SỐ ĐẶC BIỆT
Đôi kỷ niệm nhớ đời với nhà thơ Thanh Hải
14:32 | 21/10/2010
VÕ QUÊDuyên văn nghệ đã cho tôi gần gũi, gắn bó hơn với nhà thơ Thanh Hải. Được làm việc bên cạnh nhà thơ Thanh Hải tôi càng hiểu và thán phục nhân cách lớn của nhà thơ.
Đôi kỷ niệm nhớ đời với nhà thơ Thanh Hải
Nhà tho Thanh Haie- Ảnh: lucbat.com

Những năm 70, khi còn là một sinh viên trong phong trào yêu nước đấu tranh của đô thị miền Nam, từ thành phố Huế, mặc dù bị chính quyền Sài Gòn kiểm soát nghiêm ngặt nhưng tôi cũng đã may mắn có nhiều cơ hội tiếp cận với văn học miền Bắc, vùng giải phóng qua những nguồn sách báo được bí mật gửi về từ chiến khu Thừa Thiên Huế. Làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng cũng là hai kênh thông tin cho tôi được hiểu biết, gần gũi hơn với những tên tuổi các nhà thơ, nhà văn “Trường Sơn” và giới văn nghệ sĩ ở bên kia dòng sông Bến Hải. Một trong những nhà thơ tài hoa “Trường Sơn” mà tôi mến mộ, yêu quý từ những tháng ngày này là nhà thơ Thanh Hải.

Tháng 9 năm 1973, sau một năm bị tù ở Côn Đảo, tôi được Thành ủy Huế đưa lên chiến khu một thời gian ngắn rồi ra Hà Nội. Chính nhờ chuyến đi này mà tôi có dịp gặp gỡ nhà thơ Thanh Hải tại Khu ủy Trị Thiên cũng như được tiếp xúc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, gặp lại nhà thơ Trần Phá Nhạc trước đó tại mật khu Thành ủy Huế mấy ngày, rồi tiếp theo là các anh Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Quang Hà... Thời gian đầu ngắn ngủi ở Trường Sơn tôi luôn có cảm giác phấn chấn, lâng lâng… Có lẽ do đã trải qua những ngày tù ngục gian khổ, khắc nghiệt, mất tự do ở hải đảo xa xôi nên khi được sống trong một không gian xanh của núi rừng hùng vĩ bên cạnh những người kháng chiến đầy hào khí cách mạng mà tôi có được trạng thái tình cảm ấy. Khi nghe có các anh Trần Hoàn, Thanh Hải, Tô Nhuận Vỹ… đang có mặt tại Khu ủy Trị Thiên tôi vô cùng mừng rỡ. Với nhạc sĩ Trần Hoàn thì trong những năm 70, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ yêu nước ở đô thị miền Nam đang trở nên cao trào, từ vùng địch tạm chiếm, tôi cũng như tuổi trẻ học đường Huế đã vô cùng xúc động khi nghe trên làn sóng Đài Phát thanh Giải Phóng phát bài hát Lời ru trên nương, phổ từ bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Hình ảnh em bé Akay qua giai điệu mượt mà, sâu lắng, rất tâm cảm đã gợi lên trong tuổi trẻ Huế tình yêu núi rừng đang đau thương, quằn quại dưới làn bom đạn Mỹ. Và bài hát Em thương người trong Huế đấu tranh của nhạc sĩ Trần Hoàn với bút danh Hồ Thuận An. “ Mưa lâm thâm ướt dầm lá khế, em thương người trong Huế đấu tranh…” với sự đồng cảm của anh dành cho phong trào đấu tranh chống Mỹ của sinh viên học sinh Huế đã rất kịp thời, hiệu quả. Những bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn trong giai đoạn này đã góp phần tiếp lửa cho những cuộc xuống đường đốt xe Mỹ trên đường phố Huế của đồng bào, thanh niên, sinh viên học sinh Huế. Với nhà văn Tô Nhuận Vỹ thì tôi đã rất quen tên anh bởi tôi cũng đã từng cầm trực tiếp trên tay các tập Em bé sông Hương, Em bé làng chàivà thích thú đọc những truyện ngắn của anh để rồi sau này tôi cứ nhớ hoài một nhân vật thiếu niên có tên Phóng Tẹo. Thế là, tôi háo hức và chờ đợi một cuộc hội ngộ kỳ thú sẽ được diễn ra nơi chiến khu xanh thẳm với các tên tuổi mình chỉ mới “văn kỳ thanh” mà chưa “kiến kỳ hình”. Vào khoảng 4 giờ chiều hôm ấy, nhà thơ Thanh Hải chỉ xuất hiện một mình bởi nhạc sĩ Trần Hoàn và nhà văn Tô Nhuận Vỹ đều có việc đột xuất nên tôi không có dịp diện kiến hai anh ấy. Một thoáng tôi buồn. Lòng như chùng xuống. Nhưng tôi kịp thấy lại niềm vui bởi tôi còn được đón tiếp nhà thơ Thanh Hải bằng xương bằng thịt. Trước mắt tôi là một Thanh Hải người tầm vóc nhỏ nhắn, đôi mắt sáng và nụ cười phúc hậu trên gương mặt hiền lành. Tôi không ngờ đằng sau nét đằm thắm, chơn chất ấy lại tiềm ẩn, chất chứa một nguồn thơ kháng chiến chống ngoại xâm, yêu nước nồng nàn, ngời ngời sắc lửa và máu. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa nhà thơ Thanh Hải và tôi diễn ra nhẹ nhàng, dễ thương, không sôi nổi, sinh động như tôi đã hình dung trước đó. Đầu tiên, anh trao cho tôi món quà của anh Trần Hoàn gửi tặng là hai cân đường trắng, hai hộp sữa, một hộp dao lam. Tôi biết món quà này thật vô cùng quý giá trong bối cảnh khó khăn của chiến trường lửa đạn, thiếu thốn đủ mọi thứ.


Nhà thơ Thanh Hải sau khi hỏi thăm tôi về tình hình thời sự, về chuyện bà con, chuyện phong trào đấu tranh đòi thống nhất hòa bình, đòi Mỹ rút quân, đòi quyền dân sinh dân chủ… của đồng bào, thanh niên, sinh viên học sinh dưới Huế đã cho tôi biết về cuộc sống của Trường Sơn kháng chiến, của những lần cán bộ tuyên huấn xuống công tác vùng đồng bằng; về những cảm xúc lắng sâu mỗi khi anh cùng các chiến hữu hoạt động bí mật trong dân; về công việc lặng thầm sáng tác của anh và của các chiến hữu… Giọng anh nhỏ nhẹ, chậm rãi, khúc chiết. Qua câu chuyện kể của anh tôi đã mường tượng được sự khốc liệt, gian khổ, truân chuyên của chính bản thân anh cùng biết bao cán bộ, chiến sĩ, đồng bào dân tộc ít người ở Trường Sơn dưới làn bom đạn của kẻ thù. Ngôi lán mà tôi và anh Thanh Hải gặp nhau được cất bên cạnh một dòng suối lớn. Tiếng suối chảy róc rách, bổng trầm; làn nước suối trong xanh xuyên qua những viên đá tảng tạo cho tôi - người vừa lên với núi ngàn - một cảm giác thú vị, lãng mạn. Tôi tự nghĩ thế nào đêm nay mình cũng sẽ có thêm một “đêm không ngủ” với nhà thơ Thanh Hải và tha hồ mà hàn huyên. Nhưng thật bất ngờ đối với tôi khi đúng 6 giờ chiều hôm ấy, nhà thơ Thanh Hải đứng lên chào: “Thôi, mình về đây! 6 giờ rồi, mình phải ngủ sớm. Mai lên đường ra Bắc mạnh khỏe nghe!”. Tôi bỡ ngỡ, hụt hẩng, lúng túng một lúc rồi nói: “Em chúc anh ở lại bình yên! Em mong sẽ được gặp lại anh trong một ngày gần nhất”. Nhìn nhà thơ Thanh Hải rời khỏi lán, lòng tôi không khỏi bùi ngùi. Tôi chợt nhận ra một điều, đúng là anh cần phải giữ gìn sức khỏe. Giấc ngủ đến sớm, điều độ là một sự cần thiết, dài lâu cho những người kháng chiến trường kỳ gian khổ như anh.

Tháng 3 năm 1975, thành phố Huế được giải phóng. Từ thời điểm này trở đi mái nhà chung là Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế rồi Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, 26 Lê Lợi Huế đã lần lượt tiếp nhận văn nghệ sĩ từ bốn nguồn: văn nghệ sĩ tại thành phố Huế, văn nghệ sĩ ở Trường Sơn, văn nghệ sĩ tập kết ra miền Bắc trở về, văn nghệ sĩ sinh trưởng tại miền Bắc về với cố đô. Không khí thống nhất, đoàn kết, thương yêu thật sinh động rõ nét nơi này. Đầu năm 1976, theo sự điều động của tổ chức, tôi được rời Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế để về công tác tại Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế do nhà thơ Thanh Hải làm Tổng thư ký. Duyên văn nghệ đã cho tôi gần gũi, gắn bó hơn với nhà thơ Thanh Hải. Được làm việc bên cạnh nhà thơ Thanh Hải tôi càng hiểu và thán phục nhân cách lớn của nhà thơ. Nhà thơ Thanh Hải không có một toan tính chi cho riêng mình trong cuộc sống. Cùng lúc với công tác quản lý, tập hợp văn nghệ sĩ chung sức chung lòng xây dựng phong trào văn học nghệ thuật tỉnh nhà ngày một lớn mạnh, anh lặng lẽ sáng tác những bài thơ mới. Một trong những bài thơ được người yêu thơ trong cả nước đồng cảm là “Mùa xuân nho nhỏ”. Khi nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc “Mùa xuân nho nhỏ” thì tác dụng, hiệu quả tốt đẹp của bài thơ này càng lan tỏa rộng lớn trong đời sống văn học nghệ thuật của cả nước.

Bước sang năm 1980, nhà thơ Thanh Hải bị bệnh hiểm nghèo. Đây cũng là hệ quả tất yếu của một con người đã trải qua những năm tháng trường kỳ gian khổ nơi rừng sâu, núi thẳm. Thỉnh thoảng vào bệnh viện thăm anh, chứng kiến cảnh anh quằn quại trong cơn đau đớn tột cùng có khi tôi không cầm được nước mắt. Tôi xoa đôi bàn tay lên bụng anh đang căng phồng mà xót xa, thương cảm. Thương nhà thơ Thanh Hải với cơn bệnh nan y, thương chị Thanh Tâm và các con trai đang trong một hoàn cảnh ngặt nghèo.

Trên giường bệnh, dù cơn đau dày vò, hành hạ cơ thể mỗi ngày, nhưng nhà thơ Thanh Hải vẫn đã rất tinh tế khi hiểu được những nỗi nhọc nhằn của người vợ hiền là chị Thanh Tâm trong quá trình chăm sóc anh để viết nên những dòng thơ nồng nàn, sâu nặng về tình nghĩa vợ chồng:

Khi anh nằm xuống đó
Giữa bát cơm em đơm
Giữa chén cháo em múc
Giữa bộn bề bếp núc
Em nâng cho anh nằm
Giữa những cơn khóc thầm
Em quạt cho anh ngủ
...
Năm 1983, khi Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, bài thơ trên của nhà thơ Thanh Hải đã được in trang trọng với lời tòa soạn: “Đây là một trong những bài thơ của nhà thơ Thanh Hải trong những ngày cuối đời. Bài thơ này chúng tôi chép trong sổ tay của chị Thanh Tâm, vợ anh. Bài thơ không có đầu đề”. Khi Tạp chí Sông Hương số 1 phát hành khắp thành phố Huế bằng hình thức dùng xe phát thanh lưu động, tôi đã rất xúc động khi đọc bài thơ ấy cho đông đảo bà con, bạn đọc Huế nghe. Và tôi hiểu, chính bài thơ giàu nghĩa tình vợ chồng của nhà thơ Thanh Hải đã góp một phần thành công trong việc phát hành Tạp chí Sông Hương số ra mắt đầu tiên. 

Trong thời điểm viết những dòng nhớ và thương nhà thơ Thanh Hải này tôi cũng đang những ngày tháng vào ra bệnh viện. Không phải để nằm viện như anh mà tôi chăm sóc vợ tôi đang trong cơn bệnh hiểm nghèo. Nhớ và thương anh, tôi sẽ noi gương anh để biết thương yêu vợ mình nhiều hơn nữa. Bài thơ viết cho chị Thanh Tâm của nhà thơ Thanh Hải đã nói lên sức mạnh tinh thần của thi ca trong cuộc sống muôn nơi, muôn thuở! 

Huế, 17. 5. 2010.
(SĐB 10-2010)









Các bài mới
Các bài đã đăng