SỐ ĐẶC BIỆT
Tamakata
15:29 | 21/06/2010
TÔ VĨNH HÀTôi gặp em vào một buổi chiều trời thật đẹp, gió nhẹ và mây như ngừng bay. Đó là một ngày mà tôi nhớ mãi dù cách đây đã lâu: Ngày ấy, không mặc thêm áo khoác thì nghĩ là hơi lạnh còn nếu mặc, sẽ cảm thấy cái nóng dư dả, rụt rè.
Tamakata
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Có phải vì trời đất và thời tiết hay không mà lúc giờ ra chơi sau tiết học đầu tiên, tôi đã bị choáng khi em đến gần với khoảng cách vừa đủ; và tôi nói bởi thấy nằng nặng từ ánh nhìn của cặp mắt thật đẹp, hơi lồi một chút như đa phần các cô gái Nhật: “Em cần hỏi điều gì chăng?” Nếu không muốn hỏi thì em đã không ra đây rồi đứng gần thầy.

Tôi giật mình vì giọng Huế luôn không chứng tỏ người của miền đất này bạo dạn và tự tin đến thế. Sống ở Huế hàng chục năm, tôi chưa dám làm quen (với mức độ thân thiết) bất kỳ một cô gái Huế nào. Những năm đầu là do mặc cảm từ cái nghèo. Những năm tiếp đó là do lòng kiêu hãnh của tôi hay bị tổn thương (bởi ngộ nhận?), vì tôi thấy các cô gái Huế cao ngạo và xa cách, khó hiểu quá. Mặc cảm về một điều gì đó khó dung hòa đã làm cho tôi như bị đóng đinh trên cây thánh giá của sự nhận, nhầm. Đến lúc hiểu ra rằng tại sao lại thế thì đã muộn mất rồi. Đây có lẽ là một trong những điều mà cuộc đời không mấy dễ chịu của tôi phải hối tiếc mãi hoài. Đôi khi, tôi chợt nghĩ rằng sẽ có một lần trong vô thức, trong tâm tưởng, tôi gặp một cô gái Huế đích thực và, mộng mơ...

Ý nghĩ đui mù đó của sự lãng mạn quả đã nhiều lần làm tôi suýt phải phì cười cho cái ngớ ngẩn của chính mình. Tuổi già ập đến nhanh hơn bất kỳ sự tưởng tượng nào. Sự bất lực của giấc mơ trưa hè với những mộng mị của cái nóng ngột ngạt chẳng thấm gì so với những điều được nuôi, được chăm sóc của cái ảo tưởng của lầm lẫn chân thành. Vậy mà, đúng vào những ngày mọi thứ trong con người tôi đã lặng yên như bếp lửa vừa tàn, như lời Budha đã nói, thì tôi gặp em. Cái khó tả của ánh mắt, hàm răng trắng như ngọc trai và nước da trắng hồng trên một gương mặt vừa ngang ngạnh vừa có vẻ ngây thơ đến nao lòng đã làm tôi thảng thốt. “Em tên gì?” Tôi hỏi như mộng du. Em là Phương nhưng cô giáo người Nhật nói vì khi em cười cô giáo nhìn thấy những hạt ngọc trai lấp lánh nên cô đặt tên là Tamakata - có nghĩa là Ngọc Thanh. Em là sinh viên năm cuối của đại học ngoại ngữ đến học thêm môn này để lấy chứng chỉ làm hướng dẫn viên du lịch.

Một lần nữa tôi lại bị giật mình. Tôi đã có vài thoáng nhìn nhanh, nhưng đủ để ngắm kỹ cô nữ sinh theo cách của đàn ông: Tóc màu hạt dẻ, áo màu hạt dẻ, ví (túi) xách tay in những chùm hoa Anh Đào - những màu sắc không thể trộn lẫn của Hoàng gia Nhật. Tôi biết trước mắt mình là một người am hiểu khá nhiều về văn hóa Nhật Bản. Liệu tôi có xứng đáng với sự chờ đợi của những sinh viên như cô gái này không? Lớp học mà tôi đang dạy dành cho sinh viên ngành Nhật ngữ, được Đại sứ quán Nhật tài trợ; có nghĩa là tôi đang chạm nhè nhẹ hoặc sỗ sàng vào những tinh hoa (élite) của hiểu biết và nhận thức về triều đại Yamato và sự kỳ lạ của thành công và ngưỡng phục đối với một dân tộc, một đất nước mà tài nguyên hầu như chỉ có bão tố và động đất.

Tin nhắn mà tôi nhận được sau ba buổi lên lớp có những từ ngữ thật khó quên: Được gặp thầy là một trong những điều may mắn của em. Cả ngày, em cứ trông cho đến giờ học của thầy. Phải chăng những điều tôi đã nói, đã giảng bằng tâm huyết của sự thật đã được cộng hưởng bằng sự nhân đôi, nhân ba của niềm tin và khát vọng? Bạn có tin hay không thì tùy nhưng ước mơ lớn nhất của đời tôi là được sống đến ngày Việt Nam được mạnh giàu, hạnh phúc, được bạn bè kính nể như người Nhật đã và sẽ từng là... Chắc hẳn là mơ ước của tôi chẳng bao giờ thành hiện thực vì cái sự xa ngái đó của quãng đường đầy rẫy sai lầm mà người lớn chúng ta đang đi có vô cùng dài danh sách của bản thống kê những tai ương và trắc trở. Tại sao lịch sử lại mặn dặm những tiếng thở dài? Xót xa và nhức nhối là những điều chúng ta phải đối mặt, mỗi ngày. Tại sao không thể thay đổi khi chúng ta biết sự thay đổi là cái nên mặc định bằng chữ cần của cái lẽ vì nhau?

Viết đến đây, tôi lại bật cười một mình giống như khi tôi nghĩ tại sao không hề được “quen”, được yêu một cô gái Huế trong khi rõ ràng mình biết đó là điều có thể. Tất nhiên, đó là ý nghĩ của “ngày xưa”.

Lần em đến thăm tôi cũng khác lạ với Huế như lâu nay tôi vẫn nghĩ. Em hẹn giờ rồi thông báo đến trễ. Té ra, em dành cả tiếng đồng hồ để nấu cho tôi một bữa ăn trưa theo cách pha trộn giữa cái chất dịu mềm, kiểu cách của Nhật và cái đặc thù cay, mặn của người Huế trộn lẫn với món Kim Chi hăng đến xé lưỡi của người Hàn! “Trộn” cả ba vùng văn hóa đó, có lẽ là cách của Tamakata? Em nghe bạn bè nói thầy toàn ăn mỳ tôm. Cho dù mỳ tôm là phát minh của người Nhật thì ăn nhiều cũng không tốt. Thầy ăn thử món này. Tôi ăn, khi em đã về rồi. Ngon và lạ và, độc đáo. Nhắn tin hỏi em mua ở đâu. Tamakata gọi lại, cười và nói rằng không có để mà mua vì do chính em làm! Một lần nữa tôi lại sai về Huế mất rồi.


Tôi đã sai nhiều khi nghĩ và “tương tư” với Huế, các cô gái Huế. Dường như sự mạnh bạo của Tamakata đã dạy cho tôi biết sự chân thành không có khoảng cách và cái đúng, dẫu có trải qua bao tháng năm dài vẫn chỉ là muôn một mà thôi. Hộp cơm mà Tamakata đã tự tay làm rồi đem đến cho tôi không chỉ là “thông điệp” của sự khéo tay, đảm đang - cái phần chính trong “tứ đức” mà người xưa muốn (áp đặp khắt khe) cho phụ nữ là công, dung, ngôn, hạnh. Áo Kimono của phụ nữ Nhật bao giờ cũng có may 5 nếp gấp ở phía trước và 3 nếp gấp ở phía sau. Nếp gấp thứ năm (trừ 4 của “tứ đức”) có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng cách lý giải thông đạt nhất là sự chịu đựng, tính cẩn thận và chu đáo của người đàn bà. Không có sự chịu đựng (với đa nghĩa, đa chiều) phụ nữ, các cô gái sẽ không thể thành... đàn bà. Tamakata giống như ánh sáng từ một vầng trăng. Em “dạy” cho tôi biết cái lẽ triết minh của cuộc đời bằng một việc làm giản dị, dịu dàng; tỏa khắp trong cái lặng im của vầng trăng đêm nhẫn nại, hiền hòa. Chăm sóc chu toàn cho người mình quý luôn đồng nghĩa với tính chịu đựng của trái tim bị day dứt giữa hai điều nên - không nên. Khi có được món chosu ấy, em và tôi, ai là người phải chịu đựng nhiều hơn?

Chúng tôi đã thường xuyên gặp nhau và trao đổi với nhau nhiều điều. Tất nhiên, tôi nói để khoe kiến thức, để cưỡng bức hiểu biết từ một cô sinh viên là chủ yếu. Đàn ông sẽ chẳng còn là đàn ông nữa khi đứng trước một cô gái trẻ đẹp mà lại quên cái bổn phận lắm lời. Tôi còn nhớ, những bài ‘giảng’ già dơ và hàm chứa rất nhiều ‘võ công’ của tôi đã một đôi lần làm em hơi mỉm mai cười. Sau một tiếng thở dài rất nhẹ, Tamakata đọc cho tôi nghe những vần thơ Haikư của Busho: Ngày ngày. Trên lá sen. Giọt sương rơi xuống. Nát tan hình hài. Khi tôi hỏi lại rằng tại sao giọt sương cứ rơi mà không chịu dừng để đến nỗi nó phải tan nát đi thì em khẽ hất mái tóc dày lên với cả một gương mặt rực rỡ ửng hồng và nói như để gió cuốn đi: Có lẽ, đó cũng giống như cách người Nhật thường nói, sekinin. Là ‘bổn phận’, thầy ạ.

Một lần, Tamakata nhắn tin rằng em đang ăn chè và rất muốn mua cho tôi mấy ly chè không giống bất kỳ đâu, ở Huế. Tin nhắn đó đến khi tôi và em đã có “đủ” thời gian để hiểu nhau nhiều. Chúng tôi biết rõ về nhau chỉ cần qua ánh mắt. Vì ít khi ăn đồ ngọt nên tôi từ chối. Dẫu thế, Tamakata vẫn mua và đem đến cho tôi khi tôi đang ngồi ở quán nhậu và chuẩn bị đi dạy lớp buổi tối. Hôm đó tôi ngồi uống với một thằng bạn rằng thân thì thật là thân, tên là Dũng, dạy văn học Mỹ (!). Không may cho tôi là khi nhận túi chè bằng làm bằng giấy màu hồng điều rất đẹp lại có hai đứa con gái của Dũng ở đấy - một đứa 9 tuổi và một, mới 5 tuổi. Thấy hai cô nhóc cứ thỉnh thoảng liếc nhìn cái túi đỏ, tôi nói: “Quà này đem đến cho hai cháu đó”. Em vội vàng đi học thêm nên không biết cái “màn sau” hậu trường giả dối mà tôi đã cố tình, hoặc giả, tôi không thể làm khác được.

Tối, chừng 20h, Tamakata nhắn tin hỏi chè có ngon không? Tôi vội gọi điện cho người bạn lúc chiều tên là Dũng và cũng hỏi chè có ngon không? Đó là chè gì? Hắn trả lời là ngon, chè chuối và chè đậu đỏ. Nghe xong, tôi gọi lại đúng y chang như thế và còn nói thêm là “Chè chuối ngon tuyệt vời”. Vậy là xong. Tôi “đã ăn” chè chuối và thấy rất ngon. Ai ngờ một lúc sau cái thằng bạn tên là Dũng Heo (đích thị là heo, bởi nó giống heo rừng, cứ thích ủi phá vì ghen tức với tôi) đính chính rằng không phải chè chuối mà là chè khoai, con gái nó phân biệt không được nên trả lời sai (!). Tôi lại gọi và đính chính với Tamakata về chuyện nhầm khoai với chuối. Em chỉ vâng rất nhẹ. Nhẹ như câu cuối cùng trong một bài thơ Haikư.

Cuộc đời vậy đó: Con gái Dũng ăn chè và nó thì cười khan vào mũi tôi để đến nỗi tôi ê chề. Vẫn chưa hết, thằng bạn vàng của tôi nhắn tin thêm lần nữa: Kết luận cuối cùng là chè đậu đỏ và... đậu xanh. Đọc tin, tôi nghe thấy tiếng động ì ầm từ Hiroshima và Nagazaki! Quả là bạn tốt hiếm có trong đời.

Suy nghĩ chán chê cả tiếng đồng hồ, tôi nhắn tin cho Tamakata rằng tôi xin lỗi vì đã nói dối đến ba lần. Tôi chưa hề ăn hai gói chè đó. Em nhắn lại rằng Không sao đâu thầy ạ. Chỉ có điều, giá như em nhận được một lời cảm ơn thì vẫn tốt hơn một lời xin lỗi.

Đó là lần nhắn tin cuối cùng của Tamakata và cũng là lần sau cùng chúng tôi “gặp” nhau. Sau này, dù tìm đủ mọi cách để liên lạc nhưng chẳng bao giờ tôi được gặp em nữa. Thời gian đầu là im lặng trên điện thoại, thời gian sau là điệp khúc “ngoài vùng phủ sóng”. Đến khi tôi mạnh bạo tìm đến tận nhà để gặp, để xin lỗi thì được trả lời rằng em đã sang Nhật để học thêm...

Tôi đã để mất em. Nói chính xác là tôi đã tự đánh mất mình trong suy nghĩ và tình cảm của em. Em đến với tôi tự nhiên, mộc mạc như bông hoa sakura hoang dã, chân tình. Còn tôi, giống như cách thường thấy trong đời, đã dùng những cát bụi của trần oan dối trá để làm rũ nát những cánh hoa tươi. Đôi khi tôi tự an ủi mình rằng tôi đã có em bao giờ đâu nên không thể ‘mất’. Vậy nhưng, tự sâu thẳm của trái tim, tôi biết một lần nữa mình lại tự dối mình. Tại sao tôi luôn luôn chạy trốn bổn phận sống - sekinin, như có lần em đã nhắc? Những gã đàn ông nhiều kinh nghiệm tán tỉnh luôn thiếu “khiên mộc” để bảo vệ bởi cái khiên đó được kết bằng những điều dối trá, tham lam.

Tôi luôn tự hào rằng mình không nói dối trước lịch sử, trước cuộc đời. Thế mà, tôi đã dối lừa một người con gái - học trò, đã từng coi mình gần như là thần tượng của đúng - sai, bởi cái bản năng lươn lẹo thích né tránh một chuyện nhỏ có thể làm phương hại đến mình. Không biết có còn ai giống tôi không? Thu Bồn quả là bất tử khi viết rằng “Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Huế mà tôi đã biết, sẽ biết từ Tamakata là cái biết về sự thẳm sâu của những đợt sóng ngầm dữ dội ẩn kín dưới mặt nước hiền hòa, tự nhiên như cách chảy, cách sống của dòng Hương. Dòng sông phẳng lặng ấy có đủ sự mạnh bạo, đam mê nhưng lại không tha thứ cho sự dối trá, lọc lừa. Thỉnh thoảng, tôi lại tự dối rằng chỉ có hai ly chè thì việc đâu có nghiêm trọng? Thế nhưng, có thể tôi không thể hiểu hết những gì Tamakata cần và nghĩ: Lời nói dối nhỏ nhoi sẽ là sự mở đầu cho cả cuộc đời, xã hội dối trá! Dường như Tamakata đã coi lời nói dối đầu tiên như mầm bệnh gây nên đại dịch dối trá? Có thể Tamakata đã tha thứ cho tôi về lỗi lầm thực tình tôi không muốn nhưng, em chẳng thể nào chấp nhận chuyện về một trái tim cứ lạc nhịp bất chừng? Có thể em hiểu nhưng chẳng thể nào chấp nhận rằng chỉ có một lần thôi là đủ để biết cái điêu toan, khuất lấp của cuộc đời mà “đại diện có đẳng cấp” là tôi? Nỗi đau chẳng thể nào nguôi ngoai được vì có lẽ, do tôi vẫn chưa một lần biết thế nào là trái tim Huế, tâm hồn và sự mẫn cảm của một cô gái Huế? Phải chăng đó là bài học muốn khóc hoài với Huế, người Huế, để cho tôi run rẩy suốt cả cuộc đời?...


(SDB – 5-2010)

  




Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngâm thơ (17/06/2010)
Chuyên nghiệp! (16/06/2010)
Áo dài ơi! (09/06/2010)