Tiếng sông Hương
Cây Trôm hôi ở Đàn Nam Giao gây ô nhiễm môi trường
08:51 | 27/03/2015

Suốt cả tuần nay, người dân sinh sống cạnh giao lộ Lê Ngô Cát – Minh Mạng và giao lộ Minh Mạng – Nam Giao (phường Trường An và Thủy Xuân, TP Huế) phải hứng chịu một mùi hôi thối rất khó chịu.

Cây Trôm hôi ở Đàn Nam Giao gây ô nhiễm môi trường
Cành trôm hôi trổ hoa dày đặc

Đã nhiều năm rồi, cứ đến độ trung tuần tháng ba dương lịch, mùi hôi này cứ tan tỏa kéo dài vài tuần lễ. Người tham gia giao thông khi chạy xe đến hai giao lộ này, nhất là lúc dừng xe chờ tín hiệu giao thông ở giao lộ Lê Ngô Cát – Minh Mạng, không khỏi than phiền do phải nín thở để tránh hít mùi hôi. Thậm chí, không ít người cho rằng, mùi hôi chẳng khác gì mùi phân tươi.
Vào thời điểm cây sai hoa, mùi hôi của hoa tan tỏa cả một vùng, khi có sự cộng hưởng của gió nhẹ, mùi hôi phát tán xa hằng trăm mét, khiến cho một bộ phận cư dân của tổ dân phố 13 A, phường Trường An phải hứng chịu nhiều ngày.

Cuối tuần vừa qua khi thâm nhập tìm hiểu, chúng tôi cũng nghe du khách tham quan Đàn Nam Giao than phiền về mùi hôi và tất nhiên họ chẳng biết mùi đó từ đâu ra. Có thể họ sẽ ngộ nhận rằng chúng ta đã không quản lý tốt môi trường du lịch, môi trường di tích?

Hoa của cây Trôm hôi có màu sắc khá sặc sỡ, nhưng lại tiết mùi rất nặng, vì thế mới có tên là Trôm hôi. Trôm hôi là một loài cây gỗ thuộc họ Trôm – Sterculiaceae, có tên khoa học là Sterculia foetida (foetida: có mùi hôi). Loài này có lá kép kiểu chân vịt khá đẹp như loài cây Chân chim hay Ngũ gia bì, có lẽ vì thế mà trước đây Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chọn trồng để vừa gây bóng vừa tôn tạo cảnh quan.

Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã xếp cây Trôm hôi vào danh mục hạn chế trồng. Quyết định số 06/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 7/01/2014 về Quản lý cây xanh đô thị cũng đã xếp cây này vào danh mục hạn chế trồng. Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc cần chặt hạ những cây Trôm hôi trên địa bàn TP Huế, trong đó có hai cây ở khuôn viên Đàn Nam Giao.

Hiện tại, trong khuôn viên của Đàn Nam Giao có hai cây Trôm hôi, một cây ở góc Tây Bắc và một cây ở góc Tây Nam. Cây ở góc Tây Bắc cao to, 5 thân, hoa dày đặc nên suốt ngày này qua ngày nọ, từ sáng đến chiều, từ đêm đến sáng mùi hôi không ngớt tỏa ra.

Chúng tôi mong muốn Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sớm thẩm định để có kế hoạch thay thế một loài cây gỗ bóng mát khác. Nếu để chậm, năm bảy ngày sau hoa sẽ tàn hết, lúc đó sẽ không còn chứng cớ để xác minh nữa.

Cây Trôm hôi ở Đàn Nam Giao đã được chặt hạ


Chỉ một ngày sau khi Báo Thừa Thiên Huế đăng bài viết “Cây Trôm hôi ở Đàn Nam Giao gây ô nhiễm môi trường”, ngày 25/3/2015, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) đã kịp thời khảo sát, thẩm định và cho chặt hạ hai cây Trôm hôi trong khuôn viên Đàn Nam Giao.
Từ việc làm kịp thời này của TTBTDTCĐ Huế, từ nay người dân sinh sống kế cận Đàn Nam Giao không còn chịu cảnh ô nhiễm không khí do cây Trâm hôi lan tỏa mỗi độ cuối xuân. 

 

Theo khamphahue.com.vn

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng