Sân khấu Huế
Bạch Hạc - "Sân khấu là duyên nợ cuộc đời tôi"
10:51 | 28/08/2008
NGUYỄN HỒNG KỲBạch Hạc còn nhớ cái ngày đầu được tuyển vào đoàn Hát múa truyền thống. Ngày đó cách đây đã gần 20 năm, nhưng mỗi khi nhớ lại, Hạc thấy ở khoé mắt của mình cay sè những gì hiện rõ mồn một của con đường đến với nghệ thuật. Giờ đây, Hạc là một nhân vật không thể thiếu trong ngôi nhà nghệ thuật của Đoàn nghệ thuật truyền thống Huế.
Bạch Hạc -

Sinh ra và lớn lên bên dòng Hương Giang thơ mộng. Bầu sữa ngọt ngào và hơi thở mát dịu của dòng sông Hương đã ôm ấp và nuôi dưỡng một Bạch Hạc cho nghệ thuật tuồng và múa hát cung đình Huế.
Cô bé Bạch Hạc kể rằng: "Hồi nhỏ, Hạc rất thích ca hát ngày nào cũng theo chị gái là Bạch Hoa vào thập thò ở cửa sổ đoàn xem các cô, các chú, các anh chị tập múa hát và Hạc về nhà cũng bắt chước. Có lúc, Hạc sắm một lúc 3 vai, cũng lấy khăn lấy que làm đạo cụ diễn. Và thế là nghiệp ca hát đã thấm vào tâm hồn cô bé Hạc từ lúc nào không biết.
Năm 1983, đoàn Múa hát truyền thống Huế tuyển chọn diễn viên đào tạo tại chức. (vì lúc đó Trường văn hoá nghệ thuật Tỉnh chưa có lớp diễn viên chính qui dành cho bộ môn sân khấu Tuồng và múa hát Cung đình). Bạch Hạc đã mạnh dạn thi tuyển vào đoàn và trúng tuyển với số điểm khá cao. Lúc này, cô bé Bạch Hạc vừa tròn 16 tuổi. Ước mơ bé bỏng trở thành diễn viên của Hạc đã thành hiện thực. Vừa mừng nhưng cũng không ít lo lắng: Hạc tâm sự: "Em yêu thích ca hát từ nhỏ nhất là bộ môn nghệ thuật truyền thống này lắm nhưng không biết mình có đủ sức để làm tốt hay không, vì với các bộ môn khác như ca kịch, hát múa nhạc thì em thấy có phần nhẹ nhàng hơn, còn hát tuồng và múa hát cung đình phải luyện tập khá công phu, động tác lăn lộn mạnh và những làn điệu hát tuồng đòi hỏi kỹ thuật rất cao". Thế nhưng điều gì cũng có cái giá của nó với những ai thực sự đam mê và yêu thích nó.
Cũng như bao anh chị, những người bạn đồng lứa khác, buổi đầu bước vào học tập biết bao bỡ ngỡ vất vả, dù là học tại chức nhưng với bộ môn sân khấu tuồng và múa hát cung đình đòi hỏi học sinh phải thật sự tập trung nắm vững phần lý thuyết, sau đó mới thực hành được, Và Bạch Hạc đã không ngại vì buổi đầu vất vả đó. Cô miệt mài say sưa với những động tác múa, vũ đạo: Bê, xiến, cầu, ký, lăn lộn rồi những làn điệu tuồng luyến láy đầy phức tạp dưới sàn tập nền xi măng và trên những tấm tồn nóng bỏng của mùa hè Thành Nội nắng chói chang. Mà cái thân hình cô bé Hạc lúc đó đâu có cao to là mấy ở cái tuổi 16. Thế nhưng khi đã đam mê yêu thích thì dù có cực nhọc vất vả hơn thế nữa cô cũng vượt qua được. Ngoài giờ tập luyện chính ở sàn tập của Đoàn, Bạch Hạc còn tranh thủ ôn luyện thêm ở nhà, học hỏi thêm các anh chị đi trước. Điều gì chưa hiểu, chưa làm được, Hạc mạnh dạn hỏi các cô, chú, anh chị để tu luyện thêm cho mình. Sáng nào Hạc cũng đến sàn tập rất sớm để tập thêm trước khi vào giờ tập chính của đoàn. "Mà cái nghề sân khấu ni cũng như học võ rứa, phải luyện tập liên tục thì mới nhuần nhuyễn để biểu diễn được". Với giọng Huế đặc sệt, Hạc nói như vậy.
Sau hơn một năm tập luyện và tập sự, Hạc cũng chưa được đóng một vai nào, may mắn nhất là được làm những cô hầu, cô tì nữ hay dân làng lướt qua chút ít trên sân khấu mà thôi là Hạc đã thấy vui mừng lắm rồi. Hằng đêm, dưới ánh đèn sân khấu khi chưa được đóng vai, Bạch Hạc thường ngồi ở cánh gà chăm chú để ý các cô chú, anh chị diễn và tự học nhẩm, vậy mà vai diễn nào Bạch Hạc cũng thuộc lời từ đầu đến cuối.
Vai diễn đầu tiên Bạch Hạc được thử nghiệm đó là Cúc Hoa trong vở tuồng dân gian Phạm Công Cúc Hoa. Có thể nói một vai diễn mãi cho đến bây giờ Hạc còn ghi nhớ không quên. Lần đầu tiên, một Cúc Hoa con nhà tri phủ, nho giáo giàu tình nhân ái, thương người dịu dàng và chung thuỷ được Bạch Hạc thể hiện thành công khiến cho các cô chú trong đoàn không khỏi bất ngờ và đi đến đâu biểu diễn, khán giả cũng gọi Bạch Hạc bằng cái tên Cúc Hoa nghe đến thân thuộc. Đó là thành quả bước đầu năm 1985, sau gần hai năm học tập.
Tiếp theo là những vai diễn như: vai Đạo Đồng trong vở tuồng văn học Quan âm Thị Kính, Bà Đề trong Nghêu, Sò, Ốc, Hến, rồi vai Trưng Nhị trong trích đoạn Trưng Trắc đề cờ, đều được Bạch Hạc thể hiện một cách khá thông suốt và gây ấn tượng.
Một vai diễn mà Bạch Hạc cho là hơi căng thẳng và tập trung nhiều nhất là nàng Ăngtigôn trong câu chuyện Êđíp làm vua của nhà viết kịch nổi tiếng Xôphoclơ. Bi kịch cổ đại Hy Lạp, được tác giả Kính Dân chuyển thể sang sân khấu tuồng. Đạo diễn Quang Vinh từ Hà Nội vào Huế dàn dựng đã nói nhỏ rằng: "Cô bé này khá thật, có tính cách đấy chứ. Với một vai diễn mà kể cả các bậc anh chị có kinh nghiệm lâu năm cũng phải lúng túng chứ chẳng chơi đâu". Nhưng Bạch Hạc đã hoá thân thành một Ăngtigôn đầy nghị lực và bản lĩnh để lên án hành động trái ngược của người cậu ruột mình là vua Crêông và người chị gái Ixmen hèn nhát để rồi đưa tử thi của hai người anh trai chôn cất trong tiếng đau buốt lòng của dân chúng thành Tebơ.
Cũng sau vai diễn Ăngtigôn năm 1986, Bạch Hạc được chính thức là diễn viên biên chế của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế.
Không chỉ là vai diễn có tính cách nổi bật, một cô gái hay một nàng công chúa, một nhân vật có số phận, là tuồng dân gian, văn học hay lịch sử, Bạch Hạc đều tìm tòi cho mình một phong cách riêng. Nghiên cứu kỹ từng lời thoại, từng cử chỉ. Có lúc Hạc còn đứng trước gương để tập diễn một mình làm sao đó vai diễn đi vào lòng công chúng khán giả. Hết nhân vật là một cô gái, một công chúa, Bạch Hạc lại hoá thân mình ở những vai đào con một cách hồn nhiên đến tự tin. Một Nghi Xuân trong Phạm Công Cúc Hoa, hay bé Trương Nga của 10 năm chuyện cũ... Khi thể hiện nhân vật, Bạch Hạc không còn là cô gái Huế dịu dàng e ấp đời thường nữa mà chị đã làm cho khán giả đau hơn, yêu thương hơn và khóc nhiều hơn đó là Tố Lan Trinh, một cô gái miền sơn cước trong trắng hồn hậu, chỉ biết xe tơ dệt lụa đem lòng yêu công tử Châu Sơn nhưng lại bị kẻ xấu ghen ghét hãm hại đến mù cả đôi mắt trong câu chuyện Chuyện tình hoa trinh nữ. Đặc biệt ở Bạch Hạc có một lối diễn khá tinh tế, sáng tạo, một giọng hát tuồng ấm áp truyền cảm đến chín muồi trong các vai tuồng mẫu như: Kỷ Lan Anh trong Hộ Sanh Đàn, Phương Cơ giả dại trong Ngọn lửa Hồng Sơn, vai Loan Dung vở Lý Phụng Đình, mà trong đợt tập huấn tuồng toàn quốc 1996, tại Đà Nẵng, Bạch Hạc được ban tổ chức đánh giá cao vai diễn Loan Dung.
Những năm tháng đi lưu diễn dài ngày ở các tỉnh Miền Trung và Cao nguyên, không ai lại không biết đến cô đào chính tên là Bạch Hạc của Đoàn nghệ thuật truyền thống Huế. Có lẽ là người con gái sinh ra ở đất Cố Đô bên núi Ngự và sông Hương thơ mộng nên khi thể hiện những vai đào thuỳ mị, e ấp dịu dàng, Bạch Hạc không tốn nhiều thời gian tập luyện mà tất cả đã có sẵn trong con người Bạch Hạc. Các vai đào chính là vậỵ, Bạch Hạc còn thử sức mình qua các vai kép con như Tấn Lực trong Phạm Công, Cúc Hoa, Thái tử Vạn Bửu của vở tuồng Đoạn trường tình hận rất thành công và cũng không kém phần chính chắn của một vai diễn.
Ở bộ môn tuồng, Bạch Hạc là người chuyên đảm nhận vai chính còn về múa Cung đình thì sao? Cả hai bộ môn Hạc đều làm tròn không bên nào nặng nhẹ. Thuận lợi cho Bạch Hạc ở vũ đạo tuồng và múa, chị biết kết hợp và vận dụng hài hoà khi vào thể hiện vai diễn. Ở múa, Hạc cũng thử nhiều vai chính như: Huyền Trân trong vở múa Huyền Trân Công chúa, cô Ba cô Bảy trong Hát múa chầu văn, Lân con trong múa Lân mẫu xuất lân nhi. Đặc biệt với vai Lân con, khi biểu diễn xong cởi lốt ra, khán giả đã vỗ tay nồng nhiệt và lên tận sân khấu ôm hôn thán phục với sự ngưỡng mộ thực sự của du khách trong nước cũng như khách quốc tế đến với nghệ thuật múa cung đình Huế.
Hai lần đi biểu diễn tại Nhật Bản năm1994 và 1997. Cả hai lần Bạch Hạc là diễn viên chủ chốt tham gia đầy đủ các vai múa trong những tiết mục múa cung đình của đoàn. Sự nỗ lực của chị không chỉ đạt được kết quả như mong muốn mà điều sung sướng nhất là được khán giả yêu mến và khích lệ. Năm 1993, Liên hoan các trích đoạn tuồng hay tổ chức tại Huế, với vai Nghi Xuân (PCCH), Bạch Hạc đã giành được chiếc huy chương bạc đầu tiên từ lúc được tham gia đóng vai, tiếp đến một chiếc huy chương vàng năm 1995 với vai Ngọc Bảo vợ của danh nhân lịch sử Đặng Huy Trứ trong vở tuồng Chim bằng trong bão tố, tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc cũng tổ chức tại Huế.
Không chỉ dừng lại ở đó, Bạch Hạc đã tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, với những giải thưởng lớn như: Giải nhì cuộc thi tài năng trẻ năm 1998. Cũng năm 1998, hai phần thưởng lớn lao lại đến với chị: Giải C của giải thưởng Cố Đô và chiếc bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng Bạch Hạc do có nhiều đóng góp cho sự phát triển nền văn hoá nghệ thuật tỉnh nhà.
Tháng 8 năm 1999, trong lần hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Nha Trang, một lần nữa chị lại chinh phục Ban tổ chức và bạn bè đồng nghiệp bằng chiếc huy chương vàng qua vai diễn Ngọc Hân vợ của vị tướng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ trong vở tuồng Nỗi đau người chủ soái. Năm 2000, Bạch Hạc là người danh dự được báo cáo thành tích điển hình trong công tác hoạt động nghệ thuật trước đại hội thi đua toàn ngành văn hoá thông tin của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong suốt gần 20 năm làm nghệ thuật kể từ 1983 đến nay, Bạch Hạc đã thể hiện thành công trên 30 vai diễn khác nhau trong các vở tuồng, các trích đoạn và các tiết mục múa cung đình, vai diễn nào cũng để lại ấn tượng khó quên cho khán giả yêu sân khấu truyền thống và nghệ thuật cung đình.
Khi tôi ngước nhìn những tấm huy chương, những bằng khen trong căn phòng nhỏ nhắn của Bạch Hạc, hình như trong đôi mắt to và đen nháy của chị ánh lên niềm vui sướng và vinh dự pha chút tự hào trong đó, Hạc nói nhỏ: "Để có được những kết quả, những phần thưởng cao quý đó, Bạch Hạc không thể nào quên những ngày đầu bước vào nghề đầy gian lao vất vả, vui buồn. Tất cả điều đó ngoài sự nỗ lực của bản thân còn là một quá trình dạy dỗ rèn nắn của nghệ sĩ ưu tú La Thị Cẩm Vân, anh Hoàng Nguyên và anh chị em tập thể diễn viên Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế.
Tháng 12 năm 2001, Bạch Hạc vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú - một phần thưởng cao quí trong đời làm nghệ thuật mà không phải người nghệ sĩ nào cũng có được.
Chia tay Bạch Hạc với nụ cười hiền hậu, ánh mắt dịu dàng có điều gì đó rất Huế, tôi vẫn tin rằng ở tuổi của chị, ngoài tuổi 30, chị còn tiến xa hơn nữa và còn gặt nhiều thành công hơn nữa trong nghệ thuật mà như Bạch Hạc đã tâm sự: "Sân khấu là duyên nợ cuộc đời tôi".
Tháng 3 năm 2002
NHK
(nguồn: TCSH số 161 - 07 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng