Một khối đá hình chóp đỉnh tháp tại núi Rùa.
Di tích quan trọng
Núi Rùa (tên chữ là Linh Thái, hay còn gọi là Quy Sơn) là một ngọn núi nhô lên như hình một con rùa nằm bên cửa biển Tư Dung (cũ) nay là cửa biển Tư Hiền, thuộc xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc. Buổi tọa đàm và chuyền đề một lần nữa hâm nóng lại di tích quan trọng đã bị “ngủ quên” một thời gian dài chưa được nghiên cứu và có hướng bảo tồn. Sau buổi tọa đàm, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán đã tổ chức chuyên đề khoa học giới thiệu di tích quan trọng này trên tập chuyên san Liễu Quán - Huế số tết Ất Mùi.
Theo đại đức Thích Không Nhiên, để thực hiện chuyên đề, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán đã tổ chức hơn 5 lần điền dã, phát quang và đã tìm thấy dấu tích nền móng, nhiều gạch, đá táng cột… của ngôi chùa Trấn Hải trên đỉnh cao nhất của núi Linh Thái. Ở ngọn đồi thấp hơn phía sau, đoàn cũng đã phát hiện dấu tích của một tháp Chăm đã đổ nát, trong đó một phần của thân tháp vẫn còn cùng với rất nhiều viên gạch. Đặc biệt, có hai trụ đá cao 2m, bề rộng mỗi mặt 40cm có khắc
chữ Chăm trên ba mặt, cùng nhiều phiến đá đã bị vỡ có hình tượng thần...
Cũng theo đại đức Thích Không Nhiên, trên núi Linh Thái, ở đỉnh núi cao nhất, nơi có dấu tích của chùa Trấn Hải là một khu vực bằng phẳng có diện tích vài ngàn mét vuông. Nếu tiến hành khai quật khu vực này sẽ biết được quy mô của chùa Trấn Hải một cách đầy đủ nhất.
Theo sách Nam triều cống nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, cho biết vào năm Bính Ngọ (năm Cảnh Trị thứ 4-1676) khi dạo chơi ở cửa Tư Dung, chúa Nguyễn Phúc Tần đã nhìn thấy trên đỉnh núi Linh Thái có một tháp Chăm đã hoang phế, nhưng vẫn rất linh hiển, người dân địa phương vẫn hương khói phụng thờ. Chúa đã sai quan thủ bạ Trần Đình Ân dời ngọn tháp Chăm ra ngọn đồi phía sau, rồi tiến hành xây dựng một ngôi chùa thờ Phật trên đỉnh núi, đặt tên là chùa Vinh Hòa. Sau khi Tây Sơn chiếm được kinh thành Phú Xuân (1786) ngôi chùa đã bị san phẳng.
Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) trong một lần tuần du nhìn thấy quang cảnh hoang tàn của ngôi chùa nên nhà vua đã đã cho tu sửa. Chỉ dụ về việc tu sửa lại chùa, nhà vua viết: “Nay chuẩn cho dựng lên ở núi Thuý Hoa (còn gọi là Thúy Vân- PV) một chùa, một gác, một tháp gọi là chùa Thánh Duyên; gác gọi là gác Đại Từ, tháp gọi là tháp Điều Ngự và dựng một chùa, một lầu ở núi Linh Thái, chùa gọi là chùa Trấn Hải, lầu gọi là lầu Vọng Hải để cho việc thờ Phật được trang nghiêm cùng với núi cao biển trong, bền vững lâu dài mãi mãi”. Trong khi chùa Thánh Duyên đến nay vẫn còn thì chùa Trấn Hải không biết đã sập đổ thời kỳ nào mà đến nay chưa có tài liệu nào nhắc tới.
Đề xuất hướng bảo tồn
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, thời Pháp thuộc, linh mục L.Cadie trong bài viết “Công trình và kỷ vật Chăm” đã khảo sát khu vực này và có bài viết mô tả chi tiết. Năm 1918, H.Parmentier trong công trình khảo cứu Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Trung (L’Inventaire descriptifs de monuments Chams de L’Annam) đã khảo tả một cách đầy đủ, kèm theo sơ đồ, bản vẽ nhiều dấu vết văn hóa Chăm ở núi Linh Thái.
Cũng theo ông Hoa, những người Pháp không chỉ nghiên cứu, khảo tả mà còn mang về ba bức tượng Chăm. Hiện tại ba bức tượng này, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Các nhà nghiên cứu có mặt tại buổi tọa đàm cho rằng, nếu giải mã được nội dung chữ Chăm trên những minh văn này thì sẽ làm sáng tỏ được nhiều điều thú vị từ di tích này.
Từ những dấu tích và tư liệu về di tích quan trọng này, nhà ghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, đề xuất: “Nền cũ chùa Trấn Hải và phế tích tháp Chăm Linh Thái đã bao năm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, linh khí một thời và dấu xưa vẫn còn đó, nên chăng Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế cần đứng ra vận động một cuộc đại trùng tu chùa Trấn Hải, gắn với việc tỉnh Thừa Thiên-Huế cần sớm tổ chức khai quật khảo cổ học khu di tích Linh Thái và hành cung Tư Hiền, tiến tới hình thành một đề án quy hoạch phát triển kinh tế-văn hóa vùng của biển Tư Hiền và đảo Huyền Trân lừng danh trước đây, kết nối với khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để trở thành một động lực phát triển ở cửa ngõ phía nam Thừa Thiên-Huế.
TS.Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cũng cho rằng, để có thể đánh giá một cách đầy đủ các di tích chùa Trấn Hải cũng như di tích Chăm trên núi Linh Thái, sắp tới cần có một cuộc khai quật khảo cổ học do cơ quan văn hóa thuộc nhà nước chủ trì. Từ đó, sẽ đánh giá một cách toàn diện để có hướng bảo tồn phát huy những giá trị của những di tích văn hóa độc đáo này.
Theo Bùi Ngọc Long ( TNO)