VỌNG RA BIỂN
Con bạch tuộc “đi hoang” trên biển Đông
08:29 | 09/06/2011
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG Bán bà con xa mua láng giềng gần, điều đó đúng trong trường hợp người láng giềng có đủ nhân cách và mức độ tự tin để chúng ta làm được điều đó.
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Nhưng lại có những kẻ láng giềng “treo đầu dê bán thịt chó”, mồm nói đường miệng làm nẻo, bụng khó đo dạ khó lường thì liệu việc “mua” có nên không? Chúng ta có một “láng giềng định mệnh” như thế đã mấy nghìn năm nay. Người láng giềng ấy đã đánh những dấu vàng và cũng đã bôi không ít vệt đen lên lịch sử dân tộc Việt Nam ta. Từ lâu lắm, người hàng xóm ấy hầu như là thường xuyên quen đến bằng những cuộc không mời đầy thâm ý.

Diễn biến hàng chục năm qua ở biển Đông, chuyện những con “tàu lạ” đi lại trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam không còn là sự xa lạ nữa. Những vị khách không mời ấy thật sự đến không vì tấm lòng thành mà bằng những mưu đồ chước quỷ đầy toan tính. Sự kiện 26/5 gần đây nhất, một lần nữa trát thêm vết đen trong quan hệ hai nước và những vấn đề liên quan đến biển Đông. Sáng 26/5, các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động thăm dò khảo sát của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn dầu khí Petro Vietnam. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam. 5 ngày sau, chiều 31/5, 3 tàu quân sự khác thuộc lực lượng hải quân Trung Quốc đã nổ sung uy hiếp, ngăn cản 4 tàu cá của tỉnh Phú Yên trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sự việc diễn ra trong lúc 4 tàu đánh cá của ngư dân TP Tuy Hòa đang hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở vị trí 8 độ 56’ vĩ độ bắc, 112 độ 45’ kinh độ đông, cách đảo Đá Đông, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa khoảng 5 hải lý về phía đông nam, thì 3 chiếc tàu Hải quân Trung Quốc tiến đến. Cách tàu Việt Nam khoảng 40 m, họ đã nổ súng bắn xuống nước uy hiếp, đe dọa không cho ngư dân Việt Nam hành nghề. Trong một diễn biến khác, hôm qua ngày 1/6, anh Huỳnh Công Kính (32 tuổi) ở thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg-66369 TS cho biết, tàu cá của anh bị tàu chiến Trung Quốc phá hoại dây lặn, lấy toàn bộ lương thực, thực phẩm và các ngư lưới cụ khác khi tàu đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tính tới thời điểm này, đây là tàu thứ 4 của ngư dân Quảng Ngãi trong tháng 5/2011 bị Trung Quốc trấn lột và phá hoại tài sản khi hành nghề trên vùng biển của Việt Nam. Lại một lần nữa Trung Quốc liên tiếp “ném những hạt sạn gai góc” vào vấn đề biển Đông.

Những hành động trên trong những ngày vừa qua đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.

Rõ ràng đó là một chuỗi những hành động táo tợn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền lãnh hải, gây tổn hại đến quan hệ giữa hai nước. Phương châm “16 chữ vàng” chẳng còn đáng giá gì ở đây, nó đã hóa thành thứ kim loại rẻ tiền. Trung Quốc đã dùng chiêu cũ “cá lớn nuốt cá bé”, nhân danh bề trên kẻ cả để áp đặt “luật rừng” trong quan hệ quốc tế hiện đại, đi ngược lại hoàn toàn với những mong mỏi của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.

Một chuỗi sự kiện, hành động liên tiếp ấy không phải là sự tình cờ, ngẫu ý nữa. Trung Quốc đã đi quá xa những gì chúng ta có thể chấp nhận. Thực tế họ muốn chứng minh điều gì khi sử dụng lực lượng tàu hải giám và tàu quân sự trong hai vụ việc vừa rồi với tư cách quốc gia để làm một việc trái với luật pháp và logic thông thường trong ứng xử quốc tế. Việt Nam không phải là một trường hợp đặc biệt, hành động này Trung Quốc cũng đã áp dụng ở vùng biển Philippines vào tháng 3 vừa rồi. Điều này cho thấy Trung Quốc đang muốn chứng minh tuyên bố về lãnh hải “đường lưỡi bò” và điều kiện áp đặt về chủ quyền trên biển Đông mà Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông qua vào năm 2009. Mặt khác hành động này cũng là sự “thử gan”, kiểm chứng sự phản ứng của các đối tượng chiến lược cần áp chế quyền lực trên biển của Trung Quốc trong tương lai. Đồng thời, nghiệm xem dư luận quốc tế và các hành động bênh vực của “một nước thứ ba” nào đó trong vấn đề mang tính chất song phương này. Mưu đồ Trung Quốc rất lớn, tham vọng bành trướng bá quyền mang tầm chiến lược thế kỉ, liên quan đến sự tồn tại và chủ quyền biển đảo của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Con rồng đã thức giấc, thực sự vươn mình để quẫy đuôi đạp sóng. Cái bụng Trung Hoa mấy ngàn năm chỉ toàn khói lửa và tương lai sẽ phun ra những gì của quá khứ. Truyền thống “viễn giao cận công” của giới chính trị Trung Quốc từ xưa đến nay luôn là phương châm chiến lược. Diễn biến sự kiện trong những năm đầu thế kỉ này đã chứng minh điều đó. Dĩ nhiên, nếu một chú rồng hành động như vậy thì nó đã tự biến mình thành loài bạch tuột đáng sợ đi hoang, ứng xử hẹp hòi và thiếu văn minh.

Một kẻ láng giềng giàu tham lam và táo tợn sẽ hành động gì với “hàng rào” của họ? “Người trong nhà” sẽ không khó để nhận biết. Vậy chúng ta sẽ làm gì? Chỉ có thể nói bằng hai từ “ĐOÀN KẾT” để vạch ra một cơ sách chiến lược đối phó lâu dài và chuẩn bị trước các tình huống xấu nhất có thể. Đó là sức mạnh của giống nòi, là chân lí làm nên lịch sử, quyết định vận mệnh của chúng ta - một dân tộc Việt Nam bền gan, vững chí trước những biến động to lớn của lịch sử.

L.V.T.G.





























Các bài mới