Sân khấu Huế
“Ngọn lửa Hồng Sơn” - một thành công của đoàn tuồng cung đình Huế
15:44 | 25/01/2011
LÊ VĂN NGHỆ“Ngọn lửa Hồng Sơn” là vở tuồng cổ ra đời khoảng thế kỷ XVII, xuất phát từ vở tuồng cổ “Tam nữ đồ Vương” tác giả khuyết danh. Năm 1958 được soạn giả Hoàng Châu Ký và Tống Phước Phổ chỉnh lý dàn dựng cho đoàn Tuồng Thanh - Quảng ở Thanh Hóa.
“Ngọn lửa Hồng Sơn” - một thành công của đoàn tuồng cung đình Huế
Vở tuồng phản ảnh một giai đoạn lịch sử đầy biến động, không như những vở tuồng cổ khác có ngoại xâm, mà chỉ có xung đột quyền bính giữa lực lượng tiến bộ và lực lượng không tiến bộ.

Tuy lực lượng tiến bộ gặp nhiều thương vong, nhưng cuối cùng đã đạt được thắng lợi, thể hiện niềm lạc quan ước vọng của nhân dân “chính nghĩa thắng gian tà”, có ý nghĩa giáo dục truyền thống, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng.

Xung đột cơ bản của vở tuồng nổ ra từ lúc phe gian thần cướp ngôi và hạ ngục nữ chúa, chờ ngày xử tử.

Từ xung đột đó phát sinh bao nhiêu kế, bao hành động quyết liệt giữa đôi bên chính nghĩa và phi nghĩa; mâu thuẫn này được giải quyết thì mâu thuẫn khác lại hình thành, phức tạp hơn, gay go hơn, cứ thế xung đột kịch phát triển đến cao trào, tiết tấu vở diễn dồn dập, diễn biến tâm trạng của nhân vật vô cùng phức tạp, đa dạng, từ đó tính cách nhân vật được biểu hiện cụ thể.

Một ông già trên 80 tuổi từ quan về cày ruộng, vui thú điền viên, nhưng khi đất nước có loạn lại xông vào cuộc chiến vô cùng gian khổ để chống kẻ thù, trong đó có đứa con trai phản phúc của mình (cha trung con phản nghịch), vừa có quyết tâm cao, vừa có nỗi xót xa vô hạn.

Một thanh niên bất bình với cha, nên bỏ đi tu, nhưng khi nghe tin cha mình làm loạn cướp ngôi vua lại cởi áo cà sa ra chống lại người cha gian thần ấy (con trung cha nghịch) với bao xót xa:

“Xét thân hổ với cao dày

Phơi gan giúp chúa châu mày phụ cha”

Một cô gái giả điên dại, than khóc thảm thiết, vào ra kinh đô để do thám tình hình, trong tình thế đau khổ phải nói dối là cha mình chết, cô đã diễn tả cái chết của cha mình một cách êm ấm, nhẹ nhàng để lòng mình đỡ khổ. Và nhiều nhân vật khác cũng luôn xáo động tâm tư trong biết bao tình huống gay cấn.

Kết thúc vở tuồng là một hành động vô cùng khốc liệt đầy bi kịch kiểu phương Đông. Ông già trên 80 tuổi đã giữ tên tướng giặc để nó phải chết trong ngọn lửa chính nghĩa dâng cao (ngọn lửa Hồng Sơn) và tất nhiên ông cũng hy sinh trong ngọn lửa đó. Tên tướng giặc cũng lại chính là đứa con trai của ông. Một cảm xúc thiêng liêng và đầy tính nhân văn đã để ông gượng dậy một phút nhìn lại mặt đứa con mình và vuốt mắt cho nó. Chả thế mà trong lớp “Tế Sống” của vở diễn, ông già nói:

“Trong ngọn lửa hồng cha con lão có thiêu xương

Ngoài trời thẳm nước non nhà mới rạng vẻ”

Đi sâu việc miêu tả, tận dụng hợp lý thủ pháp cách điệu mô phỏng tượng trưng và ước lệ, các diễn viên nắm được các vấn đề cơ bản của vũ đạo và làn điệu tuồng, đã diễn hết mình với những vũ đạo trong tuồng mô tả và khắc họa tính cách của từng nhân vật, làm rõ chủ đề bi hùng, gây xúc cảm thẩm mỹ, phù hợp với tâm trạng người xem.

Thành công của vở diễn có sự đóng góp hài hòa của thiết kế mỹ thuật sân khấu, âm thanh ánh sáng và sáng tác âm nhạc.

Nhạc tuồng sôi động réo rắc, hào hùng, phù hợp, góp phần lột tả tâm lý nhân vật giai điệu tương hòa theo lời hát, vũ đạo: Khi buồn thương, xót xa, ngậm ngùi; khi êm ả, trào lộng, vui tươi... diễn tả quá trình phát triển mâu thuẫn bên trong và bên ngoài nhân vật, biểu hiện sâu sắc tâm hồn nhân vật.

Đóng góp phần quan trọng tạo nên thành công lớn nhất là công sức tài nghệ của cố giáo sư viết kịch bản và đạo diễn Hoàng Châu Ký; và sự tham gia dàn dựng của nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên, nghệ sĩ ưu tú Hương Thơm, nghệ nhân Nguyễn Hữu Có và nghệ nhân Lưu Ngọc Nam dạy vai mẫu cho các diễn viên trẻ, cùng với sự dày công chỉ đạo nghệ thuật, xây dựng vở diễn của giám đốc, đạo diễn Trương Tuấn Hải và tập thể diễn viên Nhà hát nghệ thuật Cung đình Huế đã có sự cố gắng vượt bậc trong thể hiện biểu diễn.

Qua bao thế kỷ, “Ngọn lửa Hồng Sơn” đã được các nhà nghiên cứu tuồng sưu tầm biên soạn, chỉnh lý và được các nghệ sĩ trong cả nước phục dựng gọt giũa, phát huy và được nhiều diễn viên trẻ kế thừa. vở diễn đã trở thành tinh hoa của sân khấu tuồng Việt Nam nói chung, tuồng cung đình Huế nói riêng; với nguyện vọng bảo tồn loại hình nghệ thuật phi vật thể độc đáo sống mãi với thời gian.

L.V.N
(263/01-11)





Các bài mới
Các bài đã đăng