Quanh sàn diễn
Việt Nam học làm phim ở Hollywood
09:20 | 06/10/2009
VI THUỲ LINHHollywood, kinh đô điện ảnh (ĐA) thế giới, là mơ ước, đích đến của nhiều nước. Việt Nam, được xếp hạng thuộc “thế giới thứ ba” cả về kinh tế và vị thế điện ảnh, vừa có mặt ở đây, một đoàn 13 nhà ĐA, hào hứng và quyết tâm để học. Vậy ở kinh đô ấy, họ đã nhận thấy điều gì?

Thực ra, trong những năm trước đây, phim VN đã đến Mỹ, trình chiếu tại các LHP, như Giải hạn (ĐD Vũ Xuân Hưng), giải khán giả LHP QT New Port Beach (quận Cam, bang California) năm 1999 hay Của rơi mới ra lò đã cùng ĐD Vương Đức có mặt tại New York dự LHP Tribecca lần thứ hai, LHP do siêu sao Robert de Niro sáng lập, kỷ niệm khu phố Mahattan trong sự kiện 11/9. Song lần này, quả là một sự kiện lớn: Lần đầu tiên ĐAVN học (chứ không phải “đem chuông đi đánh”) xứ người. Họ gồm 13 biên kịch, đạo diễn, quay phim của 4 hãng, hãng phim truyện Việt Nam (PTVN) 4 đạo diễn (ĐD) Vũ Xuân Hưng (phó GĐ), Lưu Trọng Ninh, Trần Lực, Nguyễn Thanh Vân, 2 quay phim (QP): Nguyễn Đức Việt, Lý Thái Dũng; Hãng PT1: QP Nguyễn Văn Nhiêm (phó GĐ), ĐD Nguyễn Quang; Hãng phim TL & KHTƯ: ĐD Lê Hồng Chương (phó GĐ); Hãng phim Giải phóng: ĐD Lê Đức Tiến (giám đốc); ĐD Lâm Lê Dũng, QP Phạm Hoàng Nam và 2 phiên dịch. Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh) làm trưởng đoàn. Vị “nữ tướng” này đã dẫn đầu đoàn các lãnh đạo hãng phim Việt Nam sang trao đổi kinh nghiệm, tham quan các trường quay tại Sydney và Melbourne (Australia) tháng 12/2003).

Chuyến du học Mỹ lần này, được quỹ Ford tài trợ, theo lời mời của bà Elizabet M.Daley, giám đốc School of Cinema and Television (trường ĐA và TH) thành lập năm 1929 thuộc University of Southem California (Đại học Nam California). Ra đời từ 1980, USC là ĐH lâu đời nhất của bang, gồm 17 trường học chuyên nghiệp, mà giảng dạy nghiên cứu văn hoá nghệ thuật là hoạt động trọng tâm. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, chuyến đi 30 ngày đàng (từ 23/6-23/7) đem lại cho các nhà ĐAVN nhiều mở mang, chuyển biến trong tư duy và cách thức làm ĐA. Nửa vòng trái đất cho một cuộc du học nối gần khoảng cách nghề nghiệp, tiến tới hội nhập, thật nhiều ý nghĩa.

Đoàn ở tại khoa Quốc tế của trường, 2 người một phòng, đủ tiện nghi, sử dụng hệ thống thiết bị, studio, máy quay, phòng dựng thoải mái, vì đây là dịp sinh viên đang nghỉ hè. Họ học, làm việc cật lực từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, trừ thứ bảy, chủ nhật. Trẻ nhất là QP Phạm Hoàng Nam (37 tuổi), lớn nhất là ĐD Lê Đức Tiến (55 tuổi) tất cả đều tận dụng triệt để thời gian với hiệu suất cao nhất; trong tư thế học viên. Ông Stephan Light Hill (một trong 200 nhà QP của Hiệp hội QP Mỹ) dạy về quay, xử lý hình ảnh. Chuyên gia gốc Ba Lan David J. Bondelevitch dạy về cách làm âm thanh Dolby Surround (lập thể), ông Norman Holym dạy quy trình dựng phim Avit (kỹ thuật số), ông Jack Epps dạy biên kịch. Trường còn mời cả ĐD James Hindman và Richard Fox nhà phát hành của hãng Warner Bross đến nói chuyện.

Nhà biên kịch Hồng Ngát, từng học tại trường điện ảnh VGIK (Liên Xô trước đây) cho biết “Tôi trao đổi cách viết KB mà Việt Nam vẫn làm và tôi được đào tạo, một KB phải có lớp lang, thắt - mở nút, cao trào, có quy tắc cơ bản về kỹ thuật. Song với biên kịch J.Epps, ông bảo: “Càng tự do càng tốt”. Tuy vậy, khi dạy, ông cũng chia KB ra: 10 phút mở, 10 phút kết, ở giữa là diễn biến câu chuyện”. Thực hành, là khâu trọng yếu của việc học. Các học viên VN được chia làm 4 nhóm, làm 4 tiểu phẩm từ 3-7 phút, dùng máy quay Hight Definition (HD- hình ảnh có độ nét cao), thu thanh đồng bộ - đúng như cách làm hiện nay của Hollywood. Nhóm Lê Đức Tiến, Phạm Hoàng Nam, Nguyễn Văn Nhiêm làm kỹ xảo; nhóm Nguyễn Thanh Vân, Lý Thái Dũng, Trần Lực làm trong trường quay; nhóm Vũ Xuân Hưng, Nguyễn Quang, Nguyễn Đức Việt, tiểu phẩm “Ăn trộm ô tô”; nhóm Lưu Trọng Ninh, Lê Hồng Chương, Lâm Lê Dũng làm phim hài cảnh sinh hoạt của người Mỹ. Sau đó, các thày xem và nhận xét. Các phim này sẽ được giới thiệu trên Điện ảnh chiều thứ bảy. Các thày đều chưa xem phim VN, và lần này họ được xem tác phẩm mà học trò đem sang, tuy không phải tất cả đều chiếu và nghe góp ý, vì thời gian ít. Lý Thái Dũng đã làm được điều đó, phim Thung lũng hoang vắng mà anh quay, được đánh giá đẹp về hình ảnh và anh tự tin, thoải mái khi trao đổi với các thầy với tư cách đồng nghiệp. Đoàn đã đến thăm hãng phim lớn Warner Bross và Universal, mỗi hãng đều đủ hết trường quay, xưởng máy, đạo cụ, phục trang và đều là hãng tư nhân nhưng kinh tế giàu mạnh, tự bỏ tiền sản xuất hàng chục phim nhựa/năm không cần xin tài trợ.

“Thế còn như ĐD Trần Anh Hùng ở Paris, muốn làm phim, phải đưa KB đến các nơi để chào hàng mới đầu tư, thì sao?” Nhà biên kịch Hồng Ngát thắc mắc. Đại diện hãng Universal đáp: “Đó là cách làm phim ít vốn. Còn chúng tôi chẳng phải chào hàng, vì mỗi hãng như một nhà băng”. Thường thì mỗi hãng làm 10 phim/năm, chỉ cần 2 phim thắng đậm, số còn lại thu hồi vốn bằng việc bán băng DVD và bản quyền cho truyền hình. Các biên kịch, đạo diễn, diễn viên Hollywood, làm giàu có không chỉ nhờ thù lao làm phim cao, mà là lợi nhuận được hưởng từ bản quyền phát hành... có khi là “ăn cả đời”, cứ mỗi lần phim chiếu họ lại có USD. Kể cả phát TV, vì TV phải mua mới được chiếu. Luật bản quyền rất chặt chẽ và được tôn trọng. Đây là vấn nạn với VN, vì tình trạng ăn cắp tác phẩm, ăn quỵt tiền tác quyền ở ta diễn ra tràn lan, không có biện pháp trừ triệt để vì luật chưa hoàn thiện và chặt chẽ. Đó chính là nỗi buồn mà ĐD Phillips Noyce phàn nàn với bà Hồng Ngát, khi ông mời bà đi ăn cơm tại một nhà hàng Nhật Bản và tới chơi nhà ông (có vợ và con gái) trên đồi Beverly Hill - nơi ở của các ngôi sao. Nhà ông Noyce ngay cạnh Sofia Coppla - người nhận Oscar 2004 (là con gái ĐD phim Bố già Francis Coppola). Người Mỹ trầm lặng của ĐD Phillip Noyce quay ở VN, họp báo ra mắt hai buổi ở HN và TP.HCM. Một tuần sau, đĩa lậu đã lưu hành. Phiên dịch cho biên kịch Hồng Ngát ở chuyến viếng thăm này là QP Lê Lân Quang (Cựu SV USC) - Việt kiều Mỹ.QP Lưu Hà (con trai NSƯT Lưu Xuân Thư, nhà QP thời chiến tranh) cũng đến thăm đoàn. Họ là Việt kiều Mỹ. Bộ phim Ký ức Điện Biên (ĐD Minh Tuấn) mà bà Hồng Ngát là tác giả, được đầu tư gần 13 tỷ đồng. Có vẻ 13 lại tiếp tục là con số không may mắn (?) khi phim gặp phải những rắc rối không đáng có và mọi cãi vã đều xoáy vào con số 13 tỷ VNĐ (!) Nhưng số tiền này đặt vào công nghiệp ĐA Hollywood, thì chẳng thấm vào đâu.

Theo Lý Thái Dũng, bộ phim nhựa Người hàng xóm (ĐD Phạm Lộc) mà anh quay chính (ra mắt tại Trung tâm chiếu phim quốc gia ngày 7/8/2004), số tiền làm tiền kỳ của nó, chỉ đủ ăn cho cả đoàn làm phim lớn của Mỹ... 1 ngày. Các nhà làm phim VN đã mua vé vào các rạp chiếu (11 USD/vé) để mục kích các phim mới hoành tráng như: Người nhện 2 (đầu tư 300 triệu USD), Ngày hôm kia, Thành Troy và đặc biệt 11 tháng 9 (ĐD Michael Mooror, chiến thắng giải phim hay nhất Oscar năm nay), Đoàn cũng đến thăm hãng sản xuất máy quay Panavision, hãng phim Kodak, đến đại lộ Sunset (Hoàng hôn), còn gọi là đại lộ Ngôi sao, nơi gắn trên 2000 ngôi sao ghi danh cùng vết bàn tay của những người nổi tiếng trong làng giải trí thế giới, tới phố Wall,đến nơi diễn ra lễ trao giải Oscar năm nay, thăm một trong các hãng làm hiệu quả đặc biệt (kỹ xảo bằng kỹ thuật số) nổi tiếng nhất. Các diễn viên ngôi sao đang kỳ nghỉ hè, nhất trong các trường quay vắng, chỉ có các nhân viên kỹ thuật làm bối cảnh trên cạnh và dưới nước. Nhìn họ thiết kế và dựng cảnh, mới thấy cái gọi là “thiết kế mỹ thuật” của VN quá thủ công. Chúng ta không có một trường quay tử tế, toàn dựa vào cái sẵn có, còn Hollywood tạo ra bối cảnh, đạo cụ - vì tiền thuê đắt, họ tự làm luôn,bằng các vật liệu xốp, nhẹ, đẹp như thật. Nếu ta luôn phải ức chế vì tiền ít, phải tiết kiệm phim khi quay, thường chỉ 3 đúp/cảnh, nhưng với Hollywood: “Phim Negatif là giấy nháp”, họ quay thoải mái, không hạn chế, khi nào được mới thôi, nên tâm lý diễn viên, quay phim rất thoải mái. (có lẽ đây là lý do cơ bản để phim Mỹ trên màn ảnh gây ấn tượng hiệu quả cuối cùng, nhờ DV diễn rất tự nhiên).

Ngày nghỉ “cánh đàn ông” rủ nhau tới Las Vegas, còn nữ trưởng đoàn shopping. Dù chỉ được phát 30 USD/ngày tiền tiêu vặt (45 USD bị trừ 15 USD tiền thuế), các ĐD, QP VN vẫn quyết đến sòng bạc nổi tiếng nhất thế giới, không phải để xem, mà chơi hẳn hoi. Nguyễn Thanh Vân, Lý Thái Dũng bị thua. Nguyễn Đức Việt, nhà QP “Đời cát”  thì thấy “đời nở hoa” vì thắng. Rồi 4 QP của đoàn không khỏi chạnh buồn khi nghĩ đến sự chậm của kỹ thuật, máy quay và cách làm phim VN.ĐA là ngôn ngữ hình ảnh, và nhà QP đem đến cho khán giả hành ảnh qua ống kính của họ. Tài năng, cảm xúc, tâm huyết đến đâu mà máy quay, thiết bị chiếu sáng lạc hậu, phim khó có chất lượng hình ảnh hoàn hảo, chưa kể dùng phim, máy dựng, in tráng không đồng bộ nên phim Việt Nam mới làm đã xước.

Nhà QP Lý Thái Dũng cho biết: “Hiện ở Mỹ, chủ yếu quay bằng máy kỹ thuật số cao cấp (HD) thay vì bằng phim thông thường, vì giá rẻ hơn, kỹ năng xử lý hình ảnh ở  khâu tiền kỳ, hậu kỳ rộng (công năng nhiều hơn), thu đồng bộ, còn VN vẫn chỉ dùng máy ARRI 3,4 (chậm vài đời máy), lồng tiếng, ĐAVN mới chỉ có 10% những gì liên quan đến sự đồng bộ - dẫn đến tính chuyên nghiệp, còn ở Hollywood: 100%. Thực ra, chúng tôi những nhà quay phim, là những người mong mỏi đột phá trong tạo hình nhất, chính sự bế tắc về hình ảnh với cách quay, phương tiện cũ, làm giảm khả năng biểu đạt của người QP “vẽ bằng ánh sáng”. Từ quay video clip đến quảng cáo hiện đại, tôi đã quay máy HD của Sony HongKong và tại Mỹ, tôi, Phạm Hoàng Nam không hề bị tụt hậu về bậc hiểu biết. Điều đó làm cho thầy dạy ngạc nhiên, họ phải chỉnh lý, nâng cấp chương trình giảng dạy”. “Có một cuộc cách mạng nào xảy ra trong tư duy làm nghề của các anh không?” Dũng khẳng định: “Không. Vì chúng tôi không lạc hậu về hiểu biết. Song, có những chuyển biến gia tăng trí thức rất có ích cho nghề của tôi. Đến Hollywood, chúng tôi có cơ hội được kiểm định những kiến thức của mình một cách có hệ thống”.

Trở về VN, mỗi người trong đoàn lại bận rộn với nhiều công việc khác nhau. Tại đây Lý Thái Dũng và Phạm Hoàng Nam không chỉ là những nhà quay phim có năng lực, mà còn làm thày giáo. Hè này, “mẻ” sinh viên đầu tiên sau 4 năm học do Lý Thái Dũng chủ nhiệm, ra trường. Còn phạm Hoàng Nam, mở cả Công ty làm quảng cáo, ca nhạc, nhưng vẫn nhiệt huyết dạy tại Cao đẳng SK-ĐA thành phố HCM. Những SV của các anh vẫn chưa được chạm tới công nghệ quay KTS. Sau 1 tháng làm học trò qua nửa vòng trái đất trở về, những người làm phim ĐAVN thấy chạnh buồn.

Nhưng chúng ta đã làm được những phim hay có vị thế cao trong khu vực ASEAN và có khát vọng. Khi chiếu Thung lũng hoang vắng cho thày xem, nhà quay phim nổi tiếng Hollywood ngạc nhiên kêu trời vì không thể tin những máy quay, cần trục, guy, dolly, ray đều cũ kỹ thế mà vẫn làm phim và làm phim hay, quay đẹp. Lý Thái Dũng nói “Lúc ấy tôi không thấy mặc cảm, mà chỉ thấy mình VN thật “vĩ đại”, bao gian khổ, thiếu thốn, thế mà chúng tôi vẫn yêu nghề, kiên nhẫn vượt bao khó khăn. Chúng tôi đầy khát vọng sáng tạo và vươn tới. Nhưng cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân”. Không, có nhiều cánh én cũng khát vọng ấy và khán giả, các nhà lãnh đạo hãng cho họ một bầu trời thuận lợi, miền đất lành trù phú, để niềm tự hào về sự “vĩ đại” kia, phải đạt đến tầm có những tác phẩm đỉnh cao ngang ngửa với thế giới, chứ không chỉ tự hào vì luôn là tấm gương vượt khó, chịu khổ.

V.T.L
(189/11-04)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng