Tuyển truyện ngắn 30 năm Sông Hương (1983-2013)
Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: NGƯỜI ĐOÁN MỘNG GIỎI NHẤT THẾ GIAN
09:14 | 27/07/2017

PHẠM THỊ HOÀI

Ngày mười lăm tháng hai năm một ngàn chín trăm tám mươi bảy, tòa án nhân dân thành phố H. mở phiên tòa xử một trường hợp đặc biệt. Bị cáo là một phụ nữ bốn mươi tuổi, độc thân, phạm tội hành nghề mê tín dị đoan có hệ thống, có tổ chức, quy mô lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, nổi tiếng dưới tên gọi "người đoán mộng giỏi nhất thế gian".

 

Phiên tòa không luật sư bào chữa, bị cáo khước từ mọi quyền lợi trước pháp luật. Bảy công tố viên thay phiên nhau như chạy tiếp sức, phóng viên và cảnh sát dày đặc hành lang, đám đông tụ tập ngoài sân tòa và tràn ra mặt đường mang theo bánh mì, bi đông nước, nhiều người mang cả chiếu. Phiên tòa kéo dài sáu tháng không kết quả và chắc sẽ chẳng bao giờ kết thúc, nếu bị cáo không đột ngột biến mất khỏi nơi giam giữ nghiêm ngặt. Những người đại diện cho công lý đã thầm cám ơn giải pháp may mắn ấy và không quá nhiệt tình truy tìm kẻ mất tích. Suốt sáu tháng trước vành móng ngựa, bị cáo không hề lớn tiếng, trừ những lúc bắt buộc, nhưng trước khi mất tích để lại một bản khai, sau này được báo chí công bố như thành tựu chính của phiên tòa gây nhiều dư luận nói trên. Phải nói thêm rằng bị cáo có sắc đẹp kỳ lạ, chưa gặp trong văn chương cổ kim, nhưng hoàn toàn không mê hoặc, đơn giản vì sắc đẹp ấy quá xa lạ với những gì người cùng thời có thể biết hoặc phán đoán về cái đẹp.

Mẹ tôi sinh tôi giữa đường chạy nạn, quây vội cót thành cái lều, trên trời dưới cỏ, xung quanh ầm ào tiếng súng, người vật gọi nhau táo tác. Tín hiệu chào đời của tôi lạc mất địa chỉ, chẳng ai làm chứng, tất cả phụ thuộc vào bộ nhớ rất hữu hạn và quá nhậy cảm với thời gian tàn phá của mẹ. Có một chú dế nhỏ mục kích từ đầu chí cuối cuộc sinh thành, nhưng nếu có gặp lại, mẹ tôi cũng không dám chắc sẽ nhận diện được. Thế là tôi nằm trong chiếc lều cót, ngửa mặt nhìn trời, với một chú dế trong vành tai, tư thế lý tưởng để phát sinh mọi mộng mơ và tôi đã mơ ngay từ phút chào đời vô vàn giấc mơ mà lắm kẻ bạc đầu chưa từng nếm trải. Đó là hướng nghiệp đầu tiên dành cho tôi.

Ba năm đầu tôi lớn lên trong một chiếc thúng, bồng bềnh nhún nhảy theo nhịp quẩy của mẹ. Mẹ vừa chạy nạn vừa bán hàng rong, nửa gánh đằng kia là cả một thế giới nhỏ biến hóa vô cùng, nước mắm hóa thành muối, muối thành gạo, gạo thành gà, gà thành cá, cá thành nước mắm, nước mắm lại biến hóa vòng hai, cứ như thế luân hồi. Thoạt tiên, thế giới ấy nặng hơn tôi, mẹ phải an ủi bằng cách tặng tôi bằng hòn đá nhặt dọc đường làm đối trọng; sau này, thế giới đầu đòn gánh đằng ấy càng ngày càng nhẹ bỗng, tôi phải an ủi bằng cách nhượng lại dần cho nó số đá kia. Ngồi trong chiếc thúng đong đưa, tôi gục mặt nhìn đất, thỉnh thoảng ngắm gấu quần thiên hạ để giải trí, và mơ tiếp vô vàn giấc mơ. Đó là hướng nghiệp thứ hai.

Sau đó là ba năm những giấc mơ chững lại. Các nhà tâm lý học trẻ em đã lầm to khi sốt sắng bày ra đủ phương tiện nhằm kích thích trí tưởng tượng và khả năng mơ mộng của trẻ nhỏ lúc tuổi ấy. Sự thật là đứa trẻ đã mang sẵn một thế giới mộng mơ khổng lồ, bắt nguồn từ lòng mẹ, vụt nhận hình hài khi chào đời, tự do phát triển theo những quy luật không thể nắm bắt, và đột nhiên bị thế giới ngôn từ thâm nhập như một trong những ngoại tố phức tạp nhất, vừa phá hủy, vừa định hướng và thường là một định hướng sai lầm.

Tôi chững lại để tập, để thu nhận và khám phá một thế giới khác, thế giới có thực, thuần túy khám phá và thỏa hiệp, bằng cách gọi tên, bắc cây cầu ngôn ngữ, hoàn toàn không tưởng tượng hay mộng mơ gì hết, ví dụ đơn giản nhất là mẹ. Trước khi biết nói, tôi thường mơ về mẹ, như một con cá chép, bụng đầy trứng, trắng óng ánh và thích nằm một chỗ. Sau này, biết đó là người đẻ ra mình, biết ngoan cho mẹ vui lòng, không bao giờ giấc mơ ấy trở lại với tôi nữa. Suốt ba năm đó, hầu như chỉ có mẹ, và tôi. Mẹ ít nói, chỉ hay hát ru. Những lời ru lạ lùng, chẳng chuyên chở một ý nghĩa nào cả:

"đêm vông vang rơi chiếc vòng vàng..."

Tự chúng cũng là một thế giới riêng, không áp đảo, mà có lẽ còn nâng đỡ những giấc mơ của tôi. Tôi không dứt đoán mộng mơ vì lẽ ấy.

Mười năm đi học, tôi lại được thời mơ tiếp vô vàn giấc mơ, vì đó là cách duy nhất vừa để giết, vừa để xứng đáng với thời gian khi người ta còn ngồi trên một chiếc ghế băng nào đó trong một ngôi trường nào đó. Tôi thường đứng trước lớp, thay vì biểu diễn các công thức mà đàng nào rồi người ta cũng sẽ quên, lại kể về những giấc mơ, trong đó có một đàn chim mổ vào mắt nhau, những con mắt lăn lóc khắp nơi, tôi không biết trốn đâu cho thoát những con mắt, hay chuyện tôi bé bằng ngón tay, sau lớn dần, lớn dần, thành hẳn một quả núi, và lại nhỏ dần, nhỏ dần trở về ngón tay... Tôi trở thành trường hợp tuyệt vọng cho toàn trường. Giáo viên lúc đầu tò mò, sau bực bội, và cuối cùng để mặc tôi ở một xó bàn cạnh cửa sổ; sau này những người hâm mộ và cuồng tín kéo nhau về ngôi trường ấy, mua đấu giá chiếc bàn chi chít bút tích tôi.

Lời đoán mộng ứng nghiệm đầu tiên của tôi phát vào năm mười sáu tuổi, cho cô bạn cùng lớp xinh đẹp nhất. Cô bé không có chữ nào trong đầu, nên trông càng mê hồn. Đến kỳ thi tốt nghiệp, cô cài bông huệ gắn lên tóc, khoe đêm qua nằm mơ thấy toàn hoa huệ. Tôi rùng mình: "Đừng, sông sâu nước cả". Chín tháng sau, cô bé sinh hạ, hai mẹ con ôm nhau ra sông tự vẫn, bố đứa trẻ là một trong số giáo viên về coi thi, và cô bé Hoa Huệ đỗ thủ khoa năm ấy. Tiếng đồn bắt đầu dậy lên. Chính quyền tìm đến tận nhà. Hai mẹ con tôi được yên ổn chỉ nhờ phép mầu của tấm bằng gia đình liệt sĩ phủ đầy bồ hóng và mạng nhện.

Nhiều năm trôi qua. Tôi làm đủ mọi nghề nuôi mẹ, có lúc cũng quẩy hai cái thúng với những món hàng biến hóa vô cùng, dấu kín chiếc chìa khóa mà hình như chỉ riêng tôi có mở vào thế giới của những giấc mơ. Có giấc mơ nào tôi chưa quen? Tất cả như một mớ chỉ, khẽ rút sợi này là kéo theo hàng loạt sợi khác. Giải mộng chẳng qua là rút đúng sợi chỉ cần rút, đối với tôi đấy là chuyện vặt. Và khi lời đoán đầu tiên năm người ta mười sáu tuổi ứng ngay vào cái chết, thì tất cả các sợi chỉ rút sau quả là chuyện vặt.

Một hôm, có ông lão nốt ruồi mọc giữa nhân trung đến mua kim, ngồi bệt ngay bên gánh hàng của tôi, vừa run run díu lại mảng áo rách vừa than phiền về một giấc mơ quái gở, toàn là mèo, con nọ cắn đuôi con kia thành vòng tròn vây chặt ông, không sao ra thoát, chúng còn đồng ca một bài nghe cũng xuôi tai. Tôi lại buột miệng: "Nhà sắp thêm người, cụ không phải vá áo lấy nữa." Ông lão lầu bầu: "Tôi bảy mươi, mười một năm tám tháng hai chục ngày chỉ một mình với túp lều. Con trai thì núp váy vợ, con gái lấy chồng xa, bà lão trời bắt sớm, có ai mà thêm. Thêm ma à?" Rồi chống gậy bỏ đi. Chưa đầy tuần lễ, có người đàn bà chỉ ngoài bốn mươi, trông rất duyên dáng, lẳng lặng ôm tay nải đến túp lều lợp giấy dầu của ông lão, hỏi thế nào cũng không nói. Họ sống với nhau hai chục năm, rồi ông lão qua đời, được một con trai học hành rất tử tế. Người mẹ vẫn câm lặng như một bóng ma, hiền và lạc đàn, tới lúc chết không hé răng nói một lời. Anh con trai bán túp lều chôn cất mẹ rồi bỏ làng đi. Sau này anh ta sớm thành tài, nổi tiếng thần đồng trong giới khoa học và là người bảo trợ đáng yêu nhất của tôi. Đáng yêu ở cái nỗ lực phi lý mong tăng cường chiều thần diệu cho mặt phẳng logic nhạt nhẽo của khoa học, bằng cách gán cho thế giới mộng mơ của tôi một vài yếu tố trí tuệ, và gán cho khoa học một vài sắc thái tâm linh. Các vị hãy giở lại hồ sơ tòa án. anh ta là nhân chứng số một, một chàng trai dễ thương, có tham vọng thông thiên và ngoại cảm, lại còn làm thơ và thạo nhiều ngoại ngữ. Nhưng đáng tiếc, anh ta luôn xuất phát từ một điều gì đó và nhằm một điều gì đó. Còn tôi, tôi không xuất phát, không định hướng, tôi chỉ là một môi trường cho các giấc mơ đi qua, tôi chỉ rút các sợi chỉ.

Tiếng đồn lại dậy lên, người khắp thiên hạ truyền nhau tìm đến. Tôi không còn phải quẩy gánh bán hàng rong nữa. Đây mới thật là một nghề gia truyền. Người đàn bà nào trong dòng họ tôi cũng biết cân đong, nhìn xuống đất và nhặt nhạnh hào lẻ. Cái nghề thấm vào máu. Khi đã trở thành người đoán mộng giỏi nhất thế gian tôi vẫn nhìn tất cả như vòng luân hồi biến hóa vô cùng trong chiếc thúng nhỏ ở một đầu đòn gánh: giấc mộng đế vương, giấc mộng hoàng lương, giấc mộng vô thường, tất cả không ra ngoài miệng thúng.

Người ta lắm mộng mị, mộng ban đêm, mộng ban ngày, thậm chí ngủ gật dăm phút trong hội nghị, giữa buổi cầu kinh, lúc chờ người yêu, khi nghe bố mẹ giảng bài học hiếu đễ, giữa hai nước cờ của đối thủ lề mề, hay trên cầu tiêu... cũng mộng. Mấy chục năm hành nghề cho phép tôi phân loại và thuộc lòng mộng thiên hạ như nhà đông y làm việc với các ô thuốc.

Đứng đầu là mộng tiền bạc, từ mấy đồng xu rơi vãi ngoài đường, dăm chục đồng bạc lên lương, vài ba nghìn manh múng cò con, đến hàng vạn quan tiền lộc ngoại quốc và triệu triệu tiền siêu hình, tiền âm phủ khoét từ các vết thương chính quy của cái cơ thể duy nhất độc quyền sản sinh tiền bạc là nhà nước. Vì lẽ sống đó, còn ai trong cái thành phố bất lực mà hồn nhiên này không tìm đến tôi? Nào là đám ăn mày chuyên nghiệp, tràn từ thành phố này sang thành phố khác như nạn giặc châu chấu, đánh đeo với thể diện xã hội và chứng minh sự bất hợp lý vĩnh cửu của ban phát và hưởng thụ. Nào là anh chị em viên chức mòn mỏi ngóng về một quá khứ trong đó con người còn dám cho mình cái quyền lãng mạn và nhàn tản. Rồi em bé hát rong, ông chủ hợp tác xã khéo tay vui tính, nhà viết kịch thời thượng, những chàng thanh niên hăm hở chiếm lĩnh đời sống bằng hai bàn tay trắng, các cô gái không của hồi môn, vị thủ trưởng trước bước về hưu ngơ ngác trước nhân tình thế thái... tất cả đều nghĩ sâu sắc rằng thiếu tiền họ sẽ chẳng là gì, sẽ không còn là một người con, một người cha hay một người dân nào đó, cùng lắm bàng vai loài vật đi hoang ngoài đường, và vì thế ham tiền chỉ là ham muốn là người thuần túy nhất. Mộng tiền bạc thường hiện lên cụ thể, máu, phân, răng rụng, lửa cháy, nước tràn, súc vật hỗn chiến.

Sau đó đến mộng tình ái. Tình ái cần đối tượng. Chồng bạn, vợ người, thứ nữa mới đến gái đồng trinh, quả phụ và kỷ nữ. Các giấc mộng tình ái đều hao hao giống nhau, hoặc gắn liền với ma, mèo, mưa, hoặc đầy rẫy các con số, các mã hiệu: nói chung là nhốn nháo.

Tôi rất ngạc nhiên thấy những giấc mộng sinh, lão, bệnh, tử chỉ đứng vào hàng thứ ba. Hay đấy là dấu hiệu của sự tiến bộ của con người trong cuộc cạnh tranh muôn thuở với tự nhiên, luật của đấng tối cao đã lùi lại phía sau luật của con người áp đặt lên chính con người? Trong khi đó, đối với người giải mộng, những giấc mộng vô thường mang lại nhiều cảm xúc và ý thức nghề nghiệp nhất. Dường như ở đó, tôi rút những sợi chỉ như rút các dây thần kinh tỏa về não tủy.

Cuối cùng là đủ loại mộng mị vặt vãnh, bi, hài và vô thưởng vô phạt: chửi nhau với hàng xóm, mất trộm, chức trưởng phòng, ăn cỗ đũa lệch, ra chợ mua hớ, của người phúc ta, không nên đi xa, ra đường tránh chó...

Năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, tôi đã đoán cho hàng vạn người giấc mộng đoàn tụ. Năm một ngàn chín trăm bảy mươi chín, lại đoán cho hàng vạn người giấc mộng biệt ly. Đám số đề, cờ bạc bàn nhau mua phắt một biệt thự kín cổng cao tường có vệ sĩ canh gác cho tôi ở, độc quyền khai thác lời giải những mộng mị oái ăm, đại loại như bước chân trái ra khỏi nhà là số 57, nấc nghẹn giữa miếng ăn là đầu chẵn, tự nhiên có người giúp đỡ là con số xui 13... Học trò đến kỳ thi đại học bao vây chặt cửa nhà tôi đoán đề bài. Các thiếu nữ đến mùa cưới cũng vây chặt cửa nhà tôi đoán tương lai cuộc hôn nhân sắp tới. Người đẻ đến đoán con gái con trai. Người ra đi đến đoán lòng người ở lại. Người già đến đoán kiếp sau. Người trẻ đến xem phải trả oán gì cho kiếp trước. Có cả những nhà tiểu thuyết nhờ đoán số phận các nhân vật của mình và những linh mục dẫn con chiên tới xem ngày phán xử cuối cùng bao giờ sẽ đến.

Cứ như thế, tôi phục vụ. Không vì danh tiếng, còn danh vị nào hơn "người đoán mộng giỏi nhất thế gian"?

Cũng không vì tiền bạc. Món tiền lớn nhất tôi cần đã dùng vào đám tang cho mẹ tôi, đơn giản chỉ để khoản đãi nửa triệu người đưa mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Chỉ có bà chúa ong mới được một đàn con đông đúc như thế. Ngày tang lễ thứ ba, tôi bị bắt. Hồ sơ về những hoạt động mê tín dị đoan của tôi chất đầy một căn phòng rộng hơn chính nơi tôi ở, đỉnh cao là đám tang phạm thượng náo loạn này. Tôi bị kết tội mê hoặc đám đông bằng phép bùa phù thủy. Người ta ngờ đằng sau là những mưu đồ tôn giáo và chính trị sâu xa. Một mạng lưới cảnh sát dầy đặc chăng ra truy tìm con át chủ bài dấu mặt. Báo chí bắt đầu cảnh giác. Giới khoa học được triệu tập cấp tốc. Chuyên gia nước ngoài cũng có mặt. Và ngày ngày, hàng trăm hàng ngàn rồi hàng vạn người chờ đợi trước cổng nhà giam, người nào cũng ôm ít nhất một giấc mộng chưa lời giải, ngóng qua đầu ruồi mũi súng anh lính gác về phía tôi. Bản thân anh ta cũng sẵn sàng đồng lõa.

Một tuần sau, tôi được tự do. Ân nhân của tôi là một quý bà sang trọng, đeo kim cương ở khắp những chỗ quần áo không che hết da thịt. Quý bà sang trọng thuật lại cơn ác mộng của bà đêm qua. Tôi khuyên bà nên đi tu, nếu không muốn để gia đình rơi vào thảm họa. Bà ta lẳng lặng về. Mấy hôm sau, cửa nhà giam mở ra. Tôi lặng người trước đám đông. Một biển hoa. Dàn đồng ca và giao hưởng thành phố cử khúc "An die Freude" nổi tiếng trong bản giao hưởng số chín của Beethoven. Nhưng trong tôi, nỗi hoài nghi đã thay thế niềm vui, và lần đầu tiên, ý nghĩ đoạn tuyệt với nghề xuất hiện.

Tôi tiếp tục hành nghề, bảy năm, như người tù khổ sai biệt xứ, bởi loài người đã phái tôi đến xứ mộng mơ để cày cấy gieo trồng và cung nộp toàn bộ thành quả lao dộng. Tôi là kẻ được chọn lựa, và giờ đây tôi không thiết tha gì tư cách của kẻ được chọn lựa nữa.

Các vị hãy giở lại hồ sơ tòa án, nhân chứng số hai của tôi là một giáo sư bác sĩ nổi tiếng. Ngành y học quan tâm tới tôi thuần túy vì mục đích nhân đạo. Tôi nghiên cứu các giấc mộng, còn ông ta nghiên cứu tôi, con bệnh đầu đàn trong mọi con bệnh, giải pháp lâm sàng hứa hẹn ít nhất một Nobel. Theo sau ông ta là các nhân chứng khác. Một nhà thần học, thấy trong tôi sự giao lưu giữa con người và thần thánh. Một nhà phân tâm học, tự xưng là tín đồ duy nhất của Freud, Adler và Jung ở Đông Dương, khẳng định tôi là hiện thân của toàn bộ lý thuyết tâm lý học tầng sâu về mộng mị. Một triết gia lấy tôi là ví dụ cho tính năng động của ý thức trong tương quan với tồn tại. Một nhà nghiên cứu nghệ thuật hy vọng dùng tôi giải mã tranh cua Bosch, truyện của Kafka và nhạc Stravinsky. Một nhà xã hội học quyết định suy từ phương pháp thống kê mộng mị ra thực tế vốn khó tiếp cận hơn nhiều. Và một nhà sử học tìm kiếm chứng tích của các nền văn minh chìm trong những hoạt động vô thức. Họ đến với tôi, và giờ đây, ra trước tòa, đặt tay lên ngực thề khai sự thật và không gì khác hơn ngoài sự thật. Nhưng toàn bộ sự thành khẩn của họ và của đám đông khổng lồ mà tôi đã không tiếc công phục vụ chỉ càng chứng minh rằng tôi, người đoán mộng giỏi nhất thế gian, đã có mặt vô lý với tư cách kẻ được chọn lựa. Loài người bao giờ cũng chọn một kẻ nào đó để đặt tất cả lòng tin, và để đem ra trước vành móng ngựa.

Một hôm, những người trước đây đã kết tội tôi dùng phép bùa phù thủy đích thân đến mời tôi cộng tác. Khoa học hình sự đã phát triển tới mức đủ sức liên kết với mọi lãnh vực tri thức khác. Tôi từ chối. Tôi chỉ là một môi trường cho những giấc mơ đi qua, tôi chỉ rút các sợi chỉ. Và ngay cả việc ấy tôi cũng không thiết tha nữa. Người ta mời tôi tới các hội nghị. Người ta đưa tôi ra nước ngoài. Người ta vời tôi vào nơi cung cấm. Người ta trao vào tay tôi vận mệnh quốc gia. Người ta đặt tôi dưới một chế độ ăn uống và bảo quản nghiêm ngặt. Và trong tôi, ý nghĩ đoạn tuyệt với nghề chín dần. Phải, giấc mơ nào cũng ứng vào một điều gì, từ chuyện cho mèo mẹ sẽ đẻ mấy con nhị thể, mấy con tam thể, đến chuyện chiến tranh và nạn hồng thủy. Còn giấc mơ ứng vào chính nó, mộng mơ như một dạng tồn tại, không biểu tượng, không ám chỉ, như hai vạn năm trước từng là lối sống duy nhất của một chủng tộc nào đó, thì đồng loại tôi chưa bao giờ gặp. Trong trường hợp này, không thể dùng những khái niệm đã biết để hình dung điều chưa biết, nên người làm một động tác xóa sổ đơn giản, bảo đó là trò chơi dễ dãi của ngôn từ.

Tôi quyết định chọn ngày sinh lần thứ bốn mươi của mình làm ngày hành nghề cuối cùng. Hôm đó, thành phố bãi bỏ toàn bộ hoạt động, người nào cũng tranh thủ có một giấc mộng trọng đại cuối cùng. Rõ ràng tôi không đủ sức thỏa mãn từng cá nhân trong vòng hai mươi tư tiếng đồng hồ ấy, chỉ còn cách phân loại và giải đáp từng nhóm mộng to, mộng nhỏ. Có nhóm được nghe lời phán định về sự suy sụp của cả một chế độ. Có nhóm biết mình sẽ đứng ra thâu tóm đời sống xã hội trong mười năm sắp tới. Có nhóm được quyền nhàn tản thung dung bất chấp mọi đổi thay của thời cuộc. Và biết bao nhóm khác sẽ quẩn quanh trong những biến cố nho nhỏ của trái tim.

Rồi việc phải đến đã đến. Đám đông gào lên, kẻ tung hô tôi, kẻ đòi tôi không được từ chức, kẻ đe dọa tự thiêu ngay tại chỗ để phản kháng lời giải mộng về một số kiếp chẳng ra gì, kẻ phát cuồng về một tương lai vượt quá mọi mong đợi. Cuộc náo loạn lần này đẩy tôi ra đây, trước vành móng ngựa. Các vị đã tự giằng co sáu tháng trời, không quyết định nổi nên tiếp tục đặt tất cả lòng tin vào tôi, hay đành sống không điểm tựa. Đây là phiên tòa dành cho các vị. Hãy kết tội niềm tin đi, nếu nó không còn cần thiết nữa, và thay vào chỗ nó những quy chế nghiêm ngặt của cộng đồng. Để tiện cho các vị, tôi, người đoán mộng giỏi nhất thế gian, xin vĩnh biệt. Tôi không có môn đệ. Các vị hãy yên tâm.

P.T.H

(SH số 38/1989)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng