Phê bình toàn cảnh
Bài thơ ý nghĩa về đạo lý làm người
09:28 | 14/09/2021

Dưới đây là cảm nhận của tác giả về bài thơ "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" của thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Anh Tuấn...

Bài thơ ý nghĩa về đạo lý làm người
Ảnh minh họa/INT.

Thơ Đường luật, một thể thơ uyên bác, là hậu sinh tôi không dám lạm bàn nhưng tôi thích bài khoán thủ Kiều câu 3254: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” của thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Anh Tuấn đã in trong tập thơ “Hong chữ” của tác giả và xin viết đôi điều cảm nhận.

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

(Khoán thủ)

Chữ phúc vê tròn ở chính ta

Tâm trong chí sáng bởi nhân hòa

Kia trông nghĩa cả ghi ơn mẹ

Mới thấy ân dày nhớ đức cha

Bằng hữu đêm ngày lo nợ nước

Ba sinh sớm tối giữ tình nhà

Chữ trung vạn thuở không phai nhạt

Tài vẹn ngàn đời nở thắm hoa.

Trước hết nói về câu thơ: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” đã thể hiện một triết lý về đạo đức và lẽ sống. Tài và đức hiểu theo lẽ thông thường, có tài mà không có tâm thì tài ấy không được trọng dụng, có tâm mà không có tài thì không làm được việc lớn.

Mỗi từ đặt vào vị trí đầu của một câu thơ đã nâng vị trí của từ và làm cả bài thơ thêm phong phú về ngữ cảnh và âm điệu. Bản thân chữ “phúc” đã có ý nghĩa đẹp. Phúc lại được “vê tròn” càng quý báu hơn. Tác giả dùng chữ “vê tròn” đắt quá.

Quả thật khi đọc đến hai từ “vê tròn” tôi hình dung ra đôi bàn tay của nghệ nhân làm gốm Bát Tràng. Họ khéo léo đến điêu luyện về động tác khi đặt những ngón tay vê lên miệng bình gốm. Còn trong bài thơ này tác giả lại vận dụng rất hợp lý trong “vê tròn” chữ phúc. Phúc ở đây là “chính ta”, ở ngay trong lòng mình và làm cho “Tâm trong trí sáng”.

Một logic rất tự nhiên khi đã có tâm trong trí sáng thì tình người trở nên đẹp đẽ hơn trong “nhân hòa”. Người người sống thân thiện chan hòa với nhau hơn như câu thơ của Tố Hữu đã viết: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau”.

Tôi thích bài thơ này còn ở hai cặp đối rất hay: “Kia trông nghĩa cả ghi ơn mẹ/Mới thấy ân dày nhớ đức cha” và “Bằng hữu đêm ngày lo nợ nước/Ba sinh sớm tối giữ tình nhà”. Ở đây, tác giả chọn cặp thực là “cha” và “mẹ”:

Kia trông >< mới thấy; nghĩa cả >< ân dày; ghi ơn mẹ >< nhớ đức cha

Ca dao có câu: “Công cha như núi Thái sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Cặp đối này đã tôn thêm ngữ nghĩa của bài thơ. Chúng ta đều biết, gia đình là nền tảng của xã hội. Phật pháp cũng dạy: Đạo làm người là nền tảng và trước tiên là việc hiếu lễ với cha mẹ. Trong giáo lý nhà Phật có câu: “Trong nhà hiếu thảo vốn không/ Hỏi rằng làm phúc phúc trồng vào đâu”.

Ở cặp luận tác giả viết: Bằng hữu đêm ngày lo nợ nước/Ba sinh sớm tối giữ tình nhà: Bằng hữu >< Ba sinh; đêm ngày >< sớm tối; lo nợ nước - giữ tình nhà.

Trong câu đầu của cặp luận tác giả dùng hai từ “nợ nước” bao hàm nghĩa rộng lớn. Truyền thống ngàn năm cha ông ta là dựng nước và giữ nước. Bao anh hùng chiến sĩ đã hy sinh anh dũng để giành độc lập.

“Nợ nước” cũng là tâm nguyện của mỗi người dân yêu nước, làm tốt nghĩa vụ của mỗi công dân trong mỗi lĩnh vực của mình. Bên cạnh đó là “giữ tình nhà” - gia đình là nền tảng của xã hội, dân giàu thì nước mạnh. “Lo nợ nước - giữ tình nhà” ý nghĩa của cặp đối đã nâng tầm của bài thơ lên gấp bội.

“Trung” với nước là Hiếu với dân. Nó cao cả lắm. “Trung” không phải trăm năm, ngàn năm mà tác giả khẳng định sự chọn lựa là “Vạn thuở không phai nhạt”. Xin chúc mừng tác giả bài thơ đã gợi mở ý nghĩa về đạo lý làm người.


Theo Đỗ Thị Thái Hà - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng