Sân khấu Huế
Thực trạng tuồng Huế hôm nay
14:20 | 10/11/2023

HOÀNG CHƯƠNG

Huế là cố đô của Việt Nam. Huế là một trung tâm văn hóa và Huế cũng là nơi phát triển tuồng cao nhất từ thế kỷ 19.

Thực trạng tuồng Huế hôm nay
Từ trái qua: NSƯT La Cẩm Vân (người thứ ba), Giáo sư - nhạc sĩ Trần Văn Khê, NGND - Giáo sư Vũ Khiêu, Mịch Quang, NSƯT La Cháu, Giáo sư Hoàng Chương

Thời đó triều đình Nhà Nguyễn đã đầu tư nhiều tiền cho việc phát triển nghệ thuật tuồng, ngoài mục đích tuyên truyền bảo vệ chế độ phong kiến, còn để hưởng thụ, nên vua chúa đã bắt con hát (đào, kép) tài năng khắp nước về kinh đô Huế. Vua Tự Đức còn thành lập các tổ chức sáng tác văn thơ và kịch bản tuồng. Những danh sĩ như Đào Tấn, Nguyễn Đình Phương, Ngô Quý Đồng, Bùi Hữu Nghĩa đều tham gia sáng tác tuồng theo yêu cầu của triều đình nhà Nguyễn. Hàng trăm vở tuồng hay đã ra đời ở Huế và rất nhiều nghệ sĩ tài năng cũng xuất hiện từ đây như Đội Vang, Đội Em, La Cháu, Ngô thị Liễu v.v…

NSND Ngô Thị Liễu (1908 - 1984) trong vai Bà Huyện (tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến) - Ảnh: vhntquangtri.vn/

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở miền Bắc đã tìm học nghề của các nghệ sĩ nổi tiếng ở Huế... cố nghệ sĩ nhân dân Ngô Thị Liễu, người có vốn nghề phong phú vào bậc nhất ở nhà hát tuồng Việt Nam đã cho chúng tôi biết là bà đã học được tại Huế rất nhiều vai tuồng cổ, nhiều điệu hát hay và cả một hệ thống động tác múa trong cung đình rất quý, đến nỗi các nhà biên đạo múa hiện đại chưa học lại được hết vốn của bà. Nêu lên điều này để chúng ta hình dung tuồng Huế huy hoàng như thế nào trong vài thế kỷ trước và cũng để thấy được sự mai một, lụn tàn của nó tới mức độ nào. Năm 1983 Viện Sân khấu mở đợt khai thác lớn về tuồng tại Huế. Cố gắng lắm mới thu thập được vài chục kịch bản tuồng cổ và mới phát hiện được năm bảy nghệ nhân tuồng còn sống sót sau những biến cố lớn lao của chiến tranh.

Qua sưu tập, khai thác và nghiên cứu kỹ mới thấy một hiện tượng hơi nghịch lý là chủ nghĩa thực dân muốn hủy diệt nền văn hóa dân tộc Việt Nam để thay thế vào thứ văn hóa mà họ mang từ "mẫu quốc", từ châu Âu, châu Mỹ sang, đồng thời, các nhà tư bản phương Tây cũng ra tay vơ vét những di sản, những vốn văn hóa quý của Việt Nam đưa về làm của riêng cho mình như kịch bản tuồng, áo mão tuồng v.v...(*) Với chính sách âu hóa nền văn hóa dân tộc Việt Nam, chủ nghĩa thực dân đã thành công, ít ra là đã làm cho trung tâm nghệ thuật tuồng Huế bị tổn thất nặng nề. Thực trạng tuồng Huế hôm nay, thể hiện rất rõ trong cuộc liên hoan tuồng toàn quốc ở thành phố Quy Nhơn năm 1976. Lúc đó giới sân khấu vừa mừng là một số nghệ sĩ tuồng Huế vẫn còn và vẫn biểu diễn được một số tiết mục cổ như "Tam nữ đồ vương", "Trương Ngáo đúc chuông"..., nhưng lại thấy lo là lực lượng nghệ sĩ tuồng Huế còn mỏng quá và diễn cũng không còn hay như xưa nữa! Mặc dù ở Huế có những gia đình nghệ sĩ tuồng đông tới 9, 10 người như gia đình ông La Cháu và con gái của ông là La Thị Cẩm Vân là trưởng đoàn tuồng Huế hiện giờ.

Sau sự kiện này tuồng Huế dường như nằm im cho mãi đến Hội diễn tuồng miền Trung năm 1990 mới thấy xuất hiện với vở "Tổ quốc ngai vàng". Chính vì vậy mà giới sân khấu thật sự vui mừng vì sự hiện diện của tuồng Huế tại cuộc liên hoan này. Vở diễn "Tổ quốc ngai vàng" đã bộc lộ khá rõ điểm mạnh và điểm yếu của tuồng Huế hiện nay. Điều dễ thấy nhất là lực lượng diễn viên trẻ đã thay thế được lớp nghệ nhân cao tuổi. Chứng tỏ truyền thống tuồng Huế đã không mất, mà còn được hồi sinh và khởi sắc nhưng mặt khác, cũng thấy rõ sự lai tạp thất truyền của dòng tuồng Huế mà đã một thời hoàng kim và rực rỡ nhất nước.

Vì sao có hiện tượng này?

Như trên chúng tôi đã trình bày là, tuồng Huế giống như một toà lâu đài nguy nga cổ kính nhưng luôn luôn bị những cơn phong ba bão táp làm hư hỏng, xói mòn mục nát, chỉ nhìn vào ngôi "Thanh Bình tự đường" (trường đào tạo tuồng xưa và nơi thờ tổ tuồng ở Huế cách đây vài ba năm cũng đủ thấy được sự xuống cấp nghiêm trọng của tuồng Huế. Thời gian và chiến tranh liên miên cùng với sự tấn công của các đội quân xâm lược văn hóa kéo dài hàng trăm năm đã để lại hậu quả tai hại như thế, nó làm cho vẻ đẹp cổ kính của Huế bị giảm đi một phần quan trọng. Chúng tôi được biết, mấy năm gần đây chính quyền địa phương và ngành văn hóa đang tìm mọi cách phục hồi tuồng Huế. Đội tuồng của ông Nguyễn Thành vẫn hoạt động và vẫn được công chúng mến mộ. Tuy vậy sự chuyển biến của tuồng Huế còn chậm. Có thể vì sự hẫng hụt của phong trào, cộng với sự nghèo, khó về tài chính?

Vậy làm thế nào để phục hồi tuồng Huế theo đúng tinh thần nghị quyết 4 của Trung ương.

Theo tôi nghĩ, song song với việc tôn tạo, trùng tu, đại tu di tích văn hóa Huế mà tổ chức UNESCO cũng như Nhà nước đang thực hiện, nên có một kế hoạch phục hồi và phát triển tuồng Huế một cách quy mô và đồng bộ. Phải khơi dậy tất cả tiềm năng của tuồng Huế, phải khai thác hết những vốn quý còn đang ẩn tàng trong từng nghệ nhân và ngay cả trong nhân dân, đồng thời phải đào tạo cấp tốc một lực lượng trẻ. Đào tạo đúng chất tuồng miền Trung chứ không phải pha tạp như một số diễn viên trẻ trong vở "Tổ quốc ngai vàng" vừa hát tuồng vừa hát dân ca lại pha cả cải lương và kịch nói. Đừng kỳ thị, đừng mặc cảm, mà nên mở rộng giao lưu và tập trung tài năng ngoài xứ Huế vào để cùng nhau phục hồi và phát triển tuồng Huế để nó có thể sánh kịp với tuồng Quảng Nam Đà Nẵng, tuồng Bình Định. Tuồng Huế là dòng tuồng miền Trung, giống tuồng Quảng Nam và tuồng Bình Định. Cũng có thể nói, tuồng Quảng Nam và tuồng Bình Định đã chịu ảnh hưởng rất nhiều tuồng Huế. Do đó, ngày nay lấy nghệ sĩ tuồng ở các chiếng Quảng Nam và Bình Định về hỗ trợ cho tuồng Huế là hợp lý.

Dĩ nhiên, hát tuồng và diễn tuồng (bằng mô hình nhân vật, mô hình động tác, mô hình âm nhạc) là vô cùng khó khăn. Có lẽ vì khó quá mà một số diễn viên trẻ (không chỉ ở Huế) đã hát một cách qua loa (không đúng làn điệu) và diễn một cách tuỳ tiện không đúng trình thức và quy tắc của tuồng truyền thống. Họ không biết rằng sau khi đã vượt qua được những khó khăn cần thiết, nắm vững được nghề thì, hát và múa sẽ ra tuồng và đúng chất tuồng.

Mặt khác, Huế cũng nên thường xuyên mời các đoàn tuồng ở Quảng Nam, Bình Định đến diễn để diễn viên tuồng Huế có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm và để công chúng Huế làm quen nhiều hơn nữa với món ăn tinh thần mà xưa kia người xứ Huế không thể thiếu được trong đời sống của mình. Và nếu Huế đăng cai tổ chức những cuộc liên hoan tuồng khu vực hoặc toàn quốc thì càng khơi dậy cái không khí tuồng xưa trong công chúng, đồng thời cổ vũ cho phong trào tuồng Huế trỗi dậy. Và cũng cần thiết biết bao, nếu có những cuộc hội thảo về tuồng Huế xưa và nay được tiến hành tại thành phố Huế.

Tôi có thể khẳng định rằng không thể có một phong trào tuồng Huế mạnh nếu Huế không thật sự yêu tuồng, chăm sóc cho tuồng một cách toàn diện như Quảng Nam Đà Nẵng, Bình Định đang làm.

Chủ trương chấn hưng văn hóa dân tộc của Nhà nước và nghị quyết 4 của Trung ương Đảng cộng với những chính sách mới của chính phủ đối với văn nghệ dân tộc nói chung, nhất định tuồng Huế sẽ được phục hồi và phát triển mạnh, như truyền thống của nó cách đây một vài thế kỷ.

H.C
(TCSH56/07&8-1993)

-------------------------------
(*) Tại thư viện Hoàng gia Anh có hàng trăm kịch bản tuồng cổ Việt Nam.

 

 

Các bài đã đăng