VỌNG RA BIỂN
Trung Quốc triển khai vũ khí gì trên Biển Đông?
15:43 | 05/04/2016

 Trung Quốc đang cấp tập quân sự hóa các đảo chiếm đóng trái phép trên Hoàng Sa của Việt Nam, trái ngược với những gì họ tuyên bố trước công luận.

Trung Quốc triển khai vũ khí gì trên Biển Đông?

Bằng việc đưa tên lửa hạng nặng ra đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa của Việt Nam, quân đội Trung Quốc đang làm dậy sóng trên Biển Đông. Đợt triển khai lần này cho thấy một sự nhảy vọt về khả năng và tham vọng kiểm soát vùng biển và không phận trên Biển Đông.

Tên lửa tầm xa và đại bác xoay nòng

Bên cạnh các tên lửa chống hạm YJ-62 mà Bắc Kinh đưa ra Hoàng Sa cuối tháng trước, theo báo Popular Science, vũ khí được triển khai trên các đảo chiếm trái phép của Việt Nam trên Biển Đông còn có tên lửa đất đối không HQ-9.

Đây là một loại tên lửa tầm bắn 200km, ngang ngửa với tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ và S-300 của Nga. Tên lửa HQ-9 sử dụng rađa AESA HT-233 truy tìm các máy bay của đối phương, bao gồm máy bay không người lái và máy bay tàng hình.

Trong thời chiến, HQ-9 có thể dễ dàng bắn hạ các máy bay ném bom từ xa và thậm chí tiêu diệt các tên lửa của đối phương rơi vào tầm bắn của nó.

“Việc triển khai HQ-9 là một chuyện lớn vì đây là hệ thống vũ khí lớn được thấy ở đảo Phú Lâm” - nhà phân tích Chris Carlson nói trên USNI News. “Nếu xảy ra xung đột, nó có thể tấn công bất ngờ các lực lượng của Mỹ” - chuyên gia Bryan Clark của Trung tâm Đánh giá ngân sách và chiến lược bình luận thêm.

Trong trường hợp có máy bay nào lọt qua được hệ thống HQ-9, nó sẽ phải đối mặt với các tên lửa HQ-6 tầm ngắn hơn của Bắc Kinh. HQ-6 được cải tiến từ tên lửa không đối không PL-11, có tầm bắn vào khoảng 20km.

Với khả năng hoạt động ở độ cao thấp, HQ-6 là hệ thống lý tưởng chặn các tên lửa đạn đạo vốn có thể bay cách mặt đất chỉ 10m và nằm ngoài khả năng của những tên lửa như HQ-9.

Trên mặt đất, Trung Quốc triển khai hệ thống vũ khí tầm cực gần (CIWS) LD-2000 hỗ trợ các lực lượng trên bộ. Đây là một biến thể của hệ thống CIWS Type 730 được trang bị trên các tàu chiến của Bắc Kinh như tàu khu trục Type 052D, tàu chiến Type 054A.

“Nhân vật chính” của hệ thống này là khẩu đại bác nòng xoay với bảy nòng cỡ 30mm, có khả năng bắn hơn 5.600 viên pháo mỗi phút và tiêu diệt một tên lửa siêu thanh ở khoảng cách từ 3,5km.

LD-2000 được trang bị rađa, thiết bị dò tìm laser và mắt hồng ngoại tối tân, trong khi thiết bị laser còn có thể được sử dụng để dẫn đường cho các tên lửa tầm ngắn DK-9 tiêu diệt các mục tiêu di động.

Giống như các hệ thống CIWS khác, LD-2000 có thể hỗ trợ sứ mệnh chặn các mục tiêu như tàu nhỏ và bộ binh của đối phương.

Theo giới quan sát, so với các động thái như triển khai máy bay áp sát máy bay tuần tra của nước khác, việc Trung Quốc rầm rộ đưa các hệ thống phòng vệ đa lớp như tên lửa phòng không cho thấy ý định phô diễn sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.

Tốc độ thiết lập các hệ thống phòng không rất nhanh chóng cho thấy có sự nhúng tay của quân đội, vốn cũng đứng sau việc triển khai những yếu tố bán quân sự và phi quân sự trên Biển Đông như tàu tuần duyên, giàn khoan dầu và tàu cá.

“Vũ khí” quán bia, 
ATM...

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chú trọng phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Theo trang phân tích South Front, phần lớn chi tiêu quân sự trong bốn năm trở lại đây của Trung Quốc (năm 2015 là 140 tỉ USD) tập trung vào việc phát triển các chương trình tên lửa, hàng hải và vũ trang.

Trung Quốc là nước có các chương trình tên lửa đạn đạo đa dạng và năng động nhất thế giới. Trung Quốc hiện có tên lửa đạn đạo SRBM với tầm bắn khoảng 1.000km được triển khai gần Đài Loan và đang phát triển hệ thống tên lửa SSBN trên tàu ngầm để sử dụng trên Biển Đông.

Bắc Kinh cũng đang thu hẹp khoảng cách với Nga và Mỹ trong chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM và đã trình làng tên lửa hành trình tấn công trên bộ LACM hồi năm 2009.

Theo giới phân tích, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình là sự thay thế triển vọng cho hệ thống phòng không tốn kém và cồng kềnh, với khả năng tấn công hiệu quả hơn và giảm chi phí bảo dưỡng, đào tạo...

Tuy nhiên, vũ khí nguy hiểm nhất mà Trung Quốc triển khai trên Biển Đông là các yếu tố phi quân sự như sân đá banh, cầu lông, quán bia... Việc thiết lập các cơ sở xử lý nước cũng là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc thời gian qua. Trong khi thế giới tập trung theo dõi các cơ sở quân sự, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc xây dựng dân sự ở đảo Phú Lâm.

“Các quán bia và sân cầu lông nghe không đáng kể, nhưng việc biến các hòn đảo thành nơi có người ở sẽ củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên khắp quần đảo và cả Biển Đông. Cũng như ở thành phố tại đại lục, người dân trên đảo này có thể sử dụng ATM, ăn ở nhà hàng, gửi thư ở bưu điện, điều trị ở bệnh viện và mua sắm quần áo...” - trang Foreign Policy bình luận.

Theo TTO

 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng