Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Lễ hội Ada – tín ngưỡng dân gian độc đáo
09:28 | 01/10/2014

Cứ đến gần cuối năm, khi lúa trên rẫy đã đến độ chín vàng. Trời đông cũng đang se sắt lạnh, sương trắng bồng bềnh bay trên đỉnh núi A Túc là lúc mà toàn thể dân làng dù là tộc người Pacôh, TàÔi, Cơtu hay Pa hy.

Lễ hội Ada – tín ngưỡng dân gian độc đáo
Sinh hoạt vui chơi của dân làng trong dịp Tết A Da

Tất thảy họ đều náo nức chuẩn bị gạo, nếp những đồ ăn thức uống ngon nhất, thứ mặc trên người đẹp đẽ nhất để chuẩn bị đón khách quý, bắt đầu của một mùa lễ hội, gọi là “Ycha Ada” hay còn gọi lễ đón mừng cơm mới. Nghi lễ tín ngưỡng dân gian độc đáo của tộc người sinh sống trên dãy Trường Sơn đầy kỳ bí. 

Những lần đi thăm lễ hội các làng A Đên (Bắc sơn), làng Peđut (Hồng Trung) khi mà cả làng đang tiến hành nghi lễ Ada của đồng bào Pa côh nơi đây, chúng tôi bắt gặp rất nhiều nghi lễ còn mang tính huyền bí mà trong đời sống hiện đại chúng ta khó lý giải vì sao có những hiện tượng kỳ lạ đến vậy, tại sao các tộc người ở đây vẫn còn lưu giữ khá vẹn nguyên những nét độc đáo của lễ hội truyền thống xưa nó đã tồn tại khá lâu và bền bỉ với thời gian trong khi nhiều nơi đã ít nhiều bị mai một do sự biến đổi của đời sống hiện đại…?

Những bậc cao niên là trưởng họ, là các hội đồng già làng bởi họ luôn thể hiện vai trò trụ cột trong việc xử lý giải quyết những vấn đề của dòng họ, của dân làng. Phải chăng hội đồng già làng vẫn là nhân vật phát huy tích cực vai trò của mình hiện nay ở các bản làng của đồng bào các dân tộc? Vai trò chủ đạo trong mùa lễ hội thể hiện rất rõ nét, chính già làng, người uy tín và trưởng họ luôn đứng đầu để giải quyết các vấn đề nổi cộm hay hệ trọng của bản mình. Bất kỳ một lễ hội nào, trước khi lễ hội được tổ chức thì các già làng phải bàn kế hoạch tiến hành trình tự như thế nào, từ khách mời, vấn đề con người hậu cần đón tiếp khách, vật chất để mở một kỳ lễ hội thật sự đúng nghi thức tín ngưỡng vốn có và một điều hệ trọng không kém là phải thể hiện tính cộng đồng trong đó vai trò người đứng đầu được bình chọn rất kỹ càng là người thật sự có uy tín để điều hành lễ hội lớn.    

Khi mọi việc đã bàn đi đến thống nhất, các già làng tiếp tục phân công từng dòng họ tiến hành triển khai ở hộ gia đình (các bếp), phải tuân thủ và sự tuân thủ tự nguyện của các thành viên trong dòng họ. Mọi người hăng say tiến hành công việc được phân công. Thường là người đàn ông lên rừng tìm kiếm các loài thịt rừng như chuột rừng, ếch đá, nhộng ong hay cá suối... Phụ nữ kiếm sản vật từ măng rừng, đọt mây, đoác.. các loại lá cây rừng sử dụng chế biến các món ăn truyền thống như lấy lá đót non để làm bánh A Quát, lá làm Peng, clưm, cloar ..  làm dậy mùi thơm của món ăn truyền thống. 

Nếu không phải là cư dân sinh sống quen thuộc với môi trường tự nhiên của rừng thì không thể nào kiếm được những thứ gia vị thơm, ngon, đặc sản đến như vậy. Sống lẻn cùng núi đá, thân thuộc cùng rừng sâu núi thẳm, ở đó mới có được, tìm về được những hương vị đầy bản sắc.  

Hàng năm, khi mùa màng vừa thu hoạch xong tất cả mọi người đều tự giác đi tìm mua hoặc lên rừng tìm những đồ lễ vật để sắm hội hoặc cúng Zàng và thết đãi khách quý dự hội.  

Lễ hội ADa hay Kârlohkumo, là lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm của dân tộc Pacôh. Lễ hội được định ngày cụ thể thường nhằm vào ngày 06 tháng 11 Âm lịch theo quan niệm của người Pacoh là ngày đẹp nhất trong năm gọi là “Kixay klang loh” vầng trăng tròn, sáng trong và có ý nghĩa là ngày may mắn nhất để tiến hành nghi lễ Ada (Ycha Ada) lễ ăn cơm mới.

Lễ hội bắt đầu rộn rã khi những khách mời đã đến. Khách quý đi từng đoàn thường buổi sáng mang theo nào lợn, bò (vật bốn chân) từ nhà Khơi và các con gà, vịt, cá…(vật hai chân, không chân) từ Cuda mang đến góp vui cùng lễ hội.                

Trong làng, gia đình nào cũng phải chuẩn bị ba mâm đồ để cúng, tạ ơn các Zàng: Mâm dành cho Zàng Xứ (Núi), Zàng Tro (Lúa), Zàng Ngũ cốc (A ưm Adủa, Atoong, (Bắp ngô, kê, đậu các loai.. ) và cây cỏ, củ quả .. Mâm dành cho Ârvai Kumủi (Linh hồn người chết).

Thường đối với Zàng Xứ phải cúng đến con vật to, linh thiêng như trâu hoặc dê và đối với con Lợn, con gà cúng dâng cho Zàng Tro, Ku mủi … để tạ ơn sự phù hộ độ trì của những vị thần một năm qua đã cho mưa thuận gió hòa, lúa chất đầy kho, gà lợn nuôi lớn nhanh như thổi, con người khỏe mạnh không ốm đau với sự cầu nguyện thành lời khấn: “Ơ Zàng, ơn Zàng và tạ ơn Ype Zàng chỉ là những lễ vật mọn, mà tấm lòng thành, mong Zàng phù hộ để mọi người ai cũng được khỏe khoắn, không ốm bệnh, không chết chóc.. nếu được như vậy thì con người mới có sức khỏe tốt để cày cấy và làm nương rẫy, có mùa màng, ngũ cốc để cúng và dâng Zàng chứ.. ờ Zàng ...”.

Cũng trong nghi lễ cúng tế thần linh, ngoài mâm cúng dành cho các Zàng, mỗi gia đình chuẩn bị các mâm cúng cho khách quý là Khơi (Nhà chồng của cô con gái – chị em gái của gia chủ) hoặc Cuda (Nhà bố mẹ đẻ con dâu của gia chủ) và họ hàng làng trên bản dưới (người thân thích của gia chủ) được mời dự lễ hội. Tục này gọi là Târlêh (Lễ báo cáo Zàng của gia chủ việc khách mời vào làng dự hội). Nếu tốp khách mời đông thì mâm lễ tương ứng với số lượng đoàn đến dự lễ. Nghi lễ này rất quan trọng nếu không cúng đúng phong tục hễ xảy ra sự cố như có người bị đau bệnh sẽ là mối lo ngại do “Zàng trách móc” lễ lạt không chu đáo của gia chủ khi mời khách đến dự lễ tại làng hoặc gia đình mình. Do vậy, gia đình nào đã làm Ada đều chú trọng vào các trình tự của tục này để “vừa lòng Zàng” thì lúc đó lễ hội mới thành công.

Tính chất hoạt động diễn ra thường xuyên các dòng họ tổ chức theo nghi thức cúng bái thần linh với các lễ vật, cách thức nội dung bài cúng do các tộc trưởng cúng bái thần linh để phần nghi lễ trang trọng. Khi lễ đã được tiến hành đúng theo trình tự thì là lúc phần hội được tổ chức linh đình. Hội ở đây tổ chức vui chơi hát múa, giao lưu cùng các vị khách được mời chung vui cùng con cháu trong làng. Các món ăn truyền thống đặc biệt từ các mâm cúng cũng được dọn ra tiếp đãi khách quý thưởng thức.

Trong Đề án về “Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế" việc bảo tồn lễ hội Ada truyền thống của đồng bào được tổ chức thường xuyên vào dịp cuối năm khi mùa màng đã thu hoạch xong. Với những nghi thức diễn xướng qua lễ hội này đã cho thấy nét đẹp bản sắc văn hóa mà tộc người trên dãy Trường Sơn có được nó đều bắt nguồn từ chính họ là chủ thể sáng tạo văn hóa đó đã bao đời nay gìn giữ, tô đậm làm đẹp thêm, sáng tạo nên giá trị độc đáo hấp dẫn du khách khi đặt chân và thưởng thức chiêm nghiệm lễ hội, cùng với tiếng nói ngôn ngữ là sản phẩm văn hóa và là nhân tố cấu thành của văn hóa bởi “từ nền tảng Nam Á ở sâu trong nội địa núi rừng đã phân hóa dần thành Môn Khơme và tộc người thuộc ngữ hiện đại như Ba na, Cơ tu, Khơ mú …”.Trong vô vàn những cái đẹp của văn hóa các dân tộc, một chấm phá cái đẹp từ văn hóa bản địa của các tộc người Pa côh, Tà ôi, Cơ tu đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo hấp dẫn và đầy ấn tượng.

Theo aluoi.thuathienhue.gov.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng