Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Bảo tồn và phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn (1802-1945): Nhìn từ Huế
09:50 | 06/09/2014

Đối với di sản văn hóa của dân tộc, tài liệu châu bản là một di sản có giá trị lớn. Đó là ký ức của lịch sử, là nguồn sử liệu gốc có ý nghĩa to lớn đối với việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam đều không còn lưu giữ được nguồn tài liệu quý báu này, trừ triều Nguyễn (1802-1945), do những điều kiện lịch sử đặc biệt.

Bảo tồn và phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn (1802-1945): Nhìn từ Huế

Trong thời gian tồn tại 143 năm, triều Nguyễn đã để lại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá, không ít trong số đó đã được công nhận là di sản thế giới như Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn…Một di sản văn hóa đồ sộ khác là hệ thống văn bản, sách vở mà theo đánh giá của giáo sư Trần Văn Giàu, “có thể bằng hoặc hơn tất cả các triều đại trước đó cộng lại”, cũng là di sản hết sức quý giá, trong đó có khối châu bản triều Nguyễn. Châu bản là các văn bản hành chính do các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương soạn thảo dâng tấu lên và được nhà vua trực tiếp phê duyệt, ban hành. Châu bản là nguồn sử liệu đặc biệt có giá trị với độ tin cậy cao, nên việc nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá đúng tiềm năng của khối tài liệu này có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam ở thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, việc phát huy giá trị của khối tư liệu đồ sộ này với tư cách là một di sản văn hóa cũng là điều hết sức có ý nghĩa.

 

Quản lý, lưu trữ và sử dụng châu bản dưới thời Nguyễn

Châu bản triều Nguyễn là các bản tấu, sớ, sắc, dụ, chiếu, chỉ và các tờ truyền, sai, phó, khiển, di (loại công văn của các cơ quan, tổ chức nhà nước) thuộc kho lưu trữ của triều đình Nguyễn được vua ngự lãm và ngự phê. Trước khi ngự phê, vua tham khảo “phiếu nghĩ” của Nội Các, Lục Bộ sau đó trực tiếp cho ý kiến đồng ý hay phủ nhận.

Ngự phê là ý kiến chỉ đạo, phê bình hay bổ sung của nhà vua dưới dạng một đoạn văn dài hay vắn tắt đều viết bằng chữ son (châu phê), hay chấm son (châu điểm) điểm lên đầu chữ tấu biểu thị vua đã xem và chấp nhận, hay vòng khuyên đỏ (châu khuyên) lên tên người hay sự vật được lựa chọn, hay quẹt một nét son lên tên người hoặc câu văn nếu phủ nhận (gọi là châu mạt, châu cải). Vì thế tất cả các văn bản đã được vua ngự lãm và châu phê đều gọi là châu bản.

Như vậy, châu bản triều Nguyễn loại văn bản hành chính được hình thành trong quá trình hoạt động của bộ máy nhà nước phong kiến thời Nguyễn từ trung ương đến địa phương. Nội dung văn bản phản ánh một cách toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao của xã hội Việt Nam trong thời gian tại vị của 13 đời vua Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại (1802-1945).

Để quản lý và lưu trữ loại văn bản hành chính này, tất cả các đời vua Nguyễn đều cho thực hiện theo nguyên tắc nhất định, dù ở mỗi thời có đôi chút thay đổi. Nhưng tất cả đều phải thực hiện theo kiểu công văn phải được chuyển theo đường chính thống của nhà nước, từ cấp cơ sở ở địa phương lên cấp trung ương theo ngành dọc quản lý đến các bộ, nha, sau đó mới chuyển đến Nội Các. Nội Các là cơ quan xử lý văn bản cuối cùng trước khi chuyển đến cho vua ngự lãm, châu phê.

Đối với các bản tấu được dâng lên từ các địa phương trấn, dinh, tỉnh thì phải qua ty Thông Chính gởi tới quan chức của văn phòng bộ trực tại nhà Tả Vu, rồi chuyển ngay cho quan chức chuyên môn của các bộ, nha tương quan xem xét nội dung. Lục Bộ thảo “phiếu nghĩ” đề nghị cách giải quyết công việc được nêu trong bản tấu, rồi mới chuyển đến Nội Các. Nội Các chỉ có quyền duyệt lại và đóng ấn. Đối với Lục Bộ và các nha trung ương thì trực tiếp giao cho Nội Các (văn phòng của vua), như vậy, tất cả các công văn của cả địa phương và trung ương đều phải giao về Nội Các.

Tất cả các bản tấu của địa phương hay của các cơ quan gửi đến Nội Các đều phải đầy đủ ba bản, gồm 1 bản chính (bản giáp 甲) và hai bản phó (bản ất 乙) . Các bản này đều phải ghi tên người phụng thảo, phụng khảo và đóng dấu quan phòng của cơ quan ấy. Việc giao nhận các bản tấu cho thấy được làm rất chặt chẽ, sau khi kiểm tra nội dung và hình thức, Nội Các có trách nhiệm thảo “phiếu nghĩ” (phải có quan bộ duyệt lại, trên nguyên tắc phối hợp trao đổi giữa Nội Các và các bộ nha) kèm theo bản chính dâng lên vua ngự lãm, hai bản phó (bản sao) được giữ lại ở Nội các.

Sau khi vua ngự phê, các bản tấu được giao trở lại cho Nội Các để sao chép những lời ngự phê trên bản chính vào hai bản phó (đóng dấu quan phòng của Nội Các). Sau khi sao chép và đóng ấn tỷ xong, Nội các gửi 1 bản phó cho bộ nha đương sự thi hành, 1 bản phó giao cho Quốc Sử Quán để làm sử liệu chép sử, còn bản chính (châu bản) giao cho Bản Chương Sở thuộc Nội Các lưu giữ. Cách làm chặt chẽ như vậy là để tránh sai sót, và nếu sai sót cũng dễ dàng truy cứu trách nhiệm để trị tội.

Dưới triều Nguyễn, việc quản lý, bảo quản, lưu trữ châu bản được chú trọng ngay từ đầu triều Gia Long (1802-1820) với việc lập ra Thị Thư Viện, Thị Hàn Viện và Nội Hàn Viện. Ba viện này chuyên trách việc khởi thảo, phân phát và coi giữ các chiếu dụ cùng các văn thư của triều đình và những thư từ, ngự chế của vua. Năm Gia Long thứ 2 (1803) đặt hai chức quan: Thị chiếu viện thừa chỉ và Thượng bửu khanh để quản lý công việc.

Năm 1820, vua Minh Mạng đổi Thị Thư Viện thành Văn Thư Phòng đảm nhiệm công việc của cả ba viện trên. Văn Thư Phòng ngoài trách nhiệm giúp việc vua trong công tác văn bản giấy tờ, còn có trách nhiệm lưu trữ các văn bản liên quan đến hoạt động quản lý đất nước của nhà vua. Năm sau (1821), đặt thêm chức quan Thượng bửu thiếu khanh và Thượng bửu khanh quản lý công việc tại Văn Thư Phòng.

Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), Văn Thư Phòng được đổi thành Nội Các, gồm 4 tào: Thượng Bửu Tào, Chú Ký Tào, Đồ Thư Tào và Biểu Bộ Tào, 4 tào này được phân công nhiệm vụ rất cụ thể:

Thượng Bửu Tào: phụ trách châu bản, đóng dấu các chiếu, dụ, tấu, sớ, hội đồng với các cơ quan tương quan để sử dụng ấn, dấu. Tấu sớ đã được châu phê, châu khuyên, châu điểm, châu mạt thì lấy bản phó gởi cho bộ nha liên quan, bản chính chuyển Biểu Bộ Tào lưu giữ. Ngoài ra còn giữ các loại bảo tỷ, các loại quan phòng, đồ ký, bản phó dụ chỉ, bản thảo chiếu biểu.

Ký Chú Tào (Thừa Vụ Tào): ghi chép tất cả những việc xảy ra khi nhà vua tuần hành ngoài kinh đô như: việc sinh hoạt ăn uống, lời nói, cử chỉ của vua, các lời tấu sớ của các quan tâu lên vua.

Đồ Thư Tào (Bí Thư Tào): ghi lại các ngự chế, thi văn, coi giữ sách vở của triều đình, công văn ngoại giao.

Biểu Bộ Tào: có nhiệm vụ lưu trữ châu bản, các phó bản văn thư, sổ sách, giấy tờ hình thành trong hoạt động của Nội Các. Như vậy, Biểu Bộ Tào là cơ quan chuyên trách lưu trữ châu bản và các tài liệu của Nội Các. Đây là một bước tiến bộ của triều Nguyễn mà cụ thể là của vua Minh Mạng, đã lập ra một cơ quan lưu trữ chuyên lưu giữ các văn bản hành chính quan trọng trong quản lý, điều hành đất nước, mà các triều đại trước Nguyễn đều chưa hề có.

Toàn bộ văn thư của triều Nguyễn đều được lưu giữ ở tòa nhà Đông Các, tọa lạc phía sau nhà Tả vu trong Hoàng thành. Tài liệu lưu trữ ở đây không chỉ có châu bản mà còn có ngự chế thi văn, bản đồ, các văn thư ngoại giao và các điều ước ngoại giao của triều Nguyễn.

Đến năm Bảo Đại thứ  8 (1933), nhà vua cho thành lập Ngự Tiền Văn Phòng, Nội Các coi như bị giải thể, tuy nhiên, châu bản vẫn lưu giữ ở Đông Các. Đến năm Bảo Đại thứ 17 (1942), Đổng lý Văn phòng Trần Văn Lý nhận thấy Nội Các từ khi giải thể đã trở nên hoang phế, các châu bản lưu giữ ở đó trong tình trạng hư hỏng, nên đã dâng tấu với vua Bảo Đại xin đem tất cả văn thư trong Nội Các ra Viện Văn Hóa. Một hội đồng được thành lập do Ngô Đình Nhu đứng đầu đã làm việc trong vòng hai năm để kiểm điểm, phân loại và đóng tập châu bản, đồng thời kiểm kê sổ sách các loại ở Nội Các. Hội đồng đã làm bản mục lục bằng chữ Hán và quốc ngữ, chia tài liệu thành các loại:châu bản, hòa ước, quốc thư, các loại sách, các quyển điện thí, tư liệu linh tinh. Toàn bộ khối tài liệu này được đem về Viện Văn Hóa bảo quản.

Có thể nói, các vua nhà Nguyễn từ Gia Long cho đến Bảo Đại đều rất quan tâm đến công tác quản lý, lưu trữ và bảo tồn văn thư nói chung và châu bản nói riêng. Điều này được thể hiện ở việc vua đặt các chức quan và cơ quan trông coi công tác lưu trữ  văn thư của nhà nước, trong đó có châu bản. Đặc biệt là vua Minh Mạng đã đề ra nhiều chủ trương và biện pháp về lưu trữ văn bản nhà nước, sổ sách, nhằm phục vụ cho công tác quản lý điều hành lúc bấy giờ và bảo tồn lâu dài cho hậu thế.

Châu bản dưới triều Nguyễn được sử dụng rất hiệu quả trong công tác quản lý và điều hành đất nước. Do quản lý tốt nên các tấu sớ tâu lên vua đều được thực hiện theo trình tự từ dưới lên trên. Trước khi tâu lên vua các bộ, nha và Nội Các đều duyệt qua nội dung và cho ý kiến hay giải pháp, đồng thời có sự kiểm tra chéo giữa Lục Bộ và Nội Các để tránh sự sai sót. Sau khi được ngự phê, châu bản phát đi cho đương sự thi hành, một bản phó được gửi cho Quốc Sử Quán để làm tài liệu biên soạn các công trình lịch sử, địa chí…

 Quốc sử quán và Nội Các triều Nguyễn đã sử dụng châu bản được lưu trữ qua các đời vua để biên soạn nên những bộ sử, địa chí rất có giá trị như Đại Nam thực lục,  Đại Nam liệt truyện, Minh Mệnh chính yếu, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử thống giám cương mục ... Đó là những công trình phản ánh toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong hàng trăm năm lịch sử.

Như vậy, nhờ châu bản, các nhà nghiên cứu ngày nay mới hiểu được đất nước Việt Nam trong suốt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.

Quản lý, lưu trữ và sử dụng châu bản hiện nay

Sau khi triều Nguyễn cáo chung (tháng 8.1945), những biến cố lịch sử trong thười kỳ 1945-1954 đã tác động không nhỏ đến khối tài liệu châu bản của triều Nguyễn để lại. Tác động của chiến tranh, thời gian và cả hành động vô thức của con người đã làm một phần lớn khối lượng châu bản bị hư hỏng, mất mát. Đây là điều vô cùng đáng tiếc, một tổn thất to lớn đối với di sản văn hóa dân tộc!

Năm 1959, dưới thời chính quyền Miền Nam Cộng Hòa, Viện Đại học Huế tiếp nhận toàn bộ thư tịch và châu bản triều Nguyễn còn lại ở Viện Văn Hóa, tổng cộng còn 614 tập, thuộc 10 đời vua Nguyễn[2]. Thời gian tiếp theo là cả một hành trình luân chuyển của châu bản, cuối năm 1963 đến đầu năm 1964, châu bản được chuyển lên Đà Lạt theo Viện Văn Hóa, đến năm 1978 lại chuyển về kho Lưu trữ quốc gia II Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian hơn 12 năm cất giữ ở kho Lưu trữ II, nguồn tài liệu châu bản này được bảo quản trong điều kiện phương tiện thiếu thốn, cách quản lý và khai thác, sử dụng còn rất hạn chế.

Sau nhiều năm được luân chuyển qua nhiều nơi, khối tài liệu châu bản triều Nguyễn đã được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho chuyển về Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tại Hà Nội, nhằm tìm cách khắc phục những văn bản hư hỏng, và khai thác bước đầu những giá trị to lớn của khối văn bản này.

Sau nhiều năm thực hiện công tác dịch tóm tắt nội dung từng văn bản để làm mục lục tra cứu, bộ mục lục tra cứu châu bản đã hoàn thành với trên 121 tập, mỗi tập trên đều từ 400- 500 trang. Đây thực sự là một nỗ lực to lớn của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước mà đơn vị thực hiện trực tiếp là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I nhằm khai thác các thông tin quý giá của khối tài liệu châu bản triều Nguyễn. Năm 2010, Cục Văn Thư và Lưu trữ Nhà nước đã cho in ấn công bố cuốn Mục lục châu bản triều Nguyễn tập I thời Gia Long, Minh Mạng, đây không chỉ là một công trình bổ ích đối với giới nghiên cứu mà còn là một tín hiệu vui về khả năng khai thác, phát huy giá trị của châu bản.

Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, với phương tiện bảo quản tiên tiến, hệ thống kho bảo quản tài liệu khoa học và hiện đại, châu bản và các nguồn tư liệu khác đều đã được xử lý chống ẩm, chống mốc và những tác nhân khác gây hư hỏng tài liệu và được bảo quản rất tốt. Ngoài ra, Trung tâm cũng có được một số dự án tài trợ để phục hồi tư liệu xuống cấp, bồi lại những tờ châu bản đã bị hư hỏng. Quyết tâm đưa nguồn tài liệu quý giá trong châu bản được khai thác phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử triều Nguyễn và Việt Nam thời cận, hiện đại, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã phần nào thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ, rất đáng ngưỡng mộ, được giới nghiên cứu đánh giá cao.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc đưa châu bản ra phục vụ độc giả, nhưng trên thực tế trong nhiều năm qua, công tác nghiên cứu, tham khảo nguồn tài liệu quý giá này vẫn còn một số hạn chế do mấy nguyên nhân sau:

Thứ nhất, nguồn tài liệu này rất kén độc giả, vì đó không phải là tài liệu viết bằng chữ quốc ngữ mà ai cũng có thể đọc được. Trong khi đó bản dịch trong mục lục chỉ là bản tóm tắt, vì thế muốn nghiên cứu nội dung thì phải tìm đến bản gốc (chữ Hán). Đây chính là rào cản cho rất nhiều người khi muốn tìm hiểu, nghiên cứu về châu bản.

Thứ hai, đối tượng muốn tiếp cận và nghiên cứu châu bản chủ yếu là các nhà nghiên cứu, người nước ngoài, sinh viên, nghiên cứu sinh đang làm luận án có liên quan đến triều Nguyễn hoặc xã hội Việt Nam dưới thời Nguyễn. Tuy nhiên chỉ có một số ít nhà nghiên cứu là có thể khai thác trực tiếp tài liệu, còn lại chủ yếu là phải thông qua bản dịch, nhưng hiện nay việc dịch thuật nhằm chuyển ngữ châu bản sang tiếng Việt lại chưa hoàn thành do đây là một công việc khó, đòi hỏi phải có thời gian và nguồn kinh phí rất lớn.

Thứ ba, nguồn tài liệu châu bản hiện còn là độc bản, lại đang lưu trữ tại Hà Nội, nên buộc người muốn nghiên cứu phải đến tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thì mới có thể tham khảo. Đây là một khó khăn không nhỏ cho những người không ở tại Hà Nội, vì vậy, muốn khai thác và sử dụng châu bản có hiệu quả hơn thì phải có kế hoạch mở rộng diện phục vụ, nhất là đối với các cá nhân, viện, trường đại học và các cơ quan có chức năng nghiên cứu ở các địa phương trong nước.

Bảo tồn và phát huy giá trị châu bản triều Nguyễn, nhìn từ Huế

Châu bản vốn hình thành từ triều Nguyễn, gắn liền với kinh đô Huế trong suốt 143 năm lịch sử (1802-1945), nhưng do những biến động về chính trị, nguồn tài liệu quý này đã thiên di qua nhiều nơi như đã đề cập. Mặc dù, từ năm 1959, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam - Viện Đại học Huế đã tiến hành chỉnh lý tài liệu theo thứ tự các đời vua, biên dịch tóm lược để hình thành nên Mục lục châu bản triều Nguyễn đầu tiên cho khối tài liệu châu bản này và đã xuất bả được 2 tập (tập 1- Triều Gia Long, năm 1960), và tập 2- Triều Minh Mạng, năm 1962), nhưng nói chung vẫn còn hết sức vắn tắt, giá trị tham khảo, nghiên cứu chưa cao. Đến năm 1963, do nhiều nguyên nhân, Ủy ban này không còn hoạt động, còn 18.351 bản thảo chưa được in ấn (dạng phiếu) của các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, sau này được Thư viện trường Đại học Tổng hợp Huế quản lý.  Hiện nay, khối tài liệu châu bản đã về đúng địa chỉ mà nó cần đến- tại thủ đô Hà Nội- và đã được bảo tồn bằng các phương pháp hiện đại, việc thực hiện mục lục hoàn chỉnh và đưa ra khai thác sử dụng phục vụ tham khảo nghiên cứu khoa học cũng đã được làm tốt hơn nhiều.

Tuy nhiên, đối với Huế, nơi ra đời của châu bản triều Nguyễn, sẽ là vô cùng hữu ích và có ý nghĩa nếu châu bản bằng cách này hay cách khác, được bảo tồn và phát huy giá trị tại đây.

Cố đô Huế hiện nay đang gìn giữ, bảo tồn cả một quần thể di tích kiến trúc đồ sộ vốn là kinh đô của triều Nguyễn và những di sản văn hóa phi vật thể liên quan. Việc bảo tồn, trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị của quần thể di tích cũng như các di sản văn hóa phi vật thể đó là một trách nhiệm rất nặng nề và đòi hỏi những kiến thức sâu sắc về lịch sử, văn hóa dân tộc, nhất là trong giai đoạn lịch sử từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Vì thế, Huế là nơi cần nhất những thông tin quý giá chứa đựng trong châu bản.

Bên cạnh đó, Huế cũng đang được xây dựng và phát triển theo hướng hình thành một trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học của cả nước và khu vực (Kết luận 48 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 25/5/2009), vì vậy nhu cầu về tài liệu phục vụ cho công tác tham khảo, nghiên cứu ngày càng lớn. Việc đưa khối tài liệu đồ sộ và có giá trị cao như châu bản, dưới hình thức nào đó (chẳng hạn như bản số hóa) về phục vụ nhu cầu này chắc chắn sẽ là một việc làm phù hợp và có ý nghĩa.

Mặt khác, hiện nay và trong tương lai gần, những công trình kiến trúc tại cố đô Huế vốn gắn liền với sự hình thành của châu bản như Tả vu (của điện Cần Chánh), Đông Các, trụ sở của Viện Văn hóa, Tàng Thơ Lâu…đã và sẽ được được phục hồi. Việc đưa châu bản về để trưng bày, khai thác, phát huy giá trị là việc làm hết sức cần thiết.

Cụ thể hơn, đối với công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế, có thể thấy vai trò của châu bản rất quan trọng ở các khía cạnh sau:

- Huế là thành phố Fetival đặc trưng của Việt Nam, nơi đã tổ chức phục dựng thành công rất nhiều lễ hội cung đình gắn liền với triều Nguyễn nhằm phục vụ phát triển văn hóa, du lịch, đồng thời quảng bá được những nét văn hóa độc đáo riêng có của vùng đất cố đô. Để làm tốt hơn nữa công việc này, rất cần những thông tin đã được ghi chép trong châu bản, chẳng hạn thông tin về việc bài trí, soạn nghi lễ, nghi thức làm lễ ở đàn Nam Giao, Xã Tắc, lễ tế ở các miếu, các nghi thức về nhạc lễ, múa cung đình, tuồng cung đình, các nhạc khí...

- Việc bảo tồn, trùng tu các di tích làm thế nào vẫn đảm bảo được tính nguyên gốc của nó đang là một vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương. Riêng cố đô Huế lại đang quản lý một quần thể di tích triều Nguyễn đồ sộ, trong số đó có không ít công trình quan trọng chỉ còn là phế tích. Việc phục dựng như thế nào cho đúng vẫn đang là một bài toán khó đối với các nhà quản lý, bảo tồn. Châu bản là tài liệu đề cập khá nhiều về việc xây dựng, tu bổ các công trình dưới triều Nguyễn, kể cả việc bài trí, sinh hoạt trong cung điện. Nếu khai thác được mảng tài liệu này, thì đây cũng là một lời giải quan trọng cho các nhà quản lý, bảo tồn ở Huế.

- Những ghi chép về công năng sử dụng, cách bài trí, các nghi lễ diễn ra trong từng cung điện dưới triều Nguyễn ở châu bản cũng có thể giúp cho các nhà nghiên cứu và nhà quản lý có hướng sử dụng các di tích sau khi đã trùng tu, phù hợp với cuộc sống đương đại và phát huy hiệu quả đối với du lịch.

Tuy nhiên, việc khai thác giá trị của châu bản đòi hỏi phải có thời gian, có nguồn lực và có kế hoạch cụ thể, phù hợp. Trước mắt, Trung tâm BTDTCĐ Huế dự kiến phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức trưng bày, giới thiệu về một số giá trị tiêu biểu của châu bản ngay tại quần thể di tích cố đô Huế. Dự kiến, trong tháng 9/2013, nhân kỷ niệm 20 năm ngày di sản Huế được UNESCO công nhận, sẽ tổ chức trưng bày khoảng trên 150 châu bản với chủ đề “Bút tích ngự phê của các hoàng đế trên châu bản triều Nguyễn (1802-1945)”; năm 2014, trong Festival Huế sẽ trưng bày các châu bản với chủ đề “ngoai giao và hội nhập văn hóa”. Chắc chắn việc trưng bày, giới thiệu châu bản tại Huế sẽ ý nghĩa sâu sắc và có tác dụng quảng bá to lớn đối với di sản văn hóa độc đáo này. Bên cạnh đó, hai bên cũng đã cam kết hỗ trợ nhau trong công tác xây dựng hồ sơ, đề trình UNESCO công nhận châu bản trở thành Di sản Ký ức Thế giới.

Đây cũng là những bước chuẩn bị tích cực để châu bản thực sự “trở về” với cố đô Huế.

Thay lời kết

Châu bản là một khối văn bản đồ sộ, gắn liền với triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng tại Việt Nam. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, một khối lượng châu bản rất lớn vẫn còn được bảo tồn, đó là một may mắn lớn của người Việt Nam!

Hiện nay, việc bảo tồn, gìn giữ châu bản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội đang được thực hiện tốt, nhưng việc khai thác, phát huy giá trị của di sản quý báu này vẫn còn nhiều hạn chế.

Cố đô Huế là nới gắn liền với sự hình thành của châu bản, cũng là nơi có nhu cầu to lớn trong việc khai thác, phát huy giá trị của châu bản. Vì vậy, việc các đơn vị quản lý và chuyên môn phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa châu bản, bằng nhiều hình thức và cách làm khác nhau, về Huế để khai thác, phát huy giá trị là việc làm hết sức cần thiết và phù hợp. Và đây cũng là một phương cách hữu hiệu để tôn vinh giá trị của di sản châu bản ngay tại nơi nó được sinh ra./.

Theo husta.org

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng