SỐ ĐẶC BIỆT
Nghĩ từ sau Năm Du lịch Quốc gia
16:00 | 18/12/2012

Trước ngày khai mạc Năm Du lịch Quốc gia và Festival Huế 2012 có một hội thảo với chủ đề: Du lịch Bắc Trung Bộ - tiềm năng và hướng phát triển. Tiềm năng lớn thì đã rõ. Biết rồi, nói mãi. Nhưng trao đi đổi lại thì ai cũng thấy sản phẩm chưa nhiều, chưa khẳng định được thương hiệu nên chưa đủ sức cạnh tranh với một số trung tâm du lịch trong nước và trong khu vực.

Nghĩ từ sau Năm Du lịch Quốc gia
Giai điệu bạn bè tại Festival Huế

Là Festival thường xuyên?

Tổ chức Festival là cơ hội  để Huế quảng bá và tôn vinh di sản văn hóa, khai thác tốt tiềm năng, phát huy lợi thế so sánh. Festival Huế 2012 nằm trong chuỗi các sự kiện, là điểm nhấn của Năm Du lịch Quốc gia Bắc Trung Bộ, nên cơ hội quảng bá tốt hơn. Cũng là cơ hội để đầu tư xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, những sản phẩm liên kết toàn vùng, có tính bền vững, giúp cho du khách có thêm sự lựa chọn điểm đến mới hấp dẫn, mà Huế là điểm đầu - cuối, là nơi phát luồng du khách, hoặc là nơi trả khách của các tour xuyên Việt, xuyên Á.

Tuy nhiên, tất cả những điều này sẽ  chỉ là ý tưởng, là “màu xám”, nếu hiệu quả không được như mong muốn.

Trước ngày khai mạc Năm Du lịch Quốc gia và Festival Huế 2012 có một hội thảo với chủ đề: Du lịch Bắc Trung Bộ - tiềm năng và hướng phát triển. Tiềm năng lớn thì đã rõ. Biết rồi, nói mãi. Nhưng trao đi đổi lại thì ai cũng thấy sản phẩm chưa nhiều, chưa khẳng định được thương hiệu nên chưa đủ sức cạnh tranh với một số trung tâm du lịch trong nước và trong khu vực.

Ví dụ như: Sự yếu kém về  cơ sở hạ tầng giao thông. Không có đường bay quốc tế nên khách nước ngoài chủ yếu đến từ hai đầu. Tệ hại hơn, sau Năm Du lịch Quốc gia 2012, thì sân bay Huế (sân bay Phú Bài) đóng cửa tám tháng - từ khoảng giữa tháng 3/2013 - để tu bổ đường băng. Rất có thể là chín, muời tháng, hoặc lâu hơn nữa. Không ai dám chắc là bên thi công bảo đảm đúng tiến độ dự án.

Rồi chính sách đầu tư cho khu vực này cũng chưa rõ ràng, kể cả đầu tư bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa cũng chưa tương xứng. Chưa có các giải pháp tăng cường khả  năng ứng phó với thời tiết khắc nghiệt. Bản thân các địa phương chưa quyết liệt trong xây dựng các sản phẩm đặc thù; chưa xây dựng được các khu du lịch tầm vóc quốc tế. Sức hút đầu tư từ bên ngoài kém hấp dẫn so với Đà Nẵng, Hội An. Liên kết toàn vùng để tạo sức mạnh nhưng chưa có “nhạc trưởng” nên nhiều cây chụm lại vẫn chưa thành núi cao.

Năm Du lịch Quốc gia Bắc Trung Bộ cũng đã khép lại. Một năm triền miên lễ hội. Một chuỗi sự kiện diễn ra liên tục trên bình diện rộng, trải dài từ xứ Huế đến xứ Thanh, hiệu quả  liệu có tương xứng với kinh phí và công sức đã bỏ ra? Trước hết, thử nhìn lại Festival Huế 2012.

Công việc đáng được quan tâm nhất trong Năm Du lịch, cũng như trong mỗi lần tổ chức Festival, là phải xây dựng cho được nhiều sản phẩm du lịch mới, sản phẩm có tính đặc thù. Đặc biệt là những sản phẩm đầu tư kinh phí ít nhưng lại có hiệu quả cao, có khả năng khai thác thường xuyên. Ví dụ như sản phẩm Chợ quê ngày hội, Hương xưa làng cổ, Sắc màu Thanh Tiên... Nhưng vì sao Chợ quê ngày hội hai năm chỉ họp được vài phiên? Lẽ ra phải họp ít nhất mỗi tuần một phiên, chợ quê không cần phải đợi đến Festival mới mở. Tại sao lò gốm Phước Tích lại tắt lửa triền miên? Làng cổ Phước Tích không giữ được “hương xưa” trong suốt 365 ngày? Sắc màu sen giấy và hoa tươi làng Thanh Tiên tại sao không rực rỡ quanh năm suốt tháng? Những sản phẩm này đã có sự thể nghiệm, và đầu tư không lớn lắm. Nhưng, nói như người Huế là chúng ta làm “chưa tới”.

Cần phải làm “cho tới” để thành phố Festival quanh năm sôi  động không khí lễ hội, quanh năm thu hút du khách. Những sản phẩm đầu tư lớn nhưng chỉ sử dụng một lần đã đến lúc phải loại bỏ để tập trung kinh phí cho việc xây dựng các sản phẩm có khả năng khai thác thường xuyên.

Có thêm thương hiệu du lịch tâm linh?

Các hoạt động của Festival có sự  tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, văn hóa, du lịch, thúc đẩy Huế tăng trưởng nhanh hơn. Vì thế, song song với việc xây dựng các dòng sản phẩm có khả năng khai thác thường xuyên cần quan tâm tạo cơ chế tích cực để cho các lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo lành mạnh được duy trì thường xuyên, nghiêm túc, góp phần tác động tích cực đến đời sống văn hóa, đời sống tâm linh của người dân cũng như du khách.

Huế có văn hóa tín ngưỡng phong phú, đặc biệt là văn hóa Phật giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu, có lễ tế Âm hồn - ngày quảy cơm chung… tạo ra không gian lý tưởng cho phát triển du lịch tâm linh. Du lịch là khám phá và trải nghiệm. Cần có những tour dành cho người hành hương; có tour dành cho người tìm hiểu, khám phá, đối chiếu; có tour kết hợp, đan xen giữa du lịch di sản, du lịch xanh và du lịch tâm linh; khai thác văn hóa tâm linh để thổi hồn cho du lịch di sản.

Các giá trị văn hóa tâm linh của Huế hiện chưa được khai thác tốt, kể cả trong các kỳ Festival. Một số  lễ hội được tái hiện dưới dạng sân khấu hóa nên không có yếu tố thiêng, thậm chí bị phản cảm. Lễ hội phải được tổ chức trong một không gian linh thiêng và đúng nguyên bản, đúng thời điểm. Lễ hội có yếu tố thiêng thì không cần quảng bá du khách cũng nườm nượp tìm về. Ví dụ, ở Huế không lễ hội nào có sự cộng hưởng mạnh mẽ từ lòng dân, từ sức dân như lễ hội Phật Đản. Ít có lễ hội nào thu hút đông du khách hành hương như lễ hội điện Hòn Chén. Thế mạnh này cần được phát huy. Riêng lễ hội Phật Đản nên trở thành một hoạt động của Festival Huế, như một chương trình Off,  làm cho Festival thêm hàm lượng văn hóa, mà không tốn kém kinh phí từ ngân sách nhà nước.

TH.T
(SĐB 7/12-12)

Các bài mới
Các bài đã đăng