SỐ ĐẶC BIỆT
Vài kỷ niệm về ĐẶNG THÙY TRÂM và PHẠM NHƯ ANH
14:46 | 12/10/2010
NGUYỄN CƯƠNGChúng tôi đi học, thực tập ở bệnh viện, lên lớp, ở các giảng đường, rồi sinh hoạt văn nghệ, sinh hoạt thanh niên, lao động xây dựng ký túc xá,… nên gặp nhau hàng ngày. Tôi nhớ rõ mỗi khi gặp, Thùy Trâm đều cười rất tươi, vui vẻ chào “anh Cương đấy à”.
Vài kỷ niệm về ĐẶNG THÙY TRÂM và PHẠM NHƯ ANH
Chân dung Đặng Thùy Trâm- Ảnh: Internet

Tôi muốn kể lại 2 câu chuyện sau đây để tri ân những người đã góp phần cho thắng lợi của dân tộc. Chính những người này đã truyền lửa cho thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống cha anh. Trước hết, tôi muốn nhắc đến một người (không phải thấy người sang… mà vì một kỷ niệm, ký ức với Hà Nội trong tôi) - đó là Anh hùng liệt sỹ bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Cô gái xứ Huế dịu dàng, xinh xắn Thùy Trâm học trên tôi 1 lớp ở Đại học Y khoa - Hà Nội. Gia đình tôi và gia đình Thùy Trâm quen thân nhau từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở Thanh Hóa, coi nhau như anh chị em họ hàng thân thuộc. Ba mẹ Thùy Trâm làm việc trong ngành y tế. Sau này, ba Thùy Trâm là bác sỹ Đặng Văn Khuê, trở thành phẫu thuật viên giỏi của Bệnh viện Saint - Paul - Hà Nội, mẹ là dược sỹ cao cấp ở Trường Đại học Dược. Trong gia đình ấy từ mẹ cho đến các chị em gái đều tên Trâm. Mẹ là Ngọc Trâm rồi đến Thùy Trâm, Kim Trâm, Hiền Trâm, Phương Trâm. Nhà của Thùy Trâm ở tập thể nhưng phải di chuyển nhiều nơi quanh Hà Nội: Trường Cán bộ Y tế TW đường Giảng Võ, tập thể Trường Đại học Dược, gần dốc Thọ Lão phố Lò Đúc, rồi dọn về tập thể Kim Liên và bây giờ là ở đường Đội Cấn. Chúng tôi đi học, thực tập ở bệnh viện, lên lớp, ở các giảng đường, rồi sinh hoạt văn nghệ, sinh hoạt thanh niên, lao động xây dựng ký túc xá,… nên gặp nhau hàng ngày. Tôi nhớ rõ mỗi khi gặp, Thùy Trâm đều cười rất tươi, vui vẻ chào “anh Cương đấy à”. Khóa của Thùy Trâm tốt nghiệp ra trường năm 1966. Một số xung phong đi chiến trường B phục vụ chiến đấu, trong đó có Thùy Trâm. Khi ở Hà Nội, tôi đã nghe tin Thùy Trâm hy sinh, rồi ba chị bị tai biến mạch máu não do cái “sốc” quá nặng và ông đã qua đời sau đó ít năm. Tình cờ tôi đọc tin buồn của gia đình ông trên báo Thủ Đô. Tôi đến viếng thì linh cửu của ông đã về nơi an nghỉ cuối cùng.

Sau 1975, tôi có gặp bác sỹ Hồ Tấn Phi công tác ở Bệnh viện Trung ương Huế là người cùng đi B với chị Thùy Trâm, kể lại cho tôi nghe chuyện chị bị phục kích và anh dũng hy sinh. Bác sỹ Hồ Tấn Phi sau đó bị địch bắt tù đày và được trao trả tại Lộc Ninh năm 1973 cùng với bác sỹ Nguyễn Hứa Khôi, nguyên Phó GĐ Bệnh viện Trung ương Huế (cả 2 đều đã qua đời).

Sự hy sinh thầm lặng của bác sỹ Đặng Thùy Trâm tại chiến trường ác liệt Quảng Ngãi được thổi bùng lên khi quyển “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” lâu nay lưu giữ ở Mỹ, được trao trả lại cùng với câu chuyện “Đừng đốt vì trong đó đã có lửa” từ một CCB Mỹ và người lính phiên dịch. Sự kiện hy hữu đầy ý nghĩa nhân văn này đã được nhiều sách báo đề cập. Gần đây là bộ phim “Đừng đốt” với đạo diễn tâm huyết gốc Huế Đặng Nhật Minh ra mắt khán giả trong nước, quốc tế đã “thay lời muốn nói” của tôi về một dấu ấn, một kỷ niệm của một thời tuy chưa xa lắm.

Câu chuyện thứ 2 tôi muốn kể tiếp là về 2 nhân vật Nguyễn Văn Thạc và Phạm Như Anh. Tác phẩm “Mãi mãi tuổi hai mươi” sôi động một thời không ai là không biết, nhất là trong thế hệ trẻ. Trước mắt tôi bây giờ là quyển “Hạnh Phúc là gì?” in lại thư, thơ, ảnh, bút tích của Thạc và Như Anh một thời hoa lửa. Quyển sách này làm sống dậy trong tôi nhiều điều.

Những năm 70 của thế kỷ trước, tôi sống gần Như Anh, nhưng không hề biết mối tình này. Do đó chưa gặp được Nguyễn Văn Thạc hoặc có gặp thì cũng không để ý lắm, vô tình như những người bạn khác của Như Anh đến nhà chơi mà thôi.

Chân dung Phạm Như Anh: Ảnh: Internet

Trở lại quan hệ gia đình một chút. Mẹ tôi và mẹ Như Anh là chị em cô cậu ruột. Ba mẹ tôi đã mất. Ba Như Anh đã qua đời khá lâu. Mẹ Như Anh hiện còn khỏe mạnh. Ba Như Anh là ông Phạm Thành Vinh (cháu ruột của nhà cách mạng tiền bối Phạm Hồng Thái) luật sư - nhà kinh tế, có thời gian giảng dạy ở trường Đại học Kinh tế Hà Nội, làm việc ở Hội Luật gia Việt Nam. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tuy đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn được mời làm cố vấn cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ, cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Dương thời đó. Ba của Như Anh qua đời tại thành phố Hồ Chí Minh sau một cơn đau tim đột ngột. Mẹ của Như Anh là bà Hồ Thể Tần - nguyên giáo viên Văn Trường cấp 3 Trưng Vương, Hà Nội sau chuyển về làm việc ở Sở Giáo dục Hà Nội rồi Bộ Giáo dục cho đến khi nghỉ hưu. Bà là dịch giả “Chuông nguyện hồn ai” của E.Heminway và “Con đường đau khổ” của A.Tonxtoi… Cần nói thêm bên họ ngoại của Như Anh là Hồ Đắc ở làng An Truyền, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Ông ngoại của Như Anh là cụ Hồ Đắc Điềm, Tiến sĩ luật khoa Paris, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBMTTQ VN thành phố Hà Nội thời kỳ sau giải phóng thủ đô 1954 cho đến những năm 80 của thế kỷ trước.

Những năm đầu thập kỷ 60, tôi học Trường Đại học Y khoa Hà Nội, lúc ấy ký túc xá đang khó khăn, cho nên ông bà ngoại, ba mẹ Như Anh cho tôi ở cùng tại nhà 72 Nguyễn Du để đi học. Tôi sống gần Như Anh từ lúc tuổi thiếu niên cho đến tuổi biết yêu và mối tình đầu là Nguyễn Văn Thạc.

Như Anh tư chất thông minh, có nhiều cá tính, hay bị mẹ mắng, lười học Piano, thích đọc truyện và xem trộm nhật ký của tôi ghi lại chi tiết những rung động đầu đời với cô bạn phố cổ Mã Mây học cùng lớp. Bây giờ mỗi lần gặp nhau, Như Anh vẫn nhắc lại chuyện này và cười vui xem như một “chiến công” của cô bé Như Anh thời đó.

Trong gia đình, ngoài ông bà ngoại, ba mẹ và các chị em của Như Anh còn có người cậu ruột là ông Hồ Đắc Hoài, lớp kỹ sư địa chất đầu tiên học ở Liên Xô (cũ), sau này là Viện trưởng Viện dầu khí, Viện trưởng Viện Đất hiếm, thành viên HĐQT dầu khí,…là người cũng có nhiều ảnh hưởng trong cuộc sống của Như Anh sau này khi cô học tập và làm việc tại nước ngoài.

Bắt đầu từ năm 2005, tác phẩm “Mãi mãi tưổi 20” ra đời, rồi tiếp theo 2 tập “Hạnh phúc là gì?” và rất nhiều các bài viết ngợi ca liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, ngợi ca mối tình thầm lặng nhưng rực lửa yêu thương, tôi mới được biết tường tận, chỉ tiết câu chuyện của mấy chục năm trước. Rồi quỹ “Mãi mãi tuổi 20” ra đời với lời tâm sự “Những người bạn cùng cảnh ngộ có người tri kỷ đã đi xa trong những năm 60 - 70 của thế kỷ 20 trên mọi miền của đất nước, nếu có muốn tâm sự xin liên hệ với Như Anh “mãi mãi vẫn ở…”. Vừa qua trong đêm “Nghĩa tình đồng đội “tổ chức tại Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh, Như Anh đã có mặt và trích quỹ “Mãi mãi tuổi 20” làm những việc có ích cho thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống cha anh. Qua các hoạt động tìm về cội nguồn, tôi thấy Như Anh chững chạc lên nhiều không phải vì ở tuổi gần 60, mà là vì một trí thức sống lâu năm ở nước ngoài nhưng biết giữ gìn, trân trọng quá khứ, nhìn nhận hiện tại, mặc dù cuộc đời đã trải qua những bước ngoặc không phải là dễ chịu.

Trên đây là những gì tôi còn nhớ và ghi lại với tính chất là quan hệ bạn bè, anh em gia đình giới thiệu với bạn đọc gần xa và cũng là nén tâm hương trước linh hồn 2 liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc.

Những năm trước tôi không muốn viết lại câu chuyện này, chắc các bạn cũng đoán được vì sao?

Huế, Lập Thu 2010
 
(SDB 10-2010)














Các bài mới
Các bài đã đăng