Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Tọa đàm khoa học”Công lao và những đóng góp quan trọng về mặt lịch sử của Hoàng đế Gia Long (1802-1820)
08:34 | 01/06/2022

Chiều 31/5, nhân kỷ niệm 220 năm ngày vua Gia Long thống nhất đất nước và đặt niên hiệu Gia Long, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm khoa học”Công lao và những đóng góp quan trọng về mặt lịch sử của Hoàng đế Gia Long (1802-1820)”.

Tọa đàm khoa học”Công lao và những đóng góp quan trọng về mặt lịch sử của Hoàng đế Gia Long (1802-1820)
Tại buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận về các chủ đề: Khẳng định Nguyễn Ánh – Gia Long có công lao to lớn là hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, khai sinh nước Việt Nam, khôi phục vương triều Nguyễn; vua Gia Long là người đặt nền móng cho các chính sách nội trị, ngoại giao của triều Nguyễn; vua Gia Long đã có công lớn trong việc xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam mang tính pháp lý quốc tế cao; về văn hóa, vua Gia Long đã có công trong xây dựng Kinh đô Huế, đặt nền tảng cho giáo dục Nho học và trọng dụng nhân tài; một số nhận định đánh giá chung về công lao và dấu ấn của vua Gia Long và một số đề xuất…

Tại buổi tọa đàm, Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, sau gần 300 năm phân ly (1553-1802) đất nước dưới thời vua Gia Long mới được thống nhất về mặt lãnh thổ, còn nhiều mảng vỡ chưa được hàn gắn. Vua Gia Long đã thực hiện hàng loạt các kế sách về quản lý hành chính xã hội, xây dựng hệ thống pháp luật, chấn hưng giáo dục khoa cử và học thuật…Nhìn tổng thể, những quyết sách lớn về đối nội, đối ngoại để khắc phục một thời đất nước bị phân ly kéo dài, giữ vững nền tự chủ trong hòa bình, tập trung xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thống nhất, thực sự đã bộc lộ một tài năng đáng nể của vị khai sáng vương triều Nguyễn.

Các đại biểu đã nêu lên ý kiến của mình về vua Gia Long, người có công lao to lớn trong việc thống nhất lãnh thổ, lãnh hải đất nước, đặt quốc hiệu, đặt nền tảng cho giáo dục, văn hóa… để lại nhiều di sản quý báu cho đất nước và cho Huế


Nhà Nghiên cứu Trần Đại Vinh cũng đã nêu vai trò của pháp luật thời Gia Long thông qua một ví dụ cụ thể là làng Phù Bài của Thừa Thiên Huế (lưu trữ gần 2 vạn trang tư liệu Hán Nôm), trong đó có cả bản gốc chữ Hán của bộ Hoàng Việt luật lệ cùng cả một hệ thống văn bản pháp luật, hành chính liên quan. NNC Trần Đại Vinh cũng cho rằng, Vua Gia Long rất quan tâm đến việc thu phục nhân tài để chuẩn bị cho công cuộc chấn hưng văn hóa, giáo dục sau chiến tranh. Chính vua Gia Long đã tạo ra một sinh khí mới rất tích cực, sối nổi sau thời kỳ dài đất nước bị chia cắt, loạn lạc, nhiều giá trị truyền thống bị suy đồi, xuống cấp. Tiêu biểu và là sản phẩm của nền giáo dục tiến bộ đầu thời Nguyễn là Nguyễn Công Trứ, một người có nhân sinh quan và tinh thần nhập thế rất tích cực thể hiện qua thơ văn, trước tác của ông. Thời Gia Long tuy chỉ có thi hương, tuyển chọn đến bậc Cử nhân, nhưng hơn 220 Cử nhân của thời Nguyễn hầu như đều trở thành những trụ cột của thời Nguyễn, tiêu biểu như Lê Văn Đức, Đặng Văn Hòa, Trương Đăng Quế, Nguyễn Công Trứ, Hà Duy Phiên… Chấn hưng văn hóa từ giáo dục chính là từ đó.

Nhà Nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến – nguyên Trưởng khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Huế, chuyên gia nghiên cứu về chủ quyền biển đảo cho rằng, việc tổ chức khai thác, chiếm hữu và thực thi chủ quyền quốc gia ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xúc tiến liên tục kể từ thời các chúa Nguyễn ở thế kỷ 17; nhưng dưới góc độ công pháp quốc tế, vua Gia Long mới là người có công lớn nhất trong việc tạo dựng cơ sở pháp lý quốc tế cho Việt Nam về vấn đề xác lập chủ quyền của quốc gia đối với những quần đảo này. Lợi thế của cuộc tranh chấp pháp lý về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa hiện nay của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là để bác bỏ tuyên bố chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông ở Trung Hoa năm 1909, một phần lớn dựa vào thành quả có được từ tuyên bố chiếm hữu chính thức về mặt nhà nước thời vua Gia Long năm 1816, được quốc tế công nhận.

Dựa trên công pháp quốc tế, có thể khẳng định đóng góp của vua Gia Long trong vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo của quốc gia nói chung, xác lập và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các thực thể địa lý ở quần đảo Hoàng Sa nói riêng là hết sức quan trọng và vô cùng to lớn đối với vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Việt Nam, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

Các nhà nghiên cứu tham dự tọa đàm thống nhất nhận định, vua Gia Long đã có công đặt tên Việt Nam là quốc hiệu, có công lao to lớn thống nhất quốc gia trên lãnh thổ rộng lớn tương ứng với lãnh thổ hiện nay.

Ngoài ra Hoàng đế Gia Long còn đặt nền móng cho việc phát triển kinh tế, luật pháp, văn hóa, xã hội… xây dựng Kinh đô Huế. Dưới triều đại của mình, ông tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

 

 

 

Nguyên Phương

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng