Mỹ thuật Huế
Gốm mỹ thuật của Đỗ Kỳ Huy
15:09 | 20/02/2020

LÊ VĂN THUYÊN

Đỗ Kỳ Huy là một họa sĩ nhưng anh không chỉ sáng tác nghệ thuật bằng những tác phẩm hội họa mà còn bằng một loại hình nghệ thuật độc đáo khác: Nghệ Thuật Gốm.

Gốm mỹ thuật của Đỗ Kỳ Huy

Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật ở Huế năm 1988, Đỗ Kỳ Huy vào Biên Hòa học gốm thêm một năm. Cuối năm 1989 anh trở lại Huế với ước mơ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật bằng chất liệu gốm như anh đã gọi Gốm Mỹ Thuật.

Hoài bão lớn là như vậy nhưng anh hết sức khiêm tốn. Anh hiểu rằng nghề làm đồ gốm ở Thừa Thiên - Huế đã trải qua không ít thăng trầm. Nhiều nghệ nhân gốm tài ba ở Thừa Thiên - Huế cuối đời vẫn sống thanh bạch nghèo khổ mặc dù trọn thời trai trẻ đã cống hiến cả tài năng và của cải cho nghề gốm. Một lão nghệ nhân năm nay đã ngoài 80 tuổi hiện đang ở làng Nguyệt Biều (TP. Huế) - một trong những nghệ nhân hiếm hoi của thế hệ trước còn sống sót - là người như thế. Đỗ Kỳ Huy đã đến thăm và hỏi chuyện nghề nghiệp lão nghệ nhân ấy. Bằng trí nhớ khá minh mẫn, cụ đã kể lại một cách chi tiết, cụ thể những "bí quyết" nghề nghiệp trong suốt thời gian hơn ba năm cụ sản xuất toàn bộ ngói thanh lưu ly và hoàng lưu ly để trùng tu Ngọ Môn vào đầu thập niên 1960. Như một kẻ "tầm sư học đạo", rất chân thành và cầu thị, Đỗ Kỳ Huy đã xin "yết kiến" hầu hết những người đã từng làm gốm ở Thừa Thiên - Huế. Huy đã giới thiệu với tôi một vài khuôn mặt trong số những người đó mà anh rất quý trọng về tài năng, tri thức và hoài bão nghề nghiệp. Họ đều là những người rất tâm huyết với nghề làm đồ gốm, thiết tha muốn phục hồi lại việc sản xuất nghề truyền thống đáng quý ấy nhưng kết quả đã không như ý muốn. Điều ấy chứng tỏ rằng muốn làm sống lại nghề gốm ở Huế không phải dễ dàng và đơn giản, rằng muốn tránh được con đường thất bại của những bậc đàn anh đi trước phải "bó tay gốm, ôm tay cày" để kiếm sống trên đồng ruộng, Huy quyết tâm thể nghiệm một loại hình nghệ thuật gốm mới:

Gốm mỹ thuật. Với tình cảm đam mê nghề nghiệp hiếm thấy, lại được sự bảo bọc, nâng đỡ của thân sinh là họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng và những người thân trong gia đình nên Đỗ Kỳ Huy đã bắt đầu sự nghiệp sáng tác tạo hình đồ gốm khá thuận lợi. Tuy nhiên, chính sự nỗ lực của bản thân anh, đôi khi gần như vượt quá sự cố gắng tối đa của một con người bình thường, đã giúp anh khắc phục được mọi khó khăn. Vóc người nhỏ nhắn, thư sinh, tuổi đời còn quá trẻ (sinh 1964), lại không may bị hỏng một con mắt nhưng Đỗ Kỳ Huy đã lao động nghệ thuật miệt mài, dẻo dai đến lạ thường. Anh đã tự làm tất cả mọi công việc cần thiết để có một tác phẩm gốm mỹ thuật hoàn chỉnh: từ thiết kế kiểu lò nung, xây lò, làm đất, tạo dáng... đến đun lò, xử lý mọi tình huống kỹ thuật và chờ tác phẩm ra lò như người mẹ chờ đứa con ra khỏi bụng mình. Với tinh thần lao động cần mẫn và nghiêm túc như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn chưa đầy ba năm vừa học nghề, vừa nghiên cứu - sản xuất thể nghiệm, cuối tháng 12-1990 anh đã tổ chức một phòng triển lãm gốm bề thế tại Huế gồm trên 150 tác phẩm gốm đầu tay đặc sắc của anh. Có lẽ thuật ngữ Gốm Mỹ Thuật đã được nhiều người thừa nhận từ cuộc triển lãm ấy.

Tác phẩm gốm của Đỗ Kỳ Huy thể hiện khá rõ bản lĩnh nghề nghiệp của anh qua phong cách trang trí, nghệ thuật tạo dáng và kỹ thuật xử lý chất liệu, ở bất cứ khâu nào cũng đều có thể nhận ra tính sáng tạo độc đáo của tác giả. Là họa sĩ nên anh có cái nhìn thẩm mỹ khá tinh tế qua cách tạo dáng và sử dụng màu sắc trang trí trên tác phẩm gốm, vì vậy đồ gốm của anh rất đa dạng về tạo hình và hài hòa trong phối sắc trang trí. Anh hết sức coi trọng khâu tạo dáng tác phẩm, tùy theo dáng để xử lý các yếu tố trang trí. Về mặt kỹ thuật chất liệu, Đỗ Kỳ Huy cũng đã tỏ ra rất vững vàng, nhất là trong khâu xử lý kỹ thuật men, ngay trên cùng một tác phẩm gốm, chất men vừa có độ bóng loáng, vừa có chỗ xù xì, xô xám; tạo được hiệu quả như vậy thì phải điều khiển cho được nhiệt độ trong quá trình nung. Chính nhờ làm chủ được nhiệt độ khi nung nên mới có thể tạo chất men theo ý muốn, sản phẩm gốm khi ra lò sẽ có chất men mát (émail mát) hay men trong (émail cristallin) theo ý muốn. Xem tác phẩm gốm của Đỗ Kỳ Huy, ta như gặp lại một chút phong cách gốm Hy Lạp cổ đại, một chút chất thô mộc của gốm đã lu lẫn chất men truyền thống của gốm dân gian. Một thành công đáng kể khác của Đỗ Kỳ Huy là đã tự tìm ra đất để sản xuất gốm. Nhờ kết quả của việc nghiên cứu trên lý thuyết kết hợp với việc khảo sát thực địa ở một số nơi trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, sau một vài lần thí nghiệm, Đỗ Kỳ Huy đã kết luận phải dùng đất theo phương pháp phối liệu, nhất là đất làm bao nung phải có độ chịu lửa cao khi đưa vào lò. Nhờ biết chủ động kết hợp một cách khéo léo và thông minh giữa kỹ thuật và mỹ thuật trong quá trình nghiên cứu sản xuất gốm, Đỗ Kỳ Huy đã dần dần tự khẳng định cho mình một hướng đi đầy tự tin.

Đỗ Kỳ Huy đã sống với nghề gốm đến nay vừa tròn ba năm. Khi nói chuyện với tôi, anh tỏ ý tiếc là không có đủ thời gian để học nghề gốm một cách chính qui và toàn diện hơn. Anh rất biết ơn những bậc thầy đáng kính ở vùng gốm truyền thống nổi tiếng Biên Hòa đã truyền thụ cho anh phần tri thức quí giá về nghề, đồng thời anh cũng hết sức ngưỡng mộ các vị danh sư trong lãnh vực gốm ở miền Bắc mà anh đã được tiếp xúc, học hỏi. Anh hay nhắc đến đồ gốm cổ Thanh Hóa với vẻ đầy say mê, thích thú. Rõ ràng sự yêu thích ấy đã để lại những dấu ấn khá đậm nét trên nhiều tác phẩm gốm của anh. Tôi cũng hết sức bất ngờ khi biết anh đã thể nghiệm thành công việc sản xuất "thử cho vui" - như lời anh nói - ngói thanh lưu ly và hoàng lưu ly! Thì ra, ngay trên đất Huế này, vào đầu thập niên 1960 và cuối thập niên 1980 đã có người làm ra được cái thứ "ngói quí tộc" ấy. Còn khoảng thời gian giữa hai thập niên đó, có bao nhiêu nghệ nhân có thể làm được loại ngói "cao cấp" như thế? Bây giờ họ đi đâu, về đâu, làm gì? Mai một hết rồi chăng?

Để sống được với nghề gốm, hay nói cách khác, muốn cho nghề làm đồ gốm ở Thừa Thiên - Huế khỏi sống ngắc ngoải như một số ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống ở Huế hiện nay, Đỗ Kỳ Huy nhấn mạnh: Huy chọn loại hình sáng tác gốm mỹ thuật. Điểm khởi đầu nghệ thuật gốm của Đỗ Kỳ Huy là như vậy - một sự bắt đầu với nhiều triển vọng tốt đẹp đáng yêu.

Huế 12.1991
L.V.T
(TCSH47/01-1992)


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng