Quanh sàn diễn
Từ múa hoa đăng cung đình đến vũ khúc Bài bông
09:31 | 04/09/2008
NGUYỄN NGHĨA NGUYÊNChúng tôi xem qua vô tuyến truyền hình nên nhìn đi mà không được nhìn lại, ấy thế mà tiết mục đã để lại ở chúng tôi một ấn tượng sâu sắc.Các nghệ nhân như những nàng tiên hai bàn tay cặp hoa đăng uốn lượn vẽ ra một dải Ngân Hà trong một ánh sáng và tiếng nhạc cung kính, trang nghiệm gợi ra một cảm giác xa xưa của một thời vang bóng.
Từ múa hoa đăng cung đình đến vũ khúc Bài bông

Một tiết mục nghệ thuật xuất sắc. Người phụ trách ca múa cung đình cho biết điệu múa được trình diễn vào những dịp triều đình có việc vui. Nó có thể từ múa Phật giáo và mang màu sắc múa Ấn Độ.
Từ vở múa Hoa đăng lấp lánh điệu múa hoa, chúng tôi lại liên tưởng đến điệu múa "Bài Bông" đã từng tồn tại trong quá trình phát triển của múa cung đình Việt Nam, kể cả múa cung đình Huế. Mong sao cùng với việc khôi phục và phổ biến vở múa Hoa đăng, Huế sớm phục dựng và giới thiệu vở múa "Bài Bông" với đông đảo công chúng cả nước.
Vũ khúc "Bài Bông" nguyên gốc là một vũ phẩm ca trù có từ đời nhà Trần...
Ca trù không phải duy nhất chỉ có hát mà cũng có bài vừa hát vừa múa. "Bài Bông'' là bài vừa hát vừa múa hoa. Hoa ở đây là hoa đăng. Xuất xứ của nó như sau.
Năm 1288, sau khi đánh bại Mông - Nguyên lần thứ hai, vua Nhân Tông cho mở Thái bình diên yến ba ngày để ăn mừng chiến thắng, Văn Chiêu Vương, Trần Nhật Duật đã chế tác ra bài này, ca từ bằng chữ Hán, ca ngợi cảnh bốn mùa (tứ thời), nhạc điệu đĩnh đạc, cung kính. Về mặt vũ đạo không dùng ngôn ngữ cơ bắp, các nghệ nhân trang phục như những nàng tiên, đôi bàn tay bên sấp bên ngửa (âm dương) cặp hai ngọn đăng, theo tiết tấu của đàn hát mà tiến lùi, uốn lượn, dàn thành đường tròn, đường ngang, đường dọc, lúc chụm lại, lúc dãn ra, cứ năm nhịp (ngũ hành) lại đổi tư thế, từ thân mình đến đầu cổ, tay chân, bàn tay sấp chuyển thành ngửa; bàn tay ngửa chuyển thành sấp. Các lớp múa tiến triển theo quy luật âm dương ngũ hành và cuối cùng vẽ thành một hình bát quái biểu hiện 8 hiện tượng cơ bản của vũ trụ: Càn (trời), Khôn (đất), Chấn (sấm sét), Tốn (gió), Khảm (nước), Ly (lửa), Cấn (núi), Đoài ( đồng cỏ).
Diễn xướng "Bài Bông" phải 64 nghệ nhân với 128 hoa đăng tạo thành một cảnh hoành tráng và hùng vĩ.
Thời Tam Quốc, Khổng Minh lập trận đồ bát quái đã đánh bại quân Tào hùng mãnh. Vua Trần cùng các vương hầu, tướng lĩnh với những chiến lược, chiến thuật khôn khéo và tài giỏi đã đánh tan Mông Nguyên, một kẻ thù khổng lồ. Ý nghĩa của "Bài Bông" thật là lớn lao và sâu xa.
Rút gọn lại với 8 nghệ nhân, các gánh hát ca trù đã đem "Bài Bông" diễn Xướng ở đình làng để đông đảo dân chúng thưởng thức.
Huế xa xưa không phải là đất ca trù, nhưng từ khi Huế là kinh đô của cả nước thì những tinh hoa văn hóa dân tộc ở các nơi đều được đưa về đây.
Vua Gia Long lên ngôi Hoàng đế ngày 1 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802) thì tháng 7 năm đó đã có chỉ dụ chọn 50 ca công hai tỉnh Thanh, Nghệ để cuối mùa đông dân ca nhạc tế Thái miếu. Kép Phan Phú Gia ở Cổ Đam - Nghi Xuân, Hà Tĩnh được cử làm Cai ty của ngũ giáo phường.
Đời Minh Mạng ngũ giáo phường đổi là Thanh Bình thự. Phan Phú Truyền con Phan Phú Gia là thự trưởng, kiêm chức thị xướng phụ trách việc chầu hát ở cung điện. Kiêm quản nghệ nhân tuyển chọn từ Quảng Bình ra Bắc Hà.
Chắc hẳn "Bài Bông" như miêu tả trên đây cũng đã được diễn xướng ở cung đình Huế.
Đây là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, tính đến nay sức sống trên 700 năm tuổi.
Những lễ hội lớn như Festival Huế và nhiều nơi khác, "Bài Bông" nếu đem ra diễn xướng, giới thiệu đầy đủ, chắc hẳn sẽ được đón nhận một cách nồng nhiệt.
Nghệ An ngày 12 - 5 - 2002
N.N.N
(nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng