Tiếng sông Hương
Nhiều vùng ven đô Huế "khát" nước sạch
08:40 | 16/07/2015

Tình trạng thiếu nước sạch trong mùa khô không phải chuyện hiếm ở Thừa Thiên - Huế, nhưng đến bao giờ người dân mới có nước sạch để sinh hoạt thì chưa có câu trả lời. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng này, hàng trăm hộ dân ở những thôn, xã vùng ven đô Huế như Thủy Bằng, Phú Sơn (thị xã Hương thủy) đang thiếu nước trầm trọng, dù chỉ cách TP Huế chừng 10 - 15 cây số.

Nhiều vùng ven đô Huế "khát" nước sạch
Nhân dân thôn Tân Ba (xã Thủy Bằng) hằng ngày phải đi xin từng can nước ở các xí nghiệp khai thác cát tư nhân ven sông Hương.

Phú Sơn chờ nước sạch

Về Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) trong những ngày nắng nóng của tháng 7 này, chúng tôi bắt gặp nhiều hộ dân đang "hì hục" đào giếng, người nhễ nhại mồ hôi. Anh Nguyễn Quang Đạt (34 tuổi), ở thôn 2 (xã Phú Sơn) đang cần mẫn đào giếng, cho biết: "Chúng tôi đã đào giếng xâu xuống trên 10m mới có được mạch nước ngầm, thấy mạch nước ngầm rồi nước lại nhiễm phèn. Chán lắm chú ơi, lo tiền đào giếng đã chết rồi lấy đâu ra nữa mà xây bể lọc nước phèn". Còn chị Trần Thị Hồng, cũng ở thôn 2 nói thêm: “Gần 20 ngày nay, từ khi giếng khô nước, hằng ngày chị phải chở từng can nhựa đến các nhà có nước xin về dùng. Có đợt khan nước, nước nhiễm phèn, nhiều gia đình phải đi mua nước đóng bịch để uống”.

Cách đây hơn 10 năm, chính quyền xã Phú Sơn đã phối hợp với ban, ngành đầu tư xây dựng giếng nước bằng nguồn vốn theo chương trình 135. Tuy nhiên, chỉ vài năm đưa vào sử dụng, những giếng này đều rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp nặng. Để phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, những hộ dân có điều kiện tiến hành đào giếng với mong muốn có nước sạch sử dụng. Thế nhưng, không hiểu sao những cái giếng vừa đưa vào sử dụng được vài tháng thì đều bị nhiễm phèn nên đành bỏ hoang, rất tốn kém tiền của.

Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, ông Đỗ Viết Tùng cho biết: “Tình trạng thiếu nước tại bốn thôn của Phú Sơn trong nhiều năm nay đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Toàn xã có hơn 450 hộ dân với 1.600 nhân khẩu thì có đến 70% các hộ dân đang sử dụng nguồn nước nhiễm phèn. Đặc biệt, ở thôn 1 và thôn 2 là hai địa bàn thiếu nước sạch trầm trọng nhất, gần 100% là nước giếng bị ố vàng, nhiễm phèn. Chính quyền xã đã nhiều lần đề nghị cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Giờ đây, giải pháp duy nhất của xã là vận động bà con xây bể nọc nước phèn. Tình trạng nhiễm phèn đang ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của bà con.

Theo ông Đỗ Viết Tùng, chính quyền địa phương có nhận thông báo của Công ty TNHH MTV Xây dựng và cấp nước Thừa Thiên - Huế sẽ đầu tư nối đường ống phục vụ công trình Nhà máy xử lý rác thải đang được xây dựng trên địa bàn xã kết hợp đưa đường ống lên trung tâm xã để mở rộng nối mạng phục vụ nhân dân cùng hưởng lợi. Tuy nhiên, đây là dự án hưởng lợi kết hợp, thứ nhất: không thể chắc chắn chờ đến bao giờ; thứ hai: liệu đường ống sẽ được phủ sóng khắp bốn thôn trên địa bàn xã, trong khi mật độ dân cư ở Phú Sơn còn thưa thớt, nhân dân sống rải rác. Đến lúc đó, liệu đường ống dẫn nước sẽ đến được gần nhà dân để đưa nước vào tận các hộ dân hay không, vẫn là mối băn khoăn của nhiều hộ dân.

“Khát” nước sạch, phải dùng nước sông

Đó là tình trạng thiếu nước sạch tại 4 thôn, xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy). Câu chuyện thiếu nước sạch ở các thôn Tân Ba, Vĩ Dạ, Võ Xá, Nguyệt Biều ở xã Thủy Bằng không phải là mới. Nhưng bao giờ người dân mới có nước sạch thì chưa có câu trả lời, mặc dù các thôn này chỉ cách TP Huế chưa đến 10 cây số.

Thôn Tân Ba là khu vực trầm trọng nhất, với 125 hộ và 545 nhân khẩu. Mấy chục năm nay, mọi sinh hoạt của người dân đều lấy từ nguồn nước sông ố vàng do đắp đập và khai thác cát. Trưởng thôn Tân Ba (xã Thủy Bằng), ông Bác Phạm Phú cho biết: “Toàn thôn Tân Ba có sáu cái giếng khoang, nhưng chỉ có một, hai cái là sử dụng được. Nhưng các giếng dùng được thì đều trong tình trạng bị nhiễm phèn nặng. Không những thế, cứ đào giếng xuống 5 - 7m đất là gặp đá không thể tiếp tục đào thêm, người dân đành “liều” lấy nước sông lên sinh hoạt. Chúng tôi không xin gạo của Nhà nước, chỉ mong nhanh có nguồn nước máy trong sạch về thôn”.

Không chỉ ở thôn Tân Ba mà ngay cả các thôn Vĩ Dạ, Võ Xá, Nguyệt Biều (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy), người dân luôn ở trong tình trạng “khát” nước sạch diễn ra trong mấy chục năm nay. Người dân chủ yếu sử dụng nước sông lấy từ sông Hương hoặc từ nước giếng đào để dùng, sinh hoạt hằng ngày. Bây giờ, nước sông Hương đang ngày mỗi ô nhiễm, không còn bảo đảm nên nhiều hộ dân ở các thôn nói trên phải đi mua hoặc xin nước từ các vùng khác. Đặc biệt, bà con nhân dân ở thôn Tân Ba hằng ngày đến xin nước ở các công ty khai thác cát tư nhân ven sông Hương.

Chủ tịch UBND xã Thủy Băng Lê Văn Thìn trăn trở: “Nếu theo kế hoạch thì đến nay người dân đã có nước sạch sử dụng từ dự án xây dựng hệ thống nối mạng cấp nước sạch cho xã Thủy Bằng. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về thi công, thiết kế do hạn chế về năng lực, chuyên môn nên đến bây giờ vẫn chưa có nước cho các hộ dân. Mới đây, chúng tôi có tờ trình gửi UBND tỉnh, thị xã Hương Thủy đề xuất bàn giao cho Công ty TNHH MTV Xây dựng và cấp nước Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư”.

Theo ông Trương Công Hân, Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng Kế hoạch - Công ty TNHH MTV Xây dựng và cấp nước Thừa Thiên - Huế, khu vực chưa có nước ở xã Thủy Bằng là khu vực cuối mạng và hệ thống đường ống cấp nước sẵn có, nhưng đường kính nhỏ nên không thể cấp đủ nước cho các thôn. Qua khảo sát, cần phải thi công trạm tăng áp, bồn chứa nước sạch công suất 200 m3/ngày đêm và đầu tư hệ thống truyền tải và phân phối với tổng chiều dài 4,4km, tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng.

Dự án này đã giao UBND xã Thủy Bằng làm chủ đầu tư, nhưng đến ngày 12-6-2015, xã Thủy Bằng có tờ trình đề xuất công ty cấp nước làm chủ đầu tư. Hiện, công ty này đang sẵn sàng làm chủ đầu tư dự án nói trên và sẽ triển khai xây dựng hệ thống cấp nước sau khi được UBND tỉnh đồng ý.

Như vậy, nhân dân các xã Phú Sơn, Thủy Bằng nói riêng và các vùng lân cận khác ở thị xã Hương Thủy đang dài cổ chờ nước sạch sinh hoạt. Họ vẫn băn khoanh: Đến bao giờ dân mới có nước sạch kéo về tận thôn, hộ dân cư để dùng? Hiện, nhân dân nơi đây đang lâm vào cảnh “khát” nước sạch trầm trọng và cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro về bệnh tật, nhất là vào mùa nắng nóng như hiện nay.

Theo NDO

Các bài mới
Các bài đã đăng