Phóng viên (PV): Thưa ông, lần đầu tiên trên toàn quốc, đã có một cuộc liên hoan nghệ thuật truyền thống đồng bộ trên các mặt âm nhạc, sân khấu, kịch hát. Là thành viên BTC, xin ông cho biết tại sao thành phố Huế lại được chọn làm địa điểm tổ chức cuộc liên hoan nghệ thuật này? NSND Quang Thọ: Thực ra, đây là liên hoan lần thứ II do Bộ Văn hoá & Thông tin tổ chức. Lần thứ nhất là ở Hà Nội trong khuôn khổ ca múa nhạc. Lần này thì mở rộng cả sân khấu và kịch hát truyền thống. Mục đích của liên hoan là tạo ra sự hội tụ, gặp gỡ, giao lưu giữa các trường Văn hóa nghệ thuật trong toàn quốc. Sở dĩ Huế được chọn làm địa điểm tổ chức liên hoan vì đây là một hoạt động gần như mở màn cho Festival, hướng đến ngày hội văn hóa nghệ thuật quan trọng của đất nước.
PV: Ngoài sự mở rộng khuôn khổ các lĩnh vực nghệ thuật, điều gì trong liên hoan này là nổi bật nhất, thưa ông? NSND Quang Thọ: Liên hoan lần này chú trọng mục đích hướng tới việc nâng cao trình độ nghệ thuật sao cho vừa mang tính hiện đại nhưng lại hết sức dân tộc. Tất cả các trường văn hóa nghệ thuật đã đến liên hoan bằng các tiết mục, có trình độ khá cao về tác phẩm, biểu diễn... và tất cả đều khai thác từ vốn cổ dân tộc.
PV: Qua cuộc liên hoan khá qui mô và toàn diện này, liệu chúng ta có thể nắm bắt được tình hình phát triển âm nhạc truyền thống hiện nay không, thưa ông? NSND Quang Thọ: Liên hoan đã tập hợp đến 34 trường văn hóa nghệ thuật trải rộng trên nhiều vùng miền Nam – Bắc. Dù trình độ hay việc đầu tư cho tác phẩm của mỗi trường có sự chênh lệch thì tất cả các tiết mục của các trường đến từ nhiều vùng miền ấy nhìn chung đều hướng đến việc nâng cao nghệ thuật hiện đại trong bản sắc truyền thống của dân tộc. Đó chính là sự khẳng định sức sống của âm nhạc truyền thống hiện nay.
PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về nghệ thuật truyền thống trong đời sống văn hoá – tinh thần hiện nay? NSND Quang Thọ: Nếu đánh giá về nghệ thuật truyền thống, tôi muốn nói đến các nước có nền văn hóa truyền thống lâu đời trước. Tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống của nhiều nước, có thể thấy những tác phẩm của họ đều sáng tác xuất phát từ văn hóa dân tộc. Như vậy, văn hóa dân tộc là cái "chân đế" nền tảng để nghệ thuật phát triển. Ở đây, tôi xin được nói riêng về lĩnh vực âm nhạc. Chúng ta vẫn đang có những tác phẩm âm nhạc của dân tộc mình mà bị lai căng, ảnh hưởng của các dân tộc khác, đôi khi còn là sự rập khuôn không bản sắc. Đây không chỉ là điều tồn tại chỉ ở ca khúc biểu diễn mà còn là thực tại trong điện ảnh, sân khấu... nói chung.
PV: Theo ông, có những nguyên nhân nào dẫn đến thực tại mà ông vừa đề cập? NSND Quang Thọ: Trong thời gian vừa qua, tôi thấy có rất nhiều bộ phim Hàn Quốc, Đài Loan... đủ cả tâm lý, xã hội đen... được du nhập vào nước ta với các dàn diễn viên xinh đẹp, cốt truyện hấp dẫn... thu hút người xem. Từ đấy, "cảm hứng" viết âm nhạc, ca khúc mang tính phổ cập phục vụ quần chúng, đại đa số là sinh viên học sinh, đang bị lai căng về nhiều mặt như giao tiếp, trang phục... Nói chung là thị hiếu và văn hóa. Đặc biệt, một số người thích hát thấy lời dễ nghe dễ hát thì càng phổ cập rộng rãi các sáng tác đó hơn. Tôi nghĩ rằng âm nhạc không đơn thuần là sự phổ cập, là dễ nghe, dễ hát. Tại sao chúng ta lại không tôn vinh những ca khúc cũng là tác phẩm âm nhạc cho phim như trong "Vợ chồng A Phủ" của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, trong khi ca khúc đó lại được nhiều ca sĩ thể hiện rất thành công (như Trọng Tấn là một ví dụ) và bắt nguồn từ một giai điệu dân tộc miền núi?
PV: Ông đã có một số ý kiến nhấn mạnh đến tính hiện đại trong âm nhạc truyền thống. Vậy ông quan niệm như thế nào về vấn đề này? NSND Quang Thọ: Điều này cũng đã gây không ít bàn cãi. Riêng tôi, tôi cho rằng tính hiện đại của một tác phẩm âm nhạc giàu truyền thống trước tiên là phải có một giai điệu, một nét nhạc được hòa thanh dựa trên làn điệu dân tộc. Tính hiện đại như là những sắc màu mà nhạc sĩ chấm phá trên bức tranh âm nhạc, nó không thể tách rời bản sắc dân tộc.
PV: Là người thể hiện thành công nhiều ca khúc cách mạng, ông có suy nghĩ gì về các ca khúc cách mạng trong bức tranh âm nhạc dân tộc, thưa ông? NSND Quang Thọ: Ca khúc cách mạng là những ca khúc được viết trong một giai đoạn lịch sử của đất nước. Nó ra đời phản ánh cuộc sống lao động chiến đấu của một giai đoạn lịch sử không thể nào quên. Trong thời điểm hiện tại, âm nhạc đã mở rộng, xã hội hóa cao hơn, phong phú hơn, chúng ta không còn chú trọng nhiều đến ca khúc cách mạng nhưng với những ca khúc mang tính nghệ thuật và giáo dục cao ấy, vẫn phải biểu diễn để nhắc nhở truyền thống cho những thế hệ sau. Với cương vị là một giảng viên thanh nhạc, tôi nghĩ những ca khúc cách mạng – tác phẩm nghệ thuật chính ca còn là nền tảng của một nền ca hát chính thống.
PV: Theo ông, chúng ta sẽ khắc phục như thế nào về những thực tại trong đời sống âm nhạc đang ít nhiều bị thương mại hóa hiện nay để trở lại với cốt cách truyền thống dân tộc? NSND Quang Thọ: Khắc phục là một chuyện khó, không phải một sớm một chiều nhưng tôi nghĩ trước sau gì những thứ không phải là nghệ thuật rồi cũng tất yếu bị mai một, qua đi, nhường lại con đường cho âm nhạc chính thống. Tất nhiên, không phải chúng ta ngồi khoanh tay chờ điều đó mà phải tập trung phát triển hơn nữa nền âm nhạc chân chính. Liên hoan nghệ thuật này là một ví dụ, và chắc chắn sẽ có thêm nhiều liên hoan nữa tiếp tục được tổ chức để phát huy những tinh hoa nghệ thuật truyền thống.
PV: Cảm nghĩ của ông về chương trình nghệ thuật truyền thống của Huế? Ông sẽ gửi gắm điều gì đến Festival 2002 tại Huế, thưa ông? NSND Quang Thọ: Chương trình nghệ thuật truyền thống của Huế rất đậm đà bản sắc dân tộc, được thể hiện với trình độ cao, mang tính chuyên nghiệp và rất độc đáo, rất Huế. Cùng chương trình này, xin "bật mí" là tôi sẽ có một màn biểu diễn chung với NSND Trần Hiếu, NSND Trung Kiên, NSND Quý Dương trong Festival 2002. Hẹp gặp lại Huế trong tiếng hát chào mừng ngày hội văn hóa lớn của cố đô và đất nước! PV: Xin cảm ơn ông. Hẹn gặp lại. PV thực hiện
(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)
|