Tiếng sông Hương
Quan xã ” ăn” đất rừng của dân
08:27 | 03/11/2014

Trong 14 năm (1997 - 2011) làm Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) ông Võ Công Nhơn đã dùng quyền lực để trục lợi trên hàng chục héc ta đất rừng của người dân khai hoang đang chuẩn bị làm làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gọi tắt là sổ đỏ. 

Quan xã ” ăn” đất rừng của dân
Ông Võ Công Nhơn, Bí thư đảng ủy xã Lộc Sơn trả lời chấp vấn phóng viên

Ở nơi quan xã là “triệu phú”

Về xã Lộc Sơn  những ngày này đi đâu chúng tôi cũng nghe nhân dân phản ảnh về sự “giàu sang” nhanh chóng của ông Võ Công Nhơn hiện đang đảm nhiệm chức danh Bí thư Đảng ủy xã Lộc Sơn. 

Đơn tố cáo của ông Ngô Đức Khiêm Thành ở thôn Vinh Sơn phản ánh với các cơ quan báo chí có đoạn viết: Quê tôi là một vùng bán sơn địa, đất đai sản xuất cấp cho người nông dân không nhiều, hơn nữa đất ở đây toàn là sỏi đá nên chỉ phù hợp cho loại cây keo lai và keo tai tượng, dùng cho việc sản xuất dăm gỗ, người dân địa phương mấy mươi năm sống trong nghèo khổ. 

Từ năm 2000 - 2008, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận 3 dự án sản xuất dăm gỗ từ đó cuộc cuộc sống của người dân nơi đây đã khấm khá hơn. Vùng núi đồi hoang vu, trải qua biết bao năm dãi nắng, dầm mưa đến nay đã trở thành những khu rừng trồng keo lai, keo lai tượng có giá trị kinh tế trong vùng, đời sống bà con đã khấm khá hơn. Thế nhưng người dân tại xã Lộc Sơn vẫn chưa hết âu lo vì đất canh tác bao năm chưa được cấp GCNQSDĐ. 

Trong thời gian ông Võ Công Nhơn lên làm Chủ tịch (hiện nay là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã) việc xác nhận đất canh tác của người dân được triển khai. Nhưng oái oăm thay, khi được UBND xã xác nhận để làm GCNQSDĐ thì người dân lại bị mất đất hoặc mất tiền vào tay vị Chủ tịch này.

Cũng theo đơn tố cáo của ông Thành, trước khi lên làm Chủ tịch xã gia đình ông Võ Công Nhơn thuộc diện hộ nghèo. Sau 14 năm tại vị chức Chủ tịch xã, đến nay khối tài sản này của ông này ước đến nhiều tỷ đồng bao gồm hàng chục héc ta rừng trị giá 150 triệu đồng/ha, 2 ngôi nhà ở Lộc Sơn, 1 ngôi nhà tại thành phố Huế trị giá khoảng 5 tỷ đồng và một xe Fotuner trị giá 950 triệu đồng… Sở dĩ ông có nhiều đất rừng, đất nền như vậy là do khi còn giữ chức Chủ tịch đều đứng tên sở hữu của người khác.

Dân nghèo cũng theo vòi tiền

Theo lời kể của ông Ngô Đức Miêu năm 2006, con trai ông vào làm nhà ở trên khu đất thuộc khu đất rừng trước đây ông khai hoang tại đường 14B thì ông Nhơn cho địa chính vào lập biên bản. Sau đó, địa chính xã xuống mời ông Miêu lên nhà ông Nhơn nói là để làm việc. 

Tại đây, ông Nhơn nói sẽ cho con tui làm nhà, nhưng gợi ý rằng về lấy sào đo trong vườn xem diện tích bao nhiêu. Đất tui bộ đo 4.439 m2, nhưng tui nói chỉ có 5 sào thôi. Ông Nhơn nói thôi cho tui 2 sào, rồi về làm nhà luôn đi. Sau đó ông Nhơn lại gọi lên gợi ý đưa 10 triệu đồng để ông cắt sổ đỏ chuyển đổi thành đất ở. Nói là tiền giấy bút. 

Tuy nhiên, ông Miêu không đồng ý với lý do trước đó ông Nhơn đã có giao ước “cho đất thì trả bìa, tiền thuế nhà nước bắt tui nộp mà đất thì chú ăn, chừ đưa thêm 10 triệu bạc nữa”, ông Nhơn trả lời “cái đó tùy anh”. Tui năn nỉ quá trời, nhưng ông Nhơn không thương.

Đến năm 2011, ông Ngô Đức Lâm và ông Ngô Đức Miêu cùng đi làm sổ đỏ, lúc đó, ông Nhơn yêu cầu phải đem đến văn phòng 10 triệu đồng để ông làm giấy tờ. Tiền đó là bút mực, để ký giấy tờ. “Không đem lên nhà mà đem đến ủy ban xã”. Ông Lâm đem 10 triệu đồng lên văn phòng gặp ông Nhơn, ông Nhơn lấy 8 triệu, còn 2 triệu đưa xuống cho cán bộ địa chính.

Sau đó, ông Miêu cùng ông Lâm đem 10 triệu đồng đến gặp đưa tiền giấy bút cho vợ ông Nhơn là bà Lợi. Thời gian sau, mặc dù đất bộ đo đến 4.439 m2 , nhưng khi cắt bìa cho ông Miêu chỉ còn 2.840 m2. Ông Miêu kiện lên huyện, lên ủy ban xã đòi đất. Kiện 1 năm ròng cho đến năm 2012, GCNQSDĐ của ông Miêu đã được cấp lại với 4.338 m2. vợ ông Nhơn trả lại 10 triệu đồng.

Ngoài ra còn có ông Ngô Đức Vu khi làm GCNQSDĐ hơn 4.000 m2 tại khu vực rừng cạnh tuyến đường 14 B đất đã bị ông Nhơn gọi lên đòi chia bớt lô đất có diện tích 2.345 m2, trong đó chiều dài 35 m, rộng 67 m.

 Ông Vu kể: “Khi chuẩn bị làm giấy GCNQSDĐ cho em nói đưa cho ông 10 triệu đồng để ký trước. Sau khi làm giấy xong ông nói đưa thêm 10 triệu rồi 10 m2 đất mặt tiền đường 14B sau ông nói xuống 5 m. Rồi sau đó ông nói giờ chừ mi bớt, mi trả đi. Ông kêu tui lên tại văn phòng xã tui nói: Chú lấy chi thì lấy vài triệu thôi, tiền chú lấy rồi, đất con chú cũng lấy rồi còn chi nữa”.

Trước những bức xúc và kiến nghị của người dân và gia đình ông Lâm, ông Vu vào cuối tháng 9/2014, ông Nhơn đưa cho cán bộ văn phòng tên là Trần Minh Mẫn một phong bì trong đó có 15 triệu đồng qua trung gian đến nhà ông Ngô Đức Khiêm Thành nhờ trả lại cho ông Lâm 10 triệu đồng và ông Vu 5 triệu đồng thời gấp rút làm sổ đỏ trả lại 2.345 m2 đất cho ông Vu.

Quá trình điều tra chúng tôi nhận thấy bằng quyền lực và sự cả tin của người dân. Ông Nhơn đã quá “khôn ngoan” khi làm sổ đỏ chuyển nhượng hơn 2.000 m2 đất của ông Vu cho cặp vợ chồng Hồ Thuận và Trần Thị Chính ở thôn An Sơn đứng tên. 

Mặc dù GCNQSDĐ cấp cho ông bà Hồ Thuận - Trần Thị Chính từ năm 2011 nhưng khi chúng tôi xác mình thì ông Hồ Thuận khẳng định: “Đất này anh Nhơn chị Lợi cho tôi. Tôi bán cho ông Ngô Đức Vu 5 triệu đồng rồi"". 

Khi chúng tôi đưa ra giấy chứng nhận sở hữu đất mang tên Hồ Thuận và vợ là Trần Thị Chính từ năm 2011 thì anh Thuận nói từ trước đến nay không biết đã có GCNQSDĐ.

“Tôi có nghe anh Nhơn nói rứa thôi chứ từ năm 2011 đến nay chưa đi làm thủ tục cấp”. Khi chúng tôi hỏi họ tự làm sổ đỏ có tên hai vợ chồng anh chị từ năm 2011 thì anh Thuận nhận là anh hoàn toàn không biết việc này”.

Trước những sự việc người dân tố cao ông Võ Công Nhơn lấy đất rừng và tiền làm giấy GCNQSDĐ của người dân chúng tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Võ Công Nhơn. Tuy nhiên ông Nhơn cùng cán bộ văn phòng Trần Minh Mẫn (người được chỉ đạo đi trả lại tiền cho ông Vu, ông Lâm) nói là mình không nhớ. 

“Nói thật anh là cũng không có, Tui làm Chủ tịch gần 15 năm, trong quá trình làm có thể sai, đúng thế nào thì làm sao mình nhớ hết. Cũng nghe bà con ở ngã ba Lộc Sơn nói có việc chung chi tiền bạc cho ông Nhơn làm GCNQSDĐ tui cũng không nhớ. Chẳng lẽ mình làm cán bộ lại đi đôi co với dân”. 

Còn về việc ông Nhơn chỉ đạo cán bộ văn phòng Trần Minh Mẫn qua trung gian đi đến nhà ông Ngô Đức Khiêm Thành trả lại tiền cho hai hộ dân là ông Mẫn và vợ của ông Vu vào cuối tháng 9/2014 với số tiền 15 triệu đồng thì cả ông Nhơn và anh Mẫn đều không nhớ.

Theo giaoducthoidai.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng