Quanh sàn diễn
Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 7: Rực rỡ và lặng thầm
09:21 | 17/07/2014

Đoàn kịch nói Kim Cương đã thành công rực rỡ và Kim Cương “trở thành người nghệ sĩ của nhân dân”. Nhưng bà đã dũng cảm rời xa ánh đèn sân khấu mà chọn công việc từ thiện, phục vụ người nghèo một cách thầm lặng.

Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 7: Rực rỡ và lặng thầm
NSND Kim Cương và Lương Thế Thành trong trích đoạn Bông hồng cài áo - Ảnh: H.K

Tràn đầy năng lực

Tuổi trẻ của Kim Cương đã được kích hoạt tất cả năng lực để bà làm việc đến quên mình. Bà đảm nhiệm một lúc 3 công việc diễn viên - tác giả - đạo diễn, mà cứ nhẹ như không. Bà cười: “Tôi bị dồn vô chân tường nên phải bật ra thôi. Thành lập đoàn kịch rồi, nhưng không tác giả nào viết kịch bản cho mình. Lý do: thời ấy cải lương đang mạnh, viết bảo đảm hơn, và còn lý do tế nhị là tôi trẻ quá, người ta không dám “mạo hiểm” với tôi. Thế là tôi phải tự viết cho mình, và ký tên Hoàng Dũng. Nhưng nhờ vậy mà tôi có thể trang trải sự “nổi loạn” bị dồn nén bấy lâu. Hồi đó tôi cứ hay tưởng tượng mình là người điên, rồi mình có bầu để mặc áo bầu thử xem, rồi mình đi bán hột vịt lộn, mình là dì phước trong nhà thờ… Hễ tưởng tượng ra cái gì là tôi viết nhân vật ra thế đó, rồi lên diễn thật sung sướng”. Đó là dấu ấn của Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Tôi làm mẹ, Vực thẳm chiều cao, Bông hồng cài áo… đã làm thổn thức hàng triệu trái tim khán giả.

Và dĩ nhiên, bà cũng là đạo diễn cho đoàn kịch của mình với một sự nghiêm khắc đáng nể. Nghệ sĩ Bảo Anh sau này thường đóng kép chung với bà, từng nói: “Cô Kim Cương kỹ lắm, vô tập là phải đúng giờ, phải thuộc thoại trôi chảy, phải nghiên cứu nhân vật tới nơi tới chốn, không được giỡn hớt. Đi lưu diễn cũng không được đánh bài, nhậu nhẹt quá đà làm mất thể diện nghệ sĩ. Nhờ vậy mà đoàn không bị tai tiếng. Chúng tôi rất thích sự nghiêm khắc ấy, để cho ra tác phẩm nghệ thuật tử tế”.

Thật sự, những nhân vật của Kim Cương mãi cho đến bây giờ vẫn khắc sâu trong lòng khán giả. Cô Diệu (Lá sầu riêng), bà Tư bán chè (Bông hồng cài áo) đều hy sinh đời mình cho con cái, vừa cam chịu vừa mạnh mẽ, không ai dám khinh thường, và là cái tát cho những kẻ giàu có hãnh tiến đã quên đi nhân nghĩa ở đời. Cô Bê và cô Bích (Dưới hai màu áo) lại là một trải nghiệm thú vị khi Kim Cương vừa ngây thơ chân chất bán hột vịt lộn đó thoắt cái đã hóa thân thành dân ăn chơi ngổ ngáo. Cứ như Kim Cương đang dạo chơi nghịch ngợm trong xứ sở thần tiên của sân khấu mà bà muốn hô biến thành cái gì cũng dễ ợt, tung tăng. Nói thật, thời trẻ nhiều người mê Bê và Bích lắm, vì nó không quá bi kịch như cô Diệu, mà nó vừa đủ răn đời, đủ tươi tắn, vừa đủ hiện đại, chinh phục khán giả trẻ vô cùng. Đến Tania (trong vở kịch cùng tên) thì lại bất ngờ bởi Kim Cương hóa thân thành người phụ nữ nước ngoài nhưng vẫn thật gần gũi và cảm động với người Việt. Tania với lối diễn khác hẳn, coi như một thử thách “làm mới mình” mà cả Kim Cương lẫn khán giả đều thú vị. Ấn tượng sao mà đẹp, mấy chục năm vẫn khó phai… 

Giã từ

Đoàn kịch Kim Cương sau giải phóng vẫn còn hoạt động một thời gian dưới mô hình đoàn tập thể. Nhưng rồi Kim Cương nghỉ hát, và 16 năm nay bà gần như lui về lo công tác từ thiện cho Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP.HCM. Bà cho biết: “Tôi không nói là bỏ nghề hay bỏ hát, mà chỉ thôi không xuất hiện nữa, để toàn tâm toàn ý lo cho sức khỏe của má và lo vận động kinh phí giúp người nghèo”. Đúng là dân trong nghề không ai dám nói là “bỏ hát”, mà chỉ tạm ngưng diễn mà thôi, ngưng đến khi nào thì tùy điều kiện mỗi người. Quả thật với vai trò phó chủ tịch hội, bà gánh trên vai một trọng trách rất lớn, tuổi lại cao, không thể kham cả sân khấu, nên bà quyết định chọn con đường từ thiện. Mỗi tháng bà phải tìm cho ra mấy trăm triệu đồng để hỗ trợ ăn ở và học nghề của mấy trăm người khuyết tật, thậm chí dạy nghề cho các em xong lại còn lo đầu ra cho sản phẩm. Mỗi cái tết, hội còn lo cả tỉ đồng cho 2.000 phần quà tặng người nghèo.

Bà mỉm cười: “Trời thương và mạnh thường quân cũng thương, nên tôi xin tiền không khó. Đôi khi cũng mệt trí lắm chứ, nhưng tôi nghĩ chắc trời Phật giao trách nhiệm cho tôi làm thì tôi phải làm, thôi đừng tơ tưởng tới sân khấu chi nữa. Hỏi tôi nhớ sân khấu hay không, tôi xin nói là có nhớ, nhưng không quá quay quắt, khổ sở. Vì tôi chỉ còn đoạn đời ngắn lắm, chỉ nên tập trung một thứ mà thôi. Còn chút thời gian rảnh thì tụng kinh, niệm Phật, đi chùa”.

Nhưng khán giả vẫn khao khát gặp lại bà, cho nên năm 2012 mới có một cuộc tái ngộ hoành tráng bằng live show Tạ ơn đời tại Nhà hát TP.HCM. Đúng hơn, như một lời tạ ơn khi bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Vậy là đủ cho mười mấy năm “xa nhau”, khán giả và đồng nghiệp trẻ đã cảm động khi thấy bà trút cạn sức lực cho sàn diễn. Và người ta vẫn rơi nước mắt với bà Tư của Bông hồng cài áo. Tâm hồn Việt vẫn đong đầy trong từng nét diễn mang thương hiệu Kim Cương…

Nguồn: Hoàng Kim - TNO

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng