Thế giới sắc màu
Hội họa Dương Phước Luyến - Tiếng nói của giấy “dó” và sắc màu
09:32 | 26/10/2018

HUỲNH HỮU ỦY  

Trong quá trình hình thành nền văn hóa dân tộc, giấy dó đã góp phần trong việc phát triển học thuật và nghệ thuật. 

Hội họa Dương Phước Luyến - Tiếng nói của giấy “dó” và sắc màu
Tác phẩm “Rêu phong nắng vàng” (sơn dầu) - Dương Phước Luyến

Ngược dòng lịch sử một chút, để tìm lại hương thơm trên những trang giấy cũ, tài liệu thư tịch học từng chỉ cho chúng ta biết: năm 284 CN, thương nhân La Mã mua của ta ba vạn tờ giấy mật hương để dâng lên vua Tân Vũ Đế. Học giả Bắc phương Kê Hàm, vào thế kỷ IV, đã xác định rằng giấy mật hương của ta được làm bằng gỗ trầm hương, thơm nhẹ thoang thoảng, màu trắng ngà, có vân vẩy cá, thả vào nước không tàn nát. Và đến thế kỷ IX, một nhà nghiên cứu khác của Trung Hoa là Vương Gia còn cho biết thêm về loại giấy trắc lý làm bằng rong rêu ngoài biển của người Giao Chỉ ở phương Nam. Những thứ giấy trên đều phảng phất tính cách của giấy dó, hay chính là tiền thân của giấy dó sau này.

Giấy dó đã gắn liền với nền văn hiến đẹp đẽ của đất nước qua nghề in mộc bản.

Bao nhiêu sách quý, những trang cổ thư chứa chan hồn nước, những thông điệp truyền thừa của tổ tiên từ đời này đến đời khác đều được gửi gấm trên những trang giấy dó.

Và rất quen thuộc, nhắc đến giấy dó, chúng ta nghĩ ngay đến tranh điệp Đông Hồ, in trên giấy dó làng Bưởi, sản xuất ở phường Yên Thái, ngoại thành Hà Nội.

Giấy dó làm bằng vỏ cây dó bầu, với một kỹ thuật thủ công giản dị; vỏ cây đem ngâm nước lã, ngâm nước vôi, nấu cách thủy, lại ngâm nước vôi loãng, rồi lọc bỏ lớp vỏ ngoài, chỉ giữ lại phần vỏ trắng tinh tuyền bên trong, mang ra giã cho thật nhuyễn, hòa với keo làm bằng nhựa gỗ cây mò, đổ vào khuôn lưới mỏng để in thành giấy. Nhịp chày giã vỏ dó ở phường Yên Thái, bên cạnh Hồ Tây, đã một thời gắn liền với những sinh hoạt thơ mộng và đẹp đẽ nhất.

Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.


Chính trên những trang giấy dó ấy, tranh điệp làng Hồ được in ra rồi gửi đi khắp nơi, trải qua nhiều thế kỷ, đã là một tiếng nói xôn xao mà thiết thân và đầm ấm biết bao nơi thâm sâu của mỗi hồn người.

Ngày nay, có một vài họa sĩ mới cũng muốn nghiên cứu chất liệu giấy dó để sáng tác. Nhưng phần nhiều mới chỉ là thử bút. Giữa các cây cọ ấy, có lẽ Dương Phước Luyến là người đã dồn nhiều công sức tập luyện nhất, và cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Hội họa của Dương Phước Luyến thực sự chẳng có gì mới, có thể khẳng định ngay rằng anh chỉ đi tiếp trong con đường truyền thống đã vạch.

Truyền thống ở đây được  hiểu  theo  một  nghĩa  hẹp  nhất,  là  con  đường  vạch  ra  từ  trường  Mỹ  Thuật  Đông Dương (Ecole des Beaux Arts de L’Indochine)  rồi  rẽ  thành  các  nhánh:  Cao  đẳng  Mỹ  thuật  Gia  Định, Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Chính là con đường  mà các danh họa cận đại Việt Nam đã đi qua như  Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu,  Tôn Thất Đào, Lê Yên, Lê Văn Đệ...

Mặc dù không trải qua các ngày học tập căn bản  ở các trường mỹ thuật ấy, anh chỉ tự mình rèn luyện  lấy, nhưng về phương pháp, cách tư tưởng và tâm  hồn nghệ thuật thì quả đúng là như vậy mà thôi.

Lại  còn  có  được  nhiều  lợi  thê  khác  nữa:  Thứ  nhất, là một kiến trúc sư, anh tập luyện được khá  chính xác cách nhìn sự vật, thế giới của những đồ  án giúp cho anh rất chắc tay trong ghi nhận và bố  cục hội họa sau này. Thứ nhì, là môn đồ của danh  họa  Lương  Thiếu  Hàn,  bậc  thầy  của  trường  phái  Lĩnh Nam ở Sài Gòn trước đây, anh nắm được nhiều  bí  quyết  tinh  tế  của  mực  tàu  trên  giấy  xuyến  chỉ;  khi chuyển kỹ thuật ấy lên giấy dó, có nhiều điều  gần gũi và anh dễ dàng chế ngự được thế giới bút  mực, màu sắc của mình. Giả dụ như những vết mực  nho loang ra có vẻ rất phóng túng, nhưng kỳ thật ở  trong nghề người ta sẽ hiểu ngay là chúng thật kỷ  luật và trật tự biết bao!

Vấn  đề  sau  cùng  đối  với  Dương  Phước  Luyến  chỉ còn là sự mải mê làm việc. Một giá vẽ, một cặp  giấy,  anh  lặn  lội  khắp  nơi  trên  ba  miền  đất  nước.  Những  thành  quách,  cung  điện  hoang  phế,  những  mái chùa cổ, những khu phố cổ rêu phong, những  con  đường  làng,  một  đỉnh  núi,  một  quan  ải,  một  dòng sông... Tất cả đã được ghi nhận, sắp xếp và  vẽ vời trở lại rất đáng yêu mến.

Dương Phước Luyến yêu nghề hội họa và yêu đất  nước của mình. Anh đi và ghi chép. Ghi chép khắp  nơi, với sự chọn lọc bằng cảm quan riêng của mình.  Mỹ cảm của anh ôn nhu, hiếu hòa, quân bình, giản  dị. Nên nghệ thuật của anh cũng vậy: êm đềm, thơ  mộng, pha nhiều chất cổ kính, u hoài.

Anh đã tìm ra được con đường riêng của mình,  với một cách phát biểu riêng, một ngôn ngữ riêng.  Chúc  anh  bước  đi  ngày  càng  vững  chắc  hơn,  trên  con đường dó lụa gần gũi, thân mật mà vẫn cứ là  độc đáo.

H.H.Y 
(SHSDB30/09-2018)



 

 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng