Nhịp điệu cuộc sống
Họa trâu thả rông
07:59 | 10/09/2013

Tại vùng núi Phong Sơn (huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế), trâu nhà thả rông lâu ngày giữa rừng rú hoang trở nên hung hãn như thú dữ, sẵn sàng tấn công người vào núi, nhẹ phải nhập viện dài ngày, nặng thì bỏ mạng. 

Họa trâu thả rông

Ám ảnh chết chóc

Một ngày đầu năm 2013, dân đi rừng xã Phong Sơn bàng hoàng nhận tin báo, trâu rông đoạt mạng một người đàn ông to khỏe trên đường vào núi chăm sóc cao su. Nạn nhân là ông Nguyễn Hải Nam, trú thôn Cổ Bi 3. “Anh Nam bị trâu húc thảm lắm, chết ngay giữa rừng”, ông Trương Qua (trú thôn Sơn Quả - Phong Sơn) kể.

Tìm về nơi ở trước đây của nạn nhân, ngôi nhà giữa trưa nắng vắng tênh, lạnh lẽo. Bà Lan Anh - vợ ông Nam sụt sùi: “Hôm đó, hai anh em vào rừng chăm sóc cao su, mỗi người đi một ngả. Sau chừng mươi phút, em của anh Nam bỗng nghe tiếng thét thất thanh từ phía xa. Vội tìm đến nơi, anh Nam quằn quại trong vũng máu, chỉ kịp thều thào cho biết bị trâu hoang húc vào đùi, nhờ lấy thuốc lá tạm sơ cứu vết thương sâu hoắm. Do bị đứt động mạch đùi, mất quá nhiều máu, chỉ vài phút sau thì anh Nam mất”.

Sau việc hồ thủy điện Hương Điền tích nước phát điện gây ngập úng khoảng 100 ha rừng cao su và cây lâm nghiệp của dân Phong Sơn, mới đây người dân được tái bố trí đất sản xuất. Tuy nhiên, khu vực dự kiến tái bố trí đất trồng cao su lại là nơi còn nhiều trâu hoang ẩn núp, địa thế xấu, nên người dân ai cũng...sợ hết hồn!.

Tác giả

Cũng bị trâu hoang tấn công, nhưng ông Trần Mạo (trú thôn Sơn Quả) còn may mắn hơn. Giữa rừng sâu, ông Mạo không may đụng phải đàn trâu rông hung tợn. Là người đi rừng dạn dày, nhưng ông vẫn không tài nào thoát được vòng vây của ba con trâu mộng hoang dã trên con đường núi hẹp.

Sau cú ngoắt sừng của con trâu lớn, ông bị quật bổng văng vào đám tre giang ven suối bịt bùng. Nhờ rơi vào bụi rậm, ông Mạo may mắn thoát chết. Nhưng ông nằm liệt giường dài ngày, điều trị thuốc thang tốn kém.

Theo dân Phong Sơn, ngoài những trường hợp bị trâu hoang tấn công gây thương tích, tử nạn, số người bị rượt đuổi phải bỏ vườn, bỏ rẫy chạy lấy người nhiều không kể hết.

Trâu hoang phá tan rừng trồng

Đưa chúng tôi lên thăm vườn cao su trồng hơn 7 năm về trước đang dần hóa thành rừng hoang, cách mép lòng hồ thủy điện Hương Điền chừng 1 cây số, ông Hoàng Ngọc Châu (trú thôn Thanh Tân - Phong Sơn) chua chát: “Lẽ ra các vườn cao su thế này giờ đã cho mủ, dân có thu nhập. Nào ngờ, qua nhiều lần trồng bổ sung do bị trâu hoang lộng hành phá phách, đến giờ cây cao su vẫn còi cọc, cao chưa quá đầu đứa trẻ con. Cứ bón phân vào, lá cao su non đâm ra trở thành món ngon cho trâu rông. Trâu rất thích ăn lá cây cao su non. Dân bất lực bỏ mặc vườn cao su, dù đã đầu tư rất nhiều tiền”.

Vì trâu hoang tàn phá, vườn rừng cao su của dân Phong Sơn giờ chỉ còn lại sim mua, lau lách, cây dại
Vì trâu hoang tàn phá, vườn rừng cao su của dân Phong Sơn giờ chỉ còn lại sim mua, lau lách, cây dại. Ảnh: Ngọc Văn

Vẫn theo ông Châu, số diện tích rừng cao su trên địa bàn bị trâu thả rông phá hoại qua nhiều năm phải bỏ hoang hiện lên đến trên 100 ha, nợ nần phát sinh vì làm ăn thất bát lên đến tiền tỉ.

Để bảo vệ vườn rừng, các chủ rừng lập hẳn tổ tự quản để ngăn chặn trâu hoang phá hoại cây trồng. Những đàn trâu rông Phong Sơn hẳn nhiên đều có chủ, nhưng do thả hoang lâu ngày giữa rừng, lại sinh sôi thêm, nên khó nhận diện gốc gác. Có những trường hợp chủ nuôi tranh giành trâu hoang lẫn nhau, gây mâu thuẫn. Khi trâu hoang phá hoại cây trồng bị chủ rừng bắt đền, chủ nuôi tìm cách thoái thác, họ từ chối luôn quyền sở hữu con vật.

Nhưng khi trâu bị khống chế dắt về xuôi theo dạng vắng chủ, người tự nhận chủ nuôi xuất hiện, ngăn cản. Từ đó, những tranh cãi xô xát xảy ra trên địa bàn, dẫn đến thưa kiện, thậm chí có người từng phải hầu tòa, lãnh án vì trâu hoang. 

Theo ngọc Văn ( TPO)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng