Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Nhạc công nổi tiếng của triều Nguyễn và 6 thế hệ giữ “lửa” nhã nhạc
08:47 | 20/03/2015

Để nhã nhạc cung đình Huế “sống lại” như ngày hôm nay, có công rất lớn của cụ Lữ Hữu Thi- nhạc công cuối cùng của triều Nguyễn. Cụ đã âm thầm, kiên trì vượt qua khó khăn trước những thăng trầm của lịch sử để giữ gìn và trao truyền ngọn lửa nhã nhạc, đưa nhã nhạc từ chỗ bị lãng quên trở thành di sản của nhân loại.

Nhạc công nổi tiếng của triều Nguyễn và 6 thế hệ giữ “lửa” nhã nhạc

Phục vụ nhã nhạc cho hai đời vua

Ở tuổi 105, mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng đầu óc của cụ Lữ Hữu Thi vẫn khá minh mẫn. Tiếp chuyện tôi trong căn nhà nhỏ ở thôn Thế Lại Thượng, xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên- Huế), cụ Thi vẫn nhớ rõ những ngày tháng cụ được vào cung phục vụ nhã nhạc cho các đời vua Khải Định và Bảo Đại. 

Sinh ra trong một gia đình có ông nội và bố là những nhạc công nhã nhạc,  nên từ khi còn để chỏm cụ Thi đã làm quen với đàn nhị, đàn tam, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, địch, phách tiền, tam âm, trống bản, sáo… và những điệu ca tài tử xứ Huế. Mới 8 tuổi cụ đã sử dụng thành thạo các nhạc cụ và thuộc làu những điệu ca tài tử. Lên 10 tuổi, cụ đã cùng người thân trong nhà đi biểu diễn nhã nhạc phục vụ cho các lễ cúng trong dân gian để kiếm sống.

Nghề biểu diễn nhã nhạc phục vụ cho các lễ cúng thu nhập không đủ sống nên cụ Thi học thêm nghề kim hoàn. Nhờ năng khiếu bẩm sinh cộng thêm sự chuyên cần học hỏi nên chỉ một thời gian ngắn sau đó cụ đã trở thành thợ kim hoàn nổi tiếng và được triều đình mời vào cung chế tác các vật dụng bằng vàng.

Cơ duyên khiến cụ Thi được tham gia phục vụ nhã nhạc cho hai triều vua đến từ dịp cụ vào cung chế tác chiếc ly bằng vàng cho công chúa đầu của vua Khải Định. Một lần tình cờ phát hiện nhạc công biểu diễn nhã nhạc phục vụ cho công chúa đánh sai bản nhạc, cụ lên tiếng với công chúa. Được lệnh, cụ lần lượt biểu diễn tất cả các nhạc cụ một cách bài bản và được công chúa hết lời khen ngợi.

Biết đến tài năng của cụ Thi, vua Khải Định cho cụ vào đội nhạc Hòa Thanh của triều đình. Từ đó, cụ thường xuyên biểu diễn nhã nhạc phục vụ vua Khải Định và hoàng thân cũng như phụ vụ các lễ tế lớn của triều đình như lễ tế Giao, lễ tế đàn Xã Tắc... Đến thời vua Bảo Đại, ngoài biểu diễn nhã nhạc phụ vụ cho nhà vua và các lễ tế, cụ Thi cùng những nhạc công trong ban nhạc còn biểu diễn phục vụ các quan khách người Pháp.

Cách mạng tháng Tám thành công, sự sụp đổ của triều Nguyễn khiến ban nhạc Hòa Thanh bị giải thể. Trong khi những nhạc công khác trong ban nhạc đều bỏ nghề để mưu sinh bằng những công việc khác, cụ Thi vẫn đắm đuối với nhã nhạc. Cụ đi biểu diễn nhã nhạc phục vụ cho các lễ cúng trong dân gian để vừa kiếm sống vừa giữ gìn loại hình nghệ thuật truyền thống này. Thu nhập từ hoạt động biểu diễn này rất ít ỏi nhưng cụ luôn tự động viên mình phải chấp nhận khổ cực để giữ lại nét văn hóa truyền thống của cha ông.


Cụ Lữ Hữu Thi trong một lần biểu diễn nhã nhạc tại một lễ hội ở Huế.

Khi nhã nhạc cung đình Huế có dự án khôi phục, cụ Thi đóng góp rất nhiều công sức cho hoạt động này. Tuổi cao sức yếu nhưng cụ vẫn ngày đêm đứng ra truyền nghề cho lực lượng nhạc công Đội nhã nhạc cung đình Huế và những người khác đam mê nhã nhạc. Sự đóng góp của cụ đưa nhã nhạc cung đình Huế từ chỗ bị lãng quên đã “sống lại” và được công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

“Cha truyền con nối” giữ gìn nghệ thuật truyền thống

Hiếm có nghệ nhân nghệ thuật truyền thống nào ở Huế cũng như ở Việt Nam lại được đông đảo con cháu, chắt nối nghiệp như cụ Thi. Cả 4 người con trai của cụ đều sinh ra khi nhã nhạc cung đình Huế đang đứng trước nguy cơ thất truyền do mất đi không gian diễn xướng, hàng loạt nhạc công bỏ nghề vì sức ép áo cơm.

“Lúc đó nghề nhạc công nhã nhạc phụ vụ các lễ cúng trong dân gian của tui thu nhập ba cọc ba đồng nhưng tui vẫn truyền dạy nhã nhạc cho con. Lúc đó tui nghĩ việc truyền dạy này không phải để con mình làm nghề mưu sinh mà là để chúng cùng mình giữ gìn nhã nhạc cho thế hệ sau”- cụ Thi kể.


Cụ Thi trong một lần truyền dạy nhã nhạc cho con cháu

Nghệ nhân nhã nhạc Lữ Hữu Viên (70 tuổi, con trai trưởng của cụ Thi) cho biết, từ năm 10 tuổi, ông đã được bố truyền nghề. Ban ngày ông đến trường học chữ, ban đêm học nhã nhạc từ bố. Ông Viên kể, lúc đó nhã nhạc không còn thịnh hành nữa nhưng ông vẫn học nghề một cách đam mê. “Được bố truyền dạy bài bản nên tui sớm sử dụng thành thạo những nhạc cụ và thuộc làu những điệu ca tài tử xứ Huế. Lớn lên, có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp nhưng tui quyết định theo bố đi biểu diễn phục vụ các lễ cúng trong dân gian để thỏa nỗi đam mê”- ông Viên nhớ lại.

Nhiều năm trở lại đây, ông Viên miệt mài tham gia hướng dẫn, truyền dạy nhã nhạc cho nhiều nhạc công nhã nhạc cung đình Huế. Cũng như ông Viên, 3 người em trai của ông là Lữ Hữu Báu, Lữ Hữu Thiệu, Lữ Hữu Thành đều được cụ Thi truyền dạy nhã nhạc từ nhỏ và đều là những nhạc công nhã nhạc có tên tuổi ở Huế.

Ngoài 4 người con trai, cụ Thi còn truyền dạy nhã nhạc cho 7 người cháu nội và 6 người chắt nội của mình. Trong đó, 2 người cháu là Lữ Hữu Ngọc, Lữ Hữu Quang (con ông Viên) và người chắt Lữ Hữu Tô (con anh Ngọc) hiện là những nhạc công nhã nhạc của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế. Cháu Lữ Hữu Vinh (con anh Quang) hiện mới 10 tuổi nhưng đã theo học nhã nhạc từ cụ Thi gần 1 năm nay. Mỗi ngày Vinh đều giành 1-2 giờ đồng hồ học đánh đàn, thổi sáo, gõ trống do cụ Thi truyền dạy. “Cháu cảm thấy rất thích thú với những nhạc cụ này nên càng học càng mê”- Vinh chia sẻ.

Nhìn đứa chắt đang mê mẩn học chơi đàn nguyệt, cụ Thi cười mãn nguyện: “Để lớp trẻ thực sự đam mê học hỏi, điều quan trọng là phải làm cho chúng hiểu và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nhã nhạc, từ đó chúng có ý thức giữ gìn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này. Mấy đứa cháu, chắt của tui cũng như tui rứa, ngày mô không đánh đàn, gõ trống là trong người bứt rứt khó chịu”.

 

Theo danviet.vn

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng