Thế giới sắc màu
Triển lãm mỹ thuật đương đại 5 trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Thái Lan
15:18 | 03/06/2008
Đã trở thành truyền thống tốt đẹp từ nhiều năm nay, các trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Thái Lan tổ chức luân phiên 2 năm một lần Triển lãm Mỹ thuật Đương đại giữa hai nước.
Triển lãm mỹ thuật đương đại 5 trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Thái Lan

Ngày 31 tháng 8 năm 2001 vừa qua, lần thứ 2 kể từ năm 1995 đến nay Triển lãm Mỹ thuật Đương đại 5 trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Thái Lan đã được khai mạc tại Nhà Văn hoá Hữu nghị thành phố Huế. Triển lãm còn có ý nghĩa góp phần trong các hoạt động kỷ niệm lần thứ 25 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt và Thái Lan (1976-2001). Triển lãm lần này quy tụ 110 tác phẩm được sáng tác trong những năm gần đây của hơn 100 tác giả là hoạ sĩ, nhà điêu khắc- giảng viên của 5 trường Đại học Mỹ thuật Việt - Thái Lan. Trong đó, Trường Đại học Chiang Mai Thái Lan có 23 tác phẩm, Trường Đại học Mỹ thuật Silpakorn -Bankok  có 6 tác phẩm, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội có 33 tác phẩm, Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có 22 tác phẩm và Trường Đại học Nghệ thuật Huế - Đơn vị đăng cai tổ chức - có 26 tác phẩm.
Triển lãm Mỹ thuật Đương đại 5 trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Thái Lan lần này vẫn là sự tiếp nối xu thế cởi mở đề tài và chấp nhận mọi khuynh hướng, quan niệm nghệ thuật khác nhau. Tác phẩm nghệ thuật của các hoạ sĩ - giảng viên 2 nước mang nhiều rung cảm của đời sống hiện thực và đậm chất triết lý. Cho dù được thể hiện dưới nhiều hình thức tạo hình, với nhiều thủ pháp, và nhiều lối diễn đạt, suy tưởng khác nhau nhưng qua tác phẩm của mình, các họa sỹ giảng viên hai nước vẫn gặp nhau ở sự biểu lộ khát vọng hoà bình, chứa đựng những triết lý về cuộc sống và thân phận con người, đề cao những giá trị nhân văn của thời đại. Có thể nhận thấy sự phong phú đa dạng của các phong cách, bút pháp biểu hiện và quan niệm nghệ thuật của các hoạ sĩ ở mỗi tác phẩm của từng trường đại học. Các tác phẩm của các họa sĩ - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội vẫn giữ được mạch nguồn cảm xúc hiện thực với cách nhìn chuẩn mực và một bút pháp vững vàng giàu tính hàn lâm. Có thể thấy rõ điều này qua các tác phẩm như “Trên nương ngô” - (Sơn mài) của Nguyễn Lương Tiểu Bạch, “Chợ quê” (Khắc gỗ) của Nguyễn Nghĩa Duyện, “Ngày mùa” (Bột màu) của Phạm Ngọc Sỹ, “Hoa Xuân” (Sơn dầu) của Phạm Học Hải, “Hoa chuối” (Khắc gỗ) của Trần Tuyết Mai... Bên cạnh đó là những sáng tác hừng hực chất cảm mới, cách nhìn hiện đại đầy lôi cuốn với một kỹ thuật vững vàng, sâu sắc ở tư duy hình tượng như “Bù nhìn” (Tổng hợp) của Lê Anh Vân, ”Người dao đỏ” (Sơn dầu) của Nguyễn Ngọc Long, ”Đỏ và xanh” (Sơn dầu) của Đỗ Minh Tâm, ”Bếp Việt nam” (Sơn dầu) của Phạm Bình Chương. Sự nối tiếp của các thế hệ họa sỹ - giảng viên thể hiện khá rõ chiến lược phát triển đào tạo của một trường mỹ thuật đàn anh và định hướng đổi mới trên cơ sở giữ vững nền tảng tri thức nghệ thuật được đúc kết, tạo dựng trong gần một thế kỷ qua. Các họa sỹ - giảng viên trường Đại học mỹ thuật thành phố Hồ chí Minh lần đầu hòa nhập trong Triển lãm mỹ thuật Đương đại của hai nước nhưng đã nhanh chóng tạo được ấn tượng riêng cho một thành phố phát triển. Với các tác phẩm như “Khỏa thân” (Sơn dầu) của Nguyễn Trung Tín, ”Tĩnh vật ”(Sơn dầu) của Nguyễn Hoàng, ”Âm nhạc và ngựa” (Tổng hợp) của Uyên Huy, “Tĩnh vật” (Sơn dầu) của Nguyễn Hoàng, “Tình cảm trai gái” (Sơn dầu) của Hoài Phi, ”Tĩnh lặng” (In đá) của Trần Văn Quân, ”Phong cảnh” (Sơn dầu) của Đặng Văn Long... đã đem lại cho người xem những cảm xúc mạnh mẽ bởi cách giải quyết các thủ pháp tạo hình đầy bản lĩnh. Điều dễ nhận thấy ở phong cách của các họa sĩ phía nam là xu hướng tả chân vừa giàu cảm xúc hiện thực lại vừa đậm chất duy lý sâu xa với sự kết hợp hài hòa giữa thủ pháp gọt tỉa từng chi tiết chọn lọc đến khắt khe đầy lý trí với sự tung hoành của một bút pháp đầy cảm hứng. Các họa sỹ - giảng viên Đại học nghệ thuật Huế dường như có một sự chuẩn bị lâu dài cho triển lãm, nên đã đem đến triển lãm nhiều phong cách thể nghiệm táo bạo. Nhiều tác phẩm đã gây được ấn tượng như “Vuông tròn” (Giấy) của Đỗ Kỳ Huy, “Lưng” (Sơn dầu) của Phạm Đại, ”Nguyện cầu” (Sơn dầu) của Hà Văn Chước, ”Nhớ biển” (Sơn dầu) của Nguyễn Duy Linh, ”Bố cục” (Sơn dầu) của Trương Bé, ”Đêm nâu” (Đồ họa) của Phan Hải Bằng, “Không gian trắng” (Lụa) của Nguyễn Thị Quang Vinh, “tiếng chuông chiều” (Sơn dầu) của Phan Thanh Bình... Đáng tiếc với tư cách là đơn vị đăng cai, trường Đại học nghệ thuật Huế chưa tận dụng được những cơ hội có thể để tạo nên một bước ngoặt mới thật sự sâu sắc trong không gian thẩm mỹ tạo hình ở Huế - nơi mà công chúng đã quen thuộc và chờ đợi, kỳ vọng nhiều hơn ở họ. Trong mảng tranh của các họa sỹ Thái Lan, sự tìm kiếm chất liệu biểu hiện và thủ pháp tạo hình mới, khuynh hướng phá vỡ ranh giới hội họa giá vẽ được nhiều họa sĩ thể nghiệm. Đặc biệt kỹ thuật được đề cao và coi trọng trong các tác phẩm như “Ranh giới” (Dệt) cúa Pitsamai Arwakulpanich, ”Đền Padao” (Sơn dầu) của Soontorn Suwanhem, ”Cuộc sống nông thôn” (Sợi thủy tinh) của Amnuay Guntain, ”Hai chân trời” (Thép không gỉ) của Wattana Wattanapun, “Thái 1” (Tổng hợp) của Songkarn Soodhom (Trường Chiang Mai) và “Mất tự do” (In đá) của Apichai Pirompat, ”Hình thể Thái ”(In nổi) của Preecha Thao Thong (Trường Sipakorn) đã để lại nhiều suy ngẫm cho người xem. Điểm gặp nhau của họa sỹ hai nước trong triển lãm lần này là sự chiếm chỗ gần như tuyệt đối của khuynh hướng hiện thực biểu hiện chứ không phải là trừu tượng hay Installation, các họa sỹ Thái lan rất quan tâm đến việc sử dụng các chất liệu trang trí dân gian của dân tộc mình để mô tả, biểu hiện, ẩn dụ về cuộc sống. Bày tỏ những nghĩ suy, trăn trở, những nỗi niềm cá nhân trong cái chung của dân tộc thời đại thực sự là một nhu cầu và khát vọng của các họa sỹ đương đại. Có lẽ vì vậy mà mỹ thuật Việt Nam và Thái Lan dường như tương đồng ở tư duy và sự tìm tòi, xử lý tạo hình, tính dân tộc được khai thác triệt để với một cách lý giải hiện đại, ẩn chìm trong từng tác phẩm là “bóng dáng truyền thống” Thái hoặc Việt trong đó. Ở mảng điêu khắc, do điều kiện không gian nên triển lãm chỉ trưng bày các tác phẩm điêu khắc vừa và nhỏ hoặc qua ảnh, vì vậy cũng chưa thể khái quát được diện mạo điêu khắc của hai nước. Ngoài một vài tác phẩm ít ỏi của Trường Đại học Mỹ thuật Hà nội bằng đồng, đá có những ấn tượng nhất định, nhìn chung mảng điêu khắc dường như chìm đi trong một không gian màu sắc muôn màu bao quanh.
 Khách quan mà nói, các tác phẩm của Việt nam có phần “lành” hơn ở tính dân tộc-hiện đại, sự tìm tòi hình thức biểu đạt tuy có phong phú, đa dạng, nhưng sự lặp lại cũng khá nhiều trong một số tác giả, tác phẩm. Một vài tác phẩm của các họa sỹ trường Sipakorn cho người xem cảm giác cẩu thả, đôi khi chỉ là một tờ báo có quét màu để rồi như một câu đố với người xem, có tác phẩm chỉ là một màu đỏ theo kiểu chủ nghĩa Duy sắc không thực cũng làm cho những dấu hỏi, băn khoăn càng đậm hơn trong người thưởng ngoạn. Tuy thế, điều rất đáng chú ý là triển lãm lần này khẳng định ý nghĩa lớn lao trong giao lưu văn hóa và trao đổi học thuật của các trường mỹ thuật Việt nam -Thái lan. Không có gì cụ thể và sinh động hơn là được nhìn thấy trực tiếp các tác phâm của hoạ sỹ hai nước trong không khí hội nhập quốc tế về nghệ thuật.
Triển lãm Mỹ thuật đương đại  5 trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Thái Lan năm 2001 một lần nữa góp phần nâng cao sự hiểu biết về sáng tạo mỹ thuật giữa các hoạ sĩ các trường Đại học Mỹ thuật 2 nước, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam - Thái Lan. Đây cũng là cơ hội để công chúng yêu nghệ thuật ở  Huế và các thành phố lớn của 2 nước Việt Nam - Thái Lan được thưởng ngoạn và tiếp xúc với những tác phẩm nghệ thuật mang tính đương đại của các hoạ sĩ giảng viên của 5 trường đại học Mỹ thuật Việt Nam - Thái Lan được sáng tác trong những năm gần đây. Đồng thời là một hoạt động văn hoá đáng chú ý ở thành phố Huế - thành phố di sản văn hoá thế giới.

TRẦN THANH BÌNH - PHAN THANH BÌNH
(nguồn: TCSH số 153 - 11 - 2001)

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng