Tiếng sông Hương
Phấp phỏng sống trên Thượng Thành
14:58 | 09/09/2013

Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nỗ lực tái định cư cho các hộ dân sống trên Thượng Thành – Eo Bầu của Hoàng thành Huế, nhằm trả lại cảnh quan thông thoáng cho di tích. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một bộ phận lớn dân cư sống nhếch nhác, tạm bợ ở khu vực này, gây mất mỹ quan của quần thể di tích Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Phấp phỏng sống trên Thượng Thành

Nỗi lo trước mùa mưa bão

Năm nào cũng thế, cứ đến mùa mưa bão về là hàng nghìn hộ dân Thượng Thành lại nơm nớp lo sợ gió bão làm sập những căn nhà tạm bợ, trong lúc đó hiện nay phần lớn những người sống trên Thượng Thành là những lao động nghèo, họ không thể cải tạo nhà cửa vì đây là vùng đất thuộc khu vực I di tích. Bà Nguyễn Thị Mai sống tại khu vực gần cửa Thượng Tứ bức xúc nói: “Đã đi họp không biết bao nhiêu lần rồi, mà tới chừ vẫn chưa thấy được bố trí tái định cư. Cả gia đình tui sinh sống ở đây hơn 20 năm rồi, chừ mong muốn được Nhà nước cho đi ở tái định cư sớm ngày nào tốt ngày đó. Không như vậy thì tội cho bà con quá, hễ mưa đến là mái lá ướt chuột lột hết cả người”.

Sống thấp thỏm trong vùng quy hoạch nhiều năm liền nên phần lớn các hộ dân khu vực Thượng Thành – Eo Bầu Nam Thắng đều mong muốn giải toả, sớm được an cư. Với mong muốn chính sách đền bù đất đai thoả đáng, các hộ dân có diện tích đất bị thu hồi lớn kiến nghị UBND TP Huế đề xuất UBND tỉnh xem xét, có chủ trương ưu tiên giải quyết bố trí quỹ đất để cấp làm nhà.

Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cung cấp, khi thực hiện giải toả, tại khu vực Thượng Thành – Eo Bầu Nam Thắng có những hộ có diện tích đất bị thu hồi khá nhiều, cụ thể có 3 hộ có diện tích đất bị thu hồi trên 500m2, 6 hộ đất bị thu hồi trên 400m2và một hộ khác có diện tích đất bị thu hồi trên 200m2. Ông Phan Văn Hát, 85 tuổi, nhà số 11 kiệt 86 Ông Ích Khiêm, phường Thuận Thành sống ở khu vực Thượng Thành hơn 60 năm nay bộc bạch: “Nguyện vọng của tôi là được cấp đất làm nhà. Tuổi cao, sức yếu, sống một mình nên ở chung cư không tiện”.

Phần lớn những hộ dân sống trên Thượng Thành – Eo Bầu, thuộc Kinh thành Huế là những hộ dân đã cư ngụ ổn định từ lâu, có nhiều hộ sống từ trước năm 1975, càng về sau con cái của họ lấn dần ra để ở. Hai mươi năm trước, quần thể Di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, khu vực Thượng Thành – Eo Bầu trở thành khu vực I di tích, với quy định bảo vệ nghiêm ngặt.

Từ đó, người dân ở đây phải chịu cảnh nhà ở dột nát, xuống cấp mà không được sửa chữa, cơi nới. Ông Nguyễn Văn Đay, một hộ dân  sống trên Thượng Thành, thuộc phường Thuận Thành, thành phố Huế cho biết: “Mong mỏi của nhiều hộ dân sống trên di tích hiện nay là được sớm di dời đến chỗ ở mới để khỏi sống cảnh tạm bợ, nhếch nhác. Tui mong muốn được di dời sớm để có chỗ an cư lạc nghiệp, chui vô, chui ra để lo phương tiện làm ăn, chứ còn ương ương, dở dở như ri là không biết làm răng được hết”, ông Đay cho biết.

Hiện có gần 1.000 hộ dân sống trên khu vực Thượng Thành – Eo Bầu, tương tự hộ ông Đay, đang rơi vào tình cảnh “đi thì dở ở chẳng xong”. Mới đây, tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục giao cho UBND thành phố Huế xây dựng 3 khối chung cư 4 tầng ở phường Hương Sơ, với tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng, nhằm giải quyết chỗ ở cho hơn 120 hộ dân sống trên di tích ở phường Thuận Lộc và Thuận Hòa nằm trong diện giải tỏa. Vậy nhưng đến nay khi các khối chung cư đã xây dựng xong, nhưng việc giải tỏa cho các hộ dân trên vẫn còn nhiều vướng mắc.

Nhiều vướng mắc trong công tác giải tỏa

Phấp phỏng sống trên Thượng Thành

Chằng níu  nhà tạm nhờ đợi ngày tái định cư

Ông Nguyễn Đình Cáng, Giám đốc Ban đầu tư và Xây dựng thành phố Huế, cho biết: “Hiện nay đã xây dựng được 3 khối chung cư, với tổng số căn hộ là 98 căn hộ. Mục đích là  phục vụ cho tái định cư các hộ phía nam Kinh thành Huế. Đã nghiệm thu từ tháng 6/2013 nhưng mà các hộ ở đây chưa áp giá đền bù được là do vướng cơ chế, hiện chưa trình lên được để phê duyệt các giá trị đền bù.

Chính sách bồi thường tái định cư cho tất cả các hộ dân khi sống trên di tích Huế, được Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện căn cứ theo Quyết định của UBND tỉnh Bình – Trị – Thiên ngày 19/5/1976 về việc xác nhận tạm thời các cơ sở văn hóa công cộng và các di tích lịch sử Văn hóa nghệ thuật danh thắng được liệt hạng để bảo vệ. Vì vậy, ngày 19/5/1976 được xem là mốc thời điểm để xem xét xác định các trường hợp vi phạm đối với các công trình di tích, những hộ dân ở trong vùng di tích sau thời điểm ấy thì không được đền bù đất ở.

Trong khi đó, phần lớn các hộ dân sống trên di tích Thượng Thành – Eo Bầu là những hộ nghèo. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, đơn vị được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng ở khu vực phía nam Kinh thành Huế cho hay: “Tất cả các hồ sơ cơ bản hoàn chỉnh nhưng vấn đề đảm bảo quyền lợi của người dân thì đang xin ý kiến của UBND tỉnh. Chúng tôi đang tập hợp lại để báo cáo với hội đồng tư vấn, giải quyết các vướng mắc về công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, để xem xét tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách tìm cách tháo gỡ cho người dân trước khi phê duyệt chính thức, để làm sao đảm bảo quyền lợi, đảm bảo các yếu tố cho người dân có nơi ở mới tốt hơn”.

Vướng mắc trong cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng ở các di tích Huế cũng là nguyên nhân làm chậm tái định cư cho những hộ dân sống trên Thượng Thành. Theo thống kê của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, hiện có gần 3.000 hộ dân sinh “sống bám” vào di tích vẫn chưa giải tỏa được. Để tháo gỡ khó khăn cho một bộ phận không nhỏ dân cư sống “treo trên di sản thế giới”, rất cần có chính sách đặc thù, khi đó mới giải quyết dứt điểm những tồn tại này.

 

Theo Minh Ngọc – giaoducthoidai.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng