Tiếng sông Hương
Làng nghề... ô nhiễm
09:11 | 28/07/2015

Nhiều cơ sở gây ô nhiễm ở tỉnh Thừa Thiên - Huế không chịu khắc phục hậu quả khiến cuộc sống người dân khổ sở.

Làng nghề... ô nhiễm
Nhà máy Xi măng Long Thọ

Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có báo cáo về việc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 4 cơ sở tại cụm công nghiệp làng nghề phường Thủy Phương.

Chây ì nộp phạt

Theo báo cáo, 4 doanh nghiệp (DN) gồm Công ty TNHH Sản xuất giấy Như Ý (Công ty Như Ý), Công ty TNHH Sản xuất tái chế giấy Hà Xuyên (Công ty Hà Xuyên), 2 DN sản xuất và tái chế nhựa là Thùy Dương, Thế Phương đều chưa tiến hành khắc phục ô nhiễm.

Trong đó, cơ sở của Công ty Như Ý khi sản xuất vẫn xả khí thải có mùi hôi, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Tại cơ sở sản xuất nhựa của Công ty Thùy Dương, rác thải ngập tràn xung quanh, đổ xuống con kênh gần đó.

 

Nhà máy Xi măng Long Thọ gây ô nhiễm rất nặng nề
Nhà máy Xi măng Long Thọ gây ô nhiễm rất nặng nề

 

Vào đầu năm 2015, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có kết luận khẳng định 4 cơ sở sản xuất này gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Theo kết luận, Công ty Hà Xuyên đã xả nước thải có thông số COD vượt 1,7 lần; màu vượt 14,5 lần; khí thải có thông số H2S vượt 1,9 lần; không xây lắp công trình xử lý khí thải. Công ty Như Ý xả nước thải có thông số màu vượt 26,9 lần; BOD5 18,5 lần; COD 9,8 lần; thải khí CO vượt 1,8 lần. DN Thùy Dương xả nước thải có BOD5 vượt 15,1 lần; COD vượt 17 lần; màu vượt 39,6 lần so với quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trong trường hợp thải lượng nước nhỏ hơn 5 m3/ngày...

Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định xử phạt Công ty Hà Xuyên trên 118 triệu đồng, Công ty Như Ý trên 120 triệu đồng, DN Thùy Dương trên 94 triệu đồng. Còn Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định xử phạt DN Thế Phương gần 59 triệu đồng.

Theo quyết định xử phạt, các cơ sở này phải tiến hành nộp tiền và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 6 tháng, chỉ có DN Như Ý nộp phạt.

Ông Phan Bồng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Thủy, cho biết ngoại trừ cơ sở Thùy Dương đang khiếu nại quyết định xử phạt, các cơ sở khác viện lý do kinh doanh sản xuất khó khăn. “Chúng tôi đã đề nghị cấp trên giám sát, buộc các DN nộp phạt và khắc phục ô nhiễm. Nếu các DN tiếp tục chây ì, chúng tôi sẽ tham mưu ra quyết định xử phạt bổ sung hoặc đình chỉ sản xuất, thu hồi giấy phép” - ông Bồng khẳng định.

Khó di dời

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế còn rất nhiều nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong danh sách cần di dời khẩn cấp nhưng chính quyền địa phương đang gặp khó khăn trong việc tìm phương án.

Nhà máy Xi măng Long Thọ (phường Thủy Biều, TP Huế) với trên 100 năm hoạt động hiện là một trong những cơ sở gây ô nhiễm trầm trọng nhất. Không những gây ô nhiễm môi trường, nhà máy này còn ảnh hưởng đến quy hoạch khu du lịch tại đây.

Ông Lê Viết Tuấn, sống cạnh nhà máy này, bức xúc: “Khói bụi của nhà máy xả ra rất kinh khủng khiến nhà tôi ngày nào cũng bị phủ một lớp trắng xóa. Người dân ở đây đã chịu đựng vài chục năm, giờ nghe thông tin di dời nhà máy ai cũng mừng nhưng đợi mãi chẳng thấy triển khai”.

Tương tự, Nhà máy Sản xuất gạch tuynel (phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà)thuộc Công ty CP Gạch tuynel số 1 Thừa Thiên - Huế cũng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến cảnh quan cửa ngõ phía Bắc TP Huế.

Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện UBND tỉnh đã có chủ trương di dời 2 nhà máy này. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang lập phương án di dời Nhà máy Xi măng Long Thọ, dự kiến vào cuối năm nay sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt. “Đã có phương án di dời nhà máy xi măng về cụm công nghiệp làng nghề Thủy Phương và sẽ chuyển sang sản xuất sản phẩm khác. Tuy nhiên, khó khăn của chúng tôi là bài toán về hỗ trợ kinh phí di dời là bao nhiêu? Việc tính toán chuyển đổi nghề nghiệp cho trên 100 lao động tuổi đã lớn như thế nào?” - ông Định nêu khó khăn.

Sống chung với mùi thuốc trừ sâu

Nhiều năm nay, người dân tổ 17, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy phải sống chung với mùi thuốc trừ sâu nồng nặc của Nhà máy Sản xuất thuốc trừ sâu chi nhánh 2 thuộc Công ty Thuốc sát trùng Việt Nam (Vipesco). Tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri, người dân đều tỏ ra bức xúc và kiến nghị chính quyền xử lý dứt điểm nạn ô nhiễm mùi thuốc trừ sâu của nhà máy này. Ông Phan Văn Thông, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, cho biết sau khi Vipesco có yêu cầu di dời nhà máy, chính quyền địa phương đã dẫn lên xã Phú Sơn chọn địa điểm cách đây gần nửa năm. Tuy nhiên đến nay, Vipesco vẫn chưa có động tĩnh gì.

Theo nld.com.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng