Sân khấu Huế
Nghệ thuật tuồng cung đình Huế: Tiếp cận kiểu loại và nội dung tư tưởng qua hai vở tuồng 'Sơn Hậu' và 'Ngọn lửa Hồng Sơn'
14:48 | 20/09/2021


TRƯƠNG TRỌNG BÌNH

Nghệ thuật tuồng cung đình Huế: Tiếp cận kiểu loại và nội dung tư tưởng qua hai vở tuồng 'Sơn Hậu' và 'Ngọn lửa Hồng Sơn'
Ảnh: internet

1. Đặt vấn đề

Trong di sản nghệ thuật diễn xướng truyền thống Việt Nam, tuồng cung đình mang nhiều dấu ấn giá trị bản sắc đặc trưng, cả trên phương diện nội dung cũng như phương thức thể hiện. Huế là kinh đô cuối cùng của triều đại nhà nước phong kiến Nguyễn nên nghệ thuật tuồng cung đình Huế là một phần quan trọng khi tìm hiểu về nghệ thuật diễn xướng cung đình truyền thống Huế.

Suốt diễn trình lịch sử hình thành và phát triển, nghệ thuật tuồng nói chung và tuồng cung đình Huế nói riêng bao gồm nhiều kiểu loại: Tuồng ngự (dành cho vua), Tuồng pho (dài đến hàng chục hồi), Tuồng thầy (nổi bật tính chất mẫu mực trong giá trị nội dung và nghệ thuật, trở thành “giáo trình” trao truyền nghệ thuật tuồng, tiêu biểu như hai vở Sơn Hậu Ngọn lửa Hồng Sơn). Qua khảo sát hai vở tuồng thầy Sơn Hậu Ngọn lửa Hồng Sơn, có thể thấy nổi bật tư tưởng trung quân ái quốc, với sự đối lập chính nghĩa - phi nghĩa và ở hai vở tuồng cung đình này, thực sự là “sân khấu của những người anh hùng” đã hy sinh bản thân để đi đến kết cục “có hậu” của những con người chính nghĩa. Tuy nhiên, cái cam go duy nhất ngăn cản họ chính là luân thường, đạo nghĩa, những mảnh ghép đời tư “trở thành ranh giới” giữa những cá nhân trong mỗi gia đình theo lối tương phản, như cha trung - con phản; cha phản - con trung..., từ tính đối lập đó để tạo nên kịch tính, gay cấn trong nội dung vở diễn.

2. Các kiểu loại của nghệ thuật Tuồng

Dưới thời Nguyễn, nghệ thuật tuồng truyền thống đạt đến nhiều thành tựu rực rỡ, thực sự là thời đại hoàng kim. Thời Tự Đức, văn học phát triển, nhất là khi Ban Hiệu thư được thành lập, trở thành tổ chức chuyên sáng tác, nhuận sắc, chỉnh lý, hiệu đính tuồng. Nhờ đó, đã xuất hiện các vở tuồng quy mô lớn như Vạn bửu Trình tường, Quần phương Hiến thụy…, gắn liền với những tên tuổi lớn như Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Gia Ngoạn, Nguyễn Văn Diêu… Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều vở tuồng khuyết danh như Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương (sau đổi tên thành Ngọn lửa Hồng Sơn),… mà đến nay, vẫn được xem là những vở tuồng kinh điển. Có thể nói, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, nghệ thuật tuồng nói chung, tuồng cung đình Huế nói riêng đã hình thành nhiều kiểu loại, được thể hiện đa dạng về mặt thể tài.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy nghệ thuật tuồng có nhiều tên gọi với nhiều kiểu loại khác nhau, như Tuồng cổ, Tuồng pho, Tuồng cung đình, Tuồng truyền thống, Tuồng thầy, Tuồng liên hồi, Tuồng kinh, Tuồng ngự, Tuồng văn thân, Tuồng tiểu thuyết, Tuồng cương, Tuồng xinêma, Tuồng đồ, Tuồng hài, Tuồng lịch sử, Tuồng cận đại...

Hoàng Châu Ký trong Tuồng cổ đã phân loại “Tuồng cổ là những kịch bản cổ nhất hiện chúng ta có như các vở: Sơn Hậu, Ngọn lửa Hồng Sơn, Giác oan, Dương Chấn Tử, Đào Phi Phục, Lý Phụng Đình, Hồ Thạc Phủ...” và “Tuồng cung đình là loại kịch bản tuồng do các nhà văn trong giới quan liêu sáng tác dưới sự bảo trợ của triều đình nhà Nguyễn, tập trung nhất là dưới thời vua Tự Đức, như các vở: Võ Nguyên Long, Đãng Khấu Chí, Vạn Bảo trình tường, Quần phương hiến thụy...1 Đồng thời, ông cũng coi “Tuồng dân gian gồm những vở như: Mã Phụng Cầm, Lý Ân Lang Châu, Xuân Đào lóc thịt... Các vở tuồng thuộc loại này có nội dung như những chuyện nôm thế kỷ XVIII”, và “Tuồng đồ chỉ dành riêng cho loại kịch bản hài hước, châm biếm mang tính chất hài kịch và nhân vật trong đó thông thường là có địa vị xã hội từ vị trí huyện trở xuống, chẳng hạn như các vở: Nghêu Sò Ốc Hến, Xã Vịt, Trần Bồ...” cũng như nhắc thêm đến Tuồng thân văn, Tuồng tân thời, Tuồng hiện đại, Tuồng lịch sử...2.

Một ý kiến khác, Lê Ngọc Cầu trong Tuồng hài lại chia các vở tuồng trước năm 1945 thành hai loại, là Tuồng cổ điển (hoặc Tuồng thầy) và Tuồng dân gian.3 Tuy nhiên, Xuân Yến lại cho rằng “cách phân loại như thế thật chưa hợp lý, vì có nhiều vở ra đời trước năm 1945, nhưng không phải là Tuồng cổ điển. Chẳng hạn như các vở: Tượng kỳ thí xa của Hoàng Cao Khải, Kim - Thạch kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa, Trưng Vương của Phan Bội Châu, hoặc như các vở được sáng tác vào những năm ba mươi: Cờ trắng rừng xanh, Ai lên phố Cát, Gươm tình đẫm máu v.v. Những vở nói trên chẳng những không thể gọi là Tuồng cổ, mà cũng không phải là Tuồng thầy. Hơn nữa, có những vở Tuồng cổ, mà cũng không phải là Tuồng thầy”.4

Ở đây, chúng tôi không tham vọng đặt ra để phân loại, phân tích nghệ thuật tuồng theo từng kiểu loại khác nhau bởi mỗi tác giả nghiên cứu về nghệ thuật tuồng đã có cách phân loại khác nhau về các kiểu loại tuồng. Trong cách phân chia, xét trên bình diện chung nhất, Hoàng Châu Ký cho rằng tuồng cổ là những kịch bản cổ nhất hiện có (Sơn Hậu, Ngọn lửa Hồng Sơn...); Tuồng cung đình là loại kịch bản tuồng do các nhà văn trong giới quan liêu sáng tác dưới sự bảo trợ của triều đình nhà Nguyễn. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy vẫn chưa hợp lý, thậm chí còn mâu thuẫn, bởi vở tuồng Sơn Hậu, theo Từ điển văn học Việt Nam thì “Đào Duy Từ có công phát triển nghề Hát Bội, là người khởi thảo vở tuồng Sơn Hậu...”.5 Sau này, một số tác giả là quan lại dưới triều Nguyễn, trong đó có Đào Tấn, đã thêm bớt một số lớp để hoàn thiện vở tuồng này nhưng về căn bản vẫn giữ nguyên cốt truyện, chủ đề tư tưởng, tính cách nhân vật, bố cục vở. Vậy, nếu phân chia như Hoàng Châu Ký thì Sơn Hậu phải là tuồng cung đình, bởi nó được Đào Duy Từ khởi thảo khi ông làm Nha úy Nội Tán, tước Lộc Khuê Hầu, trông coi việc quân cơ trong ngoài, tham lý quốc chính, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635).

Chúng tôi cho rằng ngoài những kiểu loại Tuồng đồ, Tuồng dân gian, Tuồng lịch sử..., thì những vở tuồng cổ như Sơn Hậu, Ngọn lửa Hồng Sơn, Giác oan, Dương Chấn Tử, Đào Phi Phụng, Lý Phụng Đình, Hồ Thạc Phủ...; hay tuồng cung đình (theo Hoàng Châu Ký, do các quan lại triều Nguyễn sáng tác) như Võ Nguyên Long, Đãng Khấu Chí, Vạn Bảo trình tường, Quần phương hiến thụy... đều thuộc “hệ thống” Tuồng cung đình (chúng tôi nhấn mạnh), bởi nó được biên soạn, hiệu chỉnh bởi giới quan liêu triều Nguyễn, được hoàng đế phê chuẩn, được trình diễn trong chốn cung đình để nhà vua, hoàng thân quốc thích, các quan đại thần... thưởng lãm.

Nghệ thuật tuồng là tổng hợp của cả quá trình sáng tạo và không ngừng bồi đắp của nhiều thế hệ nghệ sỹ. Xuất phát từ quy luật phát triển của nghệ thuật và nhu cầu thưởng thức của khán giả đối với nghệ thuật tuồng, hệ thống Tuồng cung đình được phân nhóm thành ba kiểu loại sau:

(1) Tuồng ngự: Tuồng dành cho vua xem.

(2) Tuồng pho (Tuồng trường thiên): Loại tuồng dài từ hàng chục hồi trở lên, tiêu biểu là vở Vạn bửu trình tường, Quần phương tập khánh.

(3) Tuồng thầy: Loại tuồng mẫu mực, có giá trị hơn về nội dung và nghệ thuật được giới nhà nghề sử dụng và trao truyền nghệ thuật Tuồng.

Sơn Hậu Ngọn lửa Hồng Sơn là hai vở tuồng thầy có thể xem là mẫu mực nằm trong hệ thống Tuồng cung đình Huế. Ở hai vở tuồng này, những nghệ nhân, nghệ sỹ đã sử dụng các “mảng”, “miếng” để truyền nghề cho hậu bối. Đặc biệt ở đây, đặc trưng kịch bản được xây dựng theo từng lớp, từng hồi để kể về trình tự câu chuyện xảy ra trong chốn cung đình, nên nội dung của nó có thể tách ra từng lớp để trình diễn cùng với tên gọi riêng. Trong nội dung vở tuồng Sơn Hậu, các trích đoạn được tách ra như Kim Lân qua đèo, Ôn Đình chém Tá, Kim Lân biệt mẹ, Kim Lân thượng thành... Tương tự là với vở Ngọn lửa Hồng Sơn, các trích đoạn được tách ra như Lão Tạ lên chùa, Phương cơ qua ải, Tế sống, Lăn lửa...

Điểm cần chú ý trong hai vở tuồng Sơn Hậu, Ngọn lửa Hồng Sơn, tương tự, phổ biến như trong các vở tuồng cung đình khác, là luôn nổi bật nội dung trung quân, ái quốc. Tư tưởng Nho giáo giữ vai trò chính yếu, với tam cương, ngũ thường cùng các học thuyết về đạo đức xã hội, hình thành nên hệ chuẩn mực đạo đức luân lý lẫn pháp lý nghiêm minh đến khắt khe, cụ thể chi tiết.

3. Nội dung
3.1. Tư tưởng trung quân ái quốc


Đặc trưng kịch bản của nghệ thuật tuồng cung đình nói chung và đặc biệt như ở hai vở tuồng Sơn Hậu Ngọn lửa Hồng Sơn, nổi bật tính chất ca ngợi những anh hùng trung quân gắn liền đồng nhất với ái quốc, bởi “...đó là không khí hừng hực chiến đấu, hy sinh của những con người ‘phơi gan đắp lũy, lột da bồi thành’ để bảo vệ triều đại và giữ gìn đạo lý. Hình tượng các nhân vật trung tâm có sức lay động mạnh mẽ, bởi nó hàm chứa những giá trị thẩm mỹ sâu sắc. Hành động của họ cao cả, phi thường, đầy chất lý tưởng, các tác giả đã kết hợp chất hùng tráng với chất bi thương, tạo nên xúc cảm thẩm mỹ về một sự trác tuyệt đầy thán phục. Hình tượng các nhân vật trung tâm chứa đựng một vẻ hùng tráng, có tầm vóc lớn và phẩm cách cao cả - đó là phẩm cách của người anh hùng”.6

Nhìn chung, nội dung cơ bản mà ta có thể nhận thấy rõ trong hai vở tuồng Sơn Hậu Ngọn lửa Hồng Sơn là nhằm phản ánh trật tự xã hội đương thời, một trật tự “chúa sáng tôi hiền” lý tưởng. Hai vở tuồng này được xây dựng vận động theo công thức, như câu nói lưu truyền của giới nhà nghề xưa nay: “Vua băng, nịnh tiếm, bà thứ mắc nạn, ông trạng bị vây... chém nịnh định đô, tôn vương tức vị”.7 Bên cạnh đó, sự vận động trật tự “quân - sư - phụ” được đề cao, nên lòng ái quốc và ý thức trung quân luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Hình ảnh những người anh hùng có tư tưởng trung quân ái quốc trong kịch bản tuồng cung đình qua hai vở Sơn Hậu Ngọn lửa Hồng Sơn được phản ánh bắt đầu khi triều đại suy tàn (tượng trưng bằng sự kiện vua cũ băng hà), tên Thái sư - một thế lực thứ hai sau vua có ý đồ phản loạn, nên đã thực hiện việc chiếm đoạt ngai vàng. Trong vở Sơn Hậu, vua ốm nặng, Thái sư Tạ Thiên Lăng lập ra “Tiểu giang sơn” với mưu đồ soán nghịch. Sau khi vua băng, Tạ Thiên Lăng tiếm ngôi vua và hạ ngục thứ phi vốn đang mang thai. Trước đó, biết Tạ Thiên Lăng lập mưu chiếm đoạt ngai vàng, Đổng Kim Lân đã kéo quân đến đánh phá “Tiểu giang sơn” nhưng thất bại trước bọn Tạ Ôn Đình (em của Tạ Thiên Lăng) nên đành trá hàng, nói thác là kiếm cớ đánh nhau để Tạ Thiên Lăng thấy rõ tài năng của mình mà sử dụng cho đúng.

Đổng Kim Lân:

- (Bớ bây, tao hỏi)
Bia Mãng còn để lại
Gương Tào chẳng soi qua.
Sao nhà ngươi tiếm lễ quốc gia,
Cố lập tiểu giang sơn dường ấy
(Bớ Thiên Lăng! Như ngươi)
Vi thần đà bất ngãi
Sự chủ lại vô ơn.
Hại người lành có chỉ bổ thiên
Trừ đấng ngỏ hữu cong dục nhật
8
Trời dẫu sinh hai mặt
Nước dễ có hai vua
Ba đời mày hưởng lộc Tề đô
(Sao mà) Anh em gã cướp ngôi Thiện đế.
...

Tạ Thiên Lăng:

Quả quyết chân quả quyết!
Kim Lân hỡi Kim Lân!
(Ôn Đình)
Ôn Đình em khá gắng sức thần,
Chém đầu Đổng để răn muôn chúng.


Ở đoạn đối thoại này, tư tưởng trung quân ái quốc của Đổng Kim Lân đã thể hiện rõ thông qua ngôn từ đối thoại với Tạ Thiên Lăng: “Ba đời mày hưởng lộc Tề đô/ (Sao mà) Anh em gã cướp ngôi Thiện đế”. Ở đây, những người anh hùng như Đổng Kim Lân muốn lấy chính nghĩa diệt trừ phi nghĩa. Tuy nhiên, sức người có hạn, Đổng Kim Lân không thể đánh lại anh em nhà họ Tạ.

Thiên Lăng:

...
(Các em! Đình thương đã, để anh nói với tướng quân Đổng Kim Lân. Bớ tướng quân Kim Lân!)
Tiếng ngươi là danh tướng
Sao chẳng biết vận thời
(Có chữ rằng) Lương cầm trạch mộc nhi thê
Hiền giả trạch quan nhi sự
9
(Như người) Khứng đầu họ Tạ10
Đặng chớ nghiệp Tề
Chữ công hầu cũng chẳng mất chi.

Đổng Kim Lân:

Đố Thái sư có biết
Lòng mỗ muốn đầu ai?

Tạ Thiên Lăng:

(Mần răng ta lại chẳng biết, tướng quân là trí tướng)
Tới ra tài cho biết sức tài
Thiệt nhà gã về đầu họ Tạ (chớ đầu ai).

 
Đổng Kim Lân:

Khoái giả, khoái giả
Hoan tai, hoan tai
Trúng ngô tâm đại khoái
(chư tướng!) Kíp hạ mã đẩu lai.
11

Để tỏ lòng trung quân ái quốc, không chỉ Đổng Kim Lân đến đánh phá “Tiểu giang sơn” của Tạ Thiên Lăng, mà còn có Khương Linh Tá. Tuy nhiên, Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá là những con người nghĩa khí đã từng cùng nhau xông pha trận mạc, phục vụ lòng trung quân đối với “Tề triều”, do đó khi thấy Đổng Kim Lân ngồi uống rượu cùng Tạ Thiên Lăng, mà Khương Linh Tá cũng đã trá hàng.

Khương Linh Tá:

...
Vì lòng phò tân chủ
Ai dám đương cùng mỗ
Mặt nào cự lại min?
Sẽ nhường cho phá tiểu giang sơn
Thiệt mặt ấy gánh Tề thổ vũ

Tạ Thiên Lăng:

(Hảo a!) Chim khôn chọn cây lành mà đỗ
Tôi hiền tìm chúa sáng mà thờ
(Ta khá khen)
Đổng về ta Khương cũng về ta
Hai người phụ, bốn phương đều phụ
Toàn quân phú quý
Công hưởng nhất trường
Vỗ tay nổi sắc cười dài
Khen hai gã đầu minh khí ám.
12

Trong hai vở tuồng cung đình Sơn Hậu Ngọn lửa Hồng Sơn, hành động của những con người trung nghĩa luôn tuân thủ, đi theo một dạng thức, khuôn mẫu: khi phát hiện sự việc tiếm ngôi vua của tên Thái sư, tất cả họ đều phản kháng mạnh mẽ. Nhưng do bị yếm thế, nên đều tạm trá hàng để chuẩn bị cho một “đợt phản kháng” khác mạnh mẽ hơn. Do đó, tương tự như trong tuồng Sơn Hậu, thì trong Ngọn lửa Hồng Sơn, nhà vua băng hà và có chỉ dụ để lại cho chánh cung hoàng hậu lúc này đang mang thai sẽ thay vua nhiếp chính, đợi khi hoàng tử ra đời. Tuy nhiên, do tên Thái sư Triệu Văn Hoán đã âm mưu tiếm đoạt ngai vàng từ lâu nên vua vừa băng hà, bọn chúng liền giáng họa cho chánh cung có tư tình riêng và muốn tiếm đoạt ngôi vua, bắt chánh hậu giam vào ngục thất. Lúc này, Lý Khắc Minh - một trung thần biết mình không thể đối chọi lại được Triệu Văn Hoán, luôn có một võ tướng uy dũng Tạ Kim Hùng ở cạnh bên, đành phải giả xuống giọng xuôi theo Triệu Văn Hoán:

Lý Khắc Minh:

(Thưa ngài) Đại quan đà nghị định
Dường ấy thiệt chí công
Nay Nguyên gia ít mặt anh hùng
Một trung tể trót tài văn võ
Nên ngồi trên trăm họ,
Đáng vỗ trị muôn dân.


Tuy vậy, với tính khí trung trực ngay thẳng nhưng nóng nảy, Quảng Hợi, một trung thần của tiền triều lại có cách bày tỏ thái độ:

Quản Hợi:

(Chao ôi! Lão đây)
Thính thuyết thông hồng mãn diện
Nga văn hóa phát xung can
13
...

Triệu Văn Hoán:

- (Từ từ lời không bị mất đầu bây giờ).

Quảng Hợi:

- (
Có chém thì nên chém mày)
Mặt phản nghịch rõ thằng Văn Hoán
Lời a dua thêm lão Khắc Minh
(Lão hỏi: Cơm của ai? Áo của ai, có phải là)
Đã ấm thân hưởng lạc thái bình
(mà bây giờ) Tâm bất định, tâm bất định
(Tiên đế ơi!) Khổ nan thân, khổ nan thân
14
Tuốt gươm vàng giết lũ phi nhân,
Cởi đai ngọc trừ phường đại tội
(Quảng Hợi nhảy lên định giết Văn Hoán thì bị Kim Hùng bắt)

Triệu Văn Hoán:

Phó Kim Hùng dẫn khỏi nội thành
Y quốc pháp tức thì trảm thủ

Lý Khắc Minh:

Xin đại quan giảm nộ
Cho lão kíp phân trần
(Nay quan thái sư sắp lên chấp chính mà ngài)
Đã ra tay sát hại cựu thần
E mang tiếng thần dân dị nghị
...

Triệu Văn Hoán:

Thiên kim dị đắc
Nhất ngữ nan cầu15

(Vậy, ta nhậm ngôn. Nội thị ta truyền) Quảng Hợi nên giam hạ ngục tù.

Có thể thấy, cách trá hàng và sự biểu thị có khác nhau, nhưng nhìn chung kiểu trá hàng của Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá trong Sơn Hậu, hay Lý Khắc Minh trong Ngọn lửa Hồng Sơn đều có chung hoàn cảnh, đó là “nín thở qua sông”, chờ cơ hội để thể hiện lòng trung của mình đối với triều vua cũ.

Những người anh hùng trong tuồng Sơn Hậu Ngọn lửa Hồng Sơn luôn tích cực đấu tranh, phấn đấu vì chính nghĩa, không tham danh lợi, không sợ hiểm nguy, chết vì tương lai chứ không chết vì tuyệt vọng. Trong vở tuồng Sơn Hậu, Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá đã thề nguyền cùng nhau:

“Đổng, Khương hai họ
Linh Tá, Kim Lân
Xin thề trước quỷ thần
Nguyện đồng tâm báo quốc”.


Còn trong tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn, Triệu Tư Cung là con của Triệu Văn Hoán, biết cha mình tiếm đoạt ngôi vua đã hết lòng can ngăn, nhưng không được nên đã dứt bỏ cuộc đời trần tục để vào nơi cửa Phật, theo kiếp tu hành. Tuy vậy, bởi “U ẩn ai thấu tỏ nỗi lòng”, trên đường Triệu Tư Cung đã gặp Tạ Ngọc Lân, trước đây từng làm quan trong triều nhưng do bất mãn với Triệu Văn Hoán nên ông đã cáo lão về quê. Sau đó già - trẻ đã tỏ nỗi lòng cùng nhau: “Đền nợ nước già toan hết sức. Trả ơn vua trẻ nguyện phơi gan”.

Có thể thấy, trong tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn, tư tưởng trung quân ái quốc là sự đối lập giữa chính nghĩa và phi nghĩa trong những phạm vi, không gian cụ thể. Tính chất và liệu pháp điển hình hóa trong trường hợp này được thể hiện rõ nét, tiêu biểu khi cha đại diện cho trung thần thì con lại là phản thần, và ngược lại, nếu cha đại diện cho phản thần thì con là trung thần. Vấn đề này được thể hiện rõ nét khi Tạ Kim Hùng (con trai Tạ Ngọc Lân) chạy theo phò tá Triệu Văn Hoán khi tên thái sư chiếm đoạt ngai vàng, và sau này trở thành kẻ thù nguy hiểm của những người trung liệt.

“Giận con giặc, dạ không nguôi dạ
Hiềm tôi gian, lòng những căm lòng”.


Cùng với Triệu Tư Cung, Tạ Ngọc Lân quyết lao vào cuộc chiến đấu, ông đã phải ra tay trừ khử đứa con bất nhân bất nghĩa bất hiếu của mình để bảo vệ triều đại chính thống bởi Tạ Kim Hùng ngày càng hung bạo, nếu không trừ khử thì chắc chắn phe trung thần không thể tái phục cơ đồ. Và cũng như vậy, Triệu Tư Cung đã chống lại chính kiến của cha mình nên bỏ đi tu, nhưng không an tâm về thời cuộc:

“Cởi cà sa gửi lại sơn đầu
Huy song phủ cứu lai nữ chúa...”


Hành động từ biệt cửa chùa để quay về với cuộc chiến đấu của Triệu Tư Cung đã phải trải qua bao nỗi đắng cay, dằn vặt:

“Xét thân hổ với cao dày
Phơi gan giúp chúa, chau mày phụ cha
Tưởng oan gia càng sa nước mắt
Gươm anh hùng trổ mặt từ bi”


Đồng thời, trong tuồng Sơn Hậu, Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá cũng đã thể hiện ý thức trung quân ái quốc của mình khi phò thứ phi đào tẩu khỏi sự giam giữ của Thái sư Tạ Thiên Lăng. Công việc cứu Thứ phi bị bại lộ, bọn gian thần mang quân đến nhà Đổng Kim Lân vây bắt, Khương Linh Tá vội vàng đến báo tin cho bạn. Trong lúc Tạ Kim Lân bối rối và tuyệt vọng, Khương Linh Tá đã nói:

“Anh hùng chẳng sợ thác
Sợ thác chẳng anh hùng.
(Bây giờ)
Anh phò Hoàng tử, Thứ cung
Mau ra chốn Đồng quan lánh nạn”


Về phần mình, Khương Linh Tá nguyện ở lại ngăn quân giặc để Đổng Kim Lân phò hoàng tử và thứ phi chạy thoát. Hành động của Khương Linh Tá một mình một ngựa xông pha trận mạc để ngăn quân giặc và sẵn sàng hy sinh là hành động của con người nghĩa khí. Trước hai thế lực trung chính và gian tà, những người anh hùng trong hai vở tuồng cung đình Sơn Hậu Ngọn lửa Hồng Sơn luôn đứng về phía trung chính, bởi họ ý thức được việc làm chính nghĩa vì giang sơn đất nước của mình. Trong cuộc đấu tranh vì chính nghĩa, họ sẵn sàng đón nhận hy sinh vì nghĩa vụ khôi phục triều đại. Tuy nhiên, cái chết của họ là cái chết được sử sách nêu gương, điều này có thể thấy rõ qua những hoàn cảnh khác nhau trong hai vở tuồng này. Khi chia tay với Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá đã nói:

“Sống chết có làm sao đâu, nếu tôi chết đi thì:
Miếu trung thần tạc để làm gương”


Còn Tạ Ngọc Lân, khi có ý định đốt trại doanh và giết Tạ Kim Hùng, đã đối đáp với các trung thần nghĩa sỹ:

“... Thừa cơ đốt trại doanh gây rối
Cố sắc ngăn con trẻ bí đường
(nói thiệt là)
Trong lửa hồng cha con lão có phơi xương
(thì) Ngoài trời thẳm, nước non nhà mới rạng vẻ”.


Với nghệ thuật tuồng nói chung và tuồng cung đình nói riêng, đặc biệt là qua hai vở Sơn Hậu Ngọn lửa Hồng Sơn, có thể nói đây chính là “sân khấu của những người anh hùng”. Họ là những người đã nằm gai, nếm mật, hy sinh bản thân để tìm lại cái kết cục “có hậu” của những con người vì chính nghĩa. Do đó, khi kết thúc vở tuồng, phe trung thần đã chiến thắng, khôi phục xã tắc, “chém nịnh, định đố, tôn vương tức vị, bọn gian thần bị tiêu diệt...”. Như vậy, hình tượng những người anh hùng trong hai vở tuồng này chính là kết tinh của những giá trị mang tính thẩm mỹ khi tác giả khẳng định bằng cái kết có hậu nhằm đề cao tinh thần trung quân ái quốc.

3.2. Tư tưởng luân thường, đạo nghĩa

Lịch sử thành công của các nhân vật chính diện trong kịch bản tuồng cung đình Huế không phải được quyết định bởi phép tiên, phép thánh, mà chính là lịch sử đấu tranh gay go, phức tạp để giải quyết những mâu thuẫn trong nội tâm, trong gia đình, đi đến giải quyết những mâu thuẫn xã hội. Bởi vậy, mỗi nhân vật anh hùng ngoài chuyện quốc gia đại sự, họ luôn có một nỗi niềm cá nhân, đó là những vấn đề về đời sống tình cảm riêng tư, mặc dù sự riêng tư này có một mối quan hệ khắng khít:

“Nghĩa là nước, khí là non,
Non nước ấy là bia nghĩa khí”.


Khi hai thế lực trung chính và gian tà đang tranh đấu với nhau để giành phần thắng, thì tự bản thân những nhân vật chính diện ở hai vở tuồng Sơn Hậu Ngọn lửa Hồng Sơn cũng có sự đấu tranh một cách mãnh liệt, vì bản thân họ cũng là con người có cha mẹ, anh em, bạn bè, con cái..., nên họ luôn day dứt phân vân bởi một bên là quốc gia đại sự, một bên là tình cảm riêng tư. Vậy cho nên, khi sự việc Đổng Kim Lân phò hoàng tử và thứ phi bị bại lộ, Đổng Kim Lân, mong tìm một lối đi để mẹ mình không bị quân của Tạ Thiên Lăng giết hại.

Kim Lân:

“... Xin mẹ về quê cũ dung thân
Phương tái hợp ngày sau con sẽ liệu
Ngay vua con dốc báo
Thảo mẹ chẳng vẹn toàn
Cúi đầu lạy mẫu thân
Xin mẹ về quê cũ”.


Có thể thấy, tự trong thâm tâm của “vị trí tướng” Đổng Kim Lân, dù một lòng trung quân ái quốc nhưng tình mẫu tử cũng là nỗi lo canh cánh bên trong con người này. Tuy vậy, vì đạo nghĩa, người mẹ không muốn con mình phải nặng tình riêng mà quên đi nhiệm vụ:

“Đừng lo lỗi đạo nhà
Sá chi một nắm cốt già
Quyến luyến cho phiền lòng trẻ
...
(thôi thôi)
Về quê thời mặt mẹ
Giúp nước mẹ cậy con”.


Mỗi tình tiết về con người đời tư trong hai vở tuồng Sơn Hậu Ngọn lửa Hồng Sơn đều có một nỗi niềm riêng, đó là tình mẫu tử, tình phụ tử, tình bằng hữu, tình người... Có lẽ vì vậy mà cho dù biết tình nguyện ở lại để ngăn cản quân giặc thì chắc chắn sẽ chết nhưng vì bạn, Khương Linh Tá vẫn cam lòng. Phút sinh ly tử biệt, Kim Lân ôm chặt lấy bạn không muốn rời xa. Khương Linh Tá giấu đi giọt nước mắt, kiên quyết đẩy Kim Lân ra để Kim Lân phò thứ phi và hoàng tử chạy thoát. Về phần mình, Khương Linh Tá bị quân giặc chém rơi đầu xuống đất mà vẫn không chịu khuất phục, ông gắng nhổm dậy, lấy đầu mình gắn lại vào cổ và dùng tay bốc máu vung thẳng vào quân giặc rồi chạy theo Đổng Kim Lân.

Đổng Kim Lân bồng hoàng tử chạy lạc vào rừng giữa đêm tối, lúc này: “Trẻ khát sữa u ơ buông tiếng khóc”, cảm thương cho số phận của đứa trẻ mang trong mình sứ mệnh “phục quốc”, Kim Lân đã “Cắt máu tay thấm giọng long nhi”. Giữa núi rừng mù mịt, Kim Lân vừa thương mình, vừa thương đứa trẻ. Lúc này, có lẽ ranh giới chúa - tôi đã không còn tồn tại trong tâm thức của Kim Lân, vấn đề tồn tại hiện thực nhất chính là làm sao đáp ứng nhu cầu khát sữa cho đứa trẻ, nên hành động cắt máu tay cũng chính là đạo nghĩa của người anh hùng hành xử trong cơn hoạn nạn.

Đổng Kim Lân tay bồng ấu chúa chưa biết tìm đâu ra lối, thì:

“Ùn trận gió cỏ cây, cỏ, cây xào xạc
Chớp ngọn đèn khe núi sáng giăng
Xa xa ngỡ là trăng
Lại gần nhìn hóa đuốc”


Hồn Khương Linh Tá đã biến thành ngọn đuốc, để soi đường cho Đổng Kim Lân qua đèo và hồn Khương Linh Tá cũng đã nói: “Anh hỡi, Đổng Kim Lân, núi hiểm hang hùm không bỏ bạn”. Đổng Kim Lân men theo ngọn đèn, vừa đi vừa khóc thương, cảm phục chí khí của bạn:

“Anh mà như thế này, thì ai quên được anh, anh ơi
Đèn soi nghĩa khí, non ghi cảnh tình”


Nhờ ánh đèn của Khương Linh Tá soi rọi, Đổng Kim Lân đã đưa được hoàng tử đến thành Sơn Hậu. Có thể thấy, tình bạn Khương Linh Tá dành cho Đổng Kim Lân là “đạo bằng hữu” mà không phải thời nào cũng có. Hành động của Khương Linh Tá thật cao cả, là đạo nghĩa “đối nhân xử thế”, làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ của nhân vật, tạo cho người đọc và người xem một xúc cảm lớn lao về tình bạn.

Vấn đề tư tưởng luân thường đạo nghĩa luôn hiện hữu và chi phối xuyên suốt nội dung của các vở tuồng cung đình. Trong đó, đạo quân - thần, đạo cha - con là thước đo, là quan niệm chuẩn mực... nhưng đôi khi, đó cũng là nỗi buồn đau đáu luôn hiện rõ. Nỗi đau của Tạ Ngọc Lân (trong vở Ngọn lửa Hồng Sơn) được khắc họa rõ nét bởi ông sinh được hai người con, nhưng đứa con trai Tạ Kim Hùng đã theo Triệu Văn Hoán chiếm đoạt ngai vua, chỉ còn lại người con gái Tạ Phương Cơ hiếu thảo. Khi Phương Cơ muốn về kinh thành để do thám tin tức, đã nói với cha sẽ “giả dại” để qua mắt lính canh. Không tin con gái mình có thể thành công, Tạ Ngọc Lân bảo Phương Cơ làm cho ông xem thử. Và cách thức “giả dại” thành công của Phương Cơ khiến ông vui mừng nhưng cũng chính từ đó, mắt ông cũng gợi lên một nỗi buồn thế cuộc.

Lão Tạ: (Ủa, cái con điên nào ở đâu lại vào đây, con kia).

Phương cơ: Thằng kia a há ha ha...

Lão Tạ: (Lão chừng này tuổi rồi mà nó kêu bằng thằng! Vậy, chớ mày là đứa nào, vào đây làm chi con kia?)

Phương Cơ: (Thưa cha, con bất hiếu cùng cha lắm cha ơi).

Lão Tạ: (Cha hiểu rồi, con đừng khóc...).


Hành động và chuỗi ngôn từ đối đáp: “Thằng kia”, “Lão chừng này tuổi rồi mà nó kêu bằng thằng” và “con bất hiếu cùng cha lắm cha ơi” cho người xem và người đọc thấy được thời cuộc, do phải đền ơn vua, trả nợ nước, mà cha con phải đành đoạn gọi nhau là “thằng kia”, “con kia” trong dòng nước mắt với nhiều nỗi suy tư.

Cũng ví như Đổng Kim Lân, nhìn thấy mẹ bị bọn giặc bắt treo trên thành, lòng chàng rất đau đớn, sự đau đớn này không phải vì thiếu lòng dũng cảm, mà vì tình thương mẹ, vì cái nghĩa của người con đối với bậc sinh thành, và chàng đã khóc:

“Mẹ ơi!
Rất đỗi loài ong kiến
Còn giữ đạo trung thần
Huống chi con người là bách vật chi linh
Sao lại nỡ bỏ sinh thành chi nghĩa
Con mà bỏ mẹ
Sao phải đạo con”.


Cái cam go được các tác giả kịch bản tuồng cung đình tạo nên trong các sáng tác của mình, đó là những mảnh ghép đời tư của từng nhân vật, nhưng nó là cái quyết định thành công của cuộc đấu tranh giữa hai phe “phản tặc” và “trung thần”. Luân thường, đạo lý phải “trở thành ranh giới” giữa những cá nhân trong mỗi gia đình: cha trung - con phản; cha phản - con trung.

Tình phụ tử ai chẳng xót thương, khi chính người cha phải ra tay giết đứa con của mình. Để làm được điều này, họ phải “cắt ruột già”, hy sinh cái riêng, nhưng họ cũng chính là những người có tình, có nghĩa, hiểu rõ được những tình cảm, đạo lý của con người. Với Tạ Ngọc Lân (trong vở Ngọn lửa Hồng Sơn) khi ông đến xin ở với Tạ Kim Hùng, tìm cơ hội đốt doanh trại. Một đêm tối, ông đã phóng lửa đốt dinh Kim Hùng, ông đã ôm Kim Hùng, không cho chạy thoát. Tạ Kim Hùng vùng vẫy cầu cứu tình phụ tử, nhưng Tạ Ngọc Lân vẫn ôm chặt Kim Hùng, ông nói:

“Kim Hùng, như mày là:
Gây tội ác mày đà thái quá
Cắt ruột già tao quyết chẳng tha
Chói lòng son coi nhẹ tuổi già
Mượn lửa đỏ diệt trừ giặc trẻ”.


Hai cha con đánh nhau, ngọn lửa báo trùm cả hai người, Kim Hùng kêu cha: “Nóng quá! Nóng quá! Cha ơi!”

Lúc này, dù rất đau lòng, nhưng Tạ Ngọc Lân vẫn kiên quyết một cách bình thản, cùng trái tim rướm máu: “Mày kêu nóng, tao không biết nóng sao hả Hùng”. Trong ngọn lửa, khi biết Tạ Kim Hùng đã chết, Tạ Ngọc Lân đã gắng gượng chút tàn hơi cuối cùng vuốt mặt cho đứa con trai duy nhất. Chỉ một hành động nhỏ, nhưng chính nó đã thể hiện rõ tình phụ tử, đó cũng là một “tiếng nấc” đời tư của một lão quan vì giang sơn đất nước.

Cũng trong vở tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn, Triệu Tư Cung dù là con của Thái sư Triệu Văn Hoán, nhưng vẫn không hùa theo cha làm phản cướp ngôi vua, có thể nói đây là “cây đắng sinh trái ngọt”:

“Nếu vì cha cho trọn chữ hiếu
E với nước khôn toàn đại nghĩa”


Nỗi lòng của Triệu Tư Cung chỉ còn con đường “Đành bỏ nhà cho vẹn đạo trung”. Có thể thấy, Triệu Tư Cung thông hiểu đạo lý, đạo nghĩa của đời người trong cuộc phong ba.

Mối xung đột tình nhà nợ nước luôn đeo đẳng trong trái tim của những con người có tư tưởng hy sinh vì nghiệp cả. Và cũng như vậy, Nguyệt Hạo (trong tuồng Sơn Hậu), bà đã chứng kiến những đứa em của mình cướp ngôi vua, bà đau lòng và thương cảm cho thứ phi đang bụng mang dạ chửa đã phải chịu cơ cực. Dù đối với chị mình Tạ Thiên Lăng vẫn một mực tôn kính, “tình chị em đâu dễ dám quên”, biết vậy, nhưng trong thâm tâm bà vẫn cảm thấy ray rức việc làm tội lỗi của em trai mình, bà đành bỏ lầu son gác tía, xuất gia tu hành để mong cứu lấy nghiệp ác mà những đứa em trai của mình gây ra, đó cũng là đạo lý vậy.

“Hễ xuất gia đầu Phật
Là tu lấy thân sau
Tuy bây giờ chưa cứu đặng nhau
Đường hạnh phúc có ngày nhơn quả”.


Tất cả họ, những nhân vật chính diện là những người giàu tình cảm gia đình, “tình nhà, nợ nước” là mối xung đột giữa tình cảm gia đình với tình cảm của quốc gia. Hai mặt tình cảm này không thể hòa vào nhau được và đã vô tình đưa nhân vật vào những cơn sóng gió bạo liệt của tâm hồn.

4. Kết luận

Tất cả những sản phẩm của kịch bản sân khấu tuồng cung đình đều là kết tinh của lao động nghệ thuật, của trí tuệ, nhằm phản ảnh hiện thực xã hội trong một thời đại lịch sử nhất định. Những vấn đề được các tác giả hư cấu, chính là mục đích đề cao những con người trung quân, ái quốc, gắn liền với Trung - Hiếu - Tiết - Nghĩa…

Tính xung đột, bạo liệt là đặc trưng của tuồng cổ nói chung và tuồng cung đình Huế nói riêng. Do đó, trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định, khi con người bị dồn nén đến tận cùng thì tâm lý, tình cảm được bộc lộ rõ nét, mà ở đó người xem có thể nhìn thấy những giá trị đạo đức thẩm mỹ của xã hội đương thời.

Từ lâu, nghệ thuật tuồng cung đình được coi là viên ngọc quý trong di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là dưới thời Nguyễn, cùng với các loại hình sân khấu khác, nghệ thuật sân khấu tuồng cung đình Huế là món ăn tinh tinh thần không thể thiếu của vua quan triều Nguyễn. Tuy nhiên, sau khi triều Nguyễn cáo chung, sân khấu tuồng cung đình cũng mất dần môi trường diễn xướng, nên việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản sân khấu bao gồm các yếu tố cấu thành nên nghệ thuật tuồng cung đình Huế như kịch bản, hát tuồng, hóa trang, mặt nạ, phục trang, sân khấu… là một tập hợp hoàn chỉnh tạo nên một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, trong đó kịch bản tuồng cung đình là yếu tố cần thiết và quan trọng không thể thiếu trong công cuộc chấn hưng loại hình nghệ thuật độc đáo này.

T.T.B
(TCSH390/08-2021)

-----------------------
1. Hoàng Châu Ký (1978), Tuồng cổ, Tập I, H.: Nxb. Văn hóa, tr. 6.
2. Hoàng Châu Ký (1978), Tuồng cổ, Tlđd, tr. 7.
3. Lê Ngọc Cầu - Phan Ngọc (1984), Nội dung xã hội và mỹ học Tuồng Đồ, H.: Nxb. KHXH.
4. Xuân Yến (1994), Những vấn đề Thẩm mỹ đạo lý xã hội trong Tuồng cổ, H.: Nxb. Sân khấu, tr. 25.
5. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (2004), Từ điển Văn học Việt Nam (Bộ mới), H.: Nxb. Một Thế giới, tr. 379.
6. Xuân Yến (1994) Những vấn đề Thẩm mỹ đạo lý xã hội trong Tuồng cổ, tlđd, tr. 57.
7. Có nghĩa là vua ốm rồi băng hà; Phe nịnh, phe ngụy, phe phản nổi lên âm mưu tiếm quyền; Hoàng hậu hoặc thứ phi, sinh ấu chúa nên bị phe phản thần săn lùng hòng giết ấu chúa để diệt trừ dòng dõi trị vì thiên hạ; Ông trạng là các quan đại thần tốt cũng bị phe phản nghịch vây hãm không cho hành động cứu chúa.
8. Hồi thiên nhật: xoay trời, vạch mù để thấy mặt trời. Ý ở đây là người trung nghĩa, có chí lớn.
9. Dịch nghĩa: Chim khôn chọn cây mà đậu, người khôn chọn vua mà thờ.
10. Khứng: Từ cổ ở đây có nghĩa là chịu. Khứng lòng: Chịu lòng.
11. Dịch nghĩa cả câu: Khoái lắm, vui thay! Đúng lời tôi rồi, xuống ngựa đầu hàng.
12. Có nghĩa là về nơi sáng, bỏ nơi tối.
13. Nghe nói bốc máu lên đỏ cả mặt, chợt nghe xong lửa giận uất lên lá gan.
14. Tâm bất định: lòng không yên. Khổ nan thân: Nỗi khổ khó tỏ bày.
15. Thiên kim dị đắc: Ngàn vàng để được. Nhất ngữ nan cầu: Một lời nói khó đã tìm ra.
 

Tài liệu tham khảo:

1. Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục, Huế: Nxb. Thuận Hóa.
2. Lại Nguyên Ân, Bùi Văn Trọng Cường (2005), Từ điển Văn học Việt Nam (in lần thứ 5), H.: Nxb. ĐHQG Hà Nội.
3. Tôn Thất Bình (2006), Tuồng Huế, Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ.
4. Trương Trọng Bình (Chủ nhiệm) (2014), Hồ sơ khoa học “Hệ thống vũ đạo Tuồng Huế”, Đề tài NCKH, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
5. Trương Trọng Bình (Chủ nhiệm) (2010), Hồ sơ khoa học “Điều tra và lập danh mục Hồ sơ khoa học các nghệ nhân, nghệ sỹ tiêu biểu về nhã nhạc, tuồng, múa cung đình ở Huế và các vùng phụ cận”, Đề tài NCKH, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
6. Trương Trọng Bình (2013), Sân khấu truyền thống Huế, dưới góc nhìn hiện tại, Tạp chí Sông Hương, số 291, tr. 5-13.
7. Lê Ngọc Cầu (1980), Tuồng hài, H.: Nxb. Văn hóa.
8. Lê Ngọc Cầu - Phan Ngọc (1984), Nội dung xã hội và mỹ học Tuồng Đồ, H.: Nxb.KHXH.
9. Lê Văn Chiêu (2008), Nghệ thuật sân khấu Hát Bội, Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ.
10. Lý Huỳnh Khắc Dụng (1970), Hát Bội - Théâtre Traditionnel du Viet nam, Nxb. Sài Gòn.
11. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (2004), Từ điển Văn học Việt Nam (Bộ mới), H.: Nxb. Một Thế giới.
12. Trần Hồng (1997), Nhạc Tuồng, Nxb. Đà Nẵng.
13. Nguyễn Duy Hồng (1986), Truyền thống sân khấu Huế, Huế: Sở VHTT Bình Trị Thiên Xb.
14. Phan Khoang (2001), Việt sử - xứ Đàng Trong, H.: Nxb. Văn Học.
15. Hoàng Châu ký (1973), Sơ khảo Lịch sử Nghệ thuật Tuồng, H.: Nxb. Văn hóa.
16. Hoàng Châu Ký (1978), Tuồng cổ Tập I, H.: Nxb. Văn hóa.
17. Nguyễn Lộc (Chủ biên) (1998), Từ điển nghệ thuật hát Bội Việt Nam, H.: Nxb. KHXH.
18. Vũ Ngọc Liễn (2010), Góp nhặt dọc đường, H.: Nxb. Sân khấu.
19. Nhiều tác giả, Nghệ thuật hát Tuồng, Qui Nhơn: Trường Trung học VHNT Bình Định Xb.
20. Nhiều tác giả (1997), Tuyển tập Tuồng cổ, H.: Nxb. Sân khấu.
21. Doan-Nong (1942), Sự tích và Nghệ thuật hát bội, S.: Mai linh xuất bản.
22. Lê Văn Nghệ (2011), Ngọn lửa Hồng Sơn - một thành công của đoàn tuồng cung đình Huế, Tạp chí Sông Hương, số 263, tr. 01-11.
23. Mịch Quang (1963), Tìm hiểu Nghệ thuật tuồng, H.: Nxb. Văn hóa Nghệ thuật.
24. Mịch Quang (1988), Đặc trưng Nghệ thuật tuồng (hát bộ), Nxb. Phú Khánh.
25. Nguyễn Siêu, (1960), Phương Đình địa dư chí, Nxb. Sài Gòn.
26. Nguyễn Gia Thiện, Đào Duy Kiền, Đào Phương Châm, Bùi Lợi (1996), Các làn điệu tuồng Khu vực miền Trung, Quy Nhơn: Sở VHTT Bình Định Xb.
27. Phạm Phú Tiết (1978), Hội thoại về nghệ thuật tuồng, H.: Nxb. Văn hóa.
28. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (2000), Bảo tồn và Phát huy giá trị Tuồng cung đình Huế, Kỷ yếu hội thảo.
29. Viện Sân khấu (1985), Những vấn đề sân khấu, H.: Nxb. Sân khấu.
30. Viện Sân khấu (1987), Nghệ thuật sân khấu, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
31. Xuân Yến (1994), Những vấn đề Thẩm mỹ đạo lý xã hội trong Tuồng cổ, H.: Nxb. Sân khấu.


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng