Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Khai mạc phòng trưng bày cổ vật Chăm
10:00 | 23/11/2016

Sáng ngày 23/11, nhân dịp kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã tổ chức buổi lễ khai mạc phòng trưng bày cổ vật Chăm (Champa).

Khai mạc phòng trưng bày cổ vật Chăm

Đây là nơi trưng bày các tác phẩm tiêu biểu cho điêu khắc Champa được phát hiện ở miền Trung Việt Nam. Các tác phẩm điều khắc ở đây có niên đại khoảng từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII/XIV với nhiều hiện vật quý hiếm thuộc các loại hình tượng thờ, linh vật, tác phẩm trang trí kiến trúc, v.v… được tìm thấy ở khu vực Bình-Trị-Thiên, Trà Kiệu (Quảng Nam), và Tháp Mẫm (Bình Định).

 

Vương quốc Champa trải qua nhiều thời kỳ lịch sử với khá nhiều tên gọi như Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành, được thiết lập theo mô hình liên minh các tiểu quốc. Sự cộng cư giữa cư dân Chăm-Việt đã tạo nên một nền văn hóa đặc thù của miền Trung Việt Nam. Tôn giáo phổ biến của vương quốc Champa là Bà-la-môn giáo (Ấn Độ giáo), Phật giáo chỉ phổ biến ở Champa vào khoảng từ thế kỷ VII và phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ VIII-IX.

Nét đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc Champa xuất phát từ sự tiếp thu lẫn giao thoa về mặt tạo hình có nguồn gốc ở nền kiến trúc và điêu khắc đền tháp của đạo Bà-la-môn và đạo Phật.  Ngôi đền Bà-la-môn thường được xây dựng bằng gạch kết hợp với những bộ phận trang trí bằng sa thạch. Hình tượng trang trí ngôi đền rất phong phú, bao gồm các vị nữ thần và những hóa thân của họ cùng với những linh thú theo hầu cận hoặc các vị hộ pháp để giữ bình yên và thanh tịnh cho chốn thiêng liêng.

Một số cổ vật được trưng bày tại Khu cổ vật Chăm

 

Việc sưu tập hiện vật Champa thuộc phòng trưng bày cổ vật Chăm thể hiện vị trí đặc biệt của văn hóa Chăm trong tiến trình hình thành và phát triển những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế.

Xuân Cao

Các bài mới
Các bài đã đăng