Những nẻo đường đất nước
Việc làng - phụ nữ còn là người đẻ các bác
15:51 | 05/01/2009
HỒ TƯNằm trên dải cát ven phá Tam Giang, từ xưa làng tôi cũng đã có một ngôi đình. Đến năm 1946, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, Chính quyền cách mạng đã vận động nhân dân triệt phá ngôi đình để tránh cho Tây khỏi làm nơi trú đóng.

Thời thơ ấu, tôi thường ra đây chơi với bọn bạn bè, trên nền cũ vẫn còn trơ lại mấy bức vách đá rất dày, một cái am nhỏ bằng gỗ quy tụ rất nhiều lư hương, thờ tạm thần linh sau khi đình bị phá, phía trước là bốn cột trụ biểu rất to vẫn còn nguyên vẹn, cả quần thể được bao bọc bởi cái rú giữa làng, trở mặt xuống Tam Giang, trong địa cuộc cũng có thể coi là “tiền thâm hậu bối”.
Rồi cuộc chống Mỹ lại bồng lên, quê tôi là căn cứ địa của cách mạng ở đồng bằng, bởi vậy, nó trở thành mục tiêu mà người Mỹ muốn đánh phá bất cứ lúc nào tuỳ thích. Những cuộc hành quân truy lùng, vây ráp, triệt phá liên tục xảy ra, và những gì còn sót lại trong quá khứ thì đến năm 1968 bom đạn của Mỹ cũng đã san bằng tất cả, bốn cột trụ biểu đổ nhào nát vụn, cái am bằng gỗ cũng tan tành, đây là vùng bị tàn phá vô cùng ác liệt. Chưa đủ, năm 1969 Mỹ còn mang cả cơ giới đại xa húc, ủi, xới, cày, làm cho nhà cửa ruộng vườn, cây cối, khe suối, rú ruồng không những làng tôi mà cả một vùng mấy xã liền kề trở thành bình địa, để rồi chúng dồn dân lập ấp, cả mấy trăm gia đình bị quy lại trong ấp chiến lược chỉ mấy vùng nương.
Tuy là vùng chiến tranh, nhưng xuân thu nhị kỳ, những ngày lễ tiết, các cụ phụ lão cũng vận động dân làng dựng rạp tiến hành tế lễ trên nền đình cũ, với đầy đủ nghi thức, lễ nhạc đàng hoàng, bằng cả tấm lòng thành kính tôn nghiêm, tưởng niệm công đức người xưa có công khai phá, mở cõi, lập làng cho ngày nay dân cư đông đúc; có năm giết cả trâu bò, cả làng cấm lửa mà vui nhất là bọn con nít chúng tôi.

Năm 1971, toàn dân đồng thuận bán chiếc máy cày của chương trình viện trợ cho ấp chiến lược, cộng với sự đóng góp công sức tài vật của toàn dân, làng đã xây dựng lại đình làng mới.
Sau ngày giải phóng, nhận thấy rằng theo thời gian ngôi đình làng bị nắng mưa phong hoá, quy mô và phong sắc chưa tương xứng với sự hưng vượng của làng nên hội nghị chư tộc đã quyết định đại trùng tu, với sự đóng góp công sức tài vật của con dân gần xa khắp nơi trong nước và nước ngoài, mùa hạ năm Canh Thìn (2000) khởi công xây dựng, đại tu hậu tẩm, xây mới tiền đàn, chỉnh trang phong cảnh, đến mùa thu năm Tân Tỵ (2001) hoàn thành.
Lệ thường xưa nay, khi xây dựng xong xuôi thì tổ chức lễ lạc thành an vị, đây cũng là dịp con dân gần xa tụ hội và cũng để tạ ơn những người có công lao đóng góp xây dựng đình làng.
Chương trình được tiến hành thành hai công đoạn, phần cổ lễ được tiến hành chiều hôm trước, sáng ngày hôm sau là phần tân lễ, sau khi tổ chức cắt băng khánh thành thì mời quan khách, bà con dự tiệc rượu mừng; bàn định xong xuôi, phân công nhiệm vụ cho các tiểu ban thi hành nhiệm vụ. Khi cổ lễ đã tiến hành xong, ông Tú một người dân tuy tha hương nhưng thường xuyên quan tâm, có nhiều đóng góp công sức cho việc xây dựng hương thôn hỏi ông Quyết trưởng ban đốc sự xây dựng đình làng và đại lễ khánh thành về việc chọn các cô gái xinh đẹp để cầm băng cho lễ cắt băng, ông Quyết trả lời:

- Việc ni tui đưa ra bàn trong các bác phụ lão rồi nhưng có người không chịu;
- Tại sao, thưa bác?
- Họ nói phụ nữ uế tạp không được vô đình.
Nghe đến đây ông Tú toát mồ hôi, nhưng ông  tự kìm mình và hỏi lại:
- Ai nói rứa bác?
- Bác Ất nói - vừa nói ông vừa hất hàm về phía ông Ất.
Ông Tú lắc đầu ngao ngán, biết quá rõ về ông Ất, tuy chỉ là ý kiến của một người thôi mà cả làng cũng phải chào thua bởi ông Ất là hàng chú bác của một họ khá đông và con cháu của một dòng có công khai khẩn, biết mình là ai nên ông Tú bình tĩnh nói to với ông Quyết nhưng mục đích là cho cả rạp cùng nghe:
- Đề nghị bác cho mời các bác đang có mặt ở đây, mời các anh trong ban cán sự thôn và mời luôn anh Bí thư, anh Chủ tịch xã cũng là con dân của làng đang có mặt ở đây vô bàn thêm một chút.

Lời đề nghị của ông Tú được ông Quyết đồng tình, và khi đầy đủ các thành phần ông Tú chủ động lên tiếng, nén xúc động ông lễ phép thưa:
- Thưa các bác, các anh, chương trình tế lễ đã được ban tổ chức bàn định kỹ rồi, sở dĩ có phần tân lễ là vì có mời quan khách của huyện, của xã, con dân xa gần tụ hội, lẽ ra phải mời họ dự lễ chánh tế lạc thành an vị, nhưng lễ đó quá dài, quan khách phải đợi chờ thì quá ư bất tiện, do đó cổ lễ phải tiến hành hôm trước, còn hôm sau tổ chức lễ cắt băng khánh thành, quan khách vô dâng hương, mời tiệc rượu, như vậy nhanh gọn mà cũng không kém phần long trọng, thông thường người ta giao cho các cô thiếu nữ xinh đẹp, mặc áo dài lịch sự cầm băng, nhưng nghe nói có ý kiến phản đối vì cho rằng phụ nữ uế tạp không được vô đình, (đến đây hơi thở của ông đã mạnh lên dần):

- Thưa các bác, phụ nữ thời nay bình đẳng với nam, nhiều phụ nữ là quan chức cấp cao trong cơ quan nhà nước, phụ nữ có người đang ngự trị ngôi Vua, gặp Vua từ xa đã phải cung kính cúi chào, phụ nữ có người đang làm Tổng thống, làm Thủ tướng, quyết định được cả việc chiến tranh, hoà bình, bắn phá nhiều ngôi đình nếu cần họ cũng còn ra lệnh được. Ở làng ta, phụ nữ đã đóng góp hơn một nửa số tiền xây dựng ngôi đình, phụ nữ có phải ai khác đâu mà là mẹ, là chị em, là o là dì bà con cô bác của chúng ta, (và đến đây giọng ông đã run lên, từng tiếng như gằn trong cổ họng):
- Thưa các bác, phụ nữ còn là người đẻ các bác để các bác ra làng sao dám cho rằng phụ nữ lại là uế tạp.

Lời ông vừa dứt, không khí nặng nề bao trùm cả rạp, quanh sân đình không gian  hình như lắng lại, mọi người ngước mắt nhìn nhau, chưa ai biết phải bắt đầu trở lại câu chuyện như thế nào, xung quanh đó nhiều phụ nữ dự nghe đã râm ri, xì xào, tôi liếc mắt nhìn bà o họ của tôi nguyên một cán bộ lãnh đạo huyện về hưu, trong khoé mắt bà ánh lên cái nhìn mãn nguyện.
Một chút yên lặng cũng qua đi bởi ý kiến của anh Bí thư, rồi Chủ tịch xã phân tích thêm sự đúng đắn của ông Tú, một vài ý kiến nữa xen vào, nói chung là ủng hộ việc để các cô thiếu nữ cầm băng trong lễ cắt băng khánh thành, cuối cùng ông Quyết lên tiếng:
- Qua các ý kiến vừa rồi, các bác có mặt ở đây ai có ý kiến chi khác không thì cho biết luôn, để sau không hết tiếng.
Chính ông Ất là người lên tiếng trả lời:
- Thưa làng, chừ làng quyết răng thì tui xin nghe rứa.
Cả rạp bỗng dưng vui nhộn hẳn lên, ông Quyết chớp lấy thời cơ và phân công luôn cho những người cộng sự.

Quả thật ông Tú có hơi quá lời, nhưng nghĩ cho cùng ông nói đúng nên chẳng ai phản bác mà còn đồng thanh ủng hộ ý kiến của ông,
Ngẫm chuyện đời, những tàn dư cổ hủ, trọng nam khinh nữ đâu phải đã được gột rửa ở “việc làng”, nhưng những tư tưởng tiến bộ, văn minh cũng không phải không có đất dụng võ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc đã đành, nhưng lồng ghép những tiến bộ văn minh vào sinh hoạt văn hoá cộng đồng là điều mà các hương ước của làng đang hướng tới.
      H.T

(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đèo Hải Vân (03/09/2008)