Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Những lần chết hụt của vua Gia Long
08:45 | 12/02/2015

Sáu câu chuyện dưới đây là 6 lần thoát chết của vua Gia Long do Diễn đàn lịch sử Việt Nam biên tập, xin giới thiệu đến với quý bạn đọc.

Những lần chết hụt của vua Gia Long

Câu chuyện 1 : Thoát chết ở đảo Cổ Long ( Kohrong )

Lúc bấy giờ là vào mùa hè năm 1783, Nguyễn Ánh sau khi liên tiếp bị đánh bại 2 trận lớn ở Cần Giờ và Đồng Tuyên thì lực lượng tan rã gần hết. Các tướng chủ chốt mỗi người chạy một ngã. Nguyễn Ánh chạy dài qua Lật Giang – Mỹ Tho – Hà Tiên – Long Xuyên . Sau đó được Lê Văn Duyệt cùng một số hầu cận đón chạy ra Phú Quốc. Trong cuộc chạy trốn này để lại nhiều giai thoại trong dân gian. Nguyễn Ánh chạy đến Lật Giang thì không có thuyền phải cỡi trâu qua sông. Cuốn Nguyễn triều Long Hưng sự tích hư cấu thêm cả cá voi ngậm Nguyễn Ánh đưa qua sông. Có tích kể rằng Nguyễn Ánh chạy ra biển thì bị thiếu nước ngọt, may nhờ lúc đó mưa lớn, nước từ các cửa sông nhỏ chảy ra không mặn có thể uống được mới thoát chết.

Nguyễn Ánh chạy ra đảo Phú Quốc thì quân Tây Sơn cũng cho thuyền chiến đuổi tới bao vây đảo. Đoàn người ít ỏi của Nguyễn Ánh lại tiếp tục bị bắt bị bị giết rơi rớt lại. Nguyễn Ánh tiếp tục chạy tới đảo Cổ Long thuộc Vịnh Thái Lan bây giờ. Thủy quân Tây Sơn lần này do Trương Văn Đa rút kinh nghiệm nên càng tổ chức vây chặt đảo. Đảo bị vây 3 vòng mà thực sự phía Nguyễn Ánh không còn cả quân thủy lẫn bộ để chống cự, chỉ còn một ít thân quyến và tùy tùng. Nhưng lúc bao vây thì bão biển nổi lên đánh tan cả hạm đội Tây Sơn. Nguyễn Ánh thừa lúc hỗn loạn sau bão lên thuyền trốn thoát được sang đảo Cổ Cốt ( Kohcot ). Sau đó bí mật lẫn trốn ở đảo Phú Quốc.

Câu chuyện 2 : Trận Rạch Gầm – Xoài Mút thua trận tan tác nhưng không chết

Đầu năm 1785 liên quân Xiêm – Nguyễn đụng trận với Tây Sơn trên sông Tiền. Dù lực lượng quân Xiêm đã đông đến 5 vạn bao gồm 2 vạn thủy binh, 300 chiến thuyền và 3 vạn quân kỵ bộ cộng với khoảng 3000 – 4000 quân Nguyễn vẫn bị thất bại thảm hại trước quân Tây Sơn chỉ có khoảng 3 vạn quân và chiến thuyền kém hơn tại Rạch Gầm – Xoài Mút.

Do đã thua Tây Sơn nhiều trận hay do linh cảm mà trận này dù Nguyễn Ánh có lực lượng mạnh hơn vẫn lệnh cho thuộc hạ chuẩn bị cho mình một lối thoát hiểm cùng thuyền nhẹ chờ sẵn. Tướng Chiêu Tăng – Chiêu Sương có ý muốn để Nguyễn Ánh vẫn quân Nguyễn đi trước nhưng Nguyễn Ánh khi ra quân lại cố tình đi chậm thụt lùi lại phía sau hậu quân. Quân Xiêm chỉ trong một ngày bị giết đến quá nửa và gần như thủy quân bị diệt gần hết, cả tướng rất thân của Nguyễn Ánh là Châu Văn Tiếp cũng chết trận. Ngay lúc biết quân Xiêm lọt vào trận địa phục kích và bắt đầu tan vỡ thì Nguyễn Ánh đã nhanh chân bỏ chạy thụt mạng bằng thuyền rồi bỏ thuyền lên bộ chạy cùng tàn quân.

Lần này thì quân Tây Sơn kiên quyết bắt giết Nguyễn Ánh nên đuổi theo rất gấp. Các tướng thân thuộc như Nguyễn Văn Thành, Tôn Thất Hội, Tôn Thất Huy cũng thân ai nấy chạy, mỗi người một ngã. Sách Hoàng Việt Hưng Long Chí chép khi chạy đến Trấn Giang thì Nguyễn Ánh cùng 12 tùy tùng, trong đó có Lê Văn Duyệt bị quân Tây Sơn bắt. Nhưng lúc đó viên chưởng cơ Tây Sơn tên là Trân lại nhớ ơn các chúa Nguyễn nên âm thầm thả cho Nguyễn Ánh đi.

Câu chuyện 3 : Bị trúng tên không chết

- Lần này là năm 1799, lúc này vua Quang Trung đã mất và lực lượng của quân nhà Nguyễn đã tương đối mạnh, làm chủ được Gia Định và Nam Bộ. Nguyễn Ánh quyết định đem quân tiến đánh Quy Nhơn với nhiều tướng tài giỏi và lực lượng mạnh.

Tướng Tây Sơn giữ thành là Lê Văn Thanh chống cự mãnh liệt nhưng chỉ được một thời gian thì hết lương thực và khí giới, quân cứu viện bị chặn đánh không tới kịp nên phải đầu hàng. Nguyễn Ánh chiếm được thành, giết hàng tướng rồi đổi tên thành là thành Bình Định.

Lúc này Tây Sơn vẫn còn nhiều tướng tài. Một trong số đó là tướng Nguyễn Quang Huy. Đang đóng quân ở thành Phú Yên, Nguyễn Quang Huy biết tin Diên Khánh và Quy Nhơn đều mất thì kéo quân xuống đánh Quy Nhơn để tránh thế bị động lưỡng đầu thọ địch. Nguyễn Quang Huy đánh thẳng một mạch hạ đến 25 tướng của quân Nguyễn Ánh, kéo đến ngay trước chân thành kịch chiến. Nguyễn Ánh nghe báo thấy lạ nên lên thành đứng xem. Nguyễn Quang Huy nhìn thấy, nhanh nhẹn dùng cung sắt bắn thẳng lên thành, trúng ngay vai trái của Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh trúng tên bất tỉnh ngay tại chỗ một lúc mới tỉnh lại, quân sĩ rút hết vào thành cố thủ. Nguyễn Quang Huy cho đóng quân trước thành. Nhưng may mắn cho quân Nguyễn là Nguyễn Ánh được chữa trị kịp và không chết, cùng với đó thì quân Nguyễn Văn Thành kịp từ Diên Khánh tới cứu. Quân Nguyễn phối hợp với cứu binh mở cổng thành đánh quân Tây Sơn, Nguyễn Quang chống lại lực lượng quá đông, lại bị đánh hai mặt và phải đụng với mãnh tướng Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Huỳnh Đức nên thua trận, quân sĩ tan rã một người một ngựa chạy lên núi Dương An.

Nguyễn Ánh sau khi bị trúng tên thì phải rút quân về Gia Định do vết thương khá nặng, giao đất vừa chiếm được cho thuộc tướng cai quản.

Câu chuyện 4 : Thoát chết khi chỉ còn lại một chiến sĩ

- Lúc này cũng là vào năm 1783, Nguyễn Ánh cùng hơn 3 vạn quân thủy bộ gây dựng trong mấy năm trời bị thủy quân của Tây Sơn do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy đánh tan tác. Thuyền chiến quân nhà Nguyễn từ tàu bọc đồng đến tàu lớn, tàu nhỏ đều bị đánh chìm hay tịch thu. Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đổi gắt gao phải theo đường rừng mà chạy.

Lúc tàn quân chạy đến Định Tường chạy Nguyễn Ánh bị sa lầy không đi được. Quân sĩ do bị đuổi gấp nên chạy hết, chỉ có một người trở lại cứu. Người đó là Tiền quân Huỳnh Tường Đức.

Lúc này trời nhá nhem tối, lại ở trong rừng khó xác định phương hướng. Huỳnh Tường Đức một mình lớn tiếng thách thức quân Tây Sơn lại gần. Tiếng nói của ông vang dội cả rừng, khiến quân Tây Sơn sinh khó hiểu, sợ có mai phục nên rút lui. Nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát được. Đêm đó, Nguyễn Ánh ngủ gục trên đùi Huỳnh Tường Đức, ông thức trắng đêm đuổi muỗi cho chúa. Sau đó, Huỳnh Tường Đức được phong quốc tính. Người đời sau được biết đên với cái tên Nguyễn Huỳnh Đức, là một trong những danh tướng trụ cột của Nguyễn Ánh.

Câu chuyện 5 : Nhờ thân cây đổ, thoát chết lại được tướng giỏi

- Câu chuyện này không rõ năm và nơi chốn cụ thể nhưng cũng nằm trong khoảng thời gian 1777 – 1783. Lúc này Nguyễn Ánh chạy bộ còn quân Tây Sơn do Nguyễn Văn Trương thì cưỡi ngựa đuổi theo. Khi Nguyễn Ánh vừa chạy qua khỏi một đoạn đường hẹp thì có một thân cây lớn mục nát đổ xuống chắn ngang đường, kỵ binh Tây Sơn không sao qua được. Nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát nạn.

Nguyễn Văn Trương sau việc này cũng đã linh cảm về số mạng của Nguyễn Ánh nên đến năm 1787 khi Nguyễn Ánh từ Xiêm đem lực lượng trở lại Nam Bộ ông đã đem quân hàng Nguyễn Ánh. Từ đó, Nguyễn Văn Trương liên tiếp lập công lớn, nhất là hai trận thành Phú Xuân và Trấn Ninh – Nhật Lệ.

Câu chuyện thứ 6 : Nguyễn Ánh và truyền thuyết giếng Tiên núi Cấm

Năm 1777, quân Tây Sơn đem quân đánh vào Gia Định, truy đuổi chúa Nguyễn đến tận Long Xuyên ( vùng đất nay là Cà Mau ). Tại đây, quân Tây Sơn bắt được Định vương Nguyễn Phúc Thuần, Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương. Nguyễn Ánh cùng gia quyến và một số tàn quân nhân đêm tối chạy thoát. Hoàng tôn Nguyễn Phúc Ánh chạy theo đường Biên Hòa, Tây Ninh rồi tới Châu Đốc, lẫn trốn trong Thiên Cẩm Sơn.

Theo truyền thuyết tại nơi đây, khi Nguyễn Ánh chạy lên núi trốn tránh thì quân Tây Sơn cũng lùng sục khắp nơi đến nhổ cỏ tận gốc. Đoàn người Nguyễn Ánh ở trên núi bị thiếu nước và lương thực nhưng không thể xuống núi, chỉ còn biết cầu nguyện. Trong lúc tuyệt vọng, Nguyễn Ánh dùng gươm cắm sâu xuống khe đá thì nước ngọt từ đó phụt lên, cứu cả đoàn người khỏi chết khát. Để ghi nhớ sự kỳ diệu này, dân trong vùng gọi đây là Giếng Vua, hoặc Giếng Tiên. Sau đó, nhờ sự che dấu và tiếp tế của dân chúng trong vùng Nguyễn Ánh được cung cấp lương thực và chạy trốn tiếp ra các đảo ở Vịnh Thái Lan.

Giếng Vua ngày nay là một trong một trong những giếng Tiên nổi tiếng ở vùng Bảy Núi – Châu Đốc – An Giang. Đây là một nguồn nước ngọt quan trọng của dân cư trong vùng. Các giếng Tiên có những đặc điểm lý thú khó giải thích là giếng thường không sâu nhưng khi múc nước vơi đi rồi lại đầy trở lại. Giếng Tiên thường là giếng đá trên nền đá núi, có mực nước lên xuống theo chu kỳ mặt trăng, nước rất trong không bị ảnh hưởng môi trường dù xung quanh vùng có giếng gần như đều là nước mặn, dân chúng đào giếng cũng bị nhiễm phèn.

Câu chuyện về cuộc chạy trốn của Nguyễn Ánh còn lý giải về tên gọi Núi Cấm ngày nay mà khi xưa gọi là Thiêm Cẩm sơn (hay Thiên Cấm sơn). Theo lý giải vì đó là nơi vua ở nên được xem là cấm địa.

 
Theo Diễn đàn lịch sử Việt Nam

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng