Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Tranh làng Sình - nét văn hóa Việt
08:50 | 12/02/2015

Tranh làng Sình đã trở thành nhu cầu của đời sống văn hóa, là thành tố của mỹ thuật cổ truyền và hợp thành văn hóa truyền thống xứ Huế.

Tranh làng Sình - nét văn hóa Việt
Bộ tranh Bát Âm được sáng tác dựa trên nét cổ xưa của Tranh làng Sình

Người Việt có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và nhân hòa các hiện tượng thiên nhiên. Nên cùng với tranh Tết, tranh thờ ra đời rất sớm. Tranh làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) thuộc về dòng tranh thờ. Nó đã trở thành nhu cầu của đời sống văn hóa, là thành tố của mỹ thuật cổ truyền và hợp thành văn hóa truyền thống xứ Huế.

Bộ tranh Bát Âm được sáng tác dựa trên nét cổ xưa của Tranh làng Sình

Ngày xưa không biết thế nào, mà nay, dù đã sang thế kỷ XXI, trong tâm thức dân gian xứ Huế vẫn tồn tại một niềm tin: con người sinh ra có bổn mạng. Bổn mạng của mỗi người là những vị thần phù hộ cho sức khỏe, công việc làm ăn, vận hạn... Ngay trong tháng Giêng, tháng Hai, người Huế thường tổ chức cúng đất, cúng sao, để nhằm giải hạn xấu, cầu điều lành. Tranh thờ làng Sình được mua về để cúng bái như thế.

Các gia đình làm tranh ở làng Sình ngày xưa tự làm tất cả các nguyên vật liệu, làm giấy, chế màu...

Họ làm thủ công, theo kỹ thuật gia truyền, nên muốn có những bức tranh như ý phải hết sức khó nhọc. Để có giấy in tranh, người dân làng Sình xuôi thuyền dọc phá Tam Giang về vùng cầu Hai - Láng Cô để cào điệp. Đây là loại sò có vỏ mỏng nhiều màu sắc. Cào về giã thành bột, rồi trộn với hồ.Sau đó phết hỗn hợp này hai lần lên giấy dó. Khi phơi khô, hỗn hợp sẽ tạo nên màu trắng thuần khiết của loại giấy làm tranh làng Sình. Thời hoàng kim, trong làng đâu đâu cũng nghe tiếng hò, tiếng chày giã điệp, 90% người dân trong làng theo nghề này, cũng chính vì thế mà nghề làm tranh dân gian làng Sình được gọi bằng cái tên nghề “Hồ Điệp”. Kỹ thuật làm giấy điệp ở làng Sình có lẽ cũng không khác gì kỹ thuật làm giấy tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) nổi tiếng ở miền Bắc.

Không gian trưng bày sáng tác của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước

Theo lời nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, thời hoàng kim, tranh làng Sình có hàng trăm bản khắc, mỗi bản có ý nghĩa khác nhau: tranh bếp - thờ Táo quân; tranh thờ tượng bà, tranh thờ tượng ông; ảnh “mạng” (tức là mệnh), còn gọi là ảnh nộm: ảnh con trai thì cầm bút, con gái thì cầm bông hoa, người chết mà từ 12 tuổi trở lên thì có thể cúng thứ ảnh không cầm bút hoặc cầm hoa nữa...; tranh con heo nái, ai mà muốn cầu cho chăn nuôi không bị dịch bệnh thì mua về để cúng chuồng; tranh hai đô vật thì liên quan đến hội vật làng Sình: các đô vật mua về để cúng cầu cho mình giành phần thắng trong cuộc đấu trên sới vật của làng; ngoài ra còn có cả tranh đồ gia dụng, khí dụng để cúng cho người chết.

Tranh Cúng , thay 1 năm 1 lần ở các Trang Ông Trang Bà

So sánh dòng tranh làng Sình với các dòng tranh dân gian khác sẽ thấy không lẫn vào đâu được. Nét vẽ và bố cục còn rất thô sơ, mộc mạc nhưng lại rất có hồn. Mới nhìn đã thấy bức tranh toát lên sự linh thiêng, uy nghiêm của tranh thờ cúng, không phải để thưởng ngoạn. Hiện nay, có khoảng 30 hộ gia đình ở làng Sình chuyên tâm làm nghề vẽ tranh kiếm sống. Nhưng vì thu nhập thấp, chỉ người già và phụ nữ làm. Trung bình mỗi ngày khá lắm cũng chỉ kiếm được khoảng 20.000 đồng/người nên lớp trẻ không ai muốn theo học nghề nữa.

Về Làng Sình những ngày cuối năm con Ngựa, ghé thăm nhà mệ Hậu, ông Địch những người làm tranh con vật ở đây. Mới thấy được cái khó khăn, nghèo khổ của những nghệ nhân già. Thu nhập thấp đã làm cho lớp con trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống của cha ông./.

Nét vẽ xưa
Màu vẽ bằng cây trâm, cây đung

Bản khắc tranh cúng làng Sình
Những bản khắc con vật như trâu bò heo
In giấy trên bản khắc trước khi tô màu
Bàn làm tranh con vật
Tranh con vật đã đóng gói
Nghệ nhân già bên tranh cúng Trang Ông Trang Bà
Phơi tranh trong nắng xuân
Bộ tranh Thời Vụ của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước trên chất liệu dân gian, sự kết hợp độc đáo của hội họa với tranh truyền thống làng Sình
Theo CTV Lê Huy Hoàng Hải/VOV.VN
Các bài mới
Các bài đã đăng