Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Mỹ Lợi - “Làng chủ quyền”
08:27 | 03/09/2014

Làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ) và làng An Nông (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) là nơi lưu giữ những tài liệu chứng minh chủ quyền biển đảo Hoàng Sa của nước ta. Những tài liệu quý hàng trăm năm tuổi được người dân các ngôi làng này xem như báu vật và dốc sức giữ gìn.

Mỹ Lợi - “Làng chủ quyền”
Một góc di tích quốc gia đình làng Mỹ Lợi.

Những báu vật chủ quyền

Lão nông Nguyễn Hào (82 tuổi)- Trưởng Ban quản lý đình làng Mỹ Lợi- tiếp chuyện chúng tôi dưới mái đình cổ kính bằng giọng tự hào. Cụ Hào kể, làng Mỹ Lợi được thành lập vào năm 1562, đình làng được dựng từ năm 1808. Từ đó đến nay, ngoài là nơi sinh hoạt văn hóa của dân làng, ngôi đình này còn là nơi lưu giữ nhiều tư liệu Hán- Nôm rất có giá trị, trong đó có tư liệu chứng minh chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

Rồi cụ Hào cẩn thận mở chiếc hòm gỗ đã sờn màu lấy ra những văn bản được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm cho chúng tôi xem. Trong số hơn 1.200 văn bản do tổ tiên của làng để lại, có một văn bản viết bằng chữ Hán trên giấy dó, có bút phê của vua, mang giá trị đặc biệt. Bằng giọng nghiêm trang, cụ Hào tạm dịch văn bản này: “Vào năm Quý Hợi (1743), phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang - PV) buộc phường Mỹ Toàn (nay là làng Mỹ Lợi) đón chiếc thuyền của hải đội Hoàng Sa để kéo về bờ sông và cùng nhau tổ chức tuần tra trên biển Hoàng Sa. Do phường An Bằng không thực hiện đúng cam kết nên ngày 19 tháng 9 năm Cảnh Hưng thứ 20 (1759), triều đình ban sắc chiếu đóng dấu ấn buộc phường An Bằng đền tiền 3 quan cho phường Mỹ Toàn...”.

Cụ Hào bảo, nội dung văn bản này hoàn toàn trùng khớp với những thông tin được ghi chép trong cuốn lịch sử của làng Mỹ Lợi từ gần 300 năm trước. Cụ thể, theo thông tin trong cuốn sử làng, dưới thời nhà Nguyễn, người dân làng Mỹ Lợi đã phối hợp với hải đội Hoàng Sa tuần tra bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của nước ta. Người dân Mỹ Lợi cũng thường xuyên đóng góp lương thực, thực phẩm để tiếp tế cho hải đội Hoàng Sa giữ gìn chủ quyền biển đảo trước sự xâm lấn của ngoại bang. “Để phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, năm 2010, làng đã bàn giao bản gốc của văn bản này cho Bộ Ngoại giao, bản mà làng đang giữ hiện nay là bản sao. Đó là bằng chứng chứng minh Hoàng Sa là lãnh thổ không thể tách rời của nước ta”- cụ Hào nói.

Từ khi vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo nóng lên, đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm về làng An Nông tiếp cận những tài liệu quý giá chứng minh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của nước ta. Vừa gặp chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hùng- Trưởng tộc họ Nguyễn Hữu ở làng này- đã tự hào kể rằng cao tổ dòng họ của ông là ngài Nguyễn Hữu Niên từng giữ chức cai đội Hoàng Sa dưới thời Gia Long và được vua phong tước Hiến Đức hầu... Sau khi thắp nén hương trước bài vị của ngài cao tổ, ông Hùng mở cho chúng tôi xem những tài liệu Hán- Nôm quý nói về vị cai đội Hoàng Sa được cất giữ tại chùa Tiên Linh do chính ngài Nguyễn Hữu Niên lập ra.

“Thuở đó, vua ban chiếu tìm người trấn giữ vùng Hoàng Sa, có hơn 50 trai tráng trong làng đăng ký tham gia nhưng chỉ có ngài cao tổ của chúng tôi được chọn. Khi đó làng An Nông, nhất là dòng họ Nguyễn Hữu, vinh dự lắm”- ông Hùng nói, rồi ông giới thiệu nội dung cụ thể của các tài liệu. Ngoài tờ sai ngày 22.8 năm Gia Long thứ nhất (1802) có đóng dấu “Thần sách hậu doanh quan phòng” bằng chữ triện mực đen ghi cai đội Hoàng Sa là Nguyễn Hữu Niên, nhiều tài liệu gốc khác ở đây đều thể hiện thông tin này. Trong đó, nổi bật là tờ sai của quan khâm sai đô thống chế hậu doanh quân thần sách và tờ sắc của vua gửi cho cai đội Nguyễn Hữu Niên… Năm 2012, đại diện Bộ Ngoại giao đã ghi nhận những tài liệu chứng minh chủ quyền Hoàng Sa này.

Tiếp lửa cho hậu thế

Xem những tài liệu về cai đội Hoàng Sa Nguyễn Hữu Niên như báu vật nên họ tộc Nguyễn Hữu và người dân làng An Nông dốc sức giữ gìn hơn 200 năm qua. Vào mỗi dịp trời mưa lũ, việc đầu tiên dân làng nghĩ tới là làm sao để những tài liệu này không bị hư hỏng. “Chúng tôi chọn vị trí an toàn nhất ở chùa để cất giữ tài liệu. Mỗi khi có mưa lụt thường xuyên có lực lượng phụ trách việc bảo quản những tài liệu này”- ông Nguyễn Hữu Hùng kể.

 
 

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế  - Hồ Tấn Phan

  Những tài liệu chứng minh chủ quyền Hoàng Sa của nước ta tại các làng Mỹ Lợi và An Nông có giá trị đặc biệt. Đặc biệt bởi nó có sức thuyết phục rất cao do có nội dung rõ ràng, người thật việc thật và đã được chính những người nông dân chân lấm tay bùn giữ gìn bằng một tình yêu biển đảo mãnh liệt...
 

Đến chùa Tiên Linh, chúng tôi gặp nhiều người dân đến đây thắp hương trước bài vị của ngài cai đội Nguyễn Hữu Niên. Ông Lê Văn Minh (thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn)- một trong nhiều người chúng tôi gặp- cho biết hầu như tuần nào ông cũng đến chùa thắp hương tưởng nhớ ngài cai đội Hoàng Sa. “Qua những tài liệu tại chùa, chúng tôi rất tự hào khi biết không chỉ ở Quảng Ngãi mà ở Huế cũng từng có vị cai đội Hoàng Sa có nhiều công trạng. Đây là động lực tinh thần để người dân địa phương nỗ lực nhiều hơn trong việc đóng góp sức người và sức của để cùng quân dân cả nước bảo vệ chủ quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”- ông Minh nói.

 

Ông Võ Thanh Tùng- Phó Trưởng ban nghi lễ làng Mỹ Lợi chia sẻ rằng, tài liệu chứng minh chủ quyền Hoàng Sa của làng luôn được người dân giữ gìn như báu vật thiêng liêng. Các thế hệ đi trước của làng đã căn dặn hậu thế bằng mọi giá phải bảo vệ báu vật này. “Gần 300 năm qua dân làng không bao giờ quên nhiệm vụ và báu vật ấy đã tiếp lửa cho dân làng, nhất là ngư dân, trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh hải”- ông Tùng nói.

Ông Phan Như Ý- Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ cho biết, chính truyền thống bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa từ thời Nguyễn đã tiếp sức mạnh cho dân làng Mỹ Lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người dân Mỹ Lợi đã anh dũng, kiên cường chiến đấu để bảo vệ căn cứ địa cách mạng. Vì vậy, Mỹ Lợi có đến 128 hộ gia đình có công với nước và 131 anh hùng liệt sĩ... Với sự đóng góp to lớn ấy, Mỹ Lợi đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Sau ngày đất nước thống nhất, người dân Mỹ Lợi có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế. Hiện toàn thôn có 1.552 hộ dân (6.500 khẩu) sản xuất trong các lĩnh vực nông, ngư nghiệp và thương mại, dịch vụ với thu nhập bình quân đạt 11 triệu đồng/người/năm. Làng có khoảng 110 hộ dân có tàu thuyền đánh bắt trên biển và đây là lực lượng có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Theo danviet.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng