Thế giới sắc màu
Người và ngợm trong tranh của Francesco Clemente
16:18 | 15/01/2019

KHẢ HÂN

Francesco Clemente sinh năm 1952, ở Naples, Italy. Ông xuất hiện vào thời điểm khi mà Thế chiến II vẫn còn là một ký ức dai dẳng khắc sâu thành những vết nứt trong tâm thức sáng tạo của cộng đồng nghệ sĩ ở dải đất ven vùng biển Địa Trung Hải này.

Người và ngợm trong tranh của Francesco Clemente
Tác phẩm "Biểu tượng biến dị"

Được xem là một vị "pháp sư u uẩn" (dark shaman) của trường phái tân biểu hiện trong việc phản ứng chống lại khuynh hướng trừu tượng đang ngày càng gia tăng ở các thế hệ đi trước, Clemente đã nỗ lực tái sinh hội họa bằng cách sử dụng các hình thể người có thể hình dung được, và ông xem đó như là chủ đề sáng tác chính của mình, ông tiến hành sử dụng các kỹ thuật cốt để khắc họa tâm thức con người ở vào giai đoạn cuối thế kỷ XX, qua các hình tượng đặc dị và đầy cuốn hút, như thể ông muốn truy vấn cái gì là thực và cái gì là có giá trị với tinh thần con người.

Tác phẩm "Chân dung tự họa có và không có mặt nạ"
Tác phẩm "Vết nứt"


Clemente mô tả rất nhiều khía cạnh tâm lý u tối, những khía cạnh rất khó để diễn tả hoặc mâu thuẫn sâu sắc trong tâm thức của con người. Tranh của ông hội tụ những sự nứt toác và bội phát hình tượng tựa như trong giấc mơ của đời sống thường nhật được khúc xạ cùng với việc vén mở các trạng thái cảm xúc bên trong nội giới con người. Trái ngược với các họa sĩ nổi bật khác của trường phái tân biểu hiện như Georg Baselitz và Julian Schnabel, Clemente thiên về việc sử dụng các ý tưởng và các biểu tượng đa văn hóa để hướng đến việc lột tả các vấn đề hiện sinh, ông kết hợp các phương thức sáng tác cổ điển, thể hiện ở bối cảnh vượt thời gian và có tính gợi ý về thần thoại cổ đại, từ đó định ra những hình ảnh đầy ấn tượng nhằm thể hiện sự mơ hồ có tính hiện đại về cơ thể con người và mối quan hệ giữa con người với nhau.

Clemente liên tục truy vấn về ý niệm của một bản ngã đơn biệt, và chính bởi cách tiếp cận có phần theo khuynh hướng hậu hiện đại này, Clemente đã góp phần làm xói mòn các quan niệm trước đây về một "cái tôi thống nhất" thông qua các kỹ thuật như bóp méo khuôn mặt, làm biến dạng các hình thể cá nhân, và quan trọng hơn hết, đó là các kỹ thuật ám dụ lẫn phúng dụ trong việc hướng đến cắt nghĩa căn cước ng(ợm)ười của chúng ta.

K.H.
(SHSDB31/12-2018)



 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng