Mỹ thuật Huế
Hội họa trên áo dài - sự đồng hành trong sáng tạo
15:10 | 29/05/2017

THIÊN HÀ

Một sự kiện văn hóa đáng lưu tâm trong kỳ Festival nghề truyền thống Huế 2017 là lễ hội áo dài với chủ đề Hội họa Huế và Áo dài, được diễn ra trên cầu Trường Tiền, bắt đầu Iúc 20 giờ đêm 30/4.

Hội họa trên áo dài - sự đồng hành trong sáng tạo

Trước khi trình diễn chính thức, sẽ có hàng trăm nữ sinh tham gia diễu hành trong trang phục áo dài cùng với người mẫu. Dịp này những đoàn xích lô trang hoàng đón du khách tham quan trên một số tuyến đường chính, và cuộc diễu hành bằng xe đạp của 100 nữ sinh mặc áo dài cùng với các nghệ nhân tham gia hoạt động tại Festival. Một làng áo dài được tổ chức tại công viên Lý Tự Trọng (công viên ở phía Nam sông Hương) với các hoạt động như: triển lãm áo dài và hội họa; trưng bày, trình diễn và thực hành nghề may truyền thống Huế với bàn máy may đạp chân; vẽ, thêu, in digital trên áo dài; may đo áo dài cho du khách do Hội Nghề may Huế đảm trách. Mục đích là tôn vinh chiếc áo dài Việt Nam. Thành phố Huế là nơi đã thực hiện vận động thành lập và ra mắt Hội Áo dài Việt Nam vào Festival nghề truyền thống Huế 2009, bà Tôn Nữ Thị Ninh làm Chủ tịch. Áo dài đã trở thành một phần trong đời sống tinh thần của phụ nữ Huế và phụ nữ Việt Nam.

Mỗi lễ hội áo dài trong các kỳ Festival đều có những nét mới; các nhà tạo mẫu đem đến những bộ sưu tập đặc sắc, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng. Lần này các nhà tạo mẫu mong muốn tác phẩm của họ gắn với đời sống của Huế vốn là nơi đã tạo cho họ ấn tượng và nhiều cảm xúc. Tiếp xúc với nhiều họa sĩ Huế và qua những cuộc triển lãm mỗi khi có dịp ghé Huế, họ có những cảm nhận khác nhau về tác phẩm song cái nhìn chung là tranh Huế có bản sắc riêng, rất Huế. Nhà thiết kế Minh Hạnh đã từng làm việc với hầu hết các kỳ Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế, người có nhiều kinh nghiệm về tổ chức thời trang đã đồng cảm với anh Nguyễn Duy Hiền (cựu Giám đốc Trung tâm Festival Huế) - là người hết sức tâm huyết với văn hóa Huế và đã có nhiều sáng kiến trong việc tổ chức lễ hội - cùng chung quan điểm đưa hội họa của Huế vào áo dài như một cách thiết thực đưa mỹ thuật hòa vào đời sống; ý kiến đề xuất lên Ban Tổ chức và đã được chấp thuận.

Các họa sĩ, nhà thiết kế Huế và Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh đã vào cuộc. Các nhà tạo mẫu chủ động hoàn toàn trong đề tài, tìm hiểu trên cơ sở nhờ các họa sĩ cung cấp tác phẩm và cùng đồng hành sáng tạo. Việc đưa tác phẩm lên áo dài cũng có nhiều quan điểm khác nhau, người cho rằng tác phẩm hội họa có giá trị khi đứng trong một không gian phù hợp, người thì hoan nghênh việc cần nên đưa hội họa vào đời sống một cách hợp lý mà không đánh mất ý nghĩa của tác phẩm hoặc phong cách của tác giả; có thể lấy một vài chi tiết chính của tác phẩm, có thể là một ký tự ở tác phẩm đã tạo nên thành công của tác giả.

Hội họa Huế đã có chiều dài lịch sử và bề dày phát triển với rất nhiều tên tuổi không chỉ làm rạng danh cho Huế mà còn góp thành tựu không nhỏ cho mỹ thuật đất nước. Điều đó đặt ra cho những nhà thiết kế phải chọn tranh sao cho phù hợp để tôn được tác phẩm của họa sĩ. Họ thấy rằng nhiều họa sĩ tên tuổi nhưng tác phẩm còn lại quá ít, cơ bản chưa hợp với cách bố trí lên áo; có họa sĩ lại không muốn tham gia, hơn nữa số lượng các nhà thiết kế không nhiều, mỗi nhà thiết kế chỉ chọn một tác giả để đi sâu và khai thác mới có hiệu quả.

16 nhà thiết kế và 18 họa sĩ Huế đã cùng đồng hành trong sự kiện này. Họ hầu hết là các nhà thiết kế trẻ thành danh, đặc biệt người cầm chịch là nhà thiết kế Minh Hạnh, đều đã đóng góp cho nền thời trang nước nhà và đưa tên tuổi ngành thời trang Việt Nam sánh với các nước trong khu vực. 18 họa sĩ Huế có tác phẩm tranh phù hợp với bố cục tác phẩm áo dài của các nhà thiết kế (trong đó có 4 họa sĩ quá cố) đều có bề dày nghề nghiệp, có tên tuổi trong nước, một số là những người thầy đã và đang giảng dạy ở Trường Đại học Mỹ thuật Huế, có đóng góp cho sự phát triển mỹ thuật Huế. Có 2 nhà thiết kế đều chọn 2 họa sĩ để đồng hành: Nhà thiết kế Minh Hạnh với cố họa sĩ Đinh Cường và cố họa sĩ Bửu Chỉ; nhà thiết kế Nhi Hoàng với họa sĩ Lê Đức Hải và họa sĩ Lê Ngọc Thanh. Còn lại là những cặp đôi đã đồng cảm cộng sự để hoàn thành tác phẩm, họa sĩ quá cố Tôn Thất Đào - nhà thiết kế Hiền Đặng; họa sĩ Trương Bé - nhà thiết kế Viết Bảo; họa sĩ Tuyết Mai - nhà thiết kế Hữu La La; họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên - nhà thiết kế Vũ Việt Hà; họa sĩ Phan Thanh Bình - nhà thiết kế Duy Nguyễn, họa sĩ Đặng Mậu Triết - nhà thiết kế Vũ Trần Đức Hải; họa sĩ Nguyễn Thiện Đức - nhà thiết kế Chu La (người Tây Ban Nha); họa sĩ Lê Văn Nhường - nhà thiết kế Thanh Thúy; họa sĩ Phạm Trinh - nhà thiết kế Ngọc Hân; họa sĩ quá cố Võ Xuân Huy - nhà thiết kế Huế Xuân Hảo; họa sĩ Nguyễn Đình Dàng - nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam; họa sĩ Lê Phan Quốc - nhà thiết kế Quang Tân; họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn - nhà thiết kế Khánh Shyna; họa sĩ Đặng Mậu Tựu - nhà thiết kế Quang Huy.

Nỗ lực và tâm huyết của những nhà thiết kế đến với Huế bằng tinh thần hội họa đều hướng đến cái Đẹp, họ gặp nhau ở tác phẩm cũng xem như tri kỷ mới hiểu nhau đến thế. Hy vọng sẽ nhận được sự đồng cảm bởi có lẽ ai cũng mong tìm ở cái Đẹp một sự bình yên.

T.H  
(TCSH339/05-2017)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Phố hoang liêu (19/08/2016)
Niệm (22/04/2016)