SỐ ĐẶC BIỆT
Nón lá Huế có gì hay?
10:25 | 07/06/2010
ĐỖ NAMDưới góc nhìn nghiên cứu khoa học, nón lá Huế đạt một tỉ lệ vàng trong cấu trúc và đạt độ đồng đều một cách đáng kinh ngạc.
Nón lá Huế có gì hay?
Tình cờ được đọc bản dự thảo “Quy hoạch phát triển bền vững thành phố Huế đến năm 2020” thấy có ý tưởng cực hay: “Huế phải được giải thích. Không có gì ở Huế là bình thường và đều có nguồn gốc sâu xa”. Một đánh giá quá cao về các sản phẩm du lịch của Huế đã được khai thác hay còn dưới dạng tiềm năng. Đồng thời cũng là lời trách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc rằng chúng ta chưa coi trọng việc giải thích nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm du lịch của mình. Cách tán đồng hay nhất với nhận định trên là thử giới thiệu, giải thích “nguồn gốc sâu xa” của một mặt hàng lưu niệm đang được ưa chuộng - nón lá Huế với hy vọng có thể giúp nhiều người hiểu thêm những cái hay của nón lá Huế.   

Chúng tôi sẽ không lặp lại những gì đã được đề cập đến trong rất nhiều bài viết về nón lá như các loại hình và nguồn gốc hình thành, chất liệu và sự biến động của kiểu dáng, về hình ảnh nón lá như một món đồ trang sức làm tăng thêm sự duyên dáng của người thiếu nữ, mà muốn nói đến những gì đã và đang làm nên danh tiếng của nón lá Huế: màu sắc, kiểu dáng, trọng lượng, kết cấu và phong cách trang trí của nó.

Đêm trắng - Ảnh: T.V


Từ một chồng nón lá được sản xuất ở các địa phương làm nón lá nổi tiếng trong cả nước bất kỳ ai cũng dễ dàng chọn ra được chiếc nón lá Huế nhờ màu sắc của nó. Cái đặc sắc không phải vì nón lá Huế có màu trắng sáng nhẹ nhàng mà ở chỗ màu trắng sáng của nón lá Huế là màu của lá nón non tự nhiên được giữ nguyên từ khi nó được khai thác trong rừng sâu, được đưa về sơ chế qua các công đoạn đạp, sấy và ủ, ủi trên lò than và quan trọng nhất là không hề có hoá chất trộn vào. Trong thời đại ở đâu cũng gặp hoá chất, ở đâu cũng buộc phải tiếp xúc với hoá chất, một sản phẩm không sử dụng hoá chất, không dính dáng gì đến hoá chất có phải là tuyệt vời không?  

Có một công ty quảng cáo ở Hà Nội nhận quảng cáo cho một sản phẩm của Huế đã sử dụng ảnh chụp một cô gái đội nón lá rất xinh đẹp, rất duyên dáng, nhưng bị khách hàng trả lại với lý do cô gái kia đang đội nón lá Quảng Bình! Hoá ra là vị khách hàng kia đã nhận ra chiếc nón cô gái đang đội không có kiểu dáng đặc trưng của nón lá Huế. Trong toán học, kiến trúc và nghệ thuật tồn tại một tỷ lệ vàng, được diễn đạt một cách đơn giản qua tỷ lệ giữa hai cạnh của một tam giác vuông sao chotỷ lệ giữa tổng độ dài của hai cạnh trên độ dài của cạnh lớn bằng tỷ lệ giữa cạnh lớn trên cạnh nhỏ, và gần đúng bằng 1,618. Thật tình cờ, tỷ lệ các kích thước của nón lá Huế là gần hơn với tỷ lệ vàng so với kích thuớc của nón lá cả của binh lính và dân thường ngày xưa, của nón lá các vùng miền khác trong cả nước ngày nay. Chắc chắn là, những người thợ không hề biết là có một tỷ lệ được gọi là tỷ lệ vàng trong kiến trúc và nghệ thuật, chỉ biết rằng kiểu dáng đặc trưng liên quan đến tỷ lệ giữa chiều cao, bề rộng và độ dốc của nón lá Huế được nhiều đời thợ làm khung chằm nón kiểm nghiệm, gia giảm mới đạt được sự hài hoà, hợp lý ngày nay và trở nên một thứ kiến thức bản địa, riêng có, được giữ gìn và lưu truyền như một thứ gia bảo, cha truyền con nối.

Biển và nón - Ảnh: DVH


Cầm chiếc nón lá Huế bất kỳ trên tay, ai cũng dễ dàng nhận ra là nó thanh mảnh và nhẹ. Người xưa đã từng ca ngợi nón lá Huế “mỏng như tờ giấy, nhẹ nhàng như cánh nhạn, đẹp và bền, được nhiều người ưa thích”. Nón lá Huế, dù là nón ba lớp, vẫn nhẹ hơn hẳn so với nón lá Làng Chuông (Hà Nội) và nón lá Gò Găng (Bình Định). Khi cân nón lá các vùng miền để so sánh, chúng tôi thấy rằng nón lá Làng Chuông nặng gần gấp đôi nón lá Huế. Nhưng cái đặc sắc nhất của nón lá Huế không nằm ở “cái nhẹ nhàng như cánh nhạn” đã được công nhận từ xưa đó, mà ở độ đồng đều đáng kinh ngạc của nón lá Huế. Cả tỉnh Thừa Thiên Huế có gần mười ngàn người thợ làm nghề chằm nón ở khắp các huyện và thành phố Huế, đa số là không chuyên, chỉ làm nón trong lúc nông nhàn. Thế mà, không ai bảo ai, không ai đặt ra tiêu chuẩn hay ra quy chuẩn kỹ thuật, nhưng trọng lượng của các chiếc nón được lấy ra cân một cách ngẫu nhiên chỉ chênh nhau có 3%. Con số 3% sẽ ấn tượng hơn nhiều nếu biết thêm rằng chiếc nón Gò Găng có trọng lượng lớn nhất so với chiếc nón Gò Găng có trọng lượng nhỏ nhất chênh nhau đến gần 25%!

Thanh mảnh nhưng bền, thế mới hay, thế mới đáng được ngợi ca. Chúng tôi đã thử làm các thí nghiệm đo độ bền và kết quả không ngoài mong đợi: dù hai lớp hay ba lớp, dù là nón bài thơ hay nón thường, nón lá Huế vẫn có độ bền vững hơn hẳn so với các đối chứng. Độ bền vững của nón lá Huế phụ thuộc vào 2 yếu tố: kết cấu và vật liệu, mà chủ yếu là vật liệu làm vành. Kết cấu hình chóp nón với hệ thống 16 vành làm bằng tre lồ ô, là các đường tròn đồng dạng cách đều nhau trên mặt nón, được liên kết với lá nón theo chiều dọc từ đỉnh chóp xuống bằng những mũi khâu đều như máy đảm bảo cho chiếc nón lá Huế hết sức bền vững.

Chuông nón - Ảnh: Trương Vững


Cuối cùng, dù đã được nhiều người nhắc đến, nhưng chúng tôi không thể bỏ qua điểm đặc sắc quan trọng nhất, đặc điểm làm nên tên tuổi và danh tiếng cho nón lá Huế, là những “bài thơ trong chiếc nón”. Người thợ làm nón ghép vào giữa 2 lớp lá mỏng và sáng những tranh cắt giấy là những hình ảnh diễn tả danh lam, thắng cảnh của Huế, những hoa văn tinh tế hay những câu thơ nổi tiếng và họ gọi những chiếc nón ấy là nón bài thơ. Muốn đọc thơ, xem tranh phải đưa nón lên soi trước ánh sáng. Có lẽ vì thế mà vẻ đẹp của nón bài thơ luôn luôn được xem là hình ảnh phản ánh vẻ đẹp kín đáo của người phụ nữ Huế, phải nhìn lâu, nhìn kỹ, phải có sự trợ giúp của ánh sáng mặt trời ở một góc độ thích hợp mới thấy được.

Không biết tự bao giờ, và ai là người đầu tiên nghĩ ra việc làm nón bài thơ, tức là việc ghép các câu thơ, các bức tranh phong cảnh, các hoa văn cắt giấy vào nón lá Huế để có sản phẩm mới, độc đáo là nón bài thơ. Có lẽ cũng như các tác phẩm nghệ thuật dân gian: tác giả là nhân dân. Tại sao từ những câu thơ “viết” trên chiếc nón lá mà người ta gọi là nón bài thơ? Có phải người Huế là người làm ra chiếc nón bài thơ đầu tiên, để sau đó lan ra khắp cả nước? Chỉ biết rằng, theo sử sách, hai vùng làm nón lâu đời là Gò Găng và Làng Chuông đã chịu ảnh hưởng của nón bài thơ xứ Huế để có trở thành những vùng sản xuất nón lá nổi tiếng cho đến tận ngày nay. Có phải một cô gái Huế làm nghề chằm nón muốn gửi gắm những lời yêu đương cho người mình yêu qua những “bài thơ”? Không có cứ liệu làm cơ sở để có câu trả lời chính xác. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, người đầu tiên làm việc đó, và cho đến ngày nay, những người kế tục, là những cô gái, những người phụ nữ có tâm hồn tinh tế và bàn tay tài hoa, tiếp đón ý tưởng đầu tiên đầy sáng tạo và lãng mạn để đẩy nón lá Huế lên một mức cao hơn về mặt nghệ thuật. Người thợ nón lá muốn thổi cái hồn Huế vào trong chiếc nón, và mong muốn cháy bỏng đó của những người thợ gặp môi trường thơ được nuôi dưỡng bởi dòng nước ngọt lành của con sông Hương, để sáng tạo ra chiếc nón bài thơ đầu tiên, để ngày nay nó trở thành vật dụng hàng ngày của người phụ nữ Huế và là quà tặng lưu niệm cho những du khách đến từ phương xa.

Đ.N
(SDB – 5-2010)




Các bài mới
Các bài đã đăng