VỌNG RA BIỂN
Từ vùng biển Hoàng Sa trở về, nhà báo Vĩnh Lộc: “Tôi mừng đến ứa nước mắt khi chứng kiến giàn khoan đã rút!”
16:21 | 05/08/2014

Sau 75 ngày hạ đặt trái phép, đến 21 giờ ngày 15/7/2014, Trung Quốc đã di dời giàn khoan dầu khí ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Chiều 16/7, nhóm phóng viên cuối cùng gồm Vĩnh Lộc - Anh Tú của VTV đã rời vùng biển Hoàng Sa và sáng hôm sau đã về đến Đà Nẵng, kết thúc chuyến tác nghiệp kéo dài 25 ngày đêm.
Biên tập viên (BTV) Vĩnh Lộc, phóng viên thời sự VTV Huế thuộc Đài Truyền hình Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với cộng tác viên Sông Hương.

Từ vùng biển Hoàng Sa trở về, nhà báo Vĩnh Lộc: “Tôi mừng đến ứa nước mắt khi chứng kiến giàn khoan đã rút!”
Biên tập viên Vĩnh Lộc tác nghiệp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam

HT (Hữu Thu): Chào mừng anh đã trở về bình yên. Là nhóm phóng viên cuối cùng chứng kiến cái khoảnh khắc giàn khoan rút khỏi vùng biển của Tổ quốc, cảm giác của anh lúc đó như thế nào?

VL (Vĩnh Lộc): Cái tin giàn khoan dịch chuyển đã khiến mọi người reo lên. Tàu CSB 4032 khi đó chỉ cách giàn khoan Hải Dương 981 chưa đầy 10 hải lý nên mọi con mắt đều đổ dồn về màn hình radar. Tôi nhìn đồng hồ chỉ đúng 21 giờ 5 phút ngày 16/chỉ. Thuyền trưởng Vũ Văn Huân cùng các chiến sĩ Cảnh sát biển rất căng thẳng bên tấm bản đồ để chấm tọa độ và liên tục báo về cấp trên là “Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển”. Tôi nhìn thấy tất cả các chiến sĩ đều đã có mặt trên cabin buồng lái. Còn tôi thì đứng lặng người một lúc vì rất xúc động. Lâng lâng với cảm xúc: “Cái lý của chính nghĩa cuối cùng cũng đã đến”. Nói chung một cảm giác rất lạ và khó tả khi nghĩ rằng tin vui này nếu đến với đất liền chắc rằng sẽ làm cho hàng triệu triệu trái tim người Việt Nam yêu nước vui mừng. Bản năng của một người làm báo, tôi gọi điện ngay cho chị Diệp Anh - BTV thời sự, người đã được Ban Giám đốc VTV giao làm đầu mối trong quá trình đưa tin bài từ thực địa. “Giàn khoan đã dịch chuyển” tôi vừa ngắt lời thì phía bên kia chị Diệp Anh reo lên: “Rút rồi hả em, khi mấy giờ, em chờ máy nhé, chị xin ý kiến Tổng Giám đốc rồi gọi lại em ngay”. Lúc đó là 21 giờ 10 phút.

Tôi cũng gọi ngay cho anh Phương Nam, Trưởng phòng Thời sự VTV Huế để thông báo tin này, anh Phương Nam rất mừng nhưng cố giữ bình tĩnh. Kinh nghiệm của một người làm báo, anh chỉ đạo tôi ghi ngay lại khoảnh khắc đó và chờ lệnh của Ban Giám đốc rồi dặn: “Đây là thông tin tối quan trọng nên cần được kiểm duyệt chặt chẽ!” Sau đó, tôi nhận được máy của chị Diệp Anh: “A lô! Được lệnh của Ban Giám đốc VTV rồi, em đưa tin ngay cho bản tin 23 giờ tối nay nhé!” Tôi mừng và tự hào lắm vì nghĩ rằng thông tin này sẽ là thông tin đầu tiên phát sóng trên VTV cho hàng triệu khán giả biết: “Chắc nhân dân mình vui lắm”.

Phóng viên Anh Tú đã nhanh nhẹn ghi lại cái khoảnh khắc lịch sử đó, ý nghĩa nhất là từ chiếc đồng hồ đến màn hình radar hiển thị giàn khoan và các tàu đi về một hướng. Đêm đấy cả tàu không ai ngủ. Còn tôi và Anh Tú thì lao vào công việc để chuẩn bị tin bài cho bản tin “Chào buổi sáng” của VTV.

5 hải lý, 10 hải lý rồi 30 hải lý… giàn khoan Hải Dương đã đi về hướng 330 độ Bắc Tây Bắc… Cập nhật từng động thái của giàn khoan dịch chuyển mà tâm trạng hồi hộp và căng thẳng.

4 giờ sáng ngày 17/7. Một chiến sĩ thông tin trên tàu reo lên: Giàn khoan đã ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam! Tôi mừng ứa nước mắt. Bản tin Chào buổi sáng ngày 17/7, thông tin cuối cùng từ thực địa mà tôi vừa chuyển về đã kịp phát sóng. Tôi nhẹ nhõm vì đã cùng đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ được giao.

HT: Theo dõi tình hình, tôi đã thấy, đêm 11/7, VTV chiếu hình ảnh do nhóm các anh thực hiện, trong đó có hình tấm bandroll căng dọc thân tàu Hải cảnh Trung Quốc: “Trung Quốc - Việt Nam hữu nghị chung sống Hòa bình với nhau”. Hỏi thật, tâm trạng của anh lúc nhìn thấy những dòng chữ ấy?

VL: Những ngày lênh đênh trên biển cùng các lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đấu tranh tuyên truyền có khá nhiều tình huống dở khóc dở cười.

Khôi hài nhất khi thấy tấm bandroll mà phía Trung Quốc treo dọc thân tàu “Trung Quốc - Việt Nam hữu nghị chung sống Hòa bình với nhau”. Sau khi phụ giúp Anh Tú ghi lại hình ảnh này, tôi miên man suy nghĩ và tự hỏi: Tại sao một nước lớn như Trung Quốc mà đi làm những việc như vậy? Cái khẩu hiệu kia nó trái ngược với những gì diễn ra trên thực địa. Hằng ngày tàu của họ hoạt động trong vùng biển của mình, luôn có những hành động đâm va, vây bắt tàu cá của ngư dân mình. Rồi lại hô hào là chung sống hòa bình hữu nghị… Tôi thấy quá sức tưởng tượng vì sự đểu giả này.

H.T: Anh đã từng đến Trường Sa, còn lần này là Hoàng Sa. Anh có thể nêu vài trường hợp mà các anh đã trải qua khi ngày đêm sát cánh cùng lực lượng Cảnh sát biển?

VL: Phải nói rằng tôi là người có duyên với biển. 2 lần được Ban Giám đốc VTV Huế tin tưởng giao nhiệm vụ đi Trường Sa. Nay lại được chỉ định đi Hoàng Sa… Trong gần 15 năm làm nghề báo truyền hình, tôi thấy vinh dự và tự hào về những chuyến đi này. Khác với chuyến đi Trường Sa, chuyến công tác Hoàng Sa này mang một trách nhiệm lớn… Chúng tôi đã đi với tinh thần là mình cũng là chiến sĩ…

Nhận nhiệm vụ trước 5 tiếng đồng hồ, anh Phương Nam, Trưởng phòng Thời sự VTV Huế thông báo tôi và Anh Tú phải lên đường vào Đà Nẵng gấp để đi Hoàng Sa… 5 tiếng cho sự chuẩn bị của một chuyến đi dài ngày trên biển. Tôi chỉ kịp gọi điện về cho vợ để xếp quần áo và đưa lên cơ quan… Không kịp gặp con gái để tạm biệt.

Chuyến đi này rất đặc biệt, khác với 2 lần đi Trường Sa trước chỉ để đưa tin bài phản ánh tình cảm quân dân, biển đảo quê hương xinh đẹp và hùng vĩ như thế nào, tình cảm của đất liền dành cho biển đảo, cho cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trấn giữ biển trời của Tổ quốc thân yêu… Còn lần này, chúng tôi ra Hoàng Sa là để phản ảnh cuộc đấu tranh trực diện của Quân và Dân ta nhằm bảo vệ lãnh thổ chủ quyền của Tổ Quốc - nơi mà Trung Quốc đã ngang nhiên xâm phạm bằng việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa các tàu hộ tống bao gồm tàu quân sự, máy bay chiến đấu hoạt động trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Trước khi xuống tàu, Phó Tổng Giám đốc VTV, chị Thu Hiền đã gọi điện cho tôi. Ngoài chỉ đạo nội dung, chị còn động viên và căn dặn nhiều điều. Chính điều đó đã thôi thúc chúng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Ở thực địa, hàng ngày chúng tôi đã chứng kiến cảnh tàu lớn của Trung Quốc uy hiếp, đâm va, phun vòi rồng vào tàu của ta… Các chiến sĩ Cảnh sát biển và Kiểm Ngư can trường lắm… Có những tình huống rất nguy hiểm khi tàu của Trung Quốc ngăn cản vây ép. Nhưng bằng kinh nghiệm và sự dũng cảm, các anh đã kiên cường bám trụ thực địa để phát loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Chúng ta đã khôn khéo xử lý tình huống để tránh mắc mưu các tàu Trung Quốc, vì như chúng ta thấy, họ không hề thực hiện như những câu khẩu hiệu mà họ đã nêu ra… “chung sống hòa bình…”. Nói một đường làm một nẻo, chỉ cần một chút sơ suất là họ có thể sẵng sàng đâm tàu của ta như nhiều lần họ đã làm.

HT: So với các nhóm phóng viên của VTV được cử ra vùng biển Hoàng Sa tác nghiệp trước đó, có phải nhóm của anh bám thực địa dài ngày nhất?. Để đều đặn thông tin về đất liền, anh và cộng sự đã gặp khó khăn gì?

VL: Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là phải làm việc trong tình trạng sóng biển, thời tiết phức tạp… có lúc tàu chao đảo 40 độ… cơm bỏ vào miệng còn văng ra huống gì ngồi trước máy vi tính và đứng ghi hình.

Căng thẳng nhất là khi đối mặt với tàu Trung Quốc, phải đứng ngoài cabin mới ghi lại được những hình ảnh sống động từ thực địa. Tàu Trung Quốc thì bám đuôi, mở bạt, pháo quay hướng về phía ta, phun vòi rồng… Có thể nói, chúng tôi, đặc biệt là phóng viên quay phim Anh Tú đã rất can đảm… Để có những hình ảnh chân thật như đã phát trên VTV và VTV Huế là một công việc quá khó khăn và nguy hiểm. Nhưng chúng tôi đã làm được, và trở về trong niềm phấn khởi vì đã hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên tin tưởng giao phó.

HT: Xin cảm ơn BTV Vĩnh Lộc, dù mới trở về đất liền, chưa kịp nghỉ ngơi nhưng đã dành cho Sông Hương cuộc trò chuyện này.

Hữu Thu (thực hiện)  
(SH306/08-14)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng