Huế luôn luôn mới
Phương án triển khai Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022
09:59 | 31/12/2021

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch số 402/KH-UBND triển khai Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022.

Phương án triển khai Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022
Ảnh minh họa (internet)

Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 được triển khai nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung xây dựng các thương hiệu du lịch chủ đạo song song với nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của loại hình du lịch văn hóa - di sản, trong đó  chú trọng các sản phẩm gắn với "Huế - Thành phố của lễ hội", "Huế - Kinh đô ẩm thực" và "Huế - Kinh đô áo dài”.

Trọng tâm năm 2022, triển khai các giải pháp phục hồi và cơ cấu lại ngành du lịch, nhất là thị trường khách du lịch và sản phẩm du lịch; xây dựng chiến lược dài hạn cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức mới, nhất là quảng bá trực tuyến trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp, dự báo tình hình đón khách quốc tế vẫn sẽ gặp khó khăn, hạn chế trong giai đoạn đầu năm, khách du lịch nội địa vẫn khó để phục hồi và phát triển trở lại như năm 2019, ngành du lịch dự báo các chỉ tiêu tăng trưởng ngành du lịch năm 2022 chỉ tăng ở mức độ tương đối, dự kiến theo 02 phương án.

Phương án 1: Nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, triển khai theo trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch bệnh, sẽ tổ chức thực hiện đón, phục vụ khách du lịch theo hình thức “bong bóng”, các hoạt động du lịch dịch vụ mở có điều kiện. Theo phương án này, dự kiến năm 2022, sẽ đón khoảng 2 triệu lượt khách (tăng gần 300% so với 2021) và tổng thu từ du lịch ước khoảng 3.500-4.000 tỷ đồng.

Phương án 2: Nếu tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt cả trong nước và quốc tế, việc đón và phục khách được diễn ra trong điều kiện bình thường. Dự kiến năm 2022 đón khoảng 3-3,5 triệu lượt khách (triển khai đón khách quốc tế ở thị trường an toàn, tập trung vào giữa cuối năm 2022) và tổng thu từ du lịch ước khoảng 6.000-7.000 tỷ đồng.

Theo đó, để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh, ngành du lịch sẽ triển khai các phương án để tái khởi động, phục hồi hoạt động phát triển du lịch, tập trung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Triển khai các cơ chế, gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; Cơ chế, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ kích cầu phát triển du lịch; Giải pháp đồng bộ các gói kích cầu, chương trình khuyến mãi của liên minh các khối doanh nghiệp du lịch, dịch vụ.

Ngoài ra, Kế hoạch còn tập trung triển khai các nội dung sau: Xây dựng các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch; Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu và hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng; Đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất thiết yếu phát triển du lịch; Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch;  Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Hoàn thiện môi trường du lịch và cải cách, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, dịch vụ; Giải pháp hợp tác, kết nối, và hỗ trợ lẫn nhau triển khai đẩy mạnh phục hồi, phát triển du lịch; Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch.

 

 

 

 

Nguyên Phương

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng