niệm, Mộc Lan và Châu Kỳ (Châu Kỳ được mệnh danh là “Tino Rossi” VN, mất 2008).

Từ những năm 1950, thành hình nhiều ban hát và ban hợp ca nổi tiếng. Ban hợp ca Thăng Long gồm 4 anh em thành hình từ 1951 tại Saigon, gồm có Hoài Trung Phạm Đình Viêm (mất 2002), Hoài Bắc Phạm Đình Chương (mất 1991), Thái Hằng, Thái Thanh, về sau có thêm Khánh Ngọc. Đây là ban hợp ca nổi tiếng nhất cả nước.
 

Ca sĩ Mộc Lan

Có chương trình hát về khuya được thính giả rất ưa chuộng là chương trình Dạ Lan hàng tuần của Đài phát thanh Quân đội Sài Gòn cuối thập niên 50 do Mai Trung Tĩnh (tên thật Nguyễn Thiệu Hùng, mất 2002), và quy tụ những ca sĩ có nét độc đáo riêng, như Thanh Thúy, Mộc Lan, Lệ Thanh, Châu Hà, Mai Hương, Hà Thanh.

Bên cạnh đó, có ban Tiếng Tơ Đồng do “vua Tango” Hoàng Trọng (mất 1998) đảm nhiệm với sự hợp tác của Mộc Lan, Thái Thanh, Kim Tước, Châu Hà, Hà Thanh, Mai Hương, Hoàng Oanh, Thanh Lan, Anh Ngọc, Nhật Bằng, Nhật Trường.

Chương trình “Nhạc yêu cầu” được phát thanh đều đặn từ Huế vào Saigon và được sinh viên học sinh ưa thích, xem đó là thú vui tinh thần và là cầu nối tình cảm với nhau.

Âm nhạc đã nảy sinh nhiều âm sắc khác nhau để phục vụ đông đảo quần chúng.

Nhạc hài hước được Trần Văn Trạch khơi nguồn với  thể tài mới lạ như “Chiếc đồng hồ của tôi”, “Chuyến xe lửa mùng năm”. Sau đó có Vũ Huyến, Đức Quỳnh và ban AVT với Anh Linh, Vân Sơn, Tuấn Đăng, sau đó được tăng cường bằng Hoàng Hải, Lữ Liên. Riêng ban AVT là một nhóm hợp ca hài hước vừa vui nhộn, vừa hợp ca có trình độ, vừa đưa loại hình “kể chuyện” vào bài hát.

Có những bài hát được chọn trình diễn cùng những bài thơ, tạo thành loại nhạc được gọi tên là “nhạc giao duyên” mà ngày nay ta thấy gần như mất hẳn. Đây là một điều đáng tiếc, bởi lẽ ngâm thơ là một đặc sản Việt Nam mà ta không bắt gặp ở đất nước khác.

Những năm 50, về đêm, riêng ở Saigon, rộ lên phong trào mở phòng trà ca nhạc (nổi tiếng nhất là phòng trà Anh Vũ và Văn Cảnh) tạo thành những tụ điểm nhàn tản sau một ngày làm việc mệt nhọc, đồng thời giúp ca sĩ tăng thêm thu nhập.

Ca sĩ còn có thể hợp tác với các rạp chiếu phim để thực hiện phần “phụ diễn ca nhạc” trước giờ chiếu phim. Có khi Huế tiếp đón ca sĩ từ nước ngoài trở về, như Cao Thái, và cũng có khi được thưởng thức tài nghệ của ca sĩ ngoại quốc, như có lần đoàn tứ ca lừng lẫy của Mỹ là The Platters trình diễn ở Rạp chiếu bóng Gia Hội.

Ngoài ra, thỉnh thoảng, một lần trong năm, Huế tổ chức Đại Nhạc Hội. Đây là một chương trình du hí tạp lục bao gồm đủ bộ môn: ca nhạc, vũ, kịch, kể chuyện, ngâm thơ, xiếc… do một đoàn hát tổng lực lưu diễn từ Nam ra Trung, thường tổ chức trong phạm vi một cái rạp dã chiến dựng lên trong ba ngày ở Thương Bạc để phục vụ tiêu khiển cho mọi lứa tuổi.

Về các điệu nhạc, cũng như khung khổ của bài nhạc, thiết tưởng Việt Nam đã du nhập khá đầy đủ ngay từ buổi đầu. Và ngay buổi đầu đã có những thành công đáng kể. Bởi vậy giới mộ điệu đã trao tặng cho Hoàng Trọng danh hiệu là “vua Tango”, cũng như gọi Đoàn Chuẩn là “vua Slow”.

Bài nhạc Sonate là sở trường của Nguyễn Văn Quỳ. Người ta bảo Beethoven làm được 10 bản Sonate cho violon và piano, thì Nguyễn Văn Quỳ cũng đã làm được 9 bản, trong đó có những bài như “Chiều cô thôn”, “Mây trôi”, “Nhớ em”. Và Nguyễn Văn Quỳ được gọi là “vua Sonate”.

Loại nhạc trường ca, tuy số lượng không nhiều, vẫn có những đại diện xứng đáng, như “Trường ca sông Lô” của Văn Cao là trường ca đầu tiên của VN. Tiếp theo là “Hòn vọng phu” của Lê Thương (mất năm 1996). Sau đó là “Hội Trùng Dương” của Phạm Đình Chương. Đầu những năm 60 là “Trường ca Dã Tràng” của Trịnh Công Sơn.

Loại nhạc giao hưởng, có lẽ khu trú ở nhạc viện nhiều hơn, ít được phổ biến. Nhưng ta cũng biết đến hai bài nhạc giao hưởng “Nông thôn đổi mới” và “Hoàng hôn trên xóm nhỏ” của Tô Vũ.

Những năm 50 là thời kỳ sáng tác sung mãn của những nhạc sĩ như Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Phạm Đình Chương. Riêng Phạm Duy làm đủ các thể loại, kể cả thể loại thể nghiệm, và có biệt tài phổ thơ và chuyển ngữ nhiều bài hát ngoại quốc khó có ai sánh kịp.

Những năm 60 bùng phát những bài ca tranh đấu, phản chiến kéo dài cho đến suốt thập niên. Đó  cũng là những năm của tình ca của Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương. Riêng Trịnh Công Sơn đi sâu vào cả hai dòng nhạc phản chiến và tình ca và đều đã lưu lại cho đời nhiều bài ca bất tử.

Một cái nhìn hồi cố về âm nhạc VN trong buổi đầu tiên và trong suốt nửa thế kỷ qua bộc lộ ra một số điều:

- Trước hết cái biểu nhất lãm này đã bỏ sót nhiều điều, nhiều sự kiện, nhiều tên tuổi… mà những bài nghiên cứu sau này sẽ bổ sung.

- Nó không khỏi mang tính chủ quan của người viết trong việc chọn cái này hơn cái kia, trong việc nhấn mạnh hay ngược lại nói phớt qua sự việc này đến tác giả khác.

Đến đây, tôi mong muốn đưa ra một số nhận định, hay là một số ưu tư của bản thân đối với âm nhạc VN hôm nay. Đây là một điều, trước hết, đi ra khỏi phạm vi bài này nhưng nó vẫn là một cái nhìn về tương lai, điều này khó làm, khó đạt được sự biểu đồng tình nhưng tôi nghĩ đây là một điều cần nói đi thì mới tạo được nhiều điều cần nói lại. Và, trước khi đưa ra những suy nghĩ của mình, tôi cũng xin lướt qua, trong một vài nét, âm nhạc Tây phương trong những nét tân tiến hiện đại của nó vốn đã tìm đường vào Việt Nam như thế nào và ở chừng mức nào.

Những điệu nhạc mới của phương Tây phần lớn xuất hiện sau 1975.

Chẳng hạn nhạc disco của Bắc Mỹ dựa trên những điệu vũ của những năm đầu 1970. Cùng thời là nhạc reggae, nhịp chõi, xuất xứ từ Jamaïque, rồi đến nhạc raï gốc Bắc Phi, chịu ảnh hưởng của rock và blues, cũng trong những năm 1975. Sau đó, khoảng 1980 là nhạc rap, một loại nhạc nói chuyện, vừa thoi vừa giật, xuất hiện trong các khu Mỹ da đen với lời ngắt, giật trở đi trở lại theo nền nhạc nhịp mạnh.

Từ những nhạc mới của Tây phương ấy, ta trở về với âm nhạc Việt Nam và đơn cử một trường hợp. Trong trên 300 ca khúc của Trịnh Công Sơn, có độc nhất một bài hát riêng biệt viết ra năm 1972 và viết theo một âm điệu khá thời thượng: đó là bài “Hãy khóc đi em” viết theo điệu nhạc soul, một điệu nhạc ngắt nhịp gãy khúc, hợp với tiếng khóc, tiếng nấc nghẹn. TCS chỉ viết một bài này thôi, như thể một sự bắt nhịp với thời đại nhưng rốt cuộc đây là một ca khúc ít được biết đến hơn cả. Điều này cũng đáng làm cho chúng ta phải suy nghĩ.

Một số khá đông người Việt Nam thích nhạc ngoại quốc. Cái sở thích này, xét cho kỹ, do nhạc ấy chất lượng cao thì ít, và do tính khác lạ thì nhiều và thể hiện ở phong cách biểu diễn của ca sĩ, sự phối trí ngoại cảnh, sự phối khí giữa các nhạc cụ và kỹ thuật máy móc. Cũng có khi, thường ít hơn, nhờ giai điệu của bài hát nhưng rất ít khi nhờ lời hát.

Ca từ, ở nhạc ngoại quốc, hầu như không đáng kể, có khi xem như không có, vì rất nhiều khi nó lè tè, tèm nhèm, tẹp nhẹp… với rất nhiều “love me”, “I kiss you”, “kiss me”… nghe sốt ruột lắm.

Ca sĩ, ngoài nghệ thuật biểu diễn bài hát, còn được chú ý ở vẻ đẹp của khuôn mặt và nhất là ở nét diễn tả trên mặt. Người nghe nhìn ở ca sĩ đặc biệt là đôi mắt, môi miệng răng và luôn cả cách há miệng. Ít ai chú ý đến “lưỡi”, ngoại trừ trường hợp thỉnh thoảng lưỡi thè ra khi phát âm “th-” trong bài hát tiếng Anh. Ngoài ra đôi tay không nên cử động máy móc, ước lệ mà cần nên tự nhiên như thể đó là sự nối dài, chắp cánh của tình cảm.

Người hát hay không chỉ truyền đạt từng lời ca, mà còn hát được từng chữ tròn trịa đầy vẻ nâng niu. Thiếu những yếu tố này, người hát sẽ chỉ đang còn ở mức xướng âm (solfier) chứ chưa đúng là diễn ca.

Huế hiện nay có nhiều tài năng về âm nhạc nhưng hình như họ muốn hoạt động độc lập. Họ thầm lặng sản xuất từng đĩa bài hát và tiếng vang chưa xa. Cảm hứng thường bất chợt, chưa được tích tụ và thiếu mạch nguồn nuôi dưỡng.

Tháng 12.2011 có một hoạt động văn hóa về ca nhạc của ASEAN nhóm họp tại Bali. Ban tổ chức chọn một bài hát cho mỗi quốc gia sau đó chính ban tổ chức soạn hợp xướng. Bài được chọn làm màu cờ sắc áo của VN là bài “Người con gái Việt Nam da vàng” của Trịnh Công Sơn.

Giữa bao nhiêu giá trị về tư tưởng, về văn hóa, về nghệ thuật, ngày nay có một giá trị được nhắc đi nhắc lại thường xuyên không riêng gì ở Việt Nam, mà luôn cả trên thế giới, đó là giá trị nhân văn. Và giá trị nhân văn được hô hào, đề cao, trong mọi lãnh vực, từ giáo dục, văn hóa, du lịch cho đến sáng tác văn học nghệ thuật.

Nhưng suy cho cùng, nhân văn phát nguyên từ Châu Âu ở thế kỷ XV, khởi đi từ sự khuyến khích tầm nguyên văn tự cổ sử để nhận ra gốc rễ của chân lý đi dần lên sự phục hồi bản sắc của con người rồi từ đó lấy con người làm trung tâm mọi ý nghĩa trong đời sống để rồi giá trị của nhân văn càng rộng lớn mãi thêm theo bước tiến của thời gian.

Con người, nói chung, dễ dàng chấp nhận trào lưu ấy vì cảm thấy nó thuận dòng với tiến bộ, làm cho con người dễ sống với xã hội và môi trường.

Tuy nhiên, trên con đường tiến lên đó, vẫn có những thời kỳ con người xao lãng, tán lạc vào nhiều giá trị đưa đẩy con người đi chệch hoặc đi xa cứu cánh của mình khiến nó lỡ bước và lấy sự lạc đường làm con đường của mình.

Do đó, hễ khi nào nói đến nhân văn thì người ta mường tượng đó là một sự lặp lại một điều đã từng nghe, nhưng chính sự lặp lại đó còn có gia trị của một lời nhắc nhở hoặc cảnh báo.

Trong âm nhạc cũng vậy, thiết tưởng nói đến nhân văn không phải là một lời nói thừa, khi mà đất nước đã kinh qua hiểm họa chiến tranh vẫn hiện đang đối đầu với những hiểm họa mới làm nảy sinh nhiều tai nạn và tệ nạn.

Nhân văn là một trong những khuynh hướng tư tưởng hiếm hoi không mang tính lịch sử cố định, nó có điểm xuất phát nhưng không có điểm đến, nó luôn vận hành, chuyển động và dãn nở nội hàm của nó. Có những nội dung nhân văn ngày hôm nay không có mặt trong nhân văn ngày hôm qua. Và nếu chúng ta cùng ý thức rằng âm nhạc là một vec-tơ nhân văn tác động trực tiếp, sâu rộng, chuyển hóa vô cùng lợi hại thì tôi tin rằng âm nhạc VN sẽ có những đóng góp quan trọng trong tương lai.

Tháng 3.2012
B.Y
(SDB4-12)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng